Bác Hồ biên tập

Bác Hồ là người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Bác Hồ còn trực tiếp chỉ dạy các thế hệ làm báo trong những tác nghiệp cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960. Ảnh: TL

Xin được kể mấy mẩu chuyện nhỏ về công tác biên tập sau:

Trong tin tường thuật Lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1959 của Nguyễn Mạnh Hào (Việt Nam Thông tấn xã - VNTTX) đưa lên Bác duyệt, có câu: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua trai gái, già trẻ”...

Bác cầm bút đỏ, làm dấu ngoặc hoán vị “trai gái” thành “gái trai”. Bác nói: Để “trai gái”, trai trước gái sau là không tôn trọng phụ nữ; hơn nữa để “trai gái” người ta dễ nghĩ đến chuyện trai gái, không hay.

Đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn nước ta, đến thăm Bác. VNTTX viết tin với đầu đề: “Đoàn nghệ thuật Trung Quốc yết kiến Hồ Chủ tịch”. Đầu đề ấy thể hiện sự trọng thị đối với Bác. Bác nói: Đoàn nghệ thuật này do Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cử sang nước ta. Bác có nhiệm vụ thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tiếp đoàn. Bác sửa đầu đề ấy thành: “Hồ Chủ tịch tiếp đoàn nghệ thuật Trung Quốc”. Đầu đề này thể hiện sự trọng thị tình hữu nghị hai nước; trọng thị sự phục vụ của đoàn nghệ thuật.

Người làm báo phải luôn luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Và Người còn dạy phải viết như thế nào? Ảnh: TL

Ba tuần sau, Đoàn đại biểu Hòa bình Pháp đến Hà Nội và cũng được Bác Hồ tiếp. Đoàn này có nhiều cựu bộ trưởng, nhiều trí thức lớn. Nhớ bài học cũ, phóng viên viết: “Hồ Chủ tịch tiếp Đoàn đại biểu Hòa bình Pháp”. Chắc mẩm đúng ý Bác. Bác bảo không được; phải sửa thành “Đoàn đại biểu Hòa bình Pháp yết kiến Hồ Chủ tịch” vì trong chương trình hoạt động của đoàn ở nước ta có nội dung đến chào thăm Hồ Chủ tịch.

Ngày 10/1/1959, Bác Hồ dự Hội nghị Thủy lợi toàn Miền Bắc; kiểm tra và nói chuyện với Lớp nghiên cứu chính trị của ĐH Nhân Dân và thăm Nông trường quân đội An Khánh. Tin của Đinh Chương VNTTX viết: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm 107 cái cống, sau khi kiểm tra có 87 cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ từ cấp trên xuống cấp dưới quan liêu, không nghĩ đến nhân dân, làm thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân. Nếu từ trên xuống dưới có tinh thần phụ trách thì không đến nỗi như thế”.

Bác sửa gọn lại, bỏ con số cụ thể, đề phòng sự thống kê không chính xác: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm hơn một trăm cái cống, sau khi kiểm tra có nhiều cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ quan liêu, thiếu tinh thần phụ trách mà làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước, công sức của nhân dân”

Nguồn: Nguyễn Sĩ Đại ghi theo lời kể của Đinh Chương/nguoilambao.vn

Tin nổi bật