Quản lý báo chí điện tử ở một số quốc gia

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những quy định cụ thể để quản lý thông tin trên báo chí, báo chí điện tử và Internet, thông qua các đạo luật, Hiệp hội báo chí và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Cách thức tiến hành quản lý tuy có khác nhau, nhưng nhìn chung hoạt động báo chí đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Quản lý truyền thông, báo chí điện tử ở Singapore

Ở Singapore, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý truyền thông, báo chí là Bộ Truyền thông và Thông tin (MCI). Báo chí Singapore được sử dụng như một công cụ xây dựng và định hướng sự phát triển của đất nước. Sau khi Singapore tách khỏi Anh (1965), Chính phủ Singapore kiểm soát báo chí gắt gao hơn bởi lo ngại báo chí trở thành một thế lực. Singapore đưa ra nhiều luật và quy định để kiểm soát báo chí (Singapore 1920 Printing Press ACT, Sửa đổi năm 1960; SBC ATC 1979; New Printing Press, Rules 1972...). Hai đạo luật chính liên quan đến hoạt động báo chí là Luật báo in và các ấn phẩm in (NPPA) và Luật phát thanh truyền hình (BA). Về mặt pháp lý, Singapore chủ yếu quản lý báo chí dựa trên hình thức cấp giấy phép hoạt động và đánh giá lại hiệu quả thực hiện hằng năm và hình thức cổ phần sở hữu, với cơ quan chủ quản là Cơ quan Phát triển Truyền thông (MDA) thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin (MCI).

Theo Luật Báo in và các ấn phẩm in, mọi tờ báo, nếu có số in hơn 300 bản và đăng tin bài về chính trị, về các nước Đông Nam Á cần phải được cấp giấy phép để bán hoặc phát hành tại Singapore. Ngoài lý do thương mại, các công ty báo in, phát thanh, truyền hình không được nhận tiền từ nước ngoài. Hóa đơn nhận tiền từ nước ngoài phải được Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin phê chuẩn (với báo in) hoặc Cơ quan Phát triển Truyền thông thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin phê chuẩn (với phát thanh truyền hình). Số tiền này không được phép chi để  mua bán cổ phiếu trong các công ty truyền thông đăng ký trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore. Chính phủ Singapore cho rằng báo chí không định kiến, không lệ thuộc yếu tố “tà - chính” từ nguồn không minh bạch sẽ đưa tin chính xác và khách quan hơn.

Singapore có nhiều hội đồng cố vấn, trong đó có cả người dân bình thường làm thành viên, để giúp xây dựng định hướng nội dung và quyết định những gì cần được kiểm duyệt và những gì được tự do sáng tạo, chấp nhận được. Các nhà báo phải được Chính phủ cấp phép thẻ hành nghề mới được tự do tác nghiệp.

Về quản lý hoạt động Internet, Nhà nước Singapore quy định các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng chịu sự quản lý nội dung của Bộ Truyền thông và Thông tin. Chính sách quản lý nội dung báo chí điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội... trên mạng Internet cũng giống như các loại hình báo chí khác, trong đó quy định  các thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia, sự ổn định đất nước; các thông tin gây ảnh hưởng không tốt đối với Chính phủ, với các dân tộc khác nhau trong nước, đến Malaysia và các nước lân cận...sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong đó cũng cho phép đối tượng vi phạm quy định của Nhà nước về thông tin có cơ hội sửa sai trước khi cơ quan chức năng can thiệp.

Từ ngày 1.6.2013, những trang web tin tức đưa tin định kỳ về Singapore và có số lượng người xem đáng kể sẽ phải đăng ký để được cấp phép hoạt động và tuân thủ hướng dẫn về hoạt động Internet tại Singapore. MDA khẳng định sự bổ sung quy định cấp giấy phép này nằm trong nỗ lực đánh giá định kỳ mọi chính sách liên quan đến mạng Internet nhằm bảo đảm rằng chúng phù hợp với những diễn biến mới nhất của trong lĩnh vực này. Theo đó, “báo chí công dân mạng” sẽ được coi ngang hàng với đồng nghiệp truyền thông chính thống. Đổi lại, họ và các “biên tập viên” sẽ phải chấp nhận những trách nhiệm nghề nghiệp mà nghề báo đòi hỏi. Các nhà cung cấp tin tức truyền thống và trực tuyến cần phải có những tiêu chuẩn chung trong công việc của mình.

Chính phủ Singapore không quan niệm báo chí là quyền lực thứ tư như ở Mỹ hay một số quốc gia khác. Chính phủ Singapore nhấn mạnh vai trò xây dựng đất nước của báo chí cần phải đạt được thông qua đưa tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm. Báo chí cần cẩn trọng khi đưa tin về những vấn đề liên quan đến tính sống còn của đất nước. Báo chí cũng cần khuyến khích công chúng tôn trọng thể chế nhà nước như các cơ quan tư pháp, hành pháp và thi hành pháp luật. Dù có khuôn khổ pháp lý để quản lý báo chí như các quốc gia khác, song Chính phủ Singapore ưu tiên cách tiếp cận ngoài luật pháp. Ví dụ, Chính phủ muốn báo chí hợp tác và hiểu một vấn đề nào đó mà Chính phủ chủ trương làm, Chính phủ sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ định kỳ với báo giới để giải thích, giúp họ hiểu rõ hơn về chúng. Chính phủ trông đợi những chỉ trích mạnh mẽ và ý kiến khác biệt. Nhưng báo chí cũng phải chuẩn bị trước phản hồi từ chính phủ, vì nếu chính phủ im lặng, có thể bị công chúng hiểu sai như một dấu hiệu yếu kém, né tránh và theo thời gian, làm xói mòn niềm tin vào chính phủ.

Theo quan điểm của Chính phủ Singapore, báo chí nước ngoài không được sử dụng phương tiện truyền thông để gây ảnh hưởng tới người dân Singapore về ý tưởng quản lý đất nước hay chính sách của chính phủ. Chỉ người dân Singapore và chính phủ được bầu mới có quyền quyết định hình thức quản lý đất nước cho Singapore. Những ấn phẩm báo chí nước ngoài in và phát hành tại Singapore phải bảo đảm có nội dung phù hợp với các quy định như báo chí trong nước; không được chỉ trích về  mặt đạo đức, sắc tộc hay tôn giáo, hoặc xâm hại đến lợi ích quốc gia của Singapore.

Việc cấm nước ngoài sở hữu truyền thông nước sở tại sẽ giúp ngăn chặn truyền thông nước ngoài thao túng và tác động tới lợi ích quốc gia (1). Singapore là một trong những trung tâm truyền thông chiến lược quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương, được  đánh giá cao, là nguồn thông tin đáng tin cậy trong khu vực. Thăm dò của Viện Gallup năm 2010 cho thấy 69% người dân Singapore tin tưởng vào giới truyền thông nước nhà. Thành công này có được là nhờ chính phủ Singapore đã và đang kiên trì những chính sách tạo dựng và thúc đẩy một tầm nhìn đã được phát động từ năm 2003.

Quản lý truyền thông, báo chí điện tử ở Hàn Quốc và indonesia

Hàn Quốc là đất nước phát triển về Internet và được Freedom House đánh giá mức độ tự do báo chí cao, nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, báo chí của Hàn Quốc vẫn chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Chính phủ. Hầu hết những nội dung được kiểm duyệt đều liên quan đến CHDCND Triều Tiên, thậm chí còn có rất nhiều điều luật được sửa đối chính thức để thắt chặt những quy định này. Điều 5 và 7, Luật An ninh Quốc gia cấm lưu trữ, tái xuất bản các ấn phẩm có ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia. Điều 47, Luật Truyền thông Điện tử quy định việc sản xuất và lưu hành các bài báo sai sự thật là phạm pháp và có thể bị xử phạt 4 năm tù trở lên. Điều 44-47, Network Act cấm việc lưu hành trên mạng các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và gây tổn hại đến người dân, kể cả khi những thông tin này là chính xác (2).

Cũng như nhiều đất nước khác, Chính phủ Indonesia quản lý quản lý báo chí bằng Luật Báo chí và các quy định khác dưới luật. Hiến pháp năm 1945 của Indonesia bảo vệ quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân nhưng không nói rõ quyền hạn này được thực hiện trên thực tế như thế nào. Luật Báo chí sửa đổi của Indonesia năm 1982 đưa ra một số điều “đi ngược lại” với quyền tự do được quy định trong Hiến pháp, ví dụ giới hạn quyền hoạt động của báo chí nước ngoài tại Indonesia.

Rất nhiều điều trong luật quy định tất cả những ai viết, xuất bản, trưng bày các tài liệu tiêu cực, xúi giục hay tạo nên sự căm ghét chính phủ Indonsia, với các nhóm dân tộc trong nước đều bị xử phạt, thậm chí có thể bị phạt tù.

Quản lý báo chí ở một số nước tư bản phát triển

Anh: Các đạo luật về bảo vệ bí mật quốc gia được ban hành vào các năm 1889, 1911, 1920, 1939. Theo luật năm 1911, bức ảnh hoặc bài viết nào về đề tài quân sự có thể bị đối phương sử dụng đều bị coi là phạm tội. Trên thực tế đạo luật này còn được áp dụng vào cả các đề tài liên quan đến quan hệ quốc tế, ngân hàng, hoạt động của chính phủ. Bộ Quốc phòng Anh có ủy ban đặc biệt của lực lượng vũ trang về báo chí và phát thanh. Ủy ban này thường xuyên gửi đến các tòa soạn “những thông báo trước” yêu cầu không được phép công bố những tài liệu bảo vệ bí mật quốc gia hạn chế.

Theo luật về đặc quyền của Nghị viện ở Anh, báo chí không được thông tin về một số hoạt động của Quốc hội. Việc công bố những quyết định của Chính phủ trước khi thông báo cho Quốc hội bị coi là vi phạm đặc quyền này và việc vi phạm đó do Quốc hội xác định.

Cùng với hạn chế quyền công bố thông tin, các đạo luật về bảo vệ an ninh cũng hạn chế quyền nhận thông tin. Ở Anh, đạo luật này hạn chế cả quyền thu nhận và phổ biến thông tin về những vấn đề không liên quan đến an ninh quân sự. Các đạo luật của Anh về thị trường nông nghiệp (năm 1931), về ngân hàng (năm 1946), về thống kê thương mại (năm 1949) cấm các viên chức thông báo những tin tức nhất định cho báo chí.

Mỹ: Quốc hội Mỹ có tiểu ban về thông tin của Hạ viện để phân tích và kiểm tra các thông tin trên báo chí trong thời gian có các cuộc khủng hoảng. Ủy ban liên bang về thông tin của Mỹ có chức năng không chỉ thuần túy điều phối về kỹ thuật. Nó được quyền ba năm một lần cấp giấy phép hoạt động cho các đài phát thanh và truyền hình dựa trên những đánh giá về hoạt động của các đài này.

Theo Hiến pháp nước Mỹ, Chính phủ không nắm hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng mà giao cho tư nhân để bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy nhiên, các nhà báo hoạt động nghề nghiệp phải tuân theo Quy tắc Báo chí (do Hội các Chủ bút nước Mỹ quy định) và Quy tắc về Vô tuyến truyền hình (thông qua từ ngày 9-6-1958). Quy tắc Báo chí Mỹ thể hiện “lý thuyết trách nhiệm xã hội của báo chí” gồm 7 yêu cầu hoạt động nghề nghiệp là: (1)Trách nhiệm; (2) Tự do báo chí;(3) Sự độc lập; (4) Lòng thành, sự xác thực, đúng đắn; (5) Sự vô tư; (6) Bảo đảm tôn trọng thanh danh; (7) Giữ thuần phong mỹ tục.

Nhật Bản: Chính phủ Nhật Bản không có cơ quan chức năng quản lý báo chí nhưng Hiệp hội báo chí Nhật Bản về phương diện nghề nghiệp lại phát huy chức năng giám sát. Hội đồng báo chí quốc gia gồm 6 thành viên là những nhà báo uy tín có vai trò uốn nắn, rút kinh nghiệm nếu có tờ báo hay nhà báo nào vi phạm đạo đức nghề báo. Danh dự nhà báo là do chính nhà báo tự chịu trách nhiệm, nếu bị kiện mà nhà báo thấy mình sai thì phải “tự xử”, tức là viết bài xin lỗi trên mặt báo, nghiêm trọng hơn thì từ chức hoặc chuyển nghề. Một trong những yêu cầu hàng đầu của phóng viên báo chí Nhật Bản là phải tôn trọng sự thật khách quan, nếu ai bịa tin giả có thể bị phạt, thậm chí còn bị tòa báo đuổi việc.

Thụy Điển: Các tổ chức báo chí thỏa thuận với nhau về các nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp nhằm đạt một trong những mục đích là giảm đến mức tối thiểu nhu cầu phải viện đến luật pháp. Bản Quy ước đạo đức nhà báo đã được Câu lạc bộ Các nhà báo thông qua lần đầu tiên năm 1923 và Bản Quy ước hiện nay được thông qua năm 1997. Bản Quy ước này gồm các phần: quy ước đạo đức đối với báo chí, phát thanh truyền hình; các quy định về phổ biến thông tin (cung cấp thông tin chính xác, đo lường trước việc phản bác, tôn trọng chuyện riêng tư của cá nhân, thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh, lắng nghe từng bên, thận trọng khi đăng tải tên tuổi, địa chỉ người có liên quan). Bản Quy ước nhằm duy trì những tiêu chuẩn đạo đức cao cả nói chung, đặc biệt nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của cá nhân chống lại việc xâm phạm vào đời sống riêng tư, bôi nhọ hoặc tuyên truyền gây tổn thương. Một phần đặc biệt dành để chống việc quảng cáo trên báo và những tác động thái quá từ bên ngoài nhằm đánh lừa độc giả. Có một ủy ban đặc biệt theo dõi loại hành động phi pháp này.

Văn phòng Thanh tra báo chí đại chúng của Thụy Điển (PO) giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức. Những đơn khiếu nại được chuyển đến Thanh tra Báo chí, là nơi có quyền hành động theo quyết định riêng của mình. PO có thể bác bỏ một đơn khiếu nại nếu xét thấy không có căn cứ hoặc nếu tờ báo đồng ý đăng lời hủy bỏ hoặc cải chính mà được người khiếu nại chấp nhận. Khi PO xét thấy lời kêu ca phàn nàn có tính chất nghiêm trọng thì chuyển đơn khiếu nại  này đến Hội đồng Báo chí; Hội đồng sẽ ra tuyên bố miễn khiển trách hoặc khiển trách tờ báo. Tuyên bố khiển trách của Hội đồng được đăng trên tờ báo có liên quan và trên các tập san chuyên ngành của báo chí. Ngoài việc đăng ý kiến khiển trách, tờ báo phạm lỗi còn phải trả một khoản phí. Hội đồng gồm sáu thành viên, hai vị đại diện cho công chúng nói chung, ba vị do các tổ chức báo chí cử, còn vị thứ sáu là chủ tịch hội đồng có lá phiếu quyết định. Đến nay, vị này thường là một thành viên của Tòa án tối cao.

Hội đồng Báo chí, Thanh tra Báo chí và Bản Quy ước tạo thành một hệ thống hoàn toàn tự nguyện, phi chính phủ và do giới báo chí quy định và đài thọ.

----------------------------

(1). Press law anh systems in Asean States (1985), của Abdul Razak, Nxb Confederation of Asean Journalist Publication. 

(2) Country Under Surveillance: South Korea, của Reporters Without Borders, đăng trên website của Reporters Without Borders.

ThS. Doãn Thị Thuận

(Vụ trưởng, Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương)

Nguồn: nguoilambao.vn

Tin nổi bật