Chú thích ảnh - Một cách quyến rũ bạn đọc

(ICTPress) - Mở tờ báo, người đọc có xu hướng hình ảnh trước rồi họ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục đọc nữa không? Tấm ảnh tham gia vào việc đưa thông tin sao cho hấp dẫn, quyến rũ người đọc. Có không ít những những tấm ảnh tốt đủ cho bạn đọc hiểu trọn vẹn mọi vấn đề, bên cạnh những ảnh thiếu thông tin hoặc gây hiểu nhầm.

Tác phẩm “Lộng gió Trường Sa” của nhà báo Vũ Anh Tuấn

Không phải lúc nào cũng có thể dùng ảnh để thay cho lời nói, bài viết. Có trường hợp “một bức ảnh có giá trị hơn cả bài diễn văn”, như ảnh một đám cháy có thể nói nhiều hơn một bài tường thuật về đám cháy. Nhưng nếu như cần có một bức ảnh minh họa tốt cho báo cáo của chính phủ về vấn đề kinh tế thì lại là một vấn đề khác?

Nhiều nghiên cứu về nhiếp ảnh báo chí và truyền thông đã nói đến sự hiện diện của những bức ảnh khiến người đang đọc báo phải dừng lại để suy ngẫm, tức là khả năng bạn đọc tiếp tục đọc báo sẽ tăng lên, trường hợp khác, ảnh còn là nơi “thư giãn” sau khi người đọc nghiền ngẫm các bài báo viết dài với nhiều vấn đề phức tạp. Các ảnh với khuôn khổ khác nhau, ngang, dọc hoặc vuông… đứng độc lập hoặc bên cạnh nhau (trong một nhóm ảnh, phóng sự ảnh…) hoặc minh họa cho bài viết… đã tạo sự uyển chuyển trên một tờ báo, điều mà hình ảnh trên truyền hình với một kích thước và hình dáng không đổi… không bao giờ có được.

Có những tấm ảnh rõ ràng và đẹp đến nỗi tưởng như không cần phải chú thích vì ảnh đã nói lên tất cả? Chuyện quá khứ và chuyện sắp đến thì sao nói được? Ảnh nghệ thuật thì thông tin không là mục đích hàng đầu. Nói không cần chú thích là muốn nhấn tới nhu cầu trang trí chứ không đến nhu cầu thông tin. Loichervouet – Tổng giám đốc Trường Đại học Báo chí Lile (Cộng hòa Pháp) trong cuốn “Viết cho độc giả” có nêu trường hợp các tờ báo hoặc bản tin nội bộ thường đặt trên trang đầu một ảnh đẹp chụp đàn bướm, vườn hoa, cảnh hoàng hôn… đôi khi chiếm cả trang nhất mà không có lời chú thích nào. Theo ông đó như một lời tự thú là “trong ruột tôi chẳng có thông tin gì đâu” (?!). Ông coi đó là lối làm báo không chuyên nghiệp.

Dưới đây là một số dạng, cách chú thích ảnh:

1. Kiểu tin vắn: Loại này không nên viết quá dài, cần nêu sự kiện. Dưới ảnh cần viết sao cho người xem hiểu thêm địa điểm, thời gian xảy ra sự kiện. Ví dụ một ảnh chụp tai nạn giao thông, xe hơi đâm vào xe máy cần có chú thích: ở đâu, lúc nào, có mấy người bị thương?

Với ảnh chụp một người nổi tiếng thì đừng nghĩ là người đọc nào cũng biết về họ. Phải viết tên người đó. Nếu ảnh chụp nhiều người thì phải chỉ vị trí của nhân vật cần giới thiệu kèm theo chức danh của họ.

Nhưng nếu chụp đông người thì cũng không nên “từ phải sang trái…”, bởi không phải ai cũng có thì giờ để xem hết lời chú thích dài dằng dặc như thế.

2. Gợi sự tò mò: Có thể chỉ là một con số, lời bình dí dỏm. Ảnh chụp hai người thi chạy đang ở bục xuất phát, chú thích có thể gợi: “Liệu anh X. có tiếp tục là nhà vô địch?” hoặc “Ai sẽ đoạt huy chương Vàng?”.

3. Diễn giải: Tuy là thông tin sự kiện nhưng lời chú thích sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm những gì sau tấm ảnh, hướng họ vào chủ đề nào? Ai cũng biết từ ngữ dễ gây hiểu lầm, ảnh đôi khi gây hiểu lầm tai hại vấn đề là chú thích sao cho bạn đọc tan đi mọi điều còn nghi vấn.

Ảnh chụp người đàn ông đang đọc báo ở hành lang rộng và sạch sẽ. Ảnh này có thể chú thích “Báo chí ngày ngày đến với người dân”, “Bệnh viện X. mở rộng trên quy mô… hay tạo điều kiện cho người nhà đến thăm người thân”, hoặc “Hồi hộp đợi chờ người nhà trong phòng cấp cứu”… Vấn đề là người chụp định giới thiệu, đưa thông tin nào đến với người xem?

4. Tổng hợp: Là cách để bổ sung thông tin, là cách lợi dụng để tạo ra một thông tin độc lập. Ví dụ: Dưới tấm ảnh chụp đ/c Nguyễn Cộng Hòa - Phó đô đốc quân chủng Hải quân đang nghe điện thoại di động có thể ghi chú thích: “Niềm vui đến từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khi Viettel đã phủ sóng toàn bộ” hoặc “Đồng chí phó đô đốc gọi điện chúc mừng các chiến sỹ ở DK1”.

Chú thích ảnh nên ở đâu? Dồn tất cả chú thích xuống cuối trang và ghi “ảnh bên trái… ảnh bên phải…” không phải là cách làm hay, ngay cả trong trường hợp để như vậy nhìn trang báo có gọn và đẹp hơn, hoặc giả đóng số 1, 2, 3, 4, 5 trong cái khung như trường hợp đăng 1 phóng sự ảnh.

Tốt và hay hơn cả vẫn là chú thích bao giờ cũng nằm sát ảnh, không bị lẫn lộn.

Nhớ lại báo CAND tháng 9.2011 có đăng bài giới thiệu báo nhà báo V.H “U70 vẫn đắm say với nghề” kèm 2 ảnh: Lúc ở chiến trường Lào (1971) và lúc lên thăm lại Định Hóa - Thái Nguyên nơi Bác Hồ ký sắc lệnh ngày thành lập nhiếp ảnh (ảnh này tôi bế một cháu bé địa phương). Do xếp chú thích nhầm chỗ nên khi ở Nam Lào (1971) nhà báo V.H trông lại già hơn rất nhiều khi ở Thái Nguyên (năm 2007).

Chú thích là một cách thu hút người đọc, cần có sự đầu tư lớn của người chụp, thư ký tòa soạn và họa sỹ. Người biên tập ảnh ngồi ở tòa soạn phải rất kỹ càng cẩn thận bởi người chụp khi nộp ảnh hầu như không biết ảnh của mình được sử dụng ở số báo nào, ở trang nào, dùng để minh họa hay đưa ra bìa, và người viết khi nộp bài lại không biết là ảnh nào sẽ được tòa soạn chọn minh họa cho bài của mình.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Huyến

Tin nổi bật