Tăng cường truyền thông về giảm nghèo bền vững 2016 - 2020

(ICTPress) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Tăng cường công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo cả về mặt hình thức và nội dung tuyên truyền để nhân rộng các gương điển hình đó nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng, hiệu quả trên cả nước. 

Chiều 5/1, Bộ TT&TT, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương  các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã tham dự và phát biểu chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm và các Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Hoàng Vĩnh Bảo đã tham dự Lễ phát động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi

Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo nhằm: Tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí, tạo đồng thuận xã hội đối với công tác giảm nghèo, đẩy mạnh việc thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo. Tập trung tuyên truyền gương điển hình vươn lên thoát nghèo, thực hiện tốt công tác trợ giúp cho người nghèo, phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả để phát huy và nhân rộng;

Ghi nhận, cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, tập thể, cá nhân tích cực tham gia và đóng góp trong công tác tuyên truyền về giảm nghèo; tuyên dương, khen thưởng những tác giả, tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao;

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo. Huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo;

Đề xuất những ý tưởng, giải pháp thiết thực, hiệu quả theo hướng quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn cuộc thi sẽ là một giải pháp, cách làm mới trong tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, sẽ huy động và thu hút được sự tham gia của phóng viên, biên tập viên để tuyên truyền về công tác giảm nghèo; thông qua đó, khơi dậy được ý chí, phát huy tinh thần tự lực của người nghèo, cộng đồng nghèo; tạo sự đồng thuận, trách nhiệm của toàn thể xã hội trong công cuộc giảm nghèo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin- Truyền Thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, tiếp nhận đầy đủ các tác phẩm báo chí tham gia dự thi, hàng năm có sơ kết rút kinh nghiệm, tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo vào cuối năm 2020.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi

Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, nhóm tác giả, các nhà báo và bạn đọc hãy sáng tác những tác phẩm phù hợp với thể lệ cuộc thi và gửi các tác phẩm về Ban Tổ chức, để Ban Tổ chức lựa chọn những tác phẩm có chất lượng để chấm và trao giải.

Bộ trưởng cũng đề nghị chúng ta hãy thực hiện thông điệp “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hãy sáng tác những tác phẩm báo chí chất lượng tuyên truyền góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới, đặc biệt quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với mọi người dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, các tác phẩm tham dự Cuộc thi là các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 -  2020 là các tác phẩm báo chí phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo, cụ thể như sau:

Phản ánh thực trạng, nguyên nhân nghèo đói và những giải pháp trong công tác giảm nghèo; Các quy định pháp luật và việc thực thi pháp luật về giảm nghèo;

Nêu các gương điển hình, sáng kiến, mô hình giảm nghèo mới, cách làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo;

Nêu các gương điển hình trong các Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020 như: Hộ gia đình vượt khó vươn lên thoát nghèo; Phát huy vai trò cộng đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu;

Tập trung hỗ trợ địa bàn nghèo, tăng cường giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, giàu; Đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và công tác giảm nghèo; Cán bộ làm công tác giảm nghèo tận tụy – gương mẫu – trách nhiệm; Đồng hành cùng người nghèo, hướng tới một thế giới không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, các cây viết không chuyên trong toàn quốc có tác phẩm báo chí được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông do Bộ TT&TT cấp phép và phù hợp với Thể lệ cuộc thi.

Các tác phẩm báo chí được tuyển chọn đánh giá qua các tiêu chí: Có tính thời sự cao, Phản ánh chân thực, sinh động các gương điển hình trong công tác giảm nghèo, các phong trào thi đua, các chương trình hợp tác, đồng hành cùng người nghèo, các chương trình phát huy nội lực cộng đồng hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững; Phản ánh tình hình thực tế cuộc sống của người nghèo, cộng đồng nghèo; vướng mắc, bất cập các cơ chế chính sách; các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo có tính thời sự, chính xác, khách quan và có giá trị thông tin cao; Tác phẩm tỏ rõ tinh thần phản biện xã hội lành mạnh, đề xuất được giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ sự bất cập, khó khăn; Nội dung tác phẩm có ảnh hưởng rộng lớn, có sức lan tỏa lâu dài. Các tác phẩm đoạt giải được lấy từ các tác phẩm có điểm cao nhất trở xuống của kết quả chấm chung khảo.

Tác giả không vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và pháp luật khác.

Có 5 loại giải tương ứng với 5 loại hình báo chí (báo hình, báo phát thanh, báo in, báo ảnh, báo điện tử), cụ thể:

Báo hình (phóng sự, phóng sự điều tra có kết luận của cơ quan điều tra, chương trình phỏng vấn, tọa đàm, ký sự truyền hình); Báo phát thanh (bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra có kết luận của cơ quan điều tra, bút ký báo chí); Báo ảnh (ảnh đơn, nhóm ảnh, phóng sự ảnh); Báo điện tử (bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra có kết luận của cơ quan điều tra, bút ký báo chí, phóng sự ảnh ghi nhận về nhân vật vùng đất thay đổi trong quá trình triển khai giảm nghèo); Đối với loại hình báo chí phát thanh, truyền hình, thời lượng mỗi tác phẩm dự thi không quá 60 phút.

Tác phẩm dự thi chưa từng đoạt giải thưởng tại các cuộc thi báo chí cấp quốc gia và không cùng gửi dự thi các giải thưởng báo chí khác. Tác phẩm dự thi được đăng kể từ ngày 11/9 năm trước đến hết ngày 10/9 năm trao giải cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với tác phẩm báo chí loại hình phát thanh, truyền hình gửi kèm băng, đĩa ghi tiếng, hình (CD, VCD, DVD, file âm thanh, hình ảnh) có lời bình in trên giấy A4 (ghi rõ ngày, giờ phát sóng, chương trình, chuyên mục và gửi clip hoặc đường link đã đăng tải. Đối với tác phẩm báo chí loại hình báo viết, báo điện tử gửi kèm bản photo ấn phẩm báo chí và đường link đã đăng tải (ghi rõ tác phẩm ở số trang, số báo, ngày phát hành, địa chỉ đăng tải và tên báo). Tác phẩm tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.

Các cơ quan báo chí lựa chọn tác phẩm báo chí, lập danh sách, xác nhận gửi bài dự thi. Tác phẩm dự thi gửi kèm theo tên thật, bút danh, địa chỉ, số điện thoại, email của tác giả hoặc cơ quan báo chí để thuận tiện liên lạc khi xét giải số lượng bài dự thi tham gia nhiều nhất cho một cơ quan báo chí.

Ban Tổ chức tiếp nhận các tác phẩm dự thi đến hết ngày 10/9 năm trao giải cuộc thi (tính theo dấu Bưu điện).

Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi: Tổ thư ký Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giải nghèo giai đoạn 2016 – 2020 (qua Phòng Truyền thông, Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số 12 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Lễ trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức hằng năm, dự kiến vào ngày 17/10 hàng năm từ năm 2017 - 2019 tại Hà Nội.

Minh Anh

Tin nổi bật