The Diplomat: Quản trị toàn cầu giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc tế

Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc tầm trung mới nổi và ngày càng có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế.

Cán bộ y tế tiến hành tiêm vaccine người Covid-19 cho cán bộ biên phòng Tây Ninh. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Trang The Diplomat có bài viết cho rằng, sau câu chuyện chống dịch COVID-19 thành công, Việt Nam có vị thế tốt để đóng vai trò năng động hơn trên trường quốc tế và quản trị toàn cầu là “chìa khóa” cho mục tiêu này.

Theo bài viết, Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc tầm trung mới nổi và ngày càng có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế, Việt Nam có khả năng tham gia xây dựng lại hệ thống quản trị toàn cầu đã bị tê liệt do căng thẳng giữa các siêu cường ngày càng gia tăng và sự bùng nổ của đại dịch COVID-19.

Có một số lý do để Việt Nam cần phải đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong quản trị toàn cầu những năm tới.

Thứ nhất, tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động quản trị toàn cầu là phù hợp với các mục tiêu chính sách đối ngoại đã có của Việt Nam.

Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời là đối tác tin cậy của các quốc gia khác.

Việt Nam có thể đạt được lợi ích từ việc chủ động hơn trong quản trị toàn cầu. Như đã đề cập ở trên, hệ thống quản trị toàn cầu hiện tại đã xấu đi do đại dịch COVID-19 và căng thẳng chiến lược ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.

Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam đóng góp vào việc cải cách hệ thống quốc tế. Nhờ phản ứng ấn tượng với đại dịch, Việt Nam đứng thứ hai trong số 98 quốc gia về hiệu quả của các biện pháp chống COVID-19.

Quan trọng hơn, Việt Nam cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với các nước láng giềng và được dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Ở mức độ này, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về quản trị.

Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ảnh. TTXVN

Những thành tựu trên tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào công cuộc quản lý thế giới sau đại dịch. Nếu biết nắm bắt cơ hội này, Việt Nam có thể vừa nâng cao vị thế quốc tế, vừa đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề thế giới.

Thứ hai, chủ động trong quản trị toàn cầu cũng giúp Việt Nam giảm bớt tác động của các thách thức toàn cầu lớn.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy Chính phủ Việt Nam quan tâm sâu sắc đến nhiều thách thức, bao gồm những thách thức đối với an ninh con người, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu và các đại dịch trong tương lai.

Dù đã rất nỗ lực, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng từ những vấn đề trên. Một trong những cách khả thi nhất để Việt Nam chống chọi tốt hơn với những mối đe dọa như vậy là tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quản trị khu vực và toàn cầu.

Nếu chủ động đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội học hỏi thêm từ các nước phát triển khác và nhận được sự hỗ trợ từ họ.

Trong thời gian là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đề xuất chọn ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.

Đây là ví dụ điển hình về cách Việt Nam từng bước đóng góp vào việc phục hồi nền quản trị toàn cầu, đưa Việt Nam thành một “thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế như mục tiêu đặt ra.

Thứ ba, Việt Nam có thể thu được lợi ích kinh tế từ việc tham gia hiệu quả hơn vào quản trị toàn cầu.

Việc Việt Nam sở hữu ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm gần đây là minh chứng cho mong muốn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Để đạt được đầy đủ lợi ích từ các FTA này, điều quan trọng là Việt Nam phải chủ động hơn trong các vấn đề quản trị, cả trong nước và toàn cầu.

Ví dụ, khi tham gia FTA với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam cam kết sẽ giải quyết các vấn đề môi trường để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và hàng hóa của mình đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.

Để tận dụng tối đa lợi ích của hiệp định, Việt Nam cần đồng thời cải thiện quản trị trong nước và chủ động hơn trên phạm vi toàn cầu. Do đó, chủ động trong quản trị trong nước và toàn cầu là yếu tố góp phần định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Quản trị trong nước hiệu quả sẽ giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển của đất nước.

Ở cấp độ toàn cầu, việc trở thành một bên tiên phong sẽ bổ sung cho hoạt động quản trị trong nước của Việt Nam bằng cách nâng cao hình ảnh của đất nước như một đối tác đáng tin cậy.

Chỉ khi thực hiện hiệu quả sứ mệnh hai trọng tâm này, Việt Nam mới có thể trở thành điểm đến đầu tư tốt hơn cho các đối tác toàn cầu. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế.

Lĩnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam nên tham gia vào quản trị toàn cầu là tập trung vào phục hồi sau đại dịch, cả về kinh tế và xã hội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Lĩnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam nên tham gia vào quản trị toàn cầu là tập trung vào phục hồi sau đại dịch, cả về kinh tế và xã hội. Dù Việt Nam đã kiểm soát đại dịch tương đối tốt, song đất nước cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả do COVID-19 gây ra.

Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp kiểm dịch.

Vì vậy, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải tối ưu hóa các nguồn lực, đảm bảo đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường về kinh tế và xã hội

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 3, với kỳ vọng sẽ kiểm soát hoàn toàn đại dịch và nối lại mọi hoạt động kinh tế và xã hội càng sớm càng tốt.

Khi hoàn toàn miễn nhiễm với COVID-19, Việt Nam có thể có các nguồn lực để chủ động trong các hoạt động quản trị, ở cả cấp độ trong nước và toàn cầu.

Tiếp theo, Việt Nam nên duy trì động lực trở thành một bên có trách nhiệm hơn trong các tổ chức quốc tế.  Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn, công cụ không thể thiếu để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Do đó, việc trở thành thành viên tích cực của các tổ chức này có nghĩa là Việt Nam có thể giúp định hình lại hệ thống quản trị hiện đang bị đe dọa theo nhiều cách khác nhau.

Trong những năm gần đây, Việt Nam ghi dấu ấn tốt ở một số tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên hợp quốc (LHQ), qua đó củng cố vị thế quốc tế của đất nước.

Hơn nữa, sự tham gia tích cực của Việt Nam với LHQ, đặc biệt trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, cũng là điều hiển nhiên cho sự nổi lên của Việt Nam.

Nếu có thể phát huy những thành công gần đây, Việt Nam sẽ có năng lực hơn về mặt thể chế, tạo tiền đề cho đất nước đóng góp thực chất hơn vào quản trị toàn cầu.

Với những thành tích đã đạt được cho đến nay, Việt Nam có tiềm năng trở thành nhân tố quan trọng trên trường quốc tế./.

Nguồn: Nguyễn Thúc Anh/TTXVN

https://bnews.vn/the-diplomat-quan-tri-toan-cau-giup-viet-nam-nang-cao-vi-the-quoc-te/191470.html

Tin nổi bật