Đăng góp ý cho dự thảo Hiến pháp "cần đảm bảo khách quan, tiêu biểu và có tính xây dựng"
(ICTPress) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Đức Lai yêu cầu báo, đài đăng tải tin bài góp ý cho dự thảo "cần đảm bảo khách quan, tiêu biểu và có tính xây dựng", "tránh khuynh hướng phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, không trung thực" tại Hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong toàn ngành TT&TT ngày 29/1.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần quán triệt để người dân tin tưởng rằng mọi ý kiến đóng góp đều được trân trọng, tổng hợp nghiêm túc.
Các cơ quan thông tấn, báo chí cần theo sát chỉ đạo và quán triệt sâu sắc đến từng phóng viên, biên tập viên nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị trong việc đưa tin bài phản ánh.
Quán triệt tại Hội nghị triển khai, Thứ trưởng Trần Đức Lai đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Ban tuyên giáo Trung ương bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ TT&TT để kịp thời chỉ đạo các cơ quan báo chí trong việc đưa tin, bài phản ánh tình hình góp ý của nhân dân, cũng như báo cáo kịp thời các vướng mắc phát sinh, các biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.
Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng đề nghị tất cả cơ quan, đơn vị trong nghành TT&TT tham gia hoạt động này "Cần nghiên cứu kỹ dự thảo để góp ý chứ không chỉ nghe loáng thoáng rồi góp ý cho có. Mọi ý kiến thảo luận, góp ý cần phải thống nhất với mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa".
Các cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Thông tin đối ngoại, các báo và đài truyền hình trực thuộc ngành TT&TT xây dựng chuyên đề góp ý về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Mai Nguyễn