Nghề báo
Bạn đọc Thời báo New York tăng mạnh nhờ paywall
Submitted by nlphuong on Tue, 20/03/2012 - 23:14(ICTPRess) - Paywall (thuật ngữ mới thể hiện xu hướng thu phí để xem nội dung báo điện tử) của Thời báo New York đang tăng mạnh.
Trụ sở chính của Thời báo New York ở thành phố New York |
Paywall (tạm dịch "bức tường phí") được mô tả là bức tường ngăn cách giữa nội dung và người đọc, yêu cầu họ phải đóng phí để có thể "qua cửa". Qua đó các tờ báo yêu cầu độc giả đóng một mức phí hằng tháng để có thể đọc được các tin, bài riêng của tờ báo. Độc giả sẽ được đọc một số ít tin, bài sẽ có thể đọc miễn phí. Paywall đang là đề tài nóng bỏng trong giai đoạn báo in truyền thống sụt giảm còn báo điện tử đang loay hoay về nguồn thu.
Trong một nỗ lực tăng số lượng bạn đọc phiên bản số được giới thiệu vào tháng 3 năm ngoái, Thời báo New York hôm nay 20/3 đã thông báo rằng sẽ giảm một nửa số bài báo có thể được truy cập miễn phí trên trang NYTimes.com. Bạn đọc hiện nay chỉ có thể truy cập 10 bài báo miễn phí/tháng trên trang này thay vì 20 bài như trước đây.
Tờ báo cũng cho biết đã có khoảng 454.000 người đặt mua báo dài hạn kể từ khi khai trương paywall.
Những người đặt mua báo dài hạn phải trả trong khoảng 15 đến 35 USD để truy cập phiên bản số của tờ báo phụ thuộc việc họ chọn truy nhập các ứng dụng của điện thoại thông minh và máy tính bảng. Những người đặt mua báo dài hạn phiên bản in của tờ báo có thể truy cập phiên số không hạn chế mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào.
Bạn đọc cũng có thể truy cập các bài báo của ấn phẩm này bằng cách bấm (click) vào các đường link trên các blog, các công cụ tìm kiếm (search) thậm chí sau khi họ đã đạt tới giới hạn hàng tháng của mình. Nhiều người đã phải sử dụng ngoại lệ này để phá vỡ paywall của tờ báo. Một tài khoản Twitter khá mạnh dạn là @freeNYTimes, đã thúc đẩy phương thức nằng bằng cách đăng (tweet) các link đến các bài báo của Thời báo New York (Thời báo New York đã đề nghị Twitter hủy tài khoản do xâm phạm tên thương mại, nhưng đã từ bỏ bỏ việc này sau khi ngừng sử dụng logo The Times - Thời báo).
Tờ báo đã không thay đổi chính sách của mình liên quan đến việc truy cập này. Quy định duy nhất để đọc các bài báo miễn phí riêng rẽ thông qua các link như vậy, đã tồn tại kể từ khi paywall được khai trương năm ngoái, đó là bạn đọc đến với các bài báo của tờ báo thông qua một số công cụ tìm kiếm sẽ bị giới hạn chỉ đọc được 5 bài báo miễn phí theo cách này mỗi ngày.
Mai Anh
Tham khảo: Mashable/NY Times
Tổng giám đốc BBC nghỉ hưu sau Olympics London
Submitted by nlphuong on Tue, 20/03/2012 - 10:28(ICTPress) - Mark Thompson, Tổng giám đốc BBC đã khẳng định ông sẽ nghỉ hưu cuối năm nay, sau 8 năm trên cương vị này.
Mark Thompson trở thành Tổng giám đốc BBC vào năm 2004 (Ảnh: Dominic Lipinski/PA) |
Trong một thư điện tử gửi nhân viên, Thompson cho biết ông đã thông báo với Chủ tịch BBC Trust Lord Chris: "tôi tin đã đến thời điểm thích hợp để tôi chuyển giao công việc cho người kế tiếp và nghỉ hưu vào mùa thu năm nay”, sau Thế vận hội 2012 được tổ chức tại London. Ông cũng cho biết ông tin là BBC sẽ sớm tìm được người thay thế phù hợp.
Đầu tháng này Thompson đã được vinh danh là chủ tịch không điều hành của BBC toàn thế giới, một chi nhánh thương mại của hang, bên cạnh vai trò là tổng giám đốc.
Trong một thông báo Chủ tịch BBC Lord Patten cho biết Thompson là một tổng giám đốc điều hành tuyệt vời của BBC. “Mark Thompson đã đưa BBC vượt qua một thời kỳ khó khăn trong lịch sử của công ty và thường xuyên nâng cao danh tiếng của BBC nhờ sự sáng tạo và chất lượng, và đồng thời thiết lập một chiến lược tương lai số cho BBC. Tôi sẽ nhớ mãi ông trên cả phương diện cá nhân và nghề nghiệp”.
Hồi tháng 1, BBC cho biết "hãng này sẽ bị rơi vào thời điểm chuyển giao nhạy cảm” để tìm người thay thế tổng giám đốc Mark Thompson.
Mai Anh
Theo BBC
Tòa soạn tích hợp - Hãy làm khi chưa quá muộn!
Submitted by nadung on Mon, 19/03/2012 - 21:47Báo online là loại hình sinh sau đẻ muộn và chưa đem lại lợi nhuận cao, nhưng vắng mặt trong làng báo online lại là tự mình giới hạn số lượng độc giả/khán giả và giảm sức ảnh hưởng của báo/đài nhà. Do vậy, các cơ quan báo chí ngày nay đều chịu khó góp mặt lên Internet.
Việc nảy sinh ra một "phiên bản" khác của sản phẩm báo chí đã có sẵn lại dẫn đến những yêu cầu mới trong cách sắp xếp tòa soạn, nhất là khi cả hai sản phẩm này lại đăng phần lớn nội dung của nhau.
Thêm báo online nghĩa là thêm một phòng
Đây là sự lựa chọn của phần đông các cơ quan báo đài khi quyết định đưa báo của mình lên mạng. Phòng Online gồm trên dưới 10 người đảm trách việc đăng những tin, bài của loại hình báo chí sẵn có lên Internet.
Cách cơ cấu "phòng online" như vậy khiến hoạt động của bộ phận online có vẻ ít nhiều độc lập với tòa soạn.
Nhiều báo tổ chức bộ phận Online như cách tổ chức những phòng/ban phụ trách các phụ bản khác của tờ báo, mà dường như không để ý đến một sự khác biệt: các phụ bản khác của báo thường có nội dung độc lập so với tờ báo chính – nhưng phiên bản online thì không.
Nội dung đăng tải của báo Online là nội dung của tờ báo chính, có thể nhiều hơn hay ít hơn, có thể nhanh hơn hay chậm hơn (một chút), có thể ngắn hơn hay dài hơn – nhưng tờ Online là một phần luôn sống động, hòa quyện và gắn chặt với dòng chảy thời sự và tin bài trên tờ báo in hoặc trên các bản tin truyền hình (nếu không làm được điều này thì xem như bạn đã bỏ mất những ưu thế của báo trực tuyến).
Như vậy việc tách bộ phận Online ra thành một phòng/ban nho nhỏ trong tòa soạn, lắp vài chiếc máy vi tính, cử vài người biên tập rồi xem đó như một phụ bản của tờ báo chính sẽ khiến tờ báo Online của chìm nghỉm trong hàng ngàn hàng vạn trang web đa dạng và năng động trên xa lộ thông tin.
Mô hình tòa soạn tích hợp, trong đó khu vực trung tâm là assignment desks - nơi làm việc của các Biên tập viên điều phối. Nguồn: cm640.wordpress.com. |
Tất nhiên nhiều tờ báo không muốn giới hạn bộ phận Online trong căn phòng nhỏ. Có vài cách thức để lựa chọn.
Cách thứ nhất là mở rộng căn phòng nhỏ thành... căn phòng lớn hơn, nhiều người hơn, nhiều máy hơn, tăng cường phóng viên riêng cho tờ online.
Thế nhưng việc tăng cường phóng viên, mà lại là phóng viên viết báo in sang cho báo online thực sự không giúp ích gì nhiều, chưa kể đến những rắc rối trong phân công công việc, cách quản lý và sự phân biệt giữa mức nhuận bút của phóng viên báo in với báo online.
Cơ cấu của cơ quan báo chí do vậy sẽ kềnh càng hơn và những nội dung thể hiện trên các sản phẩm báo chí hoặc trên con số doanh thu không tiến bộ hơn bao nhiêu.
Những tờ báo lớn trên thế giới như New York Times, Washington Post đã chọn cách thức mở thêm bộ phận online với quy mô lớn. Họ không cần tuyển thêm nhiều phóng viên viết (vì độ ngũ viết của báo in vốn đã rất mạnh).
Họ tuyển thêm những phóng viên có kỹ năng đa phương tiện (có thể thực hiện các slide âm thanh, video & audio clip,...) và bỏ tiền vào cho những cách thể hiện nội dung một cách sinh động hơn bên ngoài câu chữ, hoặc những phần mềm giúp tờ báo tương tác với độc giả tốt hơn.
Tuy nhiên việc mở rộng bao giờ cũng tốn kém. Đó là một trong những lý do vì sao những phiên bản online của những tờ báo này, dù rất thú vị, nhưng chưa thể bù đắp cho những khoản lỗ của báo in.
Cách thứ hai, các báo thuê một công ty đối tác cập nhật tin tức cho phiên bản trực tuyến. Công việc cập nhật thông tin hàng ngày là sự lặp lại của các thao tác đơn giản tìm kiếm, copy & paste, biên tập cơ bản theo những quy tắc sẵn có nên không nhất thiết phải là phóng viên mới có thể làm được.
Hiện nay tại Việt Nam đã có các công ty nhận đảm trách công việc này cho một vài tờ báo trực tuyến/trang thông tin điện tử, nhưng bên cạnh đó họ làm thêm những công việc khác, hoặc cùng tìm kiếm, cập nhật tin, bài, video clip cho vài trang thông tin điện tử cùng một lúc.
Điều này dẫn đến việc tin tức trên các trang thông tin trực tuyến gần giống nhau. Và chắc chắn là nhân viên nhập liệu không có nghiệp vụ làm báo thì khó mà đem đến cho tờ báo trực tuyến những tin, bài chất lượng như người làm báo chuyên nghiệp, cũng như hoạt động của bộ phận online càng tách biệt hơn với tòa soạn báo ngày.
Hiệu quả của tích hợp
Cụm từ "tích hợp" (convergent) vốn không mới. Các tập đoàn báo chí hoạt động trong nhiều lĩnh vực như báo in, phát thanh, truyền hình, phim ảnh từ lâu nay đã được gọi là các "convergence".
Nhưng khi báo trực tuyến phát triển, từ "tích hợp" mang thêm những ý nghĩa mới. Và từ góc độ tổ chức cơ quan truyền thông, để đáp ứng nhu cầu tin tức dồi dào cho ít nhất là hai sản phẩm báo chí (bản in và bản online), khái niệm "tòa soạn tích hợp" được nhắc đến thường xuyên hơn.
Tích hợp trong trường hợp này, theo GS Larry Prior của ĐH Southern California, nghĩa là các phóng viên và biên tập viên của một tòa soạn cùng làm việc để sản xuất ra các sản phẩm cho những phương thức truyền thông khác nhau cung cấp cho công chúng những nội dung mang tính tương tác và liên tục 24/7.
Như vậy bộ phận thực hiện tin tức online không tách rời khỏi bộ phận nội dung báo ngày mà tất cả hòa thành một tổng thể. Trong tổng thể đó, mỗi phóng viên thực hiện công việc chuyên môn của mình và bộ phận biên tập viên điều phối (assignment editors) sẽ điều hành và phân công công việc.
Ví dụ như khi có một đám cháy, biên tập viên điều phối sẽ quyết định cần có video clip, hình ảnh tĩnh, phỏng vấn, hay điều tra,... và sẽ giao cho những phóng viên thích hợp thực hiện.
Họ – các biên tập viên, quyết định sự kiện nào phù hợp đi với loại hình truyền thông nào và cách thức, mức độ thể hiện sẽ như thế nào. Đây là những người quan trọng nhất trong tổ chức của tòa soạn tích hợp. Có thể xem họ như cảnh sát điều phối giao thông.
Để làm được điều này, bản thân các biên tập viên phải có tư duy đa phương tiện, nghĩa là khi nghĩ về cách tổ chức thực hiện, họ phải ngay lập tức nghĩ đến cách thể hiện nội dung thông tin trên các phương tiện truyền thông khác nhau mà cơ quan báo chí của mình có.
Các biên tập viên cần bỏ dần thói quen chỉ chăm chăm nghĩ về tờ báo in và cho rằng cập nhật tin trên online là việc... của người khác.
Với "bộ chỉ huy" hiện đại biết cách phối hợp nhuần nhuyễn các phương tiện truyền thông - đặc biệt là không e ngại các phương thức truyến thông mới, tòa soạn tích hợp sẽ hạn chế sự chồng chéo trong phân công công việc (hiện nay có tòa soạn cử cả phóng viên online lẫn phóng viên báo in đi cùng viết về một sự kiện) và tiết kiệm chi phí (không nhất thiết phải tuyển riêng phóng viên viết cho bộ phận online).
Đây là một cách tổ chức được đánh giá cao về tính hiệu quả trong thời gian gần đây, nhất là khi báo chí truyền thống sụt giảm doanh thu mà báo chí trực tuyến lại chỉ được công chúng ưa thích khi hoàn toàn miễn phí.
(Theo Nghề báo)
Ứng dụng “Quầy báo” trên iPad làm tăng đột biến số lượng độc giả
Submitted by nlphuong on Sat, 17/03/2012 - 08:42(ICTPress) - Một trong những tờ tạp chí ảnh lâu đời nhất thế giới là Tạp chí Ảnh của Anh, đã cho biết số bạn đọc đã tăng gấp 10 lần kể từ khi Tạp chí này tung ra phiên bản iPad vào cuối mùa Đông 2011.
"Phiên bản tạp chí trên iPad đã vượt quá những mong đợi của chúng tôi" |
Tạp chí có tuổi đời 158 năm này cho biết, việc xuất bản theo phương thức mới dựa trên chức năng Newsstand (Quầy báo) của Apple “đã vượt quá những mong đợi của chúng tôi”. Ứng dụng này đã được tải hơn 100.000 lần, bỏ xa bản in chỉ có 8000 bản.
Phiên bản trả tiền kiểu này đã được tung ra trên iPad vào tháng 12/2011 qua ứng dụng Newsstand của Apple - một cổng dành riêng để tải các tạp chí từ cửa hàng ứng dụng (App Store).
Giá của phiên bản này là 6,99 bảng Anh nhưng được xem 50 trang miễn phí.
Giám đốc xuất bản Tạp chí Marc Hartog cho biết: Ứng dụng của chúng tôi đã vượt quá những gì chúng tôi mong đợi và vẫn đang gia tăng nhanh chóng, gấp 12 lần bạn đọc báo in. iPad và Newsstand mang lại cho chúng tôi cơ hội mang nội dung đến bạn đọc toàn cầu trong một môi trường mà chúng tôi tin tưởng bạn đọc sẽ nhìn nhận thấy giá trị thực ở đó.
"Chúng tôi đã tin tưởng rằng người đọc sẽ trả thêm cho phiên bản nội dung số được cung cấp trong một môi trường tương tác và đầy say mê này. Chỉ trong vài tháng tung ra phiên bản Tạp chí iPad chúng tôi đã có thêm hàng ngàn người đặt mua báo dài hạn”, Giám đốc Marc Hartog cho biết thêm.
Mai Anh
Theo BJP
Tiên Lãng và bài học với truyền thông
Submitted by nlphuong on Thu, 15/03/2012 - 12:29"Qua truyền thông đại chúng, vụ ông Đoàn Văn Vươn không còn là vấn đề của Hải Phòng mà trở thành vấn đề của cả nước, nhất là trong thời điểm toàn Đảng chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về chỉnh đốn Đảng", ông Lưu Đình Phúc, trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông nói tại hội thảo bàn về nguồn lực đất đai và vai trò của truyền thông.
Hội thảo do do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức sáng nay (14/3) tại Hà Nội.
Câu chuyện báo chí tác nghiệp trong vụ sai phạm đất đai ở Tiên Lãng cho thấy nhiều vấn đề đáng nghiên cứu về vai trò báo chí, truyền thông trong giám sát việc phân chia tài nguyên đất đai.
Luôn đi đầu, nhưng phải tỉnh táo
Ông Lưu Đình Phúc: Trong đấu tranh chống tiêu cực, báo chí cần tránh thái độ nửa vời. Ảnh: Lê Nhung |
"Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng", ông Lưu Đình Phúc nhận định. Với sức lan tỏa nhanh và rộng lớn, thông tin từ báo chí cũng góp phần cung cấp chứng cứ ban đầu cho cơ quan điều tra. Đặc biệt trong bối cảnh vấn đề đất đai luôn là điểm nóng.
Ông Phúc phân tích, điều đáng ghi nhận ở báo chí qua vụ ông Đoàn Văn Vươn là ở tính xung kích, đấu tranh không khoan nhượng trước những hành vi tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ chính quyền ở địa phương. Báo chí cũng đã thể hiện thái độ quyết liệt với mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ đúng sai vụ việc. Đồng thời đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm thông qua các bài phỏng vấn chuyên gia, nhà quản lý, cựu quan chức...
Nói như ông Vũ Văn Luân, thư ký liên chi hội nuôi trồng thủy hải sản huyện Tiên Lãng, “nếu không có báo chí, sự việc cưỡng chế ở Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác”.
Một số nhà báo trực tiếp tác nghiệp ở Tiên Lãng cũng đã kể lại hành trình đi tìm sự thật và những khó khăn, chật vật do bị cản trở trong quá trình tác nghiệp. Để có được thông tin chính thống từ phía chính quyền, không chỉ báo chí mà nhiều cơ quan, đoàn thể khác đi giám sát cũng gặp không ít trở ngại.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Đặng Hùng Võ, cũng có nhiều bài học cần rút ra và giới truyền thông cũng cần phải rất tỉnh táo khi vào cuộc phanh phui các vụ việc tiêu cực tương tự. Đặc biệt trong bối cảnh những thành công trong quá trình tác nghiệp ở Tiên Lãng đang dẫn đến tâm lý báo chí cũng sẽ dễ dàng “thắng” trong các vụ việc tương tự.
Ông Võ cho hay, là một trong những người được truyền thông tiếp cận phỏng vấn ngay khi vụ cưỡng chế vừa xảy ra nên ông dễ dàng quan sát và phân tích được phản ứng của một số cơ quan truyền thông với vụ việc. Có tờ báo chọn cách im lặng, có tờ đưa tin chung chung, cũng có những cơ quan báo chí lớn ban đầu đưa tin từ góc nhìn này, nhưng sau đó đã lựa chiều để đưa theo góc độ khác. Nhưng về cơ bản, báo chí đã dẫn dắt được sự việc, dẫn dắt được dư luận và là một trong các nhân tố thúc đẩy sự vào cuộc của Thủ tướng.
Báo chí phải đi đến cùng
Ông Vũ Văn Luân: Nếu không có báo chí, vụ Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác. Ảnh: Lê Nhung |
Sở dĩ đưa ra khuyến cáo rằng giới truyền thông cần “tỉnh táo” trong những sự việc tương tự bởi theo thống kê của chính ông Võ, tỷ lệ các bài viết về tham nhũng trong đất đai, xây dựng trong gần 10 năm trở lại đây có những thay đổi đáng chú ý.
Thống kê sơ bộ của ông Võ từ 12 báo lớn cho thấy giai đoạn 2000 - 2001, số lượng bài vở chống tham nhũng khá dồi dào trong khi sang đến thời kỳ 2006 - 2009 sau vụ PMU18, tin bài giảm đáng kể.
Ngay những vụ tiêu cực mà báo chí đã phanh phui như thống kê của ông Lưu Đình Phúc cũng là những vụ rất điển hình và báo chí đã nhận được sự chỉ đạo để thông tin chi tiết.
Theo ông Võ, báo chí đang đứng trước thách thức là trong nhiều vụ việc khác diễn biến tinh vi, phức tạp, nhà báo không dễ tiếp cận được tài liệu như trong vụ Tiên Lãng.
Thống kê bước đầu của Cục Báo chí đến ngày 10/3/2012: Có hơn 1.200 bài viết trên báo in và báo điện tử về vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng. |
Từ góc độ nhà quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc tổng kết nhiều bài học cần rút ra nhân sự kiện tác nghiệp ở Tiên Lãng. Chẳng hạn, báo chí cần đi đến cùng trong đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực, tránh thái độ nửa vời. Bởi thực tế câu chuyện ông Vươn đã từng được một tờ báo của Bộ Công thương phản ánh từ năm 2008 nhưng báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng.
Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng một số tờ báo địa phương đã vào cuộc với quan điểm của chính quyền địa phương nên đã làm giảm tính phản biện, khách quan của thông tin.
Nhiều tờ báo chạy theo xu hướng thông tin một chiều phê phán chính quyền, ngôn ngữ kích động, kèm theo hàng trăm phản hồi. “Đây là cách làm thiếu thận trọng, không lường hết vấn đề chính trị có thể phát sinh”, ông Phúc nói.
Lắng nghe phản ánh của các nhà báo về việc bị cản trở khi tác nghiệp, ông Phúc cho rằng ngoài nỗ lực tự thân để kiếm tìm thông tin, nhà báo cần được tạo điều kiện hơn nữa. Chẳng hạn cơ quan công quyền chủ động cung cấp thông tin, phát ngôn phải thống nhất, tránh sơ hở…
Những thách thức trên cần sớm được gỡ bỏ khi nhà báo được bảo vệ bởi một hành lang pháp lý thông thoáng. Theo ông Phúc, đó là khi luật Báo chí bổ sung đầy đủ quy định về quyền tiếp cận thông tin. Là khi các nhà báo được trang bị kiến thức pháp luật để đưa tin chính xác, khách quan. Và đặc biệt là nhà báo cần đeo bám đến cùng vụ việc, đấu tranh không khoan nhượng trước hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy nhà báo mới làm tròn trách nhiệm xã hội của mình.
Lê Nhung
VietnamNet
Báo chí, truyền thông và quyền lực của đại biểu Quốc hội
Submitted by nadung on Tue, 13/03/2012 - 15:39Phóng viên: Ông có bồ hay không? Trả lời: Nói có thì mất lòng vợ, nhưng nói không thì mất lòng bồ.
Được tổ chức tại Quảng Ninh trong hai ngày 13 và 14/3 với sự tham gia của các chuyên gia từ Quốc hội Đan Mạch, hội thảo đề cập đến khá nhiều khía cạnh trong mối quan hệ với báo chí của Quốc hội và các đại biểu dân cử. |
Đây là một ví dụ về câu trả lời hóm hỉnh được TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ trong chuyên đề "Vai trò của truyền thông trong hoạt động của Quốc hội" tại hội thảo quốc tế về Quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội.
Được tổ chức tại Quảng Ninh trong hai ngày 13 và 14/3 với sự tham gia của các chuyên gia từ Văn phòng Nghị viện Đan Mạch, hội thảo đề cập đến khá nhiều khía cạnh trong mối quan hệ với báo chí của Quốc hội và các đại biểu dân cử.
Các vấn đề cụ thể được đặt ra và tranh luận là kinh nghiệm trong xử lý mối quan hệ với truyền thông; khai thác thông tin báo chí và xây dựng hình ảnh qua báo chí, chính sách và chiến lược báo chí của Văn phòng Quốc hội Đan Mạch...
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh giá trị của việc thiết lập thông tin với công chúng, không chỉ trong hoạt động của Quốc hội.
"Đại biểu được cử tri tin yêu thì không nhất thiết chức phải to mới có quyền lực", ông Dũng nói.
Ở chuyên đề "Vai trò của truyền thông trong hoạt động của Quốc hội", ông Dũng, người được xem là khá nhiều kinh nghiệm về truyền thông đã đặt vấn đề: Vì sao truyền thông có vai trò quan trọng.
Và, câu trả lời là: truyền thông là phương tiện để xây dựng hình ảnh của đại biểu Quốc hội, là đầu mối dẫn dắt các đại biểu Quốc hội đến các vấn đề đang đặt ra của cuộc sống, phục vụ tốt hoạt động chất vấn.
Vai trò cụ thể nữa của truyền thông cũng được ông Dũng nhấn mạnh là công cụ để tác động lên xã hội của đại biểu. "Khó vô cùng" là điều được ông nhấn mạnh về kỹ năng thuyết phục cả lãnh đạo và công chúng thông qua truyền thông của đại biểu Quốc hội.
Kinh nghiệm xử lý mối quan hệ với báo chí được ông Dũng chia sẻ, đầu tiên là đừng ngần ngại tiếp xúc với các phóng viên.
Tuy nhiên, trong "cuộc chơi" với báo chí không có công bằng. Báo chí bao giờ cũng có ưu thế, có diễn đàn, còn đại biểu thì không. Nói đi thì dễ, nói lại thì khó, đã đành theo luật sai là đính chính, nhưng đính chính người ta không đọc, đọc cũng không tin, ông Dũng đặc biệt lưu ý.
Đồng tình với phần trình bày của TS Nguyễn Sỹ Dũng, song đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết "tiếp xúc báo chí sợ lắm, ngại lắm".
Làm thế nào để có quan hệ tốt với báo chí cũng là câu hỏi được đại biểu Sơn và môt số vị đại biểu khác đặt ra với không ít băn khoăn.
Nhìn vào 5 yêu cầu của nội dung truyền thông, ông Sơn cho rằng sẽ có đến 2/3 đại biểu sẽ lúng túng.
Ngay cả đại biểu chuyên trách như chúng tôi để thực hiện được nội dung truyền thông với đối tượng giám sát là "hiểu sâu vấn đề, lập luận sắc sảo, có chứng cứ, không ngaị đụng chạm" cũng rất là khó, ông Sơn lo lắng.
Nguyễn Vũ
(Theo VnEconomy)
Phóng viên bị bảo vệ Bianfishco giam giữ
Submitted by nlphuong on Tue, 13/03/2012 - 08:27Chiều ngày 12/3, phóng viên Ca Linh báo Người Lao Động đến Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco, trụ sở tại khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tham dự cuộc họp trao đổi giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với ông Trần Văn Trí - Tổng giám đốc Bianfiahco cùng với nhiều hộ dân nuôi cá để bàn cách giải quyết nợ nần.
Công ty CP thủy sản Bình An nơi xảy ra vụ việc |
Khi vào cổng công ty, PV được bảo vệ hướng dẫn đến quầy tiếp tân liên hệ và tại đây, PV Ca Linh xưng mình công tác tại báo Người Lao Động và được tiếp tân hướng dẫn lên phòng họp trên lầu 1. Tuy nhiên, đợi khoảng 30 phút, PV và các hộ dân không thấy ông Trí lên nên đã kéo xuống phòng họp dưới lầu và lúc này mới biết ông Trí và Ủy ban MTTQ Việt Nam họp dưới này.
Sau đó, PV Ca Linh có để máy ghi âm trên bàn và đi ra ngoài nghe điện thoại. Một lúc sau, người của Bianfishco phát hiện máy ghi âm và đề nghị bộ phận kĩ thuật của Bianfishco xóa file ghi âm này. Sau đó, những người tại công ty này yêu cầu PV xuất trình giấy giới thiệu và CMND.
PV Ca Linh yêu cầu họ lập biên bản với nội dung tại sao phải xóa flie ghi âm nhưng một lúc sau, PV được dẫn ra cổng bảo vệ để lập biên bản. Một bảo vệ tại đây bảo lập biên bản có nội dung “PV tự ý trà trộn vào Bianfishco để ghi âm”.
Sau đó, ông Nguyễn Định Cường, người phát ngôn của Bianfishco yêu cầu bảo vệ chỉ ghi ngày giờ PV Ca Linh ra vào công ty và giữ lại giấy giới thiệu, trả máy ghi âm và cho PV ra về. Nhưng bảo vệ lại lập biên bản với nội dung như biên bản lần đầu nên PV Ca Linh không ký vào biên bản.
Một bảo vệ tại đây hét lớn: “Nó không ký thì giam nó ở đây”. Kết quả, PV Ca Linh bị giữ khoảng 1 giờ đồng hồ. Đến khoảng 18h, khi có sự can thiệp của Trưởng Văn phòng báo Người Lao Động tại Cần Thơ và anh em PV các báo với lãnh đạo công ty Bianfishco, bảo vệ mới trả lại máy ghi âm.
Trung tá Huỳnh Thanh Cần-Phó trưởng Công an quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đã có buổi làm việc với đại diện của Bianfishco và PV Ca Linh. Buổi làm việc ghi nhận lại sự việc đã xảy ra và sẽ xem xét theo dõi để có biện pháp xử lý sau này.
P.V
Theo Bee.net.vn
Đồng sáng lập Facebook trở thành Tổng biên tập Tạp chí chính trị Mỹ
Submitted by nlphuong on Sat, 10/03/2012 - 13:59(ICTPress) - Chris Hughes, một trong những người đồng sáng lập Facebook và cựu chiến lược gia trực tuyến cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2008, đã trở thành cổ đông chính của Tạp chí The New Republic.
Chris Hughes, một trong những người đồng sáng lập Facebook, nói chuyện tại Hội thảo Charles Schwab IMPACT 2010, ở Boston, bang Massachusetts, ngày 28/10/2010 |
Hughes, 28 tuổi sẽ trở thành Tổng biên tập và người xuất bản tờ tạp chí có tuổi đời gần 100 năm, bao trùm các nội dung về chính trị của nước Mỹ. Hughes cũng được trông đợi là sẽ đưa kinh nghiệm về công nghệ số vào trong tờ Tạp chí New Republic.
New Republic gần đây đã xuất bản một tờ tạp chí Web hàng ngày. New Republic không đề cập đến các điều khoản tài chính của thương vụ này hay con số chính xác của việc mua cổ phiếu này.
Hughes đã đồng sáng lập Facebook vào năm 2004 tại Havard cùng với bạn cùng phòng là CEO của Facebook, Mark Zuckerberg và Dustin Moskovitz.
Kể từ khi tham gia vào chiến dịch vận động bầu cử tổng thống của tổng thống Obama, Hughes đã thành lập trang Jumo.com vào năm 2010, một trang phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ những con người tìm ra các cách thức giúp đỡ lẫn nhau. Trang này sau đó hợp nhất với GOOD, một nền tảng nội dung và tuyển dụng xã hội trực tuyến, vào năm 2011.
Ngay lập tức với vai trò mới, Hughes sẽ tiếp tục đầu tư độc lập và làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận như Quỹ Knight.
Mai Anh
Theo Reuters
“Tác nghiệp bằng phương pháp hạ sách là nhà báo đang ăn dần tương lai"
Submitted by nlphuong on Thu, 08/03/2012 - 19:52“Muốn viết tin, bài kinh tế hấp dẫn thì trước hết nhà báo phải định vị được rằng, bạn đang húc đầu vào những tảng đá “khô khan và khó hiểu”. Và nhiệm vụ của nhà báo kinh tế là phải làm cho nó trở nên “ướt át và dễ hiểu”. Đó là chia sẻ của Nhà báo - TS. Trần Ngọc Châu- Giám đốc Kênh Truyền hình Kinh tế- Tài chính FBNC (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) - một cây bút tài chính có nghề và lâu năm.
+ Có ý kiến cho rằng, hiện nay, đội ngũ nhà báo viết về kinh tế của nước ta đã tăng lên đáng kể về số lượng, nhưng số nhà báo viết về kinh tế một cách sắc sảo thì chưa nhiều. Với kinh nghiệm của một nhà báo kinh tế có nghề, ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
- Để đánh giá về điều đó cũng không dễ dàng. Vì chúng tôi chưa có một khảo sát định lượng về trình độ cũng như nền tảng căn bản của các nhà báo viết về kinh tế Việt Nam. Nhưng nhìn trên cái định tính, diện mạo thì phải nói rằng, chúng ta đã có được thế hệ nhà báo viết về kinh tế khá xuất sắc với nhiều bài báo hay. Đội ngũ nhà báo trẻ viết về kinh tế càng ngày càng nhanh và năng động, đã bắt kịp với tốc độ thông tin kinh tế trên thế giới. Nhưng cái nhanh này cũng có mặt trái của nó. Đó là độ không chính xác của các tin tức này cũng càng ngày càng cao. Bi kịch của chúng ta hiện nay không phải là thiếu thông tin mà chính là quá nhiều thông tin. Do đó, tôi nghĩ rằng các nhà báo kinh tế Việt Nam dù kiến thức, lòng yêu nghề không thiếu, nhưng lại thiếu một cái vô cùng quan trọng đó là trách nhiệm. Khi anh đưa một con số hay một thuật ngữ kinh tế thì trách nhiệm đối với thông tin đó phải đầy đủ, phải cao, phải thận trọng, như trách nhiệm anh đưa tin một sự kiện về chính trị vậy.
+ Chúng ta đã có một thế hệ nhà báo viết về kinh tế khá xuất sắc với nhiều bài báo hay. Nhưng bên cạnh đó không phải là không có những nhà báo (đặc biệt là nhà báo trẻ) ngộ nhận dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho cả xã hội và cho chính bản thân nhà báo. Ông có lời khuyên nào với họ để tránh rất nhiều cái “bẫy” môi trường kinh doanh dễ giăng ra?
- Cuộc đấu tranh không ngừng về đạo đức của người làm báo chuyên nghiệp, nhất là nhà báo viết về kinh tế, vốn dĩ dễ dính tới tiền bạc là đấu tranh giữa một bên là sự thật và một bên là cách nắm bắt sự thật. Chúng ta phải hành nghề với triết lý “bàn tay bẩn” (theo nghĩa đen” thì mới có thể dấn mình vào thực tế mà moi ra sự thật. Tuy nhiên, không thể ngụy biện rằng “vì sự thật” mà anh có thể hi sinh những chuẩn mực hành nghề. Công chúng có thể tung anh lên mây vì những thông tin mà anh công bố, anh có thể làm thay đổi nhận thức của công chúng về một vấn đề này hay vấn đề khác. Nhưng tất cả là ngắn hạn. Nếu sau này người ta biết rằng anh đã sử dụng phương pháp lừa mị, không ngay thẳng, thiếu chuyên nghiệp của nghề báo để lấy thông tin thì công chúng- vốn vô tình và thẳng thắn- sẽ hoài nghi và dẫn tới sụp đổ lòng tin về sự trung thực. Vì thế, nếu nhà báo tác nghiệp bằng phương pháp hạ sách thì chẳng khác nào nhà báo đang ăn dần tương lai.
+ Viết một bài báo hay đã là khó. Viết được bài báo hay trong lĩnh vực kinh tế lại càng khó hơn vì đây là lĩnh vực vốn khô khan và chuyên sâu. Để viết được một bài báo kinh tế hay thì cần những yếu tố gì, thưa ông?
- Muốn viết tin, bài kinh tế hấp dẫn thì trước hết nhà báo phải định vị được rằng, bạn đang húc đầu vào những tảng đá “khô khan và khó hiểu”. Và nhiệm vụ của nhà báo kinh tế là phải làm cho nó trở nên “ướt át và dễ hiểu”. Có nghĩa là nhà báo phải làm cho một bản tin kinh tế vốn phức tạp trở thành đơn giản và dễ hiểu đối với công chúng. Thứ hai, thông tin anh đưa ra phải chính xác và kịp thời, phải lựa chọn được những số liệu mà anh thấy cần thiết nhất, cô đọng nhất. Đặc biệt, ngoài hàng loạt các kĩ năng khác, nhà báo kinh tế phải đặc biệt chú trọng tới yếu tố con người, bóng dáng con người. Mà hai “con người” quan trọng- nguồn tin chính của nhà báo kinh tế là doanh nhân và quan chức chính phủ. Hãy thiết lập quan hệ với họ…ngay cả trước khi bạn cần đến họ.
+Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, việc nâng cao năng lực và kĩ năng đội ngũ nhà báo viết về kinh tế đang là một đòi hỏi bức thiết, thưa ông?
- Có hai mặc định đối với một nhà báo nói chung và nhà báo kinh tế nói riêng: Thứ nhất là lòng yêu nghề và thứ hai là lòng yêu nước. Còn cái phải có đó là kiến thức về kinh tế. Kiến thức này phải được học hành bài bản. Đã là một nhà báo, dù anh tốt nghiệp đại học kinh tế, ngân hàng- tài chính hay đại học báo chí…thì cũng bắt buộc phải học lại về kinh tế thị trường và kinh tế chuyên ngành. Đồng thời, phải tiếp tục học những kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại khác… Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng, các Tổng Biên tập, các Ban Biên tập của từng tờ báo cần chú trọng hơn đến việc đào tạo lại đội ngũ phóng viên kinh tế và phải làm sao để hâm nóng bầu nhiệt huyết trong họ.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Lành
Nhà báo và Công luận
Báo chí cho người nghèo nhờ điện thoại di động
Submitted by nlphuong on Tue, 06/03/2012 - 06:44(ICTPress) - Là một nhà báo đến từ bang Chhattisgarh, Ấn Độ, tâm chấn của cuộc bạo loạn năm 2006, Shubhranshu Choudhary đã luôn phải đối mặt với những khó khăn trong nghề.
Một nhà báo công dân thực hiện một phỏng vấn bằng cách sử dụng điện thoại di động của mình ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ |
Cuộc nổi dậy mà theo Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh miêu tả vào năm 2006 là “thách thức an ninh trong nước lớn hơn bất kỳ bao giờ” của Ấn Độ đã kéo theo sức mạnh từ các cộng đồng trong nước bị tước quyền công dân mà họ chiếm khá đông ở Chhattisgarh.
Theo Liên hợp quốc, có đến 100 triệu người trên toàn Ấn Độ sống trong “các bộ tộc”, sống trong các điều kiện nông thôn bần cùng so với hoặc thấp hơn những người như ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Mặc dù họ là trung tâm của cuộc xung đột nói trên nhưng tiếng nói của họ hoàn toàn vắng bóng trên các diễn đàn truyền thông.
“Không có lấy một nhà báo thuộc một bộ tộc nào. Có một khoảng cách thật sự: người đọc, người viết, các cơ quan truyền thông đều đứng 1 bên, số dân 100 triệu người này đứng ở phía kia. Báo chí hoàn toàn là một phía”, Choudhary cho biết.
Không chỉ tiếng nói người dân là bộ lạc vắng bóng trên phương tiện truyền thông - họ không thể tiếp cận như những người dân khác, Choudhary cho hay. Có quá nhiều rào cản. Họ nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau với những thực hiện công tác truyền thông. Nhiều người không biết đọc hoặc viết. Họ sống ở những ngôi làng xa xôi, không thể tiếp cận và không có điện.
“Để đến tới một ngôi làng, bạn cần phải vượt qua 5 con sông và 5 ngọn đồi - và không hề có đường đi. Cách thức giao tiếp duy nhất đối với họ là với chồng, hay vợ hoặc các xã bên cạnh nếu họ đi chợ, bởi vì không có đài, tivi, tạp chí hoặc bất cứ thứ gì bằng ngôn ngữ của họ”, Choudhary cho biết thêm.
Choudhary, từng là một nhà báo của BBC, đã chứng kiến mối liên hệ giữa việc bị loại trừ của người nghèo nông thôn và bạo lực nổ ra ở đây. “Điều này là tự nhiên khi các mối quan tâm của bạn không được lắng nghe bạn phải tìm con đường khác - con đường này đã dẫn đến ý thức hệ quá khích”.
Và do đó với sự hỗ trợ của Trung tâm quốc tế cho các nhà báo, mà Choudhary là một hiệp sỹ báo chí quốc tế, bắt đầu một thử nghiệm báo chí công dân.
“Chúng tôi hiểu rằng sẽ cần phải rẻ và giọng nói là yếu tố then chốt - bởi vì quá nhiều người không biết đọc và viết. Giai đoạn đầu của thử nghiệm này bao gồm các trạm phát thanh cộng đồng và Internet “đã thất bại hoàn toàn”. Nhưng sau đó Choudhary có một chiến lược khác, đó là tập trung vào điện thoại di động (ĐTDĐ), có tỷ lệ thâm nhập 74% ở Ấn Độ.
ĐTDĐ là một công cụ phổ biến nhất ở Ấn Độ hiện nay. Mặc dù tỷ lệ thâm nhập di động ở các vùng nông thôn chỉ khoảng một nửa quốc gia (36%), điện thoại vẫn là một tầm nhìn cho cộng đồng thậm chí ở những làng xa xôi nhất. Khi chúng tôi bắt đầu làm việc vào năm 2004 - 2005 ở các làng xã, chúng ta không hề thấy một chiếc điện thoại nào. Nhưng đã có một sự thay đổi to lớn. Sử dụng ĐTDĐ đã bùng nổ, Choudhary nói.
Kết quả, CGNet Swara (thường gọi là “Tiếng nói của Chhattisgarh”) là một cổng thoại cho phép bất cứ ai có ĐTDĐ có thể ghi và nghe tin tức và các chủ đề yêu thích. Cách thức hoạt động của chương trình này khá đơn giản: quay số dịch vụ, người sử dụng bấm phím “1” để ghi một bản tin, hoặc bấm phím “2” để nghe. Một khi tin tức được ghi, sẽ được một nhóm đánh giá thẩm định và biên tập trước khi người dân tiếp cận dịch vụ.
Dịch vụ này “tốt hơn chúng tôi trông đợi”. Trong hai năm kể từ khi khởi động, Swara đã có 9.000 người sử dụng, thực hiện hơn 30.000 cuộc gọi và xuất bản 750 câu chuyện tin tức, trong đó có một số đã có những câu chuyện có ảnh hưởng lớn.
Ví dụ, vào tháng 1 năm ngoái, Sware đã đăng tải một cuộc phỏng vấn nhà báo công dân với Pitbasu Bhoi, một người đàn ông tàn tật đã cho biết đã không được trả lương cho 100 ngày làm việc cho một chương trình bảo đảm việc làm nông thông của chính phủ. Đứa con trai bé bỏng của Bhoi đã chết vì anh không có tiền mang con mình đến bệnh viện để chữa trị. Nhật báo quốc gia đã đăng tải câu chuyện này và một tia sáng đã đến với cái mà các nhà hoạt động cho biết là có đơn kiện tập thể về số lương không được chi trả. Bhoi hiện nay đã chủ động đóng góp các tin tức cho dịch vụ báo chí này.
Các câu chuyện khác đã chia sẻ như các làng xã đang được phá trụi trong các cuộc đột kích của lực lượng an ninh, hành động tàn nhẫn của cảnh sát, các chương trình lương thực cho trẻ em nghèo nhiều tháng mà không nhận được sự cung cấp, và phải chịu việc đất bị phá dần cho khai thác mỏ.
Hình thức báo chí này cho phép con người ở những cộng đồng này có thể được lắng nghe, Elisa Tinsley thuộc Trung tâm quốc tế về các nhà báo cho biết.
Đây là nền tảng truyền thông đầu tiên của hình thức này dành cho những người dân nghèo ở đây. Khi họ quan tâm nhiều hơn về ngôn ngữ riêng của mình, một số nhà báo hay luật sư sẽ truyền thông hoặc các quan chức biết được các tin tức và sẽ giải quyết vấn đề sau đó vòng luẩn quẩn sẽ được giải quyết. Dịch vụ này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ các ngôn ngữ thiểu số, Choudhary cho biết.
Elisa Tinsley, giám đốc học bổng báo chí quốc tế Knight của ICJ, và cựu biên tập viên thế giới của tờ USA Today cho biết sáng kiến này là một ví dụ điển hình của hình thức báo chí mà chương trình tìm kiếm khuyến khích.
“Swara sử dụng hệ thống ĐTDĐ sáng tạo để giúp các cộng đồng vùng sâu xa lần đầu tiên được tiếp cận tin tức địa phương. Và điều này cho phép những con người ở những cộng đồng này được lắng nghe, buộc chính phủ quan tâm và tạo ra sự minh bạch”.
Swara hoạt động được nhờ chi phí thấp và sự phổ biến của ĐTDĐ và sự thành công của dự án đã được các khu vực khác trên thế giới áp dụng. Ở Indonesia, RuaiSwara đang cung cấp một dịch vụ tương tự ở Bahasa, trong khi một dịch vụ liên quan, RuaiSMS, sử dụng tin nhắn văn bản để hỗ trợ công dân đưa tin ở Tây Kalimantan và Tây Borneo. Các dự án khác lấy mô hình từ Swara cũng đang được triển khai ở Ai Cập và Aghanistan.
Choudhary đang tiếp tục gắn kết với mô hình này, với hy vọng vượt qua những khó khăn về pháp lý và kết hợp một bộ phận vô tuyến sóng ngắn vào các hoạt động của Swara. Với lý do này, Swara cần chú ý đặc biệt về sự chính xác của các bản tin.
Mai Anh
Theo CNN, Time