Làm gì để báo chí điện tử theo kịp thời đại?

Đầu tháng 6 vừa qua, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí đã mời một số nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo lão thành, giảng viên khoa báo chí các trường đại học và một số báo điện tử như VnExpess, Dân trí, PetroTimes… tham dự một cuộc tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản lý báo chí điện tử trong giai đoạn hiện nay”, tìm giải pháp xây dựng và phát triển loại hình báo chí đặc biệt này.

Với xu thế phát triển của mạng Internet, báo chí điện tử ngày nay bằng sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ số đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một kênh thông tin cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của báo chí Việt Nam.

Một vấn đề lớn đã được đặt ra: Chúng ta sẽ đi về đâu, dự báo xu hướng tương lai của báo chí như thế nào? Cần chuẩn bị những gì để báo chí điện tử trong môi trường truyền thông số hạn chế được mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông tin của dân chúng, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí được đề ra?

Trách nhiệm trả lời thuộc về những người làm báo và các cơ quan quản lý báo chí.

Trước hết nói về bức tranh hiện thực ngày nay, theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu, đã xuất hiện và tồn tại một khái niệm mới là “báo chí công dân”, xóa nhòa ranh giới với báo chí chuyên nghiệp để trao cơ hội thông tin ngang bằng cho tất cả mọi người. Thói quen của người đọc đã thay đổi mạnh mẽ, từ báo in sang báo điện tử trên máy tính cá nhân và nay sang máy tính bảng, điện thoại thông minh theo xu hướng tiếp cận đa kênh. Từ mục tiêu đọc báo tổng hợp (báo in) đến đọc theo mục đích (điện tử) rồi lại quay về đọc các trang thông tin tổng hợp (trên smart phone). Số lượng người đọc cũng tăng cao và bao phủ đến cả những tầng lớp nghèo mà trước đây không có điều kiện đọc báo.

Mạng thông tin xã hội lên ngôi, chiếm diễn đàn, giành thị phần, chiếm bạn đọc của báo chí chính thống. Một “đội ngũ hùng hậu” các trang thông tin điện tử đưa tin nhanh, không do dự, nhưng đồng thời cũng thiếu cân nhắc lợi ích đối với xã hội, không thẩm định kỹ các giá trị văn hóa, tư tưởng hay chính trị, làm ảnh hưởng đến các giá trị tinh thần của dân tộc, của cộng đồng. Thực tế cho thấy, song hành với báo chí điện tử chính thống là các trang thông tin điện tử tổng hợp không được quản lý dẫn đến nạn sao chép và ăn cắp thông tin của nhau nổi lên trắng trợn, hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và bỏ qua lòng tự trọng cũng như đạo đức nghề nghiệp mà không bị xử lý thích đáng.

Vai trò cầu nối duy nhất của báo chí trước đây, nay không còn nữa bởi Internet đã cung cấp cho mọi người dân những phương tiện xuất bản rất đơn giản như blog, các trang mạng xã hội và các trang thông tin chuyên biệt đáp ứng các mục đích sử dụng thông tin cụ thể. Độc giả có thể tự kết nối với các chuyên gia, với các mảng kiến thức mà họ cần biết. Báo chí điện tử ngày nay đã trở thành “siêu thị” của các mục đích sử dụng. Một số kênh thông tin trên mạng chỉ căn cứ vào thuật toán để phân phối mà không cần quan tâm đến uy tín, chất lượng thông tin nên đã tác động rất mạnh đến các tờ báo chính thống, nghiêm túc.

Đó là thách thức rất lớn đối với phương pháp tác nghiệp của phóng viên, đòi hỏi thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động cũng như quy trình sản xuất nội dung của các tòa soạn.

Được biết, hiện nay hệ thống các văn bản về quản lý nội dung thông tin điện tử trên Internet vẫn chưa đồng bộ, thiếu các quy định cụ thể để phân định rõ ràng, chính xác các hành vi vi phạm pháp luật, nhiều khung khổ đã lỗi thời, bất cập; cơ quan quản lý thì ứng xử lúng túng, xây dựng quy định, chính sách chưa theo kịp với tốc độ phát triển, sự thay đổi của truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí chậm đổi mới, không giữ vững tôn chỉ mục đích ban đầu, chạy đua thông tin, lôi kéo bạn đọc bằng nhiều hình thức phản cảm.

Trong khi xu thế thời đại là tích hợp đa kỹ năng và tích hợp công nghệ thì nội dung và chương trình đào tạo nghiệp vụ báo chí hiện vẫn lạc hậu, là con số cộng thuần túy, mỗi chuyên ngành một mảng, báo in, ảnh, phát thanh, truyền hình, báo mạng đều riêng. Để phát triển báo chí đa phương tiện, các cơ sở đào tạo cần phải có nền tảng kỹ thuật công nghệ số, có môi trường để tác nghiệp, thực hành.

Trước thực trạng đó, tại diễn đàn này, những đòi hỏi khách quan được đưa ra như: Các cơ quan báo chí cần xây dựng các chuẩn đầu ra cho báo chí điện tử và đăng ký với các nhà quản lý. Đề cao vai trò xác tín thông tin của các báo, bằng nghiệp vụ của mình phải khẳng định được độ tin cậy của thông tin so với các trang mạng xã hội; điều này sẽ kéo độc giả về với báo chí chính thống. Cần chú ý, đánh giá trong tổng thể ngữ cảnh, tương tác và hiệu ứng của các thông tin Internet để quản lý và điều tiết nội dung chính thống trên báo chí điện tử.

Đối với các nhà quản lý, đòi hỏi phải có những kỹ năng mới, được đầu tư trang bị công nghệ mới để có thể nhanh chóng phân tích dữ liệu, kịp thời đưa ra các quyết định quản lý, điều hành. Cần bổ sung cách quản lý mới, xây dựng một mô hình kết nối mới, phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời trước các thông tin sai trái, tiêu cực trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần chủ động đưa thông tin chính thống đi trước để định hướng đúng cho dư luận.

Mặt khác, nên phân tầng các loại hình báo chí để có chủ trương hỗ trợ, bảo đảm tài chính cho hoạt động của những tờ báo thuộc hệ thống thông tin thời sự chính trị thiết yếu thực hiện các chủ trương tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Tăng cường quản lý nhà nước đối với báo chí, truyền thông và mạng xã hội để thiết lập lại một trật tự thông tin và khuyến khích phát triển trên cơ sở đó. Cần sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng Internet để biết cách sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần phải linh hoạt, sử dụng những công cụ “mềm” hơn, những công cụ phi chính trị để tạo ra những rào cản chính trị, hạn chế ảnh hưởng của báo chí ngoài luồng với những thông tin trái chiều, tiêu cực, chống phá đất nước. Không nên khoanh vùng mà nên mở rộng nội dung thông tin cho báo chí điện tử ra nhiều lĩnh vực để có thể tiếp cận, tương tác nhiều hơn với nhu cầu của bạn đọc, song vẫn cần đầu tư nội dung chuyên biệt cho những độc giả trung thành.

Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để tìm giải pháp quản lý và phát triển báo chí điện tử là việc làm rất sáng suốt và cần thiết. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần mở rộng đối tượng tham vấn khảo sát hơn nữa, bao gồm tất cả những đối tượng liên quan như các nhà quản lý, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ, các tòa soạn báo, nhà báo, phóng viên, nhà quản lý mạng, chuyên gia công nghệ… để nắm bắt toàn diện và có được đánh giá chính xác về thực trạng và xu thế của báo chí ngày nay. Từ đó điều chỉnh các cơ chế pháp lý, quản lý cho phù hợp, hiệu quả nhất; vừa phát huy được vai trò của truyền thông chính thống, hạn chế mặt trái của truyền thông xã hội, vừa đáp ứng được nhu cầu thông tin của dân chúng, tiên liệu được xu hướng để khuyến khích báo chí điện tử phát triển theo thời đại.

Nguồn: Tiến Dũng/petrotimes.vn

Tin nổi bật