Nên áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất đối với báo chí

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có một điểm mới là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đây cũng là những vấn đề được bàn thảo nhiều tại buổi góp ý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 12/10.

Tại buổi góp ý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi này, ông Lê Thái Hỷ- Giám đốc Sở Thông tin- truyền thông TP.HCM- cho rằng,TP.HCM là một thành phố đặc thù, là trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ với khoảng 10 triệu dân nên cần phải có cơ chế riêng chứ không thể giống như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, do đó TP.HCM nên có cơ chế riêng về hoạt động báo chí.

Ông Hỷ cũng cho rằng về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, đề nghị dự thảo cần bổ sung, làm rõ “quyền tự do báo chí của công dân”, không nên nhầm lẫn “quyền tự do ngôn luận trên báo chí” và “quyền tự do báo chí” của công dân là một.

Còn theo LS Nguyễn Văn Hậu, Hiến pháp 2013 đã quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Và mặc dù, dự thảo xây dựng một chương riêng quy định về tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là cần thiết phù hợp nhưng không phù hợp với tinh thần như Hiến pháp đã quy định vì đã phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì chỉ dành cho công dân. Do vậy, không thấy quy định thế nào là quyền tự do báo chí của công dân tại dự thảo nhưng lại quy định cơ quan báo chí bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân. Điều này sẽ tạo ra sự mâu thuẫn, thiếu sót trong quy định pháp luật.

Góp ý dự án Luật báo chí sửa đổi. Ảnh: Lao động

Vấn đề quản lý “trang tin điện tử” cũng được đề cập nhiều. Theo một số đại biểu đến từ các tờ báo thì thời gian qua, do cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý loại hình này nên các tổ chức báo chí khác khá bức xúc với các trang thông tin điện tử về một số vấn đề, trong đó nổi cộm là vấn đề bản quyền.

Ông Hỷ cho rằng so sánh giữa đề án quy hoạch báo chí với dự thảo Luật Báo chí thì một số điều còn vênh, bởi dự thảo Luật Báo chí có quy định về các trang tin điện tử, còn đề án quy hoạch báo chí thì không đề cập các trang tin. Ông Hỷ kiến nghị không nên đưa các trang tin điện tử vào luật vì riêng hoạt động báo chí không đã quá phức tạp.

Cũng đề cập vấn đề này, ông Đỗ Văn Dũng – Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – nêu kiến nghị làm sao để vấn đề quy hoạch báo chí làm cho báo chí phát triển hơn.

Về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, dự thảo luật mới nêu ở khía cạnh các cơ quan báo chí nếu sai phạm sẽ bị các hình thức xử lý theo luật định, tuy nhiên ông Hỷ cho rằng vẫn chưa có việc xử lý các tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp. Do đó, đề nghị luật bổ sung là nếu tổ chức cá nhân cản trở các hoạt động báo chí thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần áp dụng một chế độ thuế ưu đãi cao nhất về thuế theo quy định đối với hoạt động báo chí. Từ đó tạo tiền đề để lực lượng báo chí thật sự mạnh, để đủ sức làm nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển báo chí, ông Phạm Chánh Trực – nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM – cho rằng Luật báo chí kỳ này phải quy định làm sao để báo chí phát triển hơn trong thời kỳ hội nhập như quy định của Hiến pháp chứ Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động báo chí.

Nguồn: Nguyễn Tuyết (Tổng hợp)/congluan.vn

Tin nổi bật