Nhà báo Việt kiều tâm huyết với biển đảo quê hương

Trước khi chia tay nhau, anh đã mang chiếc áo phao đi xin chữ ký từng người trên tàu: “Tôi sẽ mang chiếc áo phao này về trưng bày cho những người Việt ở nước ngoài hiểu Việt Nam giữ gìn chủ quyền biển đảo thế nào".

Gặp Etcetera Nguyen trên tàu CSB 2013, trên đường ra thực địa vùng biển Hoàng Sa, tôi có ấn tượng đặc biệt với anh. Khá nổi bật nhưng lại rất gần gũi với anh em phóng viên và cảnh sát biển trên tàu, với búi tóc dài buộc củ hành phía sau, với bộ quần áo nâu giản dị, anh có dáng vẻ của người Việt Nam xưa cũ. .
 
Trong huyết quản anh là dòng máu đỏ, da vàng, là con Lạc cháu Hồng, nhưng anh là một nhà báo Mỹ, một người mang quốc tịch Mỹ, là Tổng thư ký một tờ báo trên đất Mỹ với tên gọi Việt Weekly (Tuần báo Người Việt) tại Nam California. 
 
Bấy lâu nay, nghe thông tin từ những người bạn có dịp học tập, làm việc tại Mỹ, tôi lờ mờ hiểu ra rằng ở nơi anh ở (California) vẫn có những thế lực muốn chống phá Việt Nam, vẫn hàng ngày tuyên truyền sai sự thật về công cuộc bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước Việt Nam. 
 
Gặp được anh trên tàu cảnh sát biển ngay tại thực địa Hoàng Sa, đúng vào ngày cả nước đang sục sôi lòng yêu nước phản ứng trước hành động ngang ngược của Trung Quốc đúng như một cơ duyên.
 
Rời bỏ đất nước bằng con đường vượt biên trái phép, anh Etcetera Nguyen (tên tiếng Việt là Nguyễn Quang Trường) hòa vào kiều bào Việt Nam ở California. Xã hội thời đó coi vượt biên trái phép là một cái gì đó rất đáng kỳ thị. Họ coi những người vượt biên trái phép là rời bỏ đội ngũ khi đất nước khó khăn, thậm chí là “phản bội”. 
 
Khi hòa vào dòng người xa xứ sau chiến tranh, những thông tin về đất nước nhòa dần, bị nhường chỗ cho thông tin sai sự thật, anh đã dám đứng lên cùng tờ báo Việt Weekly nói tiếng nói khách quan nhất, không lệ thuộc vào quan điểm của bên nào. Và chính anh đã 2 lần tham gia đoàn thăm quần đảo Trường Sa để được nhìn thấy sự thật bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
 
Anh kể, đây là lần thứ 3, anh ra tận nơi tiền tiêu của Tổ quốc trên Biển Đông. Lần thứ nhất, anh đến Trường Sa vào năm 2012, mới đây thôi tháng 4/2014, anh lại tiếp tục ra Trường Sa (từ 16-27/4) cùng đoàn kiều bào do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Khi trở về Hà Nội chưa đầy một tháng anh lại tiếp tục tham gia cùng đoàn nhà báo quốc tế và nhà báo Việt Nam lên đường ra Hoàng Sa.
 
 
Anh chia sẻ về chuyến đi đầu tiên của mình: “Đây là chuyến đi đầu tiên tôi được tham gia (năm 2012) cùng với kiều bào. Đối với kiều bào họ rất ít thông tin về biển đảo. Khi chúng tôi được tận mắt chứng kiến các hòn đảo ở Trường Sa, ghi lại hình ảnh sống động tại những hòn đảo đó, những quan điểm trước đây đã thay đổi. Với những người Việt kiều thì đó là sự ngỡ ngàng”.
 
Khi được hỏi, anh có suy nghĩ gì khi được tận mắt chứng kiến việc quân dân Việt Nam giữ đảo, anh tâm sự: “Với nhà báo như chúng tôi, sự kiện và sự thật là quan trọng. Chúng tôi không nhất thiết phải nghe bên này, bên kia nói. Khi ra Trường Sa, chúng tôi đã ghi được nhiều hình ảnh và video clip. Chúng tôi đã trình bày đầy đủ trên mặt báo của mình, đó là bằng chứng rất cụ thể, không có gì rõ ràng hơn. Những hòn đảo đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam”.
 
Ngừng một lát, anh kể tiếp: “Chuyến đi mới đây nhất của tôi là chuyến đi trong khuôn khổ mời Việt kiều ra thăm đảo. Đặc biệt chuyến đi này, Bộ Ngoại giao đã mời được nhiều đại biểu Việt kiều từ châu Âu, châu Mỹ, Úc, Canada.. là những đại biểu có quan niệm chính trị rất khác biệt đối với Nhà nước Việt Nam. 
 
Nhưng trong chuyến đi này, tôi đã trao đổi với họ và thấy rằng nhận thức của họ đã thay đổi hoàn toàn sau chuyến đi. Họ rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh kiên cường của các chiến sĩ bảo vệ biển đảo quê hương. Chuyến đi đó đã khiến cho họ thay đổi nhận thức về Việt Nam. Họ sẽ là nhân chứng sống cho vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển”.
 
Trước khi chia tay nhau để đi đến các tàu Cảnh sát biển khác, anh đã mang chiếc áo phao đi xin chữ ký từng người trên tàu. Anh nói: “Tôi sẽ mang chiếc áo phao này về trưng bày cho những người Việt ở nước ngoài hiểu Việt Nam giữ gìn chủ quyền biển đảo như thế nào”.
 
Cuộc trò chuyện của chúng tôi ngay trước ngày đầu tiên tiếp cận thực địa, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Những thông tin về thực địa, chúng tôi chưa được tiếp cận trực tiếp. 
 
Nhưng khi kết thúc chuyến đi vào ngày 31/5, nhà báo Etcetera Nguyen đã viết những dòng suy nghĩ của mình như sau: “Chúng tôi tin rằng, người Việt khắp nơi, dù có khác biệt chính kiến, cũng sẽ được thuyết phục bởi chính sự tận tụy, hy sinh của các anh lính biển đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Các anh đã và đang làm nên một tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc chống lại các thế lực ngoại xâm. Yêu quý sự bình yên đang thừa hưởng ở đất liền, chúng ta cũng nên biết ơn các chiến sĩ ở đảo xa. Hãy cùng nhau làm bất cứ điều gì đó để dư luận thế giới ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, để vùng Biển Đông không còn nổi sóng, để các chiến sĩ ta sớm trở về với gia đình, với người thân”.
 
Hồng Chuyên
(Theo Infonet)


Tin nổi bật