Phóng viên Kiên Trung: Cái “hay” của đề tài chỉ quyết định 30% cái “hay” của bài viết!

Kiên Trung giống như con dao pha, được phân công viết lách ở mảng nào cũng thấy… hợp, viết say sưa, từ văn hóa tới phóng sự, điều tra, xã hội… Tuy nhiên, Kiên Trung quan niệm người viết báo, không có sự phân định ở các thể loại, mà thể loại nào cũng có tính báo chí, nên thể loại nào cũng có thể làm được.

Muốn “xem” sự thích nghi của bản thân

+ Việc được phân công viết ở nhiều mảng, thể loại có bao giờ làm khó anh trong chuyện khai thác đề tài, cách viết hay không?

- Hơn chục năm làm báo, từ những năm đầu thập niên 2000 đến nay, nói là mình đã làm nhiều mảng cũng đúng, từ văn hóa, phóng sự, điều tra, xã hội, kinh tế, pháp đình… Có thời điểm, từ Ban Xã hội của Báo VietNamNet, cơ quan phân công làm việc ở Ban Văn hóa một thời gian không ngắn cũng không dài. Đấy là sự phân công của cơ quan, tổ chức, tuy nhiên, sự phong phú của các thể loại mà mình đã từng qua, mình nghĩ, quan trọng nhất là mình muốn xem sự thích nghi của bản thân như thế nào, liệu ngòi bút của mình có đa dạng, linh hoạt hay không. Còn một lý do khác, làm nghề báo, tôi không nghĩ có sự phân định rạch ròi trong các thể loại. Lĩnh vực mình được cơ quan phân công, mình có trách nhiệm ở lĩnh vực đó nên chắc chắn phải viết nhiều hơn. Còn người viết báo, không có sự phân định ở các thể loại, mà thể loại nào cũng có tính báo chí, cũng có thể làm được.

+ Nhưng liệu anh có để ý đến thế mạnh của mình ở thể loại, mảng đề tài nào?

- Như suy nghĩ của mình về thông tin, người làm báo là người phải có khả năng xử lý tất cả thông tin, dù nó ở thể loại nào. Còn về thế mạnh, mình vẫn làm sâu, làm nhiều về thể loại phóng sự và phóng sự điều tra, phản ánh các vụ việc thời sự, các vấn đề nóng của xã hội. Mỗi cái có một cái hay riêng, nó tạo cho mình động lực. Ví như, viết phóng sự xã hội, lang thang vùng này vùng khác, vừa khám phá để cho mình những trải nghiệm, từ đó mở rộng lăng kính cho mình, sau đó, có sự rung cảm, chia sẻ… để truyền những cảm xúc đó sang người đọc qua tác phẩm. Còn điều tra, đó là cảm giác của một người thích khám phá, phải làm xiếc trên một sợi dây, nó cho mình sự tỉnh táo, tập trung, lạnh lùng khi kiếm tìm sự thật.

Nếu gọi cái mình thích làm và làm nhiều là thế mạnh, sở trường, thì tôi sẽ nói, thế mạnh của tôi là ở thể loại điều tra, phóng sự và thời sự.

Cái hay của đề tài quyết định 30% hay 50% sự thành công của bài báo?

+ Khi chọn đề tài, anh quan tâm tới sự tác động tới đông đảo bạn đọc (thay đổi quan niệm, nhận thức về vấn đề hay) hay đề tài lạ lẫm?

– Thông tin báo chí là để hướng tới người đọc. Quan niệm, nhận thức xã hội của bạn đọc có thay đổi hay không, và thay đổi như thế nào khi tiếp nhận thông tin đó, là quyền và phụ thuộc vào mỗi cá nhân tiếp nhận. Còn mong muốn của người làm báo, đấy là chia sẻ và mong muốn xã hội tốt hơn. Một hiện tượng tiêu cực được phản ánh trong bài điều tra, tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, xử lý để “nhặt sâu” cho xã hội. Một bài phóng sự xã hội, cái hay của đề tài quyết định 50% sự thành công của bài báo, và đương nhiên, con người có tính hiếu kỳ, tò mò, họ sẽ thích đọc những bài viết về một hiện tượng lạ như thế.

Sản phẩm báo chí của mình được đông đảo bạn đọc biết đến, đó là niềm hạnh phúc của người làm báo. Mình cũng không ngoại lệ. Đó là sự khích lệ lớn để mình có thêm nhiệt huyết, để không bao giờ có sự ái ngại khi vác ba lô lên đường…

+ Thế có khi nào vấn đề mà anh đề cập tác động ngược lại với mình, khiến mình thay đổi nhận định, hay định kiến trước đó không?

- Cái này đương nhiên có, bởi lẽ, trước khi là người viết báo, mình cũng là một độc giả. Không ai được phép nghĩ mình toàn diện và hoàn thiện, cái gì cũng biết, cũng hiểu, cũng làm được. Để viết được sản phẩm báo chí, tôi phải mất công sức, thời gian… để tìm hiểu, nghiên cứu về cái mình muốn biết. Khi biết rồi mới bắt tay vào viết được. Chính lĩnh vực mà mình viết, cũng sẽ thay đổi tư duy nhận thức của chính mình.

Năm 2007, tôi lên bản Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai) để viết bài về một nhóm người dân tộc Dao đỏ bản địa, họ thành lập công ty sản xuất nước tắm từ bài thuốc tắm cây rừng do ông bà, tổ tiên để lại. Trước khi vào, tôi chỉ nghĩ một điều, chuyện này liên quan đến làm ăn kinh tế, thì chắc chắn vấn đề lợi nhuận của họ đặt lên hàng đầu, vì từ trước đến giờ, có quá nhiều sản phẩm mang tên “đặc sản vùng miền” bị thương mại hóa, bị lợi dụng để người ta kiếm lời. Cơ chế thị trường khiến con người ta phải cạnh tranh và nghĩ ra thủ đoạn để làm giàu… Thế nhưng, khi tiếp xúc với những người dân tộc, hiểu suy nghĩ của họ, thấy cách làm của họ, thấy cơ sở vật chất để làm doanh nghiệp của họ, tôi thấy mình đã “vơ đũa cả nắm”, bởi không phải ai cũng có “dã tâm” như thế. Những người Dao đỏ ở bản Tả Phìn, họ muốn giữ lại bài thuốc quý báu của cha ông, muốn tài sản “phi hiện vật” mà ông bà của họ để lại cho họ, sẽ là “của hồi môn” để người Dao bản Tả Phìn có thể làm giàu, đủ lo cho cuộc sống của mình, không để Nhà nước phải lo lắng cho mình… Một kỷ niệm nho nhỏ ấy, tôi thấy chính mình cũng đã phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ. Đương nhiên, những năm làm nghề tiếp sau đó, tôi cũng đã thấy mình “khôn” hơn rồi.

+ Với phóng sự, anh nhận định đề tài quyết định tới 50% thành công của bài viết. Vậy, ở các thể loại báo chí khác, mỗi bài báo hay có phụ thuộc quá nhiều vào đề tài không hay do cách khai thác và nhìn nhận của phóng viên?

- Xin trả lời luôn, đó là do cách khai thác của phóng viên. Cái “hay” của đề tài chỉ quyết định 30% cái “hay” của bài viết. Giống như, cho anh một bát bột mì chất lượng, không phải ai cũng làm được cái bánh mì ngon. Có chiếc bánh bị cháy, bị sống, có chiếc thơm, ngon… Đấy là do bàn tay nhào nặn của mỗi người.

Viết báo cũng như vậy. Những vụ việc như thiên tai, cháy nổ, sạt hầm lở núi, lật xe, cháy tòa tháp đôi của EVN… ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng trăm con người, báo chí cùng đổ xô đưa tin, thì đương nhiên, đó là việc phản ánh thời sự từng giây từng phút, để người đọc biết được những gì đang diễn biến hệt như họ đang có mặt. Đó là yêu cầu của thể loại thời sự tường thuật.

Những đề tài lạ, hấp dẫn như con baba khổng lồ 46kg ở Tây Bắc, chuyện những dị nhân, cầm hoa dị thảo… sẽ chỉ khơi gợi sự tò mò của độc giả. Khi họ hết tò mò, thì câu chuyện đó cũng chỉ thành chuyện buôn dưa lê ở quán trà đá vỉa hè mà thôi.

Thế nhưng, những câu chuyện tưởng như chả có gì đáng làm, và có làm cũng không phải ai cũng viết được, như tâm tư của một thiếu nữ người dân tộc đang ở tuổi lớn, tuổi yêu, cô ấy nhìn cuộc sống như thế nào, cách nhìn nhận của cô ấy so với một thiếu nữ dưới thành phố có gì khác biệt… Nếu viết được, lột tả được, thì bạn sẽ có một bài viết cực hay. Bạn đọc sẽ chia sẻ với bạn, sẽ tri kỷ với chính nhân vật bạn viết và tri kỷ với người viết. Đó là tính nhân văn của một tác phẩm báo chí.

Khoảng lặng… luôn cần thiết

+ Cường độ làm việc cao, viết quá nhiều như thế, có khi nào anh bị rơi vào khoảng lặng… viết ít, rất ít không?

Có, đến mức mình thấy, hình như nó là quy luật. Một cái cây ra hoa kết trái còn theo mùa, hết một mùa nó phải nghỉ, đến mùa sau mới có hoa thơm trái ngọt. Nếu không có những khoảng lặng, chắc chắn mình thành “gà siêu trứng” quá. Khoảng lặng ấy rất cần thiết. Nó cho mình nhìn lại mình, cái gì còn thiếu, cái gì còn yếu, cái gì được và chưa được. Nếu cứ cắm đầu chạy một mạch, thì sẽ không biết chuyện gì đang xảy ra hai bên đường…

Tuy nhiên, đừng có “lặng” lâu quá. Nếu “lặng” quá giới hạn cho phép, chắc chắn khi trở lại, tự mình sẽ xuất hiện sự mệt mỏi, phản ứng với thông tin cũng chậm hơn, thiếu chính xác hơn.

+ Xin cảm ơn anh!

Nguồn: Hằng Nga (Thực hiện)/congluan.vn

Tin nổi bật