Cách nhận biết, ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục cho nữ nhà báo

Sáng 29/11, Trung tâm Lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí (Cục Báo chí - Bộ TT&TT) tổ chức Lễ ra mắt bản hướng dẫn ‘Quấy rối tình dục trong truyền thông - nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên’.

Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan báo chí và truyền thông, góp phần hình thành chính sách, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cuốn sách làm rõ hơn khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hướng dẫn cho cơ quan báo chí phòng chống quấy rối tình dục, hướng dẫn khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại...

Bà Mai Hương Giang - Phó Cục trưởng Cục Báo chí tại buổi lễ ra mắt.

Tham dự chương trình có ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ TB&XH), bà Mai Hương Giang - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, bà Đặng Phương Thảo - Phó TBT báo Thanh Niên, bà Vũ Thị Hương Giang - phụ trách truyền thông tổ chức Care Quốc tế, TS Phạm Hải Chung - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu tại chương trình, bà Mai Hương Giang - Phó Cục trưởng Cục báo chí cho biết, sau lễ ra mắt, Cục Báo chí sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn thực hành ở Hà Nội và TP.HCM dành cho lãnh đạo và các cơ quan báo chí trên cả nước, để nhận biết, xây dựng quy trình, hướng dẫn ứng xử các vấn đề về quấy rối tình dục.

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó TBT báo Thanh Niên chia sẻ: ‘Khi được Cục báo chí gửi cho cuốn cẩm nang, tôi cảm thấy rất thú vị. Cuốn cẩm nang cung cấp nhiều thông tin hữu ích.

Tôi nghĩ đây là tài liệu chưa có trong tiền lệ, lần đầu tiên chúng ta có một hệ thống hóa, hướng dẫn chi tiết cho các bên liên quan, từ người có nguy cơ bị xâm hại tình dục đến người sử dụng lao động, các cơ quan báo chí… . Tài liệu cung cấp cho chúng ta thông tin đầy đủ và toàn diện, một công cụ để chúng ta biết xử lý một vụ việc quấy rối tình dục như thế nào.

Quấy rối tình dục là vấn đề nhạy cảm, ở nhiều nước Đông Nam Á, vấn đề này chưa được quan tâm thực sự, chỉ đích danh rõ ràng.

Nhiều câu chuyện quấy rối tình dục được đưa lên mặt báo nhưng cách xử lý triệt để, bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn danh dự cho nạn nhân chưa rõ’.

Theo nghiên cứu ‘Phụ nữ và Báo chí ở Việt Nam’ do Viện Đào tạo Báo chí Thuỵ Điển (FOJO) thực hiện năm 2018, tình trạng quấy rối tình dục đối với các phóng viên ở mức cao. Trên 27% phóng viên nữ được khảo sát cho biết đã từng bị quấy rối tình dục ở các cấp độ khác nhau.

Cuốn cẩm nang này ra đời hết sức thiết thực. Với các cơ quan báo chí, tôi nghĩ đây là phương tiện tốt, hỗ trợ hoạt động điều hành, quản lý ở lĩnh vực truyền thông, bảo vệ phóng viên của mình, nhất là phóng viên nữ’

Cuốn sách hướng dẫn cách nhận biết, ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục trong truyền thông.

Cũng trong lễ ra mắt, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã làm rõ khái niệm:

‘Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là các hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Quấy rối tình dục là một trong các nội dung được nhiều cơ quan thông tin báo chí chia sẻ lên tiếng, cơ quan pháp luật xử lý.

Tôi đọc cuốn cẩm nang này cách đây một tuần, thấy rất cuốn hút. Đây là vấn đề nhiều nơi, nhiều cơ quan cho rằng nó là nhạy cảm và họ ngại nhắc đến.

Chúng ta biết rằng, vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc có đề cập đến trong Luật Lao động 2012 nhưng chúng ta chưa đưa ra định nghĩa, thế nào là quấy rối tình dục nơi làm việc?

Mặc dù bàn bạc, trao đổi rất nhiều về hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc nhưng cuối cùng vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý vì không định nghĩa được rõ ràng. Ở đây, cuốn cẩm nang đã đưa ra được những điều cụ thể.

Trong cuốn sách hướng dẫn cũng chỉ ra rằng bất kỳ hành vi (thể xác, lời nói, tiếng động, cử chỉ) liên quan đến tình dục mà không được mong đợi và người kia nhận thấy bị xúc phạm thì đều bị coi là quấy rối tình dục.

Các hành vi như huýt sáo (có hành vi bỡn cợt), trò đùa không phù hợp về tình dục, nhìn chằm chằm hoặc liếc, nháy mắt, tặng quà không mong muốn, có tiếp xúc thể xác không mong muốn... đều có thể coi là hành vi quấy rối tình dục.

Nhóm tác giả chia sẻ: ‘Cuốn sách là bước đi đầu tiên đầy hy vọng cho chặng đường hướng đến một nền công nghiệp truyền thông không có vấn đề quấy rối tình dục, từ đó đặt ra những quy chuẩn thực thi tốt nhất’.

Diệu Bình/vietnamnet.vn

Tin nổi bật