Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bản thu âm Quốc ca với các tổ chức, cá nhân

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bản thu âm Quốc ca đến với các tổ chức, cá nhân sử dụng”.

"Tiếng nói Việt Nam" đã có 75 năm đồng hành cùng đất nước qua nhiều chặng đường lịch sử đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Đài TNVN trở thành "Tiếng nói của non sông", của độc lập - tự do, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người bạn tin cậy của bè bạn quốc tế.

 
Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng rất công phu 4 sản phẩm âm nhạc chủ đạo trong các hoạt động chính trị của đất nước.

Ông Nguyễn Năng Khang, phó giám đốc Trung tâm sản xuất và lưu trữ chương trình - Đài TNVN cho biết: Vào năm 1997, Đài TNVN đã quyết định dàn dựng tác phẩm quốc gia để làm một bản ghi chính thức sử dụng trên làn sóng của Đài TNVN và cung cấp cho các đơn vị khi có nhu cầu. Sau này được Ban Tuyên giáo trung ương quyết định là bản ghi chính thức Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để cho các đơn vị sử dụng.

“Với bản ghi này, Đài TNVN là đơn vị sản xuất,  các nhạc sỹ phối khí, trình diễn là của Đài TNVN hoặc Đài TNVN mời cộng tác và được ghi tại studio M của Đài TNVN. Và hiện nay chúng tôi lưu giữ bản ghi đó tại Trung tâm sản xuất và lưu trư chương trình - Đài TNVN” , Ông Khang chia sẻ.

Còn theo NSƯT, nhạc sỹ Doãn Nguyên – Trưởng Ban Âm nhạc VOV3, Đài Tiếng Nói Việt Nam thì cho rằng: Với nòng cốt là dàn nhạc của Đài TNVN, dàn hợp xướng của Đài TNVN có mời thêm một số nhạc công của Nhà hát nhạc múa kịch và ở ngay studio M, 58 Quán Sứ được sản xuất và thu các bản nhạc lễ. Đây là những bản nhạc hết sức quy chuẩn, chính quy, đúng nghĩa là bản nhạc lễ chơi với một dàn hợp xướng với gần 100 nhạc công.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, 23 năm trước Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện thu thanh bản ghi Quốc ca và trải qua các thời kỳ, lãnh đạo Đài đã chỉ đạo Ban Âm nhạc cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng rất công phu 4 sản phẩm âm nhạc chủ đạo trong các hoạt động chính trị của đất nước.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: "Với trách nhiệm là một cơ quan báo chí quốc gia có bề dày hoạt động về truyền thông, văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam cảm thấy có trách nhiệm trong việc phổ biến những sản phẩm âm nhạc chính thống đến với công chúng. Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các tổ chức cá nhân để công bố, cho sử dụng rộng rãi sản phẩm thuộc bản quyền Đài Tiếng nói Việt Nam đến với công chúng cả nước và quốc tế trên mọi nền tảng".

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan công bố sản phẩm này trên nền tảng số của Đài, trên báo điện tử VOV.VN, VTC News… và các đơn vị khác của Đài để cho công chúng, các đơn vị, tổ chức cá nhân liên quan có thể sử dụng một cách rộng rãi những bản nhạc có chất lượng thu cao.

Những ngày qua, dư luận bức xúc trước sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận Việt Nam - Lào trên kênh YouTube tối 6/12. Đơn vị phát sóng trên nền tảng YouTube là Next Media giải thích: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ Chào cờ. Sau lễ Chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả "Tiến quân ca" - Ảnh: VGP

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc bản ghi âm quốc ca, quốc thiều các nước có nhiều phiên bản được đăng ký bản quyền trên YouTube bởi nhiều đơn vị khác nhau.

Ngày 7/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Theo đó, Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Cơ quan này nhấn mạnh rằng pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Công Hóa, nguyên trưởng Ban quản lý dự án Website Chính phủ (tiền thân của Cổng thông tin điện tử Chính phủ hiện nay), cho biết, từ khi Website Chính phủ, trang web chính thức của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet toàn cầu, ra mắt vào ngày 10/1/2006, Website Chính phủ đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chính thức chuyển giao, công bố chính thống Quốc ca Việt Nam trên mạng Internet toàn cầu.

Đây là một trong các dữ liệu chính thức về Nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet, gồm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Tuyên ngôn cũng như các văn bản pháp luật…

Nguồn: PV/congluan.vn

https://congluan.vn/dai-tieng-noi-viet-nam-san-sang-chia-se-ban-thu-am-quoc-ca-voi-cac-to-chuc-ca-nhan-post171328.html

Tin nổi bật