Gặp người được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hướng dẫn viết báo

Ông Nguyễn Trung Hiếu, từng làm phóng viên Thông Tấn xã giải phóng, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cho đến ngày nghỉ hưu. Ông Hiếu cho biết lúc làm báo vụ viên, Đại tướng khuyến khích ông viết tin các trận thắng của quân ta cho Đài phát thanh giải phóng và Đài tiếng nói VN.

Qua đó, Đại tướng chỉ cho ông Hiếu có những nhận định, bình luận mang tính cổ động quân dân, phát huy thế mạnh toàn dân đánh địch và là đòn tâm lý chiến đánh vào tinh thần địch. Năm 1965, khi chia tay về nhận nhiệm vụ mới, Đại tướng khuyên ông Hiếu: “Cậu viết tin tốt và nhanh, sau này có điều kiện nên xin đi học nghiệp vụ viết báo để phục vụ cách mạng, nhân dân”.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh(1/1/1914 - 1/1/2014), ông Nguyễn Trung Hiếu, báo vụ viên của đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ năm 1964-1966, kể về những kỷ niệm chưa từng tiết lộ.

Nằm viện cùng Đại tướng

Gần tuổi “thất thập cổ lai hy”, trí nhớ của ông Hiếu về những ngày tháng sát cánh bên đại tướng vẫn rõ mồn một. Sau thời gian phục vụ Đại tướng những năm 1964 - 1965, ông Hiếu được điều về Trung ương cục miền Nam ở Tân Biên. Đến tháng 6-1966, ông Hiếu bị nhiễm trùng máu, viêm cơ tim nên được chuyển đến bệnh viện ở căn cứ Trung ương cục miền Nam điều trị. Trong thời điểm chiến tranh khốc liệt, giặc bố ráp thường xuyên nên điều kiện thiếu thốn thuốc men, trang thiết bị y tế cũng như bác sĩ giỏi nên sức khỏe của ông Hiếu ngày càng xấu đi. Sau một cơn hôn mê sâu, ông Hiếu hồi tỉnh và thảng thốt khi nhìn thấy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nằm giường bệnh bên cạnh. Đại tướng ra hiệu nằm yên khi thấy cán bộ của mình nhỏm người dậy tính hỏi thăm sức khỏe ông.

Gần 50 năm qua ông Hiếu giữ chiếc máy truyền tín hiệu được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tặng trong chiến dịch Xuân Hè năm 1965.

Ông Hiếu được biết đại tướng bị nhồi máu cơ tim, đang trong tình trạng nguy kịch. Mỗi ngày một cơn sốc đau tim lại dày vò Đại tướng, nhưng ông chỉ lăn qua, lăn lại, cong người gồng chịu cơn đau, tuyệt nhiên không có một tiếng kêu rên. Khoảng vài ngày sau, bác sĩ Thanh Trúc xuất hiện điều trị nên tình trạng sức khỏe Đại tướng được cải thiện rõ rệt, ông có thể đi dạo được. Qua lời kể của bác sĩ và những cán bộ cao cấp của Trung ương Cục đến thăm Đại tướng thì biết tình trạng bệnh Đại tướng nguy kịch, Bác Hồ ra lệnh điều trực thăng đưa bác sĩ của Khoa Thần kinh - Tim mạch (Bệnh viện Việt - Xô) bay từ Hà Nội đến Phnom pênh (Campuchia). Từ Phnom pênh, tình báo của Trung ương cục dùng xe honda đón ở sân bay và chở bác sĩ Trúc vượt hàng trăm cây số đến bệnh viện.

Dù chống chọi với những cơn đau nhưng Đại tướng không quên bệnh tình của cán bộ mình, ông dặn y bác sĩ: “Tôi như vậy đủ rùi, đồng chí kế bên cũng bị viêm tim nặng, chuyển thuốc của tôi qua cho đồng chí ấy”. Sau lời dặn của Đại tướng, mỗi ngày ông Hiếu được tiêm thêm thuốc nên sức khỏe hồi phục dần. Chế độ trái cây, sữa được nhiều nên Đại tướng thường chia sớt cho ông Hiếu và những chiến sĩ đang nằm viện. “Tôi tự nhủ mình sống được nhờ được chữa bệnh “ké” Đại tướng”, ông Hiếu giọng nghèn nghẹn nói. Trong lúc bệnh tình nguy kịch, nhưng theo lời kể của ông Hiếu, Đại tướng luôn lạc quan, yêu đời. Có hôm Đại tướng hỏi đùa: “Đồng chí có chịu được thuốc B12 hay B Du (tiếng Pháp của B 12 là B Douze)?”. Những ngày nằm viện, có ai đến thăm ông đều hỏi thăm tình hình chiến trường, căn dặn làm tốt công tác chỉnh huấn để mở chiến dịch mới. Ngoài hỏi chế độ ăn uống, ông còn hỏi cụ thể: “ Bộ đội có trà uống không, có thuốc hút không?”

Ngày được ra viện, Đại tướng động viên ông Hiếu: “Cậu bịnh cũng giống tui, cậu còn trẻ sẽ vượt qua được thôi, cứ vui vẻ đi. Tôi lớn tuổi mà xem có bệnh như không có bệnh”. Đại tướng còn căn dặn: “Cậu còn trẻ mà giữ nhiệm vụ quan trọng cho cuộc kháng chiến, cố gắng cống hiến cho cách mạng đến ngày thắng lợi”. Đây cũng là lần gặp cuối cùng giữa ông Hiếu và Đại tướng.

Đại tướng hay đùa

Năm 1964, ông Hiếu mới tuổi đôi mươi, vừa tốt nghiệp khóa điện đài, báo vụ viên được điều về phục vụ Sở chỉ huy tiền phương Quân giải phóng Miền Nam đang mở chiến dịch Đông - Xuân năm 1964 - 1965, tấn công địch ở miền Đông Nam bộ. Khi đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giữ nhiệm vụ Bí thư Trung ương cục miền Nam, kiêm Bí thư Quân ủy Miền và trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương.

Do đặc thù công việc, nhóm điện đài được bố trí gần lán trại của Sở chỉ huy tiền phương nên hằng ngày ông Hiếu đều gặp đại tướng. Ông Hiếu có nhiệm vụ tổng hợp thông tin chiến trường, nhận các điện mật, hỏa tốc từ Hà Nội và Trung ương cục miền Nam để báo cáo cho đại tướng. Nghe danh Đại tướng từ khi thoát ly vào rừng, ông Hiếu khá bất ngờ về thái độ dân dã theo phong cách Nam bộ của Đại tướng trong lần gặp gỡ đầu tiên. “Vừa thấy tôi bước vào, Đại tướng giọng vui vẻ hỏi: “Đi đâu đó đồng chí?”. “Báo cáo thủ trưởng có điện hỏa tốc từ Hà Nội”. “Đâu, đưa tao coi”. Xem xong Đại tướng khen: “Chữ tốt quá ta, mang qua cơ yếu giải mật liền”, ông Hiếu nhoẻn cười nhớ lại.

Có lần mang điện qua được Đại tướng giữ lại uống trà và hỏi ông Hiếu: “Đồng chí có nhớ nhà không?”. Vừa trả lời có nhớ, ông Hiếu đánh bạo hỏi: “Gia đình chú sao?”. Ông cười: “Đồng chí cứ gọi đồng chí, chứ không có đồng chí “chú”. Đại tướng có thói quen thức khuya nghe đài về tin tức thời sự, đặc biệt thích nghe kể chuyện đêm khuya. Có đêm ông nói: “Mấy truyện này hay lắm, mình nghe mình nhớ lắm”. Ông Hiếu cũng thưa lại: “Dạ! con nghe cũng khoái”. Đại tướng cười khà: “Hết bộ đội “chú” lại có bộ đội “con”. Bộ phận điện đài của ông Hiếu thường thức cả đêm, Đại tướng hay ghé thăm hỏi: “còn trà không”, rồi đưa cho một bịch trà, khi về ông còn dặn nửa thiệt, nửa đùa: “Các chú nấu nước pha trà cho kín, máy bay địch mà thấy đốm lửa là tiêu đấy nha ”. Ông còn hỏi vỗ vai vừa hỏi, vừa kiểm tra: “Anh Tư (tên ông Hiếu) làm dữ ha, có khi nào ngủ quên không mấy đồng chí, có đứt “phiên việc” (liên lạc) nào không ?”

Vừa qua ông hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN để trưng bày nhân 100 năm ngày sinh đại tướng.

Đối với cần vụ, ông đối đãi thân tình như chú cháu, một lần đưa quần áo dơ cho cần vụ giặt, ông dặn như thiệt: “Cháu giặt giùm, phơi ngoài chỗ trống nhưng phải cảnh giới không máy bay địch thấy ném bom hư hết, không có đồ mặc”. Khi nằm viện phải truyền thuốc, có lúc chế độ chảy nhanh quá làm đại tướng đau, ông nhỏ nhẹ nói y sĩ: “Hôm nay tôi thấy nhểu nhanh quá, đồng chí giảm chậm chút thôi, không tôi sốc”.

Bằng mọi cách cứu thương binh

Những trận đánh năm đó khốc liệt, quân ta chiến thắng nhiều chiến dịch như Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu), giải phóng hai huyện Hoài Đức, Tánh Linh (Bình Thuận)…nhưng thương vong quân ta cũng không ít. Đại tướng ra lệnh cho các đơn vị, bộ đội địa phương, dân quân du kích bằng giá nào cũng mang được xác chiến sĩ về an táng. Đại tướng còn căn dặn ghi rõ tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày hi sinh của từng chiến sĩ để sau giải phóng dễ tìm kiếm hài cốt. Mỗi lần mang tổng hợp số liệu thương vong, ông Hiếu lại thấy sắc mặt đại tướng thất thần, buồn rười rượi. Đi thăm các thương binh, Đại tướng yêu cầu ông Hiếu điện hỏa tốc các đơn vị tập trung tất cả thuốc men, gom bác sĩ quân y, dân y cứu chữa thương binh.

Ông Hiếu nhớ như in lời Đại tướng ra lệnh: “Trong vòng một giờ phải báo tôi đã điện được hay chưa, bao giờ có đủ cơ số thuốc, bác sĩ”. Khi đoàn bác sĩ đến, Đại tướng mừng ra mặt, dẫn đoàn xuống khám cho thương binh và dặn “Trong quá trình điều trị nếu có khó khăn gì báo tôi liền”. “Đại tướng còn dặn cán bộ hậu cần tập trung đường sữa cho thương binh, tăng khẩu phần ăn”, ông Hiếu hồi tưởng.

Đại tướng vốn thức khuya làm việc nên hút thuốc rất nhiều, lúc đó thuốc Thăng Long giấy bạc thuộc loại ngon nhất. Thi thoảng ông ghé bộ phận điện đài cho vài gói hút để “đuổi muỗi”. Gần cuối năm 1965, ông Hiếu được điều về Trung ương cục miền Nam. Ngày rời đơn vị, ông Hiếu lên chào Đại tướng và xin gói thuốc hút trên đường đi. Đại tướng làm mặt nghiêm nói: “Nhỏ mà hút thuốc dữ vậy?”. Nói xong ông quay sang cần vụ nói đưa hai gói thuốc và hộp sữa, lương khô cho ông Hiếu. Đây là lần cuối cùng ông Hiếu được phục vụ Đại tướng cho đến ngày ông nằm viện cùng Đại tướng.

Gần 50 năm qua, kể từ lần gặp cuối cùng, ông Hiếu luôn nhắc nhớ đến những ân tình của đại tướng dành cho cán bộ, chiến sĩ và riêng ông. Qua bao lần chuyển nhà, thăng trầm của thời cuộc, ông Hiếu vẫn giữ chiếc máy truyền tín hiệu mà Đại tướng tặng ông như một điểm tựa tinh thần, như động lực để suốt đời ông cống hiến “cho cách mạng, cho nhân dân” như lời Đại tướng căn dặn.

Nhất Phiến

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật