"Kỹ nghệ chế biến món ăn" của phóng viên nghị trường

Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII - kỳ họp dài nhất với 33 ngày làm việc - vừa khép lại. Với phóng viên theo dõi nghị trường, nhắc đến chuyện bếp núc, họ có hàng tá chuyện để nói nhưng vấn đề áp lực công việc luôn là điều được nhắc đến đầu tiên.

Câu chuyện thủy điện làm nóng hành lang nghị trường, khi cánh phóng viên "quây" Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để hỏi tình hình, ngay sau khi ông vừa thị sát rốn lũ miền Trung trở về.Ảnh: Lê Anh Dũng

Độc giả là trọng tài

Vì áp lực và tầm quan trọng của công việc nên các phóng viên theo dõi nghị trường cứ đùa rằng: nếu coi việc đưa thông tin Quốc hội là một võ đài, thì các phóng viên nghị trường là các võ sĩ. Trên võ đài ấy, họ phải thi đấu với nhau, không có kẻ thắng người thua, nhưng sẽ thể hiện được đẳng cấp cao thấp. Trên võ đài ấy, tất cả mọi sự kiện đều đã có sẵn, trình độ, sự sắc sảo của các phóng viên được thể hiện qua các bài viết trên mặt báo và độc giả chính là trọng tài.

Là trọng tài nên bạn đọc thường đòi hỏi rất cao ở các kỳ Quốc hội. Là người theo dõi nghị trường nhiều năm, Nhà báo Nghĩa Nhân – báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tâm sự: Áp lực đầu tiên chính là việc đảm bảo tính thời sự của các sự kiện. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, cuộc đua thông tin giữa các phóng viên theo dõi Quốc hội không phải là theo giờ, mà theo phút, thậm chí tính bằng giây. Phóng viên theo dõi thời sự Quốc hội tuy được tiếp cận với nguồn thông tin vô cùng phong phú, nhưng lại gặp áp lực về chuyện chất lượng bài vở. Các phóng viên nghị trường thường làm việc theo nhóm với bộ câu hỏi phỏng vấn cơ bản nhất, chỉ cần có mic, ghi âm là đã hoàn thành công việc và sản phẩm gần như là của chung. Thế nên không khó phát hiện ra, trên các tờ báo thông tin cứ na ná nhau. Điều quan trọng để làm nên những bài viết sắc sảo theo tôi chính là ở các bài bình luận. Tôi thấy báo chí quốc hội hiện nay hơi ít bài bình luận vì chủ yếu tường thuật phản ánh chứ chưa có nhiều những góc nhìn chuyên sâu. Kỳ Quốc hội này tôi rất ấn tượng với các bài viết mang đậm chất bình luận, có chính kiến và rất sắc sảo của tờ Vneconomy. Có những bài viết như thế thì mới cá tính, sự am hiểu và kinh nghiệm. Thế nên để làm “tròn vai” của một phóng viên nghị trường thực sự không dễ dàng gì.

Đúc kết lại kinh nghiệm làm nghề, một số nhà báo cho rằng: Để có một bài viết tốt về nghị trường, làm tròn vai của một phóng viên nghị trường thì ngay từ đầu bước chân vào Quốc hội, anh phải theo dõi thật kĩ từ các báo cáo đến các buổi chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng. Từ đó lựa chọn vấn đề đặc sắc nhất. Người phóng viên tận tụy theo dõi và am hiểu thì mới có thể lựa được những vấn đề quan trọng nhất trong mỗi kì họp, mới có được những “món ăn ngon” cho độc giả của mình.

Dễ tính với chính mình thì khó có được bài hay

Quả thực, trong con mắt của người làm nghề, phóng viên được theo dõi nghị trường dù rất áp lực nhưng lại “oai” và luôn được ngưỡng mộ. Họ được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các đại biểu, những người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở- điều mà bình thường phóng viên khác rất khó có cơ hội. Thế nên trong câu chuyện làm nghề, các phóng viên thường hay nói đến nghệ thuật, kỹ năng để phỏng vấn được các chính khách. Câu chuyện của nhà báo Võ Văn Thành- báo Tuổi trẻ- đầy thú vị rằng: Ðể có một bài phỏng vấn độc quyền, người phóng viên phải sáng tạo trong cả cách tiếp cận đại biểu. Một câu chuyện đã trở thành giai thoại trong giới phóng viên nghị trường, đó là việc nhà báo Huy Ðức thường tiếp cận đại biểu ở cửa toa lét để phỏng vấn. Có câu vè là “Huy Ðức tác nghiệp rất tài /Anh vào toa lét có bài đăng ngay”. Chúng ta nói nhiều về 20 phút giải lao bên hành lang Quốc hội, nhưng tác nghiệp của phóng viên nghị trường không chỉ có vậy, để có những bài phỏng vấn sâu phải hẹn gặp riêng được đại biểu thì mới có thời gian và không gian đầy đủ.

Nói đến các lịch hẹn riêng để phỏng vấn thì trong làng phóng viên nghị trường Lê Nhung – Vietnamnet được đánh giá rất cao. Với những tin bài nhanh đến chóng mặt, những bài phỏng vấn sắc sảo về các vấn đề chính trị, dân sinh của quốc gia sau mỗi kì họp Quốc hội đã được nữ nhà báo chia sẻ kinh nghiệm: Nhắc đến chuyện phỏng vấn, đối thoại với chính khách, nghị sỹ… tôi thấy điều đó không hề dễ dàng. Một phần vì họ là người rất bận rộn, phần là vì trong con mắt mọi người họ thường là người tầm cao hơn về chức vụ cũng như trình độ. Thậm chí họ là người kĩ tính trong khi làm việc. Là người trẻ thì điều đó càng khó khăn và là thách thức lớn. Họ rất kĩ tính. Họ có quyền như thế và họ xứng đáng được “kĩ tính”. Ở đây tôi muốn nói đến việc họ là người nắm thông tin, họ có trình độ cao và là chuyên gia trong lĩnh vực chính trị. Vì thế khi tiếp xúc với họ, áp lực rất lớn. Mình phải là người nắm vấn đề thật chắc, là người hiểu sâu sắc sự kiện. Phóng viên không đủ tầm để đối thoại thì không thể làm việc hiệu quả thậm chí chẳng thể tiếp cận được.

Mỗi thế hệ phóng viên làm Quốc hội có những thách thức khác nhau. Tuy nhiên, đòi hỏi chung là phải đưa đến tay bạn đọc những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả. Có một bài viết tốt trước hết phụ thuộc vào chất lượng phóng viên, họ có lao tâm khổ tứ cho từng vấn đề, từng con chữ hay không? Làm hay đã khó, làm khác đi lại càng khó hơn, áp lực cạnh tranh là rất lớn. Và do đó dễ tính với chính mình thì khó mà có được bài viết hay, bài viết tạo sự khác biệt.

Hà Vân

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật