"Đi về phía tâm dịch” để “trồng” thêm nhiều trái tim nhân ái

Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt “Đi về phía tâm dịch” của nhóm tác giả Nguyễn Huyên – Thùy Linh – Thảo Anh – Anh Tú – Văn Thắng của Báo Lao động thực sự rất ấn tượng và xúc động. Nhà báo Nguyễn Huyên đã có những chia sẻ về tác phẩm này cùng PV Báo NB&CL.

“Khi Tổ quốc cần! - rất nhiều cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh khắp cả nước đã tham gia chống dịch. Ở họ, mỗi người một câu chuyện, một đơn vị, tỉnh thành nhưng tất cả vì một khát vọng cống hiến. Câu chuyện nào, nhân vật nào cũng để trong chúng tôi những ấn tượng riêng, sâu sắc”, nhà báo Nguyễn Huyên - Báo Lao động chia sẻ về tác phẩm “Đi về phía tâm dịch” vừa đoạt giải Đặc biệt, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2021.

Giáo dục chưa bao giờ “đứng ngoài” trong cuộc chiến chống COVID-19

Quả thực, tác phẩm đoạt giải Đặc biệt “Đi về phía tâm dịch” của nhóm tác giả Nguyễn Huyên – Thùy Linh – Thảo Anh – Anh Tú – Văn Thắng của Báo Lao động thực sự rất ấn tượng và xúc động. Càng cảm phục hơn khi tác phẩm được thực hiện bởi những người làm báo còn rất trẻ nhưng đầy nhiệt huyết và đam mê với nghề. Nhóm tác giả đã truyền tải được một thông điệp mạnh mẽ rằng: Trên chiến trường không khói súng hôm nay, bên cạnh đội ngũ y bác sĩ thì các tình nguyện viên là sinh viên, các thầy cô giáo và các trường học cũng đã góp một phần không nhỏ. Có thể thấy cùng với cả hệ thống chính trị, giáo dục chưa bao giờ “đứng ngoài” trong cuộc chiến chống COVID-19.

Chia sẻ về ý tưởng ra đời tác phẩm, nhà báo Nguyễn Huyên cho biết: Sống, tác nghiệp ngay trong tâm dịch, chúng tôi cảm nhận được sâu sắc hơn cả những đóng góp của lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19. Họ không chỉ là các y bác sĩ ngày đêm vất vả nơi tuyến đầu mà còn là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi rời giảng đường “xách ba lô lên đường” chống dịch.

Những thanh niên tình nguyện tuổi 16 - 17 với nhiệt huyết của tuổi trẻ quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch. Những sinh viên, học sinh “gác bút nghiên”, rời xa vòng tay cha mẹ để đi về phía tâm dịch, chấp nhận những khó khăn, thử thách. Đó là khi các em vừa chống dịch, ngày học trực tuyến, tối vào mặt trận chống dịch, vừa hoàn thành khoá luận… Hay những sinh viên từng là F0 xung phong vào bệnh viện dã chiến để chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19…

Nhà báo Nguyễn Huyên - đại diện nhóm tác giả nhận giải đặc biệt Giải Báo chí Vì sự nghiệp giáo dục. Ảnh: Sơn Hải

Trong tâm dịch, mỗi giáo viên, giảng viên lại có những cách đóng góp khác nhau: Người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, người lo công tác hậu cần, người hỗ trợ mai táng cho những bệnh nhân xấu số… Ở phía hậu phương, các giảng đường trở thành khu cách ly, bếp ăn yêu thương. Các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng chống dịch bệnh…

Tất cả những đóng góp đó, dù với cương vị nào cũng thật cao quý, trân trọng. Hơn ai hết, các thầy cô giáo mang trên vai sứ mệnh cao cả trồng người, họ sẽ “trồng” thêm hàng triệu triệu tấm lòng nhân ái. Xuất phát từ chính những cảm nhận chân thực và sự cảm phục, biết ơn từ trái tim của người làm báo mà nhóm tác giả đã quyết định viết loạt bài này.

Họ có chung trái tim nghề giáo...

Phóng viên Nguyễn Thùy Linh - thành viên trong nhóm tác giả khi chia sẻ về tác phẩm này cũng cho biết, hình ảnh các thầy cô giáo trên khắp cả nước cùng học trò của mình “xách balo lên đường chống dịch” khiến nhóm phóng viên liên tưởng tới những năm kháng chiến, thế hệ cha ông ta cũng từng rời “gác bút nghiên”, rời giảng đường đi đánh giặc. Liên tưởng đó giúp nhóm cảm nhận được sự thiêng liêng và cảm thấy có sợi dây kết nối vô hình giữa các thế hệ xưa và nay, đều không quản ngại khó khăn để bảo vệ đất nước, dù là chống giặc hay chống dịch.

Phóng viên Báo Lao động tác nghiệp tại tâm dịch.

Khi bắt tay vào lên ý tưởng và thực hiện, tôi và cả nhóm chỉ nghĩ làm loạt bài này như một cách để lưu giữ lại thời khắc thiêng liêng của đất nước, khi không một ai đứng ngoài cuộc chiến chống COVID-19. Cho tới khi loạt bài được giải Đặc biệt Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục, cả nhóm thật sự cảm thấy vỡ oà và có cả chút xúc động nữa. Vui, xúc động không chỉ vì công sức cả nhóm đã được đền đáp mà còn vì câu chuyện của những nhân vật trong bài đã đến gần hơn được với mọi người và giúp lan tỏa hơn tinh thần đoàn kết, đồng lòng của tất cả chúng ta trong đại dịch...” – Thùy Linh tâm sự.

Để triển khai được loạt 3 kỳ tác phẩm đầy công phu, có sự kết nối toàn diện, đầy đủ thông tin ở nhiều mặt trận như vậy, nhóm tác giả thực sự đã có những ngày làm việc rất áp lực, căng thẳng. Khi thực hiện tuyến bài này, có những người phải liên hệ cả tháng trời, hẹn lịch nhưng chạy hàng chục km xuống tới nơi thì nhân vật lại bị điều động làm công việc tại khu cách ly, phong tỏa nên không thể gặp. Nhiều đêm đồng hành cùng các thầy cô giáo, cán bộ trong ngành Giáo dục trên chuyến xe mai táng 0 đồng di chuyển tới từng căn nhà trong hẻm để hỗ trợ an táng những người mất trong thời gian giãn cách vì COVID-19.

Có những thầy cô làm công tác thiện nguyện, mới hỏi được 2 câu đã bật khóc nức nở vì nghĩ thương cho các cảnh đời vất vả mưu sinh chống dịch... Trước nhiều tình huống như vậy, các phóng viên đã linh hoạt xử lý, tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận thông tin tuyên truyền.

Dẫu không ít thách thức trong tác nghiệp nhưng những phóng viên trẻ dường như rất ít kể về câu chuyện của mình. Họ dành nhiều thời gian để bộc bạch, chia sẻ về những nhân vật trong câu chuyện mà ở đó chất chứa sự cảm phục, sự biết ơn và cả những điều còn trăn trở. Nhà báo Nguyễn Huyên mong muốn, đề xuất rằng, ngành GDĐT sẽ quan tâm, có hình thức khen thưởng xứng đáng, thậm chí là chế độ đãi ngộ đối với hàng vạn thầy cô giáo, sinh viên, học sinh tham gia tuyến đầu chống dịch.

Đồng thời, nữ phóng viên cũng mong muốn ngành quan tâm hơn nữa tới chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên để giáo viên có thể yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho ngành Giáo dục, trồng thêm được hàng triệu triệu “quả ngọt”, đào tạo ra những con người có đủ đức, đủ tài đóng góp cho xã hội, xây dựng đất nước.

Đặc biệt, nhóm tác giả trăn trở lớn nhất qua mỗi bài viết là làm sao để truyền tải hết, lan tỏa rộng hơn những hy sinh, cống hiến của các nhân vật. Nhân vật của tác phẩm chính là hàng nghìn thầy cô giáo mang trên vai sứ mệnh cao cả trồng người, hàng chục nghìn sinh viên, học sinh lăn lộn với bộn bề công việc… Trong môi trường giáo dục họ sẽ “trồng” thêm hàng triệu triệu tấm lòng nhân ái.

“Vòng tròn sinh tử – đó là cách mà chúng tôi tạm gọi về cuộc chiến với COVID-19 ở TP.HCM. Một vòng tròn không có điểm đầu, chẳng hay điểm cuối. Nhưng vòng tròn nào mà chẳng có “tâm”. Và có lẽ, tâm của “vòng tròn sinh tử” ấy chẳng cần bất kì một chiếc compa, thước kẻ nào để xác định. Và chẳng kể điểm đầu hay cuối, bởi dẫu ở bất kể điểm nào cũng in hằn dấu chân không mỏi của những tình nguyện viên. Càng đặc biệt hơn khi tình nguyện viên là hàng trăm, hàng nghìn nhà giáo. Bỏ lại giảng đường thân thuộc, bỏ lại những trang giáo án còn dang dở, họ lao vào tâm dịch bằng tất cả tình yêu thương. Người Bắc, người Nam nhưng họ có chung trái tim nghề giáo...” – nhà báo Nguyễn Huyên nhấn mạnh.

Nguồn: Hà Vân/congluan.vn

https://congluan.vn/di-ve-phia-tam-dich-de-trong-them-nhieu-trai-tim-nhan-ai-post167363.html

Tin nổi bật