Báo chí vắng các nhà phê bình

Sự việc nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 đăng đàn, khen chê về xu hướng âm nhạc và một số ca sỹ hiện nay, làng giải trí đã “dậy sóng”. Ngoài những bình phẩm về thái độ người trong cuộc, nhiều báo đã đưa ra một thực trạng đáng buồn: Thiếu nhà phê bình âm nhạc và đặc biệt, thiếu những nhà báo có khả năng viết phê bình nghệ thuật.

Các ca sỹ quen thuộc trên thị trường ca nhạc Việt (ảnh Vietnamnet.vn)

Báo Đại đoàn kết số ra ngày 27/8/2013 có bài: “Không có phê bình, đời sống âm nhạc còn ngộ nhận”. Tác giả Cẩm Anh cho rằng tuyệt nhiên không thấy xuất hiện những cây bút bình luận âm nhạc đủ sức dẫn dắt định hướng dư luận, không thấy xuất hiện những bài viết bình luận khiến cả người sáng tác và biểu diễn phải tâm phục khẩu phục, như việc chỉ ra ca từ này đáng giá, ca từ kia lệch lạc thẩm mỹ, và lệch lạc ở điểm nào... nhiều tờ báo chạy theo scandal và bình luận phiến diện về quần áo, trang phục, sắc vóc, phát ngôn...

Báo Tuổi trẻ ra ngày 28/8/2013 giật vơđét trang nhất: “Nhạc Việt: thật & ảo” cùng với gần 2 trang nội dung viết về vụ lùm xùm này. Nhạc sỹ Dương Thụ trả lời phỏng vấn, cho rằng báo chí đã “chộp” lấy cơ hội, chuyện không đáng đã trở thành câu chuyện ồn ào trên báo, gây hại cho người phát ngôn và có hại cho việc chúng ta đang muốn xây dựng cách ứng xử “nhân văn” trong cộng đồng. Nhạc sỹ cũng cho rằng, cái tâm, tầm, văn hóa nghề và nhân phẩm của họ (người phê bình) sẽ mang đến những giá trị cho nghệ sỹ và công chúng, công tác phê bình sẽ là một sinh hoạt bình thường, được trân trọng.

Cũng trên báo Tuổi trẻ cùng ngày, đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng báo chí phê bình chưa làm tốt nhiệm vụ của mình, dẫn đến dư luận bị lệch lạc về định hướng. Bài báo có đoạn: “Số lượng nhà báo chuyên viết phê bình đếm trên bàn tay với các ngón tay gập dần lại, còn nhà báo “nửa mùa” thì đông như “sao”... Chuyện lạ nhất là nó đã trở thành một cái chợ ngôn từ của dư luận về các quan điểm đúng hay sai với hàng tấn đá ném qua, tấn chì ném lại, nhưng tuyệt nhiên không thấy một ý kiến nào của chính “nhà báo” hay tờ báo đã đăng bài phỏng vấn... Vì vậy, cuộc cãi vã đã nhanh chóng lạc hướng từ địa hạt âm nhạc nhỏ bé và một ý kiến cá nhân chuyển sang thành một phạm trù đạo đức, về lòng tự ái và cách ứng xử với ý kiến của toàn xã hội hay chí ít cũng của mạng xã hội”.

Báo điện tử Vietnamnet.vn nêu quan điểm, hiện nay nhà báo đang làm hộ nhiệm vụ của nhà phê bình. Phê bình đòi hỏi chuyên môn thực sự hơn là kinh nghiệm nghe cộng với tài viết lách. Chưa kể rất nhiều nhà báo đăng tin âm nhạc nhằm mục đích câu “view”. Và trong số này không ít người có quan hệ thân thiết với nghệ sỹ, thậm chí là biến ca sỹ thành “gà” kiếm tiền của mình, dẫn đến việc ưu tiên, gây nhiễu loạn thông tin, khiến công chúng không biết đâu mà lần.

Dẫn lời ông Vũ Huy Giang - Nguyên chủ nhiệm CLB Phóng viên văn hóa nghệ thuật, Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh được báo Tuổi trẻ ghi chép: “Mặc dù làng ca nhạc Việt ngày càng có rất nhiều vấn đề để tranh luận và xây dựng, nhưng một thực tế là có vẻ như mảng phê bình lĩnh vực âm nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng dường như chưa theo kịp sự phát triển. Lâu nay báo chí thiếu vắng hẳn sự tham gia của các nhà phê bình âm nhạc. Các phóng viên âm nhạc khó có thể nhận lãnh trách nhiệm này vì họ là người đưa tin chứ không thể là nhà lý luận phê bình hoặc là chuyên gia am hiểu mọi thứ. Nếu có một nếp “văn hóa phê bình” được hình thành sẵn thì nghệ sỹ sẽ đón nhận những lời đánh giá mang tính xây dựng một cách bình thường”.


Hoàng Linh -  Chí Tiến

Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam

Tin nổi bật