Đã có hơn 3000 lượt tin, bài tuyên truyền về sửa đổi Hiến pháp 1992

(ICTPress) - “Đến thời điểm hiện tại đã có 228 tin, bài trên 16 cơ quan báo chí in của trung ương và địa phương, khoảng hơn 3000 lượt tin, bài liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được các đài truyền hình, đài phát thanh, các báo điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí đăng tải”.

Đây là thống kê thống kê được Hội nghị thảo luận góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết chiều nay 12/3 tại Hà Nội.

Theo thống kê này, Báo Điện tử Đảng Cộng sản khoảng 90 tin, bài; Nhân dân khoảng 50 tin, bài; Infonet có khoảng hơn 60 tin, bài; Hà Nội mới, khoảng hơn 45 tin, bài; VNExpress có hơn 18 tin, bài; Đất Việt hơn 11 tin, bài…

Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên trang, chuyên mục riêng về sự kiện này như: Chuyên trang: Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 trên báo điện tử VietnamNet; Chuyên mục trang: Góp ý Hiến pháp (Báo điện tử Infonet); các chuyên đề: Góp ý sửa đổi Hiến pháp (Báo điện tử Dân trí); Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 (Báo điện tử Chính phủ, Báo điện tử Hà Nội mới)… Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật Số VTC, Đài Truyền hình TP. HCM, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội… cũng đã mở chuyên mục, tập trung đăng, phát nhiều tin, bài về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992.

Các nội dung quan trọng Báo, đài đã tập trung đăng, phát như: Nêu bật, khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; khẳng định những nội dung đổi mới, tiến bộ trong Dự thảo như dự kiến thành lập một số cơ quan hiến định mới là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước…; phản ánh ý kiến các tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó chú trọng nêu ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị, pháp luật phân tích, khẳng định một số nội dung cơ bản, quan trọng, được dư luận quan tâm như vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa…

Theo đánh giá của Bộ TT&TT các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin trên báo chí về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về sửa đổi Hiến pháp 1992, đăng tải toàn văn Dự thảo sửa đổi, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về sửa đổi Hiến pháp 1992. Báo chí cả nước đã tích cực đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 1992; bám sát, phản ánh kịp thời trung thực, khách quan về hoạt động tham gia góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, đồng thời phản ánh tương đối đầy đủ về nội dung ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Mai Nguyễn

Tin nổi bật