Cống hiến của nhà báo Quang Đạm những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám

Nhà báo Quang Đạm (tên thật là Tạ Quang Đệ, 1913-1999) đã ghi dấu ấn sâu đậm trong làng báo chí Việt Nam, trong những chặng đường cách mạng của dân tộc, trong những bài viết giá trị và những công trình nghiên cứu công phu ông để lại. Như một nhận xét của ông Trần Quốc Hương, một nhà cách mạng, một người bạn của ông, người đã giới thiệu ông vào Đảng năm 1947 thì Quang Đạm là: "Một trí thức cách mạng chân chính, một nhà báo cộng sản đích thực, một nhà văn hóa từ trong con người". Ngày 1/9/2023 là kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cây đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam - Quang Đạm.

Đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên chụp ảnh cùng Bác Hồ trước khi khởi hành (tháng 7/1951).

Khi ông mất, Chủ tịch Hội Nhà báo Phan Quang, đồng nghiệp nhiều năm làm Báo Nhân Dân với ông, đã thốt lên: Anh Quang Đạm ra đi, làng báo mất một cây đại thụ!

Trong sự tiếc thương, liên tài một tri âm, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trong nhiều năm - nhà báo lão thành Hoàng Tùng khẳng định: "Người đời quý mến anh"! Như vậy, theo Hoàng Tùng, Quang Đạm không những được đồng nghiệp báo chí tôn trọng, ngưỡng mộ, mà ông còn mang tầm một con người của đất nước, của nhân dân, là người được đông đảo công chúng quý mến.

Những điều cao đẹp đó về cuộc đời và cống hiến của Quang Đạm đã được viết ngắn gọn, súc tích trong mục từ tên ông trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, xuất bản 20 năm trước.

Những cống hiến lớn, có giá trị lịch sử

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa Việt Nam từ thuộc địa trở thành một nước độc lập, dân ta từ thân phận nô lệ mất nước đã vùng lên làm chủ quê hương, làm chủ vận mệnh. Riêng với Quang Đạm, Cách mạng Tháng Tám thành công là thời điểm quan trọng nhất trong đời, chấm dứt hơn mười năm phận công chức của một chế độ nô lệ, trở thành một cán bộ cách mạng thực thụ.

Ngay những ngày đầu tháng 9/1945, mới vừa nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Mật mã tại Bộ Tổng Tham mưu, ông đã khẩn trương, miệt mài nghiên cứu lập bảng luật mã hóa dựa theo một số tài liệu liên quan sơ sài, ít ỏi và nhờ vào kinh nghiệm trò chơi "đọc thư mật" khi ông còn tham gia tổ chức hướng đạo. Bằng mọi nỗ lực, ông đã cùng tập thể Phòng Mật mã khẩn trương xây dựng mạng lưới mật mã từ Trung ương tới địa phương và hoàn thiện bảng luật để sớm được sử dụng. Khóa mã dù còn giản đơn nhưng do nhu cầu quân sự lúc đó, bảng luật này đã được đưa vào sử dụng, không chỉ giữa các chiến khu ngoài bắc, mà còn chuyển vào chiến trường miền nam, giúp chỉ huy mặt trận trong đó thông tin được kịp thời, giữ được bí mật. Qua nhiều thế hệ, kỹ thuật mã hóa dần được hoàn thiện phù hợp với các thành tựu khoa học trong từng giai đoạn để có hệ thống mật mã luôn được tin dùng, và trở thành hiện đại như bây giờ. Bảng luật sơ khai thời đó do ông thảo ra cũng là khởi thủy công trình Giải thưởng cấp Nhà nước được phong tặng năm 2001, mang tên "Nghiên cứu khoa học công nghệ trong xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật mật mã Việt Nam, bảo đảm bí mật thông tin lãnh đạo và chỉ huy quân đội qua các thời kỳ". Quang Đạm, với tên thật là Tạ Quang Đệ, được ghi trang trọng trong truyền thống ngành cơ yếu Việt Nam. Ông là Trưởng phòng đầu tiên và có công xây dựng Phòng Mật mã buổi ban đầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nghề báo chính thức đến với Quang Đạm từ giữa năm 1947, khi ông bắt đầu công tác ở báo Sự Thật dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh.

Bằng những bài viết của mình, Quang Đạm đã góp phần không nhỏ, đem những luận điểm có tính thời đại vào hành trang chuẩn bị cho một đất nước Việt Nam độc lập sau thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 2018, trong những tháng ngày gấp gáp chuẩn bị tư liệu cho Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam, Ban công tác bảo tàng của Hội Nhà báo đã sưu tầm được 37 bài dài, ngắn khác nhau với bút danh Quang Đạm trên chồng báo Sự Thật gom giữ được đã ngả vàng do năm tháng. Báo Sự Thật thời gian đó (1947-1950) là cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác mà Quang Đạm là Tổng Thư ký. Trong đó có loạt bài mà sau này hay gọi là cuộc Luận chiến về Tư pháp, được nhiều cán bộ từ chiến khu đến các vùng tự do hồ hởi đón đọc, nhiều trí thức trong vùng tạm chiếm thời đó cũng biết đến loạt bài lý luận có tính chiến đấu cao này.

Luận chiến là phải có sự tranh luận giữa hai luồng ý kiến trái chiều nhau về một thực tế, mà thời gian đó, ở không ít nơi, có sự bất đồng gay gắt giữa hành chính và tư pháp. Trên tờ Sự Thật, Quang Đạm mở đầu với bài "Tư pháp với Nhà nước" đăng ngày 15/4/1948, và kết thúc sau tám tháng với bài "Nhiệm vụ của Tư pháp Việt Nam" đăng ngày 19/12/1948. Chiều ý kiến ngược lại là từ một số luật gia nổi tiếng trong giới tư pháp thời đó, như các luật sư Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Lưu Anh, Vũ Ngọc Côn… với tờ báo Độc Lập là diễn đàn tranh luận trở lại. Sau này, trong hồi ký Một cuộc đời làm báo, Quang Đạm đã viết: "Về cơ bản mọi người đều mong cùng nhau góp sức vào công cuộc xây dựng ngành tư pháp mới, Nhà nước mới chưa từng có trên đất nước chúng ta. Chỗ khác nhau là một bên nhấn mạnh vào ý nghĩa và nguyên tắc tập trung dân chủ (hồi đó gọi là dân chủ tập trung), còn một bên thì nhấn mạnh vào ý nghĩa và nguyên tắc tam quyền phân lập và tư pháp độc lập".

Về cuộc luận chiến Tư pháp năm 1948, sau này, luật sư Vũ Đình Hòe trong cuốn sách của ông có nhan đề Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh cũng cho rằng: tuy có những ý kiến khác nhau về chuyên môn nhưng đều xuất phát từ lòng yêu nước và vì Tổ quốc Việt Nam của nhiều trí thức đi theo và cống hiến cho cách mạng thời gian đó.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, khi đến viếng nhà báo Quang Đạm đã ghi vào sổ tang, và đánh giá ông "là người có công lớn trong cuộc đấu tranh tư tưởng xác lập bản chất nhân dân của nền tư pháp trong những bước đi đầu tiên". Với bản chất nhân dân được xác lập, nền tư pháp mới ở nước ta đã không ngừng đổi mới và hoàn thiện, thể hiện qua những lần xây dựng và sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, là tinh thần xuyên suốt trong quá trình xây dựng và thực thi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhà báo Quang Đạm (khi đã nghỉ hưu) chụp ảnh cùng đồng chí Trường Chinh tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu.

Bước ngoặt lớn lao của cuộc đời

Cách mạng giao việc gì, Quang Đạm cũng làm hết mình, bất chấp gian khó, hiểm nguy. Từ việc đối phó quân Pháp gây hấn đến chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, di chuyển các cơ quan đầu não từ Thủ đô lên Việt Bắc, xây dựng An toàn khu và bảo đảm giao thông liên lạc thông suốt… Đó là những cống hiến thầm lặng của ông trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng ấy, trước khi ông chuyên tâm với nghề báo.

Trong đời người, quãng thời gian năm, bảy năm thường thoảng qua không mấy chốc. Nhưng, khoảng thời gian của Quang Đạm hồi ấy (1945-1951) lại chứa đựng những điều hết sức quý giá. Cách mạng Tháng Tám thành công là bước ngoặt hết sức lớn lao trong cuộc đời của ông, mang đến cho ông niềm tin và khát vọng, có nhiều cống hiến trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo, đặc biệt trên lĩnh vực báo chí và văn hóa.

Đến đây, tôi lại nghĩ đến những hạt cà-phê nhỏ bé, sau khi rang đúng độ, đã bật dậy với tổ hợp đến gần ngàn chất thơm bay hơi hình thành và bung ra, quyến rũ con người. Những chất thơm bay hơi đó đã từng tồn tại trong các hợp chất sinh học ban đầu được tạo ra nhờ dinh dưỡng từ trong lòng đất, ngủ yên trong hạt nguyên sơ "vô tri", để rồi bừng lên, thức dậy khi được luyện trong lửa đỏ…

Tin nổi bật