Syndicate content

Nghề báo

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Cần số hóa tư liệu để hấp dẫn người xem

Tóm tắt: 

Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật. Con số ấn tượng này là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trong cả nước.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật. Con số ấn tượng này là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trong cả nước.

Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giới thiệu về các hiện vật của Thông tấn xã Giải phóng trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Kể từ khi ra đời năm 2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trở thành nơi lưu giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống nền báo chí Việt Nam đã có từ hơn 150 năm trước, và do đó trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại của lịch sử báo chí nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm khoa học: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhân kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022) diễn ra sáng 16/8 tại Hà Nội.

Bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật

Trải qua 5 năm thành lập, từ con số 636 tài liệu, hiện vật, Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật. Con số ấn tượng này là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Dù trong điều kiện dịch dã hay có nhiều thời gian giãn cách xã hội ngặt nghèo, sau hai năm chính thức mở cửa đón khách, tính đến tháng 7/2022, bảo tàng đã đón hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên Facebook, hàng trăm nghìn lượt truy cập website của bảo tàng. Một số cơ quan báo chí lớn đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề ngay tại Bảo tàng và tiếp tục nhiệt tình hiến tặng thêm nhiều hiện vật, tư liệu mới.

Cùng với đó, bảo tàng đã biên soạn, xuất bản một cuốn sách tư liệu về lịch sử báo chí; thực hiện thành công hai đề tài nghiên cứu khoa học, sản xuất 250 phim tư liệu và clip về chân dung các nhà báo, các giai đoạn lịch sử báo chí, trong đó có chùm phim đoạt Giải B, Giải búa liềm vàng năm 2021 và một phim được nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, 2021.

Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, ngoài những thành tích nổi bật đã làm được, bảo tàng đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc khảo sát, định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên.

“5 năm là một chặng đường chưa dài nhưng với những người làm công tác bảo tàng thì đây là một chặng đường đặt nền móng đầy ý nghĩa. Kết quả đạt được trong 5 năm qua là tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và công chúng báo chí, trực tiếp là của những người làm Bảo tàng,” bà Trần Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ghi nhận những hoạt động của bảo tàng, song Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng những kỷ vật, tấm gương, câu chuyện về báo chí cách mạng Việt Nam vẫn chưa được khai thác nhiều. Cách thức sắp xếp, trang trí tại bảo tàng cần có thêm tính sáng tạo, đổi mới… cần nghiên cứu cách thức xây dựng của các nước trên thế giới, tổ chức nhiều hoạt động những phải đa dạng hoá hơn.

Đẩy mạnh số hóa để phục vụ công chúng

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ, thực hiện chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển.

Theo Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và Thông tin tư liệu (Cục Di sản văn hóa) Nguyễn Hải Ninh, số hóa đang là một yêu cầu cần và đủ cho sự phát triển của ngành bảo tàng, trong đó Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất cần những định hướng có tính khoa học và thực tiễn, rất cần được bổ sung thêm các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực có chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo tàng trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Ngoài những thành tựu đạt được trong 5 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam vẫn còn những hạn chế như công tác sưu tầm vẫn rất nặng nề; các không gian trưng bày cố định chưa có sự đột phá mạnh mẽ. Một thực tế chỉ rõ, bảo tàng chưa thu hút được khách tham quan ngoài ngành, sự tiếp cận của người dân, độc giả chưa phổ biến, vì thế cần tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để bắt kịp sự chuyển đổi công nghệ trưng bày, đặc biệt là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí để nhiều người biết đến, tiếp cận nhanh hơn và để lại dấu ấn đẹp mỗi khi tham quan.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định với định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tiếp tục làm phong phú kho tư liệu, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên để đưa ra phương pháp sưu tầm và lưu giữ, trưng bày.

“Bảo tàng cần phối hợp, khai thác tốt hơn các di sản của báo chí Việt Nam. Làm phong phú các hoạt động tại địa điểm bằng việc tổ chức các cuộc tham quan, trải nghiệm và học tập. Cần tổ chức trưng bày theo hướng sáng tạo, đổi mới. Đặc biệt, sử dụng công nghệ truyền thông mới, chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường sự hợp tác với các bảo tàng trong nước và quốc tế. Khai thác tiềm năng phong phú, kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia báo chí, chuyên gia bảo tàng, cố vấn của Bảo tàng Báo chí Việt Nam…,” ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Nhà báo Lê Quốc Trung chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đồng tình với quan điểm đó. Ông cho rằng sự kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống với các tư liệu số hoá vừa tạo sự hấp dẫn cho người xem, thuận lợi cho người xem tra cứu tư liệu, vừa tiết kiệm đáng kể không gian trưng bày.

“Bảo tàng cần thay đổi phương thức sưu tầm, lưu trữ và trưng bày để giúp công chúng có điều kiện tìm hiều nhanh nhất, hiệu quả nhất, phong phú nhất về lịch sử báo chí Việt Nam. Bảo tàng cần sớm có kho tư liệu số, có nhiều phương tiện công nghệ tại các gian trưng bầy phục vụ công tác tra cứu của người xem, tiến tới xây dựng bảo tàng điện tử để công chúng ở bất kỳ nơi nào, kể cả ở nước ngoài, cũng có thể tiếp cận bảo tàng bằng thiết bị điện tử của mình,” ông gợi ý./.

Nguồn: Minh Thu (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=811435

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Tập đoàn truyền thông News Corp đạt lợi nhuận kỷ lục 760 triệu USD

Tóm tắt: 

Thu nhập ròng của News Corporation tăng 95% so với năm tài chính trước, trong khi doanh thu cho năm tài chính kết thúc tháng 6/2022 đạt kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 11%.

Thu nhập ròng của News Corporation tăng 95% so với năm tài chính trước, trong khi doanh thu cho năm tài chính kết thúc tháng 6/2022 đạt kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 11%.

Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cho biết doanh thu của News Corporation tăng 11% lên 10,4 tỷ USD. (Nguồn: AFP/Getty Images)

ập đoàn truyền thông News Corporation ngày 9/8 báo cáo lợi nhuận trong năm tài chính 2021-2022 đã tăng gần gấp hai lần lên mức cao kỷ lục 760 triệu USD.

Tập đoàn niêm yết tại Mỹ này sở hữu News Corp Australia, cũng như nhiều tờ báo lớn ở Mỹ và Vương quốc Anh, cùng với nhà xuất bản sách HarperCollins và phần lớn cổ phần của công ty quảng cáo bất động sản REA Group.

Thu nhập ròng của News Corporation tăng 95% so với năm tài chính trước, trong khi doanh thu cho năm tài chính kết thúc tháng 6/2022 đạt kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 11%.

Kết quả chưa từng thấy này một phần nhờ mảng truyền thông tin tức của tập đoàn. Mảng này đã chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận 217 triệu USD nhờ doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số và số lượng người đăng ký kỹ thuật số tăng kỷ lục.

Trong bài phát biểu trước các nhà đầu tư, News Corporation cho biết tập đoàn đã chứng kiến bảy năm tăng trưởng hai con số liên tiếp nhờ việc mua lại và chuyển đổi kỹ thuật số.

[News Corp ký thỏa thuận sử dụng tin tức với Google, Facebook]

Giám đốc điều hành Robert Thomson cho biết hoạt động kinh doanh cơ bản đã được chuyển đổi, nhờ đó tập đoàn đã có lợi nhuận lớn hơn và đã tạo ra một nền tảng mạnh mẽ để tăng trưởng hơn nữa.

Trong quý gần đây nhất, tổng doanh thu của News Corporation đã tăng 7% lên 2,67 tỷ USD, trong khi thu nhập ròng đạt mức 127 triệu USD, so với mức lỗ ròng trong quý IV của năm tài chính trước.

Dow Jones, nhà xuất bản của tạp chí Wall Street Journal, đã đạt được doanh thu cao nhất kể từ khi mua lại, nhờ quảng cáo kỷ lục và số lượng đăng ký chỉ sử dụng kỹ thuật số ngày càng tăng.

Lợi nhuận quý 4 tại Dow Jones tăng 54% lên 106 triệu USD, qua đó giúp nâng lợi nhuận của cả năm tài chính lên 433 triệu USD, tăng 30%.

Sự sụt giảm số lượng lượt xem chương trình phát sóng tại Foxtel đã được bù đắp nhờ doanh thu từ mảng phát trực tuyến từ Kayo và Binge, với tổng cộng hơn 2,8 triệu người đăng ký xem phát trực tuyến.

Doanh thu mảng bất động sản kỹ thuật số, bao gồm cả kết quả kinh doanh của REA Group và Move, đã tăng 25%.

Việc mua lại công ty sách và phương tiện truyền thông HMH đã giúp doanh thu của mảng xuất bản sách của News Corp tăng 10%, khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn so với mức trước đại dịch./.

Nguồn: Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=810191

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2

Tóm tắt: 

Ngày 8/8, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2.

Ngày 8/8, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2.

Mục tiêu của chương trình “Tay hòm chìa khoá” hướng tới là thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam, từ đó tạo ra một cộng đồng tài chính tốt, có văn minh trong việc sử dụng tài chính.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu

Đối tượng khán giả của các chương trình là mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phụ nữ, những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...

Theo đó, nội dung kiến thức, thông tin liên quan được đơn giản hóa, hình thức liên tục được đổi mới, sáng tạo và phương tiện truyền thông luôn đa dạng, phong phú để các chương trình trở nên thu hút, gần gũi với nhiều đối tượng, tiếp cận được tới đông đảo người dân trên khắp cả nước.

Chương trình hướng tới việc cung cấp những thông tin, kiến thức mà người dân cần, thay vì những thông tin, kiến thức mà NHNN có đơn cử như những vấn đề được bà con rất quan tâm như: Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hay mở thẻ ngân hàng ở đâu, cách gửi tiết kiệm ngân hàng, tín dụng cho học sinh sinh viên, phụ nữ nghèo, tiếp cận Mobile Money như thế nào…các hình thức lừa đảo tài chính hiện nay.

Buổi ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2. Ảnh: Q.Trang

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, Đài THVN luôn coi nội dung tuyên truyền chính sách, quy định pháp luật, hoạt động tài chính tiền tệ là quan trọng, Đài luôn cố gắng để chương trình tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất, sao cho tương xứng với vai trò quan trọng của ngành Ngân hàng – huyết mạch của nền kinh tế, lĩnh vực liên quan sát sườn đến người dân, doanh nghiệp, được cộng đồng xã hội rất quan tâm.

Thời gian qua, các chương trình giáo dục tài chính đã có chuyển biến và bước tiến rõ nét như “Tiền khéo tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khoá”… minh chứng cho sự thành công của chương trình là tỷ lệ người xem rất cao.

Trong thời gian tới, NHNN và Đài truyền hình Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả, tiếp thu những ý kiến xác đáng của Phó Thống đốc NHNN để chương trình có sức lan tỏa hơn nữa, tăng cường tuyên truyền trên nền tảng số và có đánh giá kết quả tuyên truyền trên nền tảng số.

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://www.congluan.vn/dai-truyen-hinh-viet-nam-ra-mat-chuong-trinh-tay-hom-chia-khoa-mua-2-post208131.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Hơn 200 tác phẩm báo chí tham gia Cuộc thi viết "Dấu ấn Quản lý thị trường"

Tóm tắt: 

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết "Dấu ấn Quản lý thị trường". Đây cũng là một trong các chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957-3/7/2022).

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết "Dấu ấn Quản lý thị trường". Đây cũng là một trong các chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957-3/7/2022).

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, sau hơn 1 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các cán bộ trong lực lượng Quản lý thị trường và đội ngũ phóng viên, báo chí tham dự, viết bài.

Phó tổng biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh trao giải cho các tác giả.

Với số lượng hơn 200 tác phẩm các loại, bao gồm cả phim, phóng sự, bài viết... ông Linh cho biết, các tác phẩm dự thi đều rất chất lượng, phản ánh đa dạng nhiều lĩnh vực nóng như: xăng dầu, thương mại điện tử… qua đó làm nổi bật vai trò của các cán bộ Quản lý thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội...

Thông qua cuộc thi nhằm động viên, khuyến khích, tạo sự quan tâm của phóng viên, nhà báo, các cán bộ công chức thuộc lực lượng Quản lý thị trường trong việc thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách và những hoạt động của lực lượng.

Ban Tổ chức đã trao 23 Giải ngoài lực lượng, gồm 1 Giải đặc biệt; 2 Giải A; 4 Giải B; 6 Giải C và 10 Giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 14 Giải trong lực lượng, gồm 1 Giải A; 2 Giải B; 3 Giải C và 8 Giải Khuyến khích.

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://www.congluan.vn/hon-200-tac-pham-bao-chi-tham-gia-cuoc-thi-viet-dau-an-quan-ly-thi-truong-post208148.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Khi nhà báo là cầu nối để nhà nước, doanh nghiệp, người dân chung tay bảo vệ môi trường

Tóm tắt: 

Trong những năm qua, đội ngũ người làm báo ở mọi miền của tổ quốc đã là cầu nối để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng “lên tiếng” thay đổi nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường sống.

Trong những năm qua, đội ngũ người làm báo ở mọi miền của tổ quốc đã là cầu nối để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng “lên tiếng” thay đổi nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường sống.

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều tác phẩm báo chí mang tính thời sự cao, tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực về những vấn đề trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền những mô hình, hình ảnh tích cực trong xã hội về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Dù ở nhiều đề tài khác nhau, ở nhiều loại hình báo chí thì tất cả đều có điểm chung là sự nhiệt huyết, dấn thân không quản ngại khó khăn, gian khó của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Mỗi tác phẩm, hình ảnh, dòng tin thể hiện sự cố gắng, những giọt mồ hôi và mong muốn cộng đồng hướng tới một môi trường xanh, tốt đẹp hơn.

Như loạt bài “Lật mặt các địa ngục thú rừng” của tác giả Nguyễn Đức Minh - Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt. Nguyễn Đức Minh đã thực hiện chuyến điều tra "xuyên Việt" từ Hà Nội đi Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước để phản ánh việc tận diệt thú rừng thiên nhiên để hòng tìm kiếm sự bổ dưỡng và khả năng chữa bệnh "thần kỳ" của các sản phẩm từ động vật hoang dã. 

Ảnh trong loạt bài 5 kì "Lật mặt các địa ngục thú rừng - 2021".

Tuy nhiên đề tài về rừng luôn đòi hỏi sự đầu tư công phu và mất nhiều thời gian. Tác giả lại thực hiện điều tra vào thời điểm dịch COVID-19 nên việc đi lại vô cùng khó khăn, việc xin phép vào các địa bàn phải thực hiện test COVID và các bước phòng chống dịch được thực hiện chặt chẽ, ở nhiều nơi...

Tác giả Nguyễn Đức Minh chia sẻ: “Để tiếp cận được các đối tượng buôn bán thú rừng chúng tôi phải dựa vào rất nhiều mối quan hệ, rồi thông qua mạng xã hội tạo thân quen, thâm nhập vào các nhà hàng, quán ăn, các vựa buôn bán thú, những khu chợ bán thú rừng núp bóng chợ dân sinh, những điểm buôn thú ven quốc lộ... ở khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ để phỏng vấn, ghi hình, rồi theo chân thợ săn đi sâu vào những khu rừng nguyên sinh, điều tra đường đi của thú”.

Mỗi một công đoạn điều tra tác giả lại gặp những khó khăn riêng, đơn giản như việc đi vào rừng gặp mưa bất chợt, vắt cắn, va quyệt vào cây xây xát chảy máu chân tay, đường đi trơn trượt. Nguy hiểm hơn khi anh thâm nhập vào các điểm bị các đối tượng nghi ngờ, nói những lời khó nghe, thậm chị bị chửi, đe dọa. Nhưng khó khăn chưa dừng lại, khi có đủ thông tin hình ảnh, tác giả thông tin báo cáo chính quyền địa phương, nhiều nơi họ không muốn hợp tác, gây khó khăn trong quá trình thu thập số liệu, khai thác thông tin.

Loạt bài được Cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh được phản ánh như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh vào cuộc xử lý vụ việc. Các tổ chức quốc tế về bảo tồn như WWF, WCS... cũng đồng loạt lên tiếng, tổ chức các buổi tọa đàm về bảo vệ các loài chim tự nhiên, chim di cư nhằm thúc đẩy việc thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân.

Tác giả Nguyễn Đức Minh cho rằng: Qua tác phẩm này chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ trong công tác bảo tồn động vật hoang dã tại nước ta, có những hình ảnh, thước phim chân thực nhất phản ánh hiện trạng những gì đang diễn ra trên dải đất hình chữ S này, từ thông tin điều tra được chúng tôi gửi đến cơ quan chức năng cấp tỉnh, bộ, rồi các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế.

Tác giả Nguyễn Đức Minh - đại diện nhóm tác giả Báo NTNN/Dân Việt vinh dự lên nhận giải A Giải thưởng Báo chí Tài nguyên và Môi trường năm 2022 với loạt bài 5 kì "Lật mặt các địa ngục thú rừng - 2021".

“Mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, mạnh tay xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã ở Việt Nam. Để mai sau các thế hệ con cháu lớn lên, chúng được nhìn thấy, được tận hưởng những gì vốn có của thiên nhiên con người chứ không phải chỉ nghe như những câu chuyện cổ tích” - anh Nguyễn Đức Minh tâm sự.

Ở nội dung cụ thể và chi tiết hơn về môi trường, loạt bài “EPR: Trách nhiệm và thách thức” của tác giả Nguyễn Trần Anh Thu - Đài Tiếng nói Việt Nam mang đến cách nhìn nhận mới mẻ về việc bảo vệ môi trường của những doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh phát sinh nhiều chất thải.

EPR nghĩa là “Tránh nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết.

Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Nói về tác phẩm này, nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu cho rằng: "Tôi bắt đầu quan tâm đến EPR một năm trước và may mắn đã dự nhiều Hội thảo lấy ý kiến các bên cho Dự thảo Nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vụ pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về EPR. Thực tế không phải ai cũng hiểu về EPR và mặt lợi ích của nó. Tôi đã thực hiện nhiều chương trình, bài viết trước khi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường được thông qua. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ tư liệu để làm loạt bài phân tích EPR sẽ tạo ra trách nhiệm cho các doanh nghiệp như thế nào? Chỉ ra đâu là thách thức của doanh nghiệp khi thực hiện EPR? Khi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường được thông qua ngày 10/1/2022 tôi đã triển khai các kỳ phóng sự và chưa có Nghị định nào mà tôi đọc kỹ từng câu chữ và cả các con số..."

Tác giả Nguyễn Trần Anh Thu - Ban Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam đã đoạt giải A – Giải Báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ 6 với loạt bài “EPR: Trách nhiệm và thách thức”.

Mỗi một thông tư, Nghị định về môi trường khi được thông qua đều có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Ở loạt bài này, tác giả Nguyễn Trần Anh Thu đã lấy ý của các chuyên gia trong nước và quốc tế, để đánh giá khách quan đa chiều về việc thực hiện chính sách mới ban hành, để các quy định về bảo vệ môi trường đi vào đời sống.

Nữ nhà báo mong muốn công chúng hiểu đúng về EPR, đặc biệt là đưa ra các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là muốn giảm thiểu rác thải nhựa thì phải đẩy mạnh công cụ quản lý bắt đầu từ chính sách. EPR là chính sách buộc nhà sản xuất và người tiêu dùng có trách nhiệm hơn khi tiêu dùng.

Có thể nói, hoạt động của các nhà báo với những tác phẩm gần gũi với đời sống đã tạo ra những công cụ hữu hiệu góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Việc thông tin từ chính sách đến thực tiễn đã góp phần thay đổi nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://www.congluan.vn/khi-nha-bao-la-cau-noi-de-nha-nuoc-doanh-nghiep-nguoi-dan-chung-tay-bao-ve-moi-truong-post207562.html
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Người làm phát thanh cần xóa bỏ những lối mòn, thiết lập tư duy mới

Tóm tắt: 

Việc số hóa nội dung là điều bắt buộc trong tiến trình phát triển của ngành phát thanh hiện nay. Nhưng để nội dung phát thanh giải trí của các Đài cạnh tranh được với các nội dung giải trí khác vốn đang rất bùng nổ trên các nền tảng trực tuyến không phải là điều dễ dàng.

Ngày 5/8, tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến” nhằm đưa ra giải pháp để phát thanh luôn phát triển và là sự lựa chọn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Bình – Phó Giám đốc Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) cho biết trong thời gian qua, ngoài phát trên sóng radio truyền thống, đài VOH đã đưa nhiều chương trình phát thanh giải trí lên các nền tảng mạng xã hội và thu được những hiệu ứng rất tích cực, giúp gia tăng số lượng khán giả tiếp cận và tương tác với các chương trình.

Hội thảo “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến”.

Việc số hóa nội dung là điều bắt buộc trong tiến trình phát triển của ngành phát thanh hiện nay. Nhưng để nội dung phát thanh giải trí của các Đài cạnh tranh được với các nội dung giải trí khác vốn đang rất bùng nổ trên các nền tảng trực tuyến không phải là điều dễ dàng.

Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng để cạnh tranh, người làm phát thanh cần xóa bỏ những lối mòn, thiết lập tư duy mới, cách làm mới để phù hợp với thị hiếu mới của công chúng khán thính giả hiện đại.

Đồng quan điểm, ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông cho rằng những nhà Đài, những người làm phát thanh cần phải chuyển đổi, cập nhật nhanh hơn nữa, nhất là với loại hình podcast đang rất thịnh hành, được giới trẻ ưa chuộng hiện nay.

Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông.

Theo ông Tuyến, với sự hỗ trợ của công nghệ và nền tảng số, một cá nhân hay một tổ chức đều có thể dễ dàng sản xuất và phát hành được một sản phẩm phát thanh. Điều này tạo ra thách thức lớn cho các đài phát thanh. Tuy nhiên, thị trường podcast của Việt Nam vẫn chỉ mới manh nha, còn sơ sài, chưa có nhiều nội dung hấp dẫn. Do đó, các đài phát thanh có thể tận dụng thế mạnh sẵn có về nội dung, về sự am hiểu thính giả để đầu tư, xây dựng các chương trình podcast có chất lượng cao hơn, thu hút thính giả hơn.

Tại hội thảo, đại diện một số Đài địa phương như Bình Dương và Long An cho biết các đơn vị cũng đang chú trọng và rất mong muốn đưa các nội dung giải trí lên các nền tảng số tuy nhiên lại gặp vướng mắc trong vấn đề bản quyền âm nhạc...

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://www.congluan.vn/nguoi-lam-phat-thanh-can-xoa-bo-nhung-loi-mon-thiet-lap-tu-duy-moi-post207724.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tóm tắt: 

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí có vai trò đặc biệt, vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng...

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí có vai trò đặc biệt, vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, vừa tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Đồng chí Võ Văn Thưởng và Phan Đình Trạc trao giải Đặc biệt tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021.

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Ðiều 75.

Ngoài ra, Ðiều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng. Ðiều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí. Ðiều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.

Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội". Như vậy, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế, chế tài pháp luật hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Thế nhưng, báo chí lại có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Thí dụ như qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan chức năng; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp.

Không chỉ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho nhân dân. Báo chí có thể truyền tải thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Báo chí tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí nhằm hai mục tiêu xây và chống: xây là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực là vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thông qua việc tuyên truyền, báo chí còn góp phần giúp các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Nhà nước ta cũng đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua các giải báo chí. Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế, chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương với Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2021, đồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay - đồng chí Phan Ðình Trạc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin.

 

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Một số vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được phản ánh đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí. Nhà báo tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ.

Ðể phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần hoàn thiện thể chế để các cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế hiện nay nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí ngại tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vì tâm lý sợ gánh chịu hậu quả, sợ người bị tố cáo có chức vụ, quyền hạn và có vị thế cao trong xã hội. Khả năng bị đánh đập, bị hăm dọa, bị gây nguy hiểm đến tính mạng và người thân trong gia đình là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, rất cần có cơ sở pháp lý đầy đủ để cung cấp thông tin, bảo vệ các nhà báo, các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì được bảo vệ như thế nào? Có như vậy mới xử lý nghiêm minh được và ngăn chặn được những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật. Ðây đang là vấn đề báo giới quan tâm và lo lắng trong hành nghề.

Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc xây dựng đội ngũ phóng viên, người làm báo có tâm, có tầm và có tài. Do vậy, cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng đạo đức của người cầm bút, với tinh thần làm nghề vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Cần có cơ chế cho báo chí nắm bắt thông tin kịp thời về công tác xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân, sau khi họ đã cung cấp thông tin cho báo chí.Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật.

https://nhandan.vn/vai-tro-bao-chi-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-post708546.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Trưng bày nhiều hiện vật, kỷ vật tác nghiệp của các phóng viên, biên tập viên làm phát thanh

Tóm tắt: 

Trong khuôn khổ các chương trình của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV, chiều 1/8, tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM diễn ra triển lãm “Thành tựu kinh tế xã hội TP.HCM” và “Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TP”.

Trong khuôn khổ các chương trình của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV, chiều 1/8, tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM diễn ra triển lãm “Thành tựu kinh tế xã hội TP.HCM” và “Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TP”.

Triển lãm “Thành tựu kinh tế xã hội TP.HCM” và “Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM” do Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phối hợp tổ chức diễn ra từ nay đến ngày 7/8/2022.

Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và Lãnh đạo UBND TP.HCM trao đổi tại liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2022.

Khuôn viên triển lãm “TP.HCM năng động-phát triển-nghĩa tình” trưng bày 60 bức ảnh cùng nhiều mô hình hoạt động kinh tế tiêu biểu, giới thiệu tổng quan các sự kiện phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của TP những năm gần đây. Đặc biệt là những nỗ lực phi thường và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân TP.HCM trong phòng chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và nhiều hoạt động chăm lo, công tác xã hội khác...  

Trong khuôn khổ buổi triển lãm, ban tổ chức cũng giới thiệu thêm nhiều hình ảnh, chương trình quảng bá du lịch cũng như những thành tựu nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM. Qua đó tạo cơ hội để những nhà báo phát thanh, người làm truyền thông từ khắp nơi cả nước về tham dự liên hoan phát thanh chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM; thể hiện sự mến khách, nghĩa tình của thành phố đầy tươi trẻ và năng động.

Trưng bày nhiều hiện vật, kỷ vật, thiết bị máy móc tác nghiệp của các phóng viên, biên tập viên.

Song song với triển lãm “TP.HCM năng động- phát triển-nghĩa tình” là triển lãm "Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM” giới thiệu đến công chúng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật nêu bật quá trình hình thành và phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM trong hơn 40 năm qua. Trong đó, có những chương trình mang dấu ấn của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM như: Chương trình ca nhạc làn sóng xanh, Chương trình cải lương Bông lúa vàng; Giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam…

Tại phần trưng bày này, còn có nhiều hiện vật, kỷ vật, thiết bị máy móc tác nghiệp của các phóng viên, biên tập viên Đài VOH qua các thời kỳ. Qua đó, giúp khách tham quan hiểu hơn về lịch sử phát triển của kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực phát thanh…

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://www.congluan.vn/trung-bay-nhieu-hien-vat-ky-vat-tac-nghiep-cua-cac-phong-vien-bien-tap-vien-lam-phat-thanh-post207083.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Giải thưởng Báo chí viết về du lịch TP. HCM

Tóm tắt: 

Cuộc thi “Giải thưởng Báo chí viết về du lịch TP. HCM” lần thứ 12 do Sở Du lịch TP. HCM tổ chức nhằm tìm kiếm những tác phẩm báo chí xuất sắc quảng bá hình ảnh du lịch của TP. HCM.

Cuộc thi “Giải thưởng Báo chí viết về du lịch TP. HCM” lần thứ 12 do Sở Du lịch TP. HCM tổ chức nhằm tìm kiếm những tác phẩm báo chí xuất sắc quảng bá hình ảnh du lịch của TP. HCM.

Cuộc thi dành cho đối tượng là tất cả các phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí trên cả nước. Tác phẩm dự thi sẽ bám sát chủ đề du lịch có tính phản ánh chính xác, kịp thời trong việc kích cầu phát triển ngành du lịch TP. HCM.

Các tác phẩm báo chí dự thi sẽ bám sát chủ đề du lịch khi giới thiệu, quảng bá hình ảnh TP. HCM.

Trong đó, nêu những giải pháp, sáng kiến về nguồn nhân lực, điểm đến, sản phẩm du lịch, liên kết phát triển du lịch vùng cũng như giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các địa danh di tích, lịch sử, làng nghề truyền thống, đặc sản của TP. HCM.

Các tác phẩm báo chí dự thi sẽ là những bài đã được đăng tải bằng tiếng Việt, từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/7/2022 trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí).

Chủ đề du lịch có tính phản ánh chính xác, kịp thời trong việc kích cầu phát triển ngành du lịch TP. HCM.

Ban giám khảo cuộc thi sẽ lựa chọn và trao giải cho 3 hạng mục gồm Thể loại Phát thanh – Truyền hình; Thể loại Báo in – Báo điện tử - Trang thông tin điện tử; Thể loại Ảnh báo chí (Phóng sự ảnh).

Ở mỗi hạng mục sẽ trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 5 giải Khuyến khích với tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ nay đến hết ngày 15/8/2022.

Nguồn: Hoàng Tuấn/congluan.vn

https://www.congluan.vn/giai-thuong-bao-chi-viet-ve-du-lich-tp-hcm-post206775.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Dấu ấn về Việt Nam tươi đẹp qua chuyến tham quan bảo tàng của Hội Nhà báo Hàn Quốc

Tóm tắt: 

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận và trưng bày hơn 20.000 hiện vật, tài liệu tái hiện lại một giai đoạn lịch sử, sơ khai của các thế hệ làm báo đi trước. Trong số đó, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.

Chiều 27/7, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, đoàn công tác Hội Nhà báo Hàn Quốc do ông Donghoon, Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc – Báo Hankyoreh dẫn đầu đã tới tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tiếp đoàn có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Tại buổi tham quan, bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam và các cán bộ bảo tàng đã giới thiệu về lịch sử báo chí Việt Nam, lịch sử Việt Nam thông qua công việc của những người làm báo Việt Nam. Giới thiệu nội dung trưng bày của Bảo tàng bao gồm 5 phần trải dài từ năm 1865 đến nay.

Đoàn công tác Hội Nhà báo Hàn Quốc có ông Donghoon, Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc – Báo Hankyoreh dẫn đầu đã tới tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Theo đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận và trưng bày hơn 20.000 hiện vật, tài liệu tái hiện lại một giai đoạn lịch sử, sơ khai của các thế hệ làm báo đi trước. Trong số đó, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.

Ðây là những tư liệu hiện vật vô cùng trân quý, không chỉ đối với người hiến tặng mà còn là di sản chung của Báo chí Việt Nam, cần được bảo vệ, phát huy và giữ gìn.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đoàn công tác thăm quan các gian trưng bày.

Có những hiện vận là trang báo cũ, những cuốn sổ ghi chép đã nhuốm màu thời gian, hay cái ba lô và chiếc võng thủng, máy quay ngựa trời và những chiếc máy ảnh không còn hiện diện trong đời sống thường nhật... Mỗi hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã và đang kể với công chúng về câu chuyện của những người làm báo, tái hiện sinh động dòng chảy của lịch sử, trong đó báo chí vừa là người quan sát, vừa là chứng nhân.

Phát biểu tại buổi thăm quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông Donghoon - Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc cho biết: "Qua đây, tôi càng hiểu thêm về đất nước Việt Nam tươi đẹp và yêu Việt Nam hơn. Trước đây khi còn đi học, qua sách vở tôi biết đến Việt Nam về tinh thần bất khuất, kiên cường trong các cuộc chiến dành độc lập dân tộc.

Chiếc loa 500W ở bến Hiền Lương, Quảng Trị tại bảo tàng, đây được coi là tiếng loa vang lời thề thống nhất vọng cả đôi bờ.

Ông cũng cho rằng: Việt Nam có truyền thống lịch sử hơn 5000 năm và giống như Việt Nam, Hàn Quốc cũng có lịch sử lâu đời, qua chuyến thăm lần này ông hiểu thêm về lịch sử Việt Nam đặc biệt là sự hình thành và phát triển của lịch sử báo chí Việt Nam. Ông biết rằng, người dân Việt Nam đã vượt qua đau thương trong chiến tranh để nhìn về tương lai.

Trong sự phát triển của mình, Việt Nam có nhiều điều thú vị và quý giá, trong đó phải kể đến lịch sử hào hùng của báo chí Việt Nam, hôm nay tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được có mặt ở đây để hiểu thêm về sự phát triển và những mốc son trong hành trình phát triển của báo chí Việt Nam.

 
Cán bộ Bảo tàng giới thiệu khu trưng bày các chủ đề báo chí đến đoàn tham quan.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc hi vọng trong thời gian tới, quan hệ ngoại giao giữa hai nền báo chí tiếp tục được phát triển trong tương lai, qua việc ký kết hôm nay Hội Nhà báo hai nước sẽ tiếp tục gắn bó bền chặt lâu dài hơn.

Nguồn: Lê Tâm - Sơn Hải/congluan.vn

https://www.congluan.vn/dau-an-ve-viet-nam-tuoi-dep-qua-chuyen-tham-quan-bao-tang-cua-hoi-nha-bao-han-quoc-post206340.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo