Giải Báo chí Quốc gia - 10 năm nhìn lại!

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X - năm 2015 vừa khép lại, là dấu mốc đánh dấu chặng đường 10 năm của một Giải thưởng Quốc gia luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước và dư luận xã hội. Mười mùa giải, bên cạnh những thành tựu, khẳng định chất lượng về một “thương hiệu uy tín” của giới báo chí Việt Nam, thì Giải Báo chí Quốc gia (BCQG) cũng không hẳn không còn những nuối tiếc…

Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần Thứ X - năm 2015. Ảnh: PV

1. Giải BCQG là sự kiện lớn của giới báo chí Việt Nam, được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất có chất lượng cao về tư tưởng, văn hóa, có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao. Đây là “sân chơi” rất bổ ích, một dịp để các nhà báo nhìn lại thành quả lao động của mình trong một năm và có dịp trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Vì vậy mà đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tháng 3 hàng năm mọi công tác chuẩn bị cho Giải tại mỗi cấp Hội Nhà báo, đặc biệt là Hội Nhà báo Trung ương lại rộn ràng, tất bật. Qua 10 mùa Giải, nhiều địa phương đã tổ chức tuyển chọn tác phẩm một cách nền nếp và có trách nhiệm cao.

Và điều đáng mừng đầu tiên là qua 10 mùa Giải, theo từng năm số lượng tác phẩm và đơn vị tham dự Giải ngày càng tăng, điều này cho thấy ý thức trách nhiệm cao, sự hưởng ứng nhiệt thành, thực sự quan tâm của hội viên Hội Nhà báo đối với Giải BCQG; mặt khác sức lan tỏa cũng như giá trị của Giải ngày càng được khẳng định và tôn vinh. Đọc, xem, nghe những tác phẩm dự Giải BCQG mỗi năm, chúng ta cũng đã hình dung được bức tranh toàn cảnh báo chí, tình hình đất nước, xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, thấy rõ những thành tựu, các vấn đề của xã hội.

Các cơ quan báo chí, các nhà báo đã nỗ lực hết mình, đi, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tập trung tuyên truyền, cổ vũ thực hiện chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phanh phui và phê phán các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, chống các luận điệu sai trái thù địch, thực hiện chức năng phản biện xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Đặc biệt, đã nêu gương nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, góp phần xây dựng một nền báo chí nhân văn, từ đó góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp.

2. Như đánh giá của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải BCQG: 10 năm qua, Giải BCQG đã có bước phát triển mạnh cả về “lượng” và “chất”. Các tác phẩm dự Giải ngày càng được chọn lọc kỹ lưỡng hơn, chất lượng các tác phẩm được nâng cao và đi vào chiều sâu; khoảng cách chất lượng giữa báo chí Trung ương và địa phương ngày càng được rút ngắn, cho thấy khả năng phát hiện và triển khai đề tài của báo chí địa phương đã có những sáng tạo…

Tuy nhiên, tác phẩm chất lượng cao vẫn tập trung ở các cơ quan báo chí Trung ương có nhiều năm dự Giải và các địa phương có sự tập trung chỉ đạo và đầu tư về chuyên môn, có nội dung bám sát thực tiễn hơn, cách thể hiện giản dị, hấp dẫn. Trong đó, các đơn vị thông tin chủ lực, các cơ quan báo chí lớn tiếp tục khẳng định “vị thế Trung ương” do lĩnh vực hoạt động được phân công và năng lực chuyên môn truyền thống. Đó là Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí các bộ, ngành Công an, Đoàn Thanh niên, Mặt trận v.v…

Đặc biệt, báo chí địa phương đã thể hiện được gương mặt ngày càng sáng trong mỗi mùa Giải BCQG. Các cơ quan báo chí địa phương ngày càng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, thậm chí có năm báo chí địa phương “ngang ngửa” với báo chí Trung ương về nhiều phương diện, chất lượng được nâng cao. Qua cảm nhận của nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ, Trưởng Ban Thư ký Tổng hợp Giải, không ít tác phẩm báo chí địa phương có ý tưởng rất tốt, cách đặt vấn đề, hình thức thể hiện mới mẻ nhất là thể loại phát thanh và báo hình. Mà nếu đặt trong cuộc chơi chung thì báo chí địa phương vẫn có được những lối đi riêng.

Đã có những đơn vị qua 10 mùa Giải BCQG liên tục giành được Giải BCQG, thậm chí là Giải thưởng cao nhất. Như Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai đoạt được 3 Giải A, Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An đoạt được 2 Giải A, Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh; bên cạnh đó là các báo ngành như Báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Đầu tư… xóa đi cái gọi là tâm lý tự ti, cho rằng các cơ quan báo chí lớn có nhiều ưu thế, thường chiếm hết giải thưởng. Một điều đáng ghi nhận là tác giả đoạt Giải BCQG ngày càng trẻ về tuổi đời và tuổi nghề… Bên cạnh đó, chúng ta hiểu rằng, có thể có những đơn vị, tổ chức Hội, cơ quan báo chí tham gia Giải nhưng chưa có tác phẩm vào vòng Chung khảo, không được Giải hoặc chưa được Giải, lý do duy nhất là số lượng Giải trao có hạn, Hội đồng Giải luôn trân trọng mọi sự đóng góp đó. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, dẫu sao số lượng tác phẩm gửi dự thi năm sau đều cao hơn năm trước, chất lượng cũng thế, chứng tỏ các cấp Hội, hội viên vẫn quyết tâm thi đua, quyết tâm giành Giải…

Góp phần vào thành công của mỗi mùa Giải còn phải kể đến sự nỗ lực trong việc triển khai các công việc của Ban Thư ký Tổng hợp Giải; tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo là những nhà báo có kinh nghiệm, uy tín, mà nói như nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam là bằng “những con mắt xanh” của mình các giám khảo đã công tâm lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng Chung khảo và trao Giải…

3. Qua 10 mùa Giải BCQG, bên cạnh nhiều thành tựu cũng còn không ít những trăn trở, băn khoăn, thậm chí là nuối tiếc, mong chờ từ phía Ban Tổ chức Giải cũng như mỗi hội viên nhà báo và cả xã hội. Hội đồng Giải BCQG cũng đã nhận thấy những bất cập, yếu kém cần khắc phục, từ khâu hướng dẫn dự thi đến khâu tuyển chọn từ cơ sở và khâu chấm cuối cùng để nâng cao chất lượng Giải. Như cảm nhận của không ít người, mặc dù những tác phẩm đoạt Giải đều là những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc và rất xứng đáng được vinh danh, song dường như do từ khâu tuyển chọn từ cơ sở mà Giải vẫn bỏ lọt, bỏ sót những tác phẩm hay.

Và đã nhiều mùa Giải BCQG, Hội đồng Giải vẫn mong đợi có những tác phẩm xuất sắc hơn, có sức lay động và tiếng vang lớn, có tính phát hiện sắc sảo, sâu sắc hơn trong lý giải và mới mẻ trong cách thể hiện… Bên cạnh đó là những điểm yếu chung về nghiệp vụ là thể hiện chưa sâu, chưa tới tầm của vấn đề mà tác giả đặt ra… Và mặc dù 5 năm trở lại đây, Hội đồng Giải đã có cơ chế riêng đối với ảnh báo chí, cho phép tác giả ảnh báo chí gửi thẳng tác phẩm về Hội đồng Giải không qua tuyển chọn ở cơ sở, nhưng đây vẫn là khâu yếu kém với số lượng ảnh vẫn còn quá ít và chất lượng ảnh vẫn chưa đạt được như mong đợi. Cùng với đó, không ít thành viên Ban giám khảo còn cảm thấy tiếc nuối khi có những tác phẩm dù nội dung rất tốt nhưng chỉ vì một số lỗi kỹ thuật đã làm cho tác phấm đó mất đi cơ hội đoạt Giải…

Để “Đề án nâng cao chất lượng Giải BCQG” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đạt được hiệu quả cao để Giải có chất lượng hơn, có sức hút hơn và trở thành “thương hiệu uy tín” giành được sự quan tâm nhiều hơn nữa của báo giới cả nước và xã hội thì chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Là cơ quan được giao tổ chức Giải, sắp tới (ngày 14/7), Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một Hội nghị toàn quốc để đánh giá 10 năm tổ chức Giải BCQG, nhằm tổng kết những bài học kinh nghiệm cũng như những khó khăn, tồn tại cần khắc phục để nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng cũng như nâng tầm vị thế, thương hiệu của một giải thưởng quốc gia. Hy vọng, với những thay đổi sau đó, “sân chơi” Giải BCQG càng tạo hứng khởi cho niềm đam mê sáng tạo, cống hiến không ngừng của những người làm báo. Và sau mỗi mùa Giải bội thu, các nhà báo lại mong chờ, háo hức và chuẩn bị tâm thế để đón chào những mùa vàng phía trước!

Nguồn: Congluan.vn

Tin nổi bật