Chuyển động ngành
VNPT hợp tác với công ty Anh thúc đẩy y tế số tại Việt Nam
Submitted by nlphuong on Wed, 03/11/2021 - 11:01Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Vương quốc Anh, Tập đoàn VNPT và Babylon đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực y tế số để hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT và ông Keith Grimes, Giám đốc Sáng tạo và Y tế số của Babylon |
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VNPT và Babylon được thực hiện trong bối cảnh Tập đoàn VNPT đang tập trung phát triển danh mục các dịch vụ số, khẳng định vai trò dẫn dắt trong việc tư vấn, triển khai các dự án cấp quốc gia để dần xây dựng một Chính phủ số, nền kinh tế số, xãhộisốtạiViệt Nam.
Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác này, hai bên mong muốn khám phá tiềm năng hợp tác, cấp phép, tích hợp và triển khai dịch vụ đám mây Babylon tại Việt Nam, bao gồm xây dựng hệ thống y tế số cấp quốc gia để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe (CSSK) cộng đồng tại Việt Nam và dịch vụ chăm sóc sức khỏe số dành cho các thuê bao di động Vinaphone.
Hệ thống y tế số cấp quốc gia là một hệ sinh thái dịch vụ y tế số kết nối người dân, các cơ sở y tế (bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc…) và các cơ quan quản lý y tế để hỗ trợ CSSK cộng đồng, tăng cường phạm vi tiếp cận các dịch vụ y tế. Thông qua hệ thống này người dân có thể theo dõi, CSSK, nhận được tư vấn khám chữa bệnh 24/7 từ tổng đài và bác sĩ, đặt lịch khám/chữa bệnh, kê đơn và mua thuốc trên toàn lãnh thổ Việt Nam ngay trên chiếc điện thoại di động.
Ngoài ra, VNPT cũng nghiên cứu phát triển dịch vụ CSSK số dành riêng cho các thuê bao di động VinaPhone như là một trong những phương thức chăm sóc khách hàng của mình.
Babylon là một trong những công ty CSSK số phát triển nhanh nhất thế giới. Số lượng người dùng lên đến hơn 24 triệu người ở 16 quốc gia, với 15 ngôn ngữ trong thời gian ngắn và sự đánh giá cao của chính quyền, các tổ chức độc lập và người dùng cho thấy sự tin tưởng vào công nghệ và dịch vụ y tế của Babylon. Mô hình ứng dụng giải pháp của Babylon tại Rwanda, Anh, Mỹ cũng như tại các công ty bảo hiểm, công ty viễn thông cho thấy tiềm năng ứng dụng tương tự tại thị trường Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh: "Việc hợp tác cùng Babylon để tư vấn, triển khai một dự án CSSK điện tử cho toàn dân, hướng tới chuyển đổi số cho hệ thống CSSK quốc gia sẽ giúp thể hiện rõ hơn nữa vai trò dẫn dắt của VNPT trong chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam".
Biên bản ghi nhớ bao gồm việc thành lập các nhóm công tác từ cả VNPT và Babylon để cùng nghiên cứu, xây dựng dự án và phương án triển khai, nỗ lực phấn đấu để đưa ra các đề xuất thương mại và kỹ thuật cho việc hợp tác và triển khai dịch vụ đám mây Babylon tại Việt Nam vào cuối tháng 6/2022./.
Nguồn: ictvietnam.vn
Việt Nam và Anh tăng cường hợp tác kinh tế số và chuyển đổi số
Submitted by nlphuong on Tue, 02/11/2021 - 14:25Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chris Philp đã ký Ý định thư về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số và chuyển đổi số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Số, Văn hóa, Truyền thông, và Thể thao Vương quốc Anh (DCMS).
Lễ ký Ý định thư giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và DCMS. |
Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc và dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) của Thủ tướng Nguyễn Minh Chính tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến 2/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ngày 1/11 (giờ địa phương) đã có buổi làm việc với ông Chris Philp, Bộ trưởng phụ trách công nghệ và kinh tế số, Bộ Số, Văn hóa, Truyền thông, và Thể thao Vương quốc Anh (DCMS) tại trụ sở của DCMS ở thủ đô London.
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã chia sẻ các định hướng chiến lược, chương trình, đề án quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số của mỗi nước, các sáng kiến và chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế số.
Hai bên cũng trao đổi các khả năng mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý về chuyển đổi số, kinh tế số, kết nối doanh nghiệp số, cùng xây dựng và tổ chức triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ Chương trình đối tác số Anh - ASEAN, Mạng lưới thương mại số châu Á - Thái bình dương.
Bộ trưởng Chris Philp đã giới thiệu kế hoạch triển khai các sáng kiến mở rộng hợp tác phát triển kinh tế số với châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN, thông qua Chương trình Hợp tác Đổi mới sáng tạo số giữa Anh-ASEAN; Chương trình hỗ trợ ASEAN triển khai các nền tảng thương mại số; tiêu chuẩn và khung kiến trúc xây dựng thành phố thông minh…
Tại sự kiện, hai Bộ trưởng đã ký Ý định thư về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số và chuyển đổi số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và DCMS. Ý định thư này ghi nhận các mục tiêu chung của các Bên, gồm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế số, chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp số hai nước, cùng khai thác các cơ hội hợp tác sâu hơn trong tương lai về công nghệ số; và hợp tác triển khai sáng kiến Mạng lưới Thương mại số châu Á Thái Bình Dương, Đối tác Đổi mới sáng tạo số ASEAN - Anh.
Trong 10 năm qua, Chính phủ Anh đã triển khai nhiều sáng kiến, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế số, đưa Anh trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh, cộng đồng doanh nghiệp số lớn mạnh, với số lượng các kỳ lân công nghệ hàng đầu thế giới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng có buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp công nghệ Vương quốc Anh (TechUK) và Hội đồng kinh doanh Anh - ASEAN (UKABC). Tại đây, TechUK và UKABC đã giới thiệu các kế hoạch, sáng kiến phát triển cộng đồng doanh nghiệp số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo số, xây dựng môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp số, cũng như các chương trình hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ đối tác với các nước và khu vực, nhất là châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hợp tác giữa các doanh nghiệp số hai nước còn nhiều tiềm năng và cần được đẩy mạnh hơn nữa, với vai trò hỗ trợ, kết nối của cả cơ quan quản lý và các Hội liên quan ở hai nước.
Từ năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam sẽ xem xét triển khai các Diễn đàn số Việt - Anh, các chương trình xúc tiến đầu tư, hội thảo chuyên đề để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và hợp tác trong các dự án về kinh tế số, chuyển đổi số.
VNPT chính thức được cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa
Submitted by nlphuong on Sun, 31/10/2021 - 08:09Bên cạnh hình thức ký số truyền thống sử dụng USB Token, Tập đoàn VNPT sẽ cung cấp dịch vụ ký số từ xa. Đây dự kiến sẽ mở ra cơ hội ứng dụng chữ ký số (CKS) trong nhiều hoạt động giao dịch hơn đặc biệt với người dùng cá nhân.
Chính thức cấp phép cung cấp giải pháp CKS từ xa từ 28/10/2021
Ngày 28/10/2021, Bộ TT&TT đã phê duyệt cấp phép về việc Cung cấp dịch vụ chứng thực CKS từ xa cho Tập đoàn VNPT.
Mô hình ký số từ xa (Remote Signing) là phương thức ký số đã được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã được chứng minh sự tiện lợi, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây.
So với loại hình ký số trước đây, bị phụ thuộc vào các thiết bị vật lý như USB token, ký số từ xa có sự linh hoạt hơn khi có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị, bao gồm smartphone, laptop, máy tính bảng chứ không chỉ đơn thuần là máy tính như trước kia. Hơn thế nữa, với loại hình ký số này, tốc độ ký nhanh hơn, nhiều hơn mà vẫn đảm bảo tính an toàn, pháp lý, đặc biệt phù hợp đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong thời đại số hóa và thương mại điện tử hiện nay.
Sự lựa chọn cần thiết trong thời đại số hóa toàn cầu
Theo đại diện của VNPT, theo xu hướng thời đại với nhu cầu ngày càng cao của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, VNPT đã có sự nghiên cứu, đầu tư, phát triển và chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, hạ tầng để có thể triển khai cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa (VNPT SmartCA) ngay trong tháng 11.2021.
“Trong thời gian qua, khi phải đối diện với những khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 tác động đã cho thấy sự cần thiết về CKS và mô hình ký số từ xa đối với đời sống kinh tế xã hội. Giải pháp ký số từ xa VNPT SmartCA sẽ giúp xóa nhòa khoảng cách về không gian, giúp cho các giao dịch của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được thuận lợi mà vẫn đảm bảo hiệu quả, an toàn. Kể cả sau khi đại dịch được khống chế, loại hình chứng thực chữ ký số này vẫn không thể thiếu trong các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, hành chính khi mà tốc độ số hóa toàn cầu ngày càng diễn ra mạnh mẽ, các giao dịch diễn ra từng giây, từng phút”.
Cũng theo VNPT, so với các loại hình chứng thực CKS truyền thống (CA), ký số từ xa với ưu điểm nổi bật như không cần thiết bị phần cứng như smartcard/USB token, không cần cài đặt phần mềm môi trường, khóa lưu tập trung với tất cả các khóa được quản lý tập trung… giúp cho việc quản lý giao dịch một cách đầy đủ và tối ưu chi phí đầu tư và vận hành cho khách hàng. Đây cũng là loại hình ký số có tính bảo mật cao hàng đầu hiện nay, đáp ứng đầy đủ các chính sách bảo mật, tiêu chuẩn bảo mật Châu Âu eIDAS.
Về tốc độ ký, giải pháp ký số từ xa VNPT SmartCA cũng thể hiện sự ưu việt hơn khi cho phép khách hàng có thể ký hàng loạt với tốc độ cao, đây sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho các giao dịch thương mại điện tử như hải quan, thuế, kho bạc, tài chính… khi mà sự cạnh tranh ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái số VNPT
Với những ưu thế kể trên, VNPT kỳ vọng, giải pháp ký số từ xa VNPT Smart CA sẽ là một “át chủ bài”, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái số của tập đoàn này cùng với các dịch vụ như Hợp đồng điện tử (VNPT eContract), Nền tảng quản trị doanh nghiệp SME toàn diện (VNPT oneBusiness), hóa đơn điện tử (VNPT Invoice)…
Trong những năm qua, với sự đầu tư kỹ lưỡng và bài bản, VNPT hiện là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc thiết lập hệ sinh thái số với các dịch vụ xuyên suốt quá trình hoạt động của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam. Mới đây, theo đánh giá của Tổ chức Vietnam Report, VNPT lọt top 2 công ty công nghệ uy tín nhất Việt Nam.
Trong thời gian tới, Tập đoàn VNPT tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá quan trọng trong việc tạo ra những dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam.
ND
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và VNPT hợp tác triển khai chuyển đổi số
Submitted by nlphuong on Thu, 28/10/2021 - 15:52Sau 06 năm hợp tác chiến lược (2014-2020), Tập đoàn VNPT đã giúp tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ có một hạ tầng mạng lưới VT-CNTT rộng khắp, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng các dịch vụ VT & CNTT của người dân, mà còn sẵn sàng phục vụ công tác triển khai Chính quyền điện tử Thừa Thiên Huế đến tận tuyến xã.
Với sự hợp tác chặt chẽ và triển khai đồng bộ, cho đến thời điểm này, hạ tầng cáp quang, di động của VNPT đã đến từng hộ nhà dân, khu tập trung dân cư, khu công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, vùng sâu, vùng xa… trên toàn địa bàn Thừa Thiên - Huế.
Ngày 26/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn VNPT đã thực hiện ký kết hợp tác về CNTT và viễn thông giai đoạn 2021-2025 theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu Huế và Hà Nội. |
Trong 6 năm qua, VNPT đã triển khai trên địa bàn Thừa Thiên - Huế một hệ sinh thái ứng dụng CNTT đa dạng phát huy hiệu quả trong phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền Tỉnh, cũng như trong các lĩnh vực trọng yếu của Tỉnh. Điển hình như, VNPT đã xây dựng hệ thống và cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác điều hành của Đảng và Chính quyền tới tận phường xã.
Dịch vụ Truyền hình hội nghị cũng được triển khai tới tận cấp xã phường, đáp ứng mọi yêu cầu của công tác điều hành từ xa cho các cơ quan Đảng, chính quyền. Ngành y tế Tỉnh cũng đã và đang triển khai hệ sinh thái giải pháp CNTT trong lĩnh vực y tế với hiệu quả cao, đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống COVID-19 với Cổng dữ liệu y tế, phần mềm phục vụ quản lý khám chữa bệnh, VNPT HIS, VNCare, Home Clinic, hệ thống kết nối máy xét nghiệm, máy siêu âm, chẩn đoán, hình ảnh LIS, RICS PAC, hệ thống hồ sơ sức khỏe, y tế cơ sở, HMIS, bệnh án điện tử ERM...
Trong lĩnh vực giáo dục, riêng năm 2020, VNPT đã hỗ trợ triển khai giải pháp học trực tuyến VNPT ELearning cho 368 trường trên địa bàn Tỉnh giúp cho phụ huynh, học sinh thích nghi với việc học từ xa trong thời kỳ đại dịch COVID...
Những kết quả hợp tác đạt được trong giai đoạn vừa qua là nền tảng để UBND Thừa Thiên Huế tin tưởng tiếp tục chọn Tập đoàn VNPT là đơn vị đồng hành cùng tỉnh triển khai chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sự hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào phát triển dịch vụ đô thị thông minh; xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung, đảm bảo an toàn an ninh thông tin và hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT-VT nhằm tạo nền móng cho việc chuyển đổi số Thừa Thiên Huế.
VNPT sẽ phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế; triển khai các giải pháp về Cơ sở dữ liệu và các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế; triển khai, tích hợp các hệ thống dùng chung của Quốc gia như hệ thống Dịch vụ công, hệ thống thông tin báo cáo.
Cùng với đó, VNPT tư vấn, hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; Hỗ trợ triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử hướng tới phát triển toàn diện nền kinh tế số.
Trên thành quả đã đạt được, UBND Thừa Thiên Huế và VNPT tiếp tục hợp tác phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số giai đoạn 2021-2025. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao sự đồng hành của Tập đoàn VNPT đối với tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua.
Với sự đồng hành của Tập đoàn VNPT, đã giúp tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu về hạ tầng kết nối theo lộ trình, hạ tầng viễn thông vươn tới vùng sâu, vùng xa, dịch vụ viễn thông ngày một đa dạng mang lại nhiều lợi ích, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sự hưởng thụ của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa UBND tỉnh và VNPT sẽ đem lại cho Thừa Thiên Huế diện mạo khác biệt, CNTT phát triển ngày một sâu, rộng hướng về cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa các cơ quan nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính, óp phần quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế, thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
ND
Sẽ phát hành bộ tem 50 năm trận chiến 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Submitted by nlphuong on Thu, 28/10/2021 - 07:42Hội đồng tem bưu chính quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì đã có phiên họp thứ 2 trong năm 2021 để xem xét và cho ý kiến các mẫu tem bưu chính cho 02 bộ tem kỷ niệm và 04 bộ tem chuyên đề dự kiến được phát hành 6 tháng cuối năm 2022.
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng tem bưu chính quốc gia và các thành viên xem xét đánh giá các mẫu tem |
2 bộ tem kỷ niệm ý nghĩa
Cụ thể, theo thường trực Hội đồng tem bưu chính quốc gia, 2 bộ tem kỷ niệm gồm: bộ tem "Kỷ niệm 50 năm Trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022)"; bộ tem "Kỷ niệm 200 năm sinh nhà khoa học Louis Pasteur (1822 - 1895)".
Theo Hội đồng tem Bưu chính quốc gia, chiến thắng oanh liệt "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật phòng không. Chiến thắng này đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Theo đó, bộ tem "Kỷ niệm 50 năm Trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022)" được thiết kế với phong cách đồ họa, màu sắc mạnh mẽ nhằm tái hiện khí thế hào hùng của quân và dân ta trong trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Bộ tem kỷ niệm thứ 2 là bộ tem "Kỷ niệm 200 năm sinh nhà khoa học Louis Pasteur (1822 - 1895)", gồm 01 mẫu, dự kiến phát hành ngày 27/12/2022.
Louis Pasteur sinh ngày 27/12/1822 tại Dole, vùng Jura nước Pháp, ông được ví là "cha đẻ ngành vi sinh vật học", "ân nhân của nhân loại", là nhà khoa học đã thay đổi căn bản sự hiểu biết của con người về sinh học. Những loại vaccine do ông phát triển đã bảo vệ hàng triệu người trên thế giới.
Louis Pasteur được thế giới nhớ đến như một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Ông được UNESCO ghi vào danh sách "Ký ức thế giới", trở thành nhà khoa học thứ 4 trên thế giới có được vinh dự này. Đến nay, các công trình nghiên cứu của ông vẫn tiếp tục cứu sống hàng triệu người trên thế giới.
Hình ảnh trên mẫu thiết kế là chân dung nhà khoa học người Pháp Louis Pasteur, nền tem được đồ họa hình ảnh phòng thí nghiệm và biểu tượng những thành tựu khoa học của ông.
Hội đồng tem Bưu chính quốc gia gồm đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Hội Tem Việt Nam và các bộ, ngành, chuyên gia các lĩnh vực liên quan |
Ấn tượng 4 bộ tem chuyên đề
Hội đồng tem bưu chính quốc gia cũng đã cho ý kiến về 4 bộ tem chuyên đề gồm các bộ tem: "Thác nước Việt Nam", "An toàn giao thông đường bộ (bộ 3)", "Ẩm thực Việt Nam (bộ 3)", "Kiến trúc nhà thờ", gồm 04 mẫu tem và 01 blốc.
Bộ tem "Thác nước Việt Nam", gồm 04 mẫu tem, dự kiến phát hành ngày 15/8/2022 nhằm giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam, góp phần tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, quảng bá du lịch Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước qua các thác nước đẹp, nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, độc đáo của 3 miền (chưa được giới thiệu trên tem Bưu chính Việt Nam), gồm: thác Tiên đèo Gió (Hà Giang), thác Dải Yếm (Sơn La), thác Mây (Thanh Hóa), thác Pongour (Lâm Đồng), thác suối tranh (Kiên Giang).
Bộ tem chuyên đề thứ hai là bộ tem "An toàn giao thông đường bộ (bộ 3)", gồm 04 mẫu tem, dự kiến phát hành ngày 05/9/2022 nhằm tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bộ TT&TT phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát hành 03 bộ tem về chủ đề an toàn giao thông đường bộ trong các năm: 2020, 2021 và 2022 để chuyển tải các thông điệp từ 12 quy tắc vàng về an toàn giao thông trong Chiến dịch An toàn giao thông toàn cầu #3500 sinh mạng.
Được biết, năm 2020, bộ tem "An toàn giao thông đường bộ (bộ 1)" gồm 04 mẫu phát hành ngày 05/9/2020. Năm 2021, bộ tem "An toàn giao thông đường bộ (bộ 2)" gồm 04 mẫu phát hành ngày 05/9/2021.
Năm 2022, bộ tem "An toàn giao thông đường bộ (bộ 3)" gồm 04 mẫu thể hiện các thông điệp: chậm lại kẻo hại trẻ em (slow down for kids), kiểm tra lốp thường xuyên, là tai nạn giảm liền (check your tire), nhìn đường mà nhường nhau đi (always pay attention), đôi mắt dẫn đường, phải thường kiểm tra (check your vision).
Bộ tem "Ẩm thực Việt Nam (bộ 3)", gồm 04 mẫu tem, dự kiến phát hành ngày 10/10/2022 nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa của ẩm thực Việt Nam. Bộ TT&TT đã quyết định phát hành 03 bộ tem về chủ đề "ẩm thực Việt Nam" trong các năm: 2020, 2021 và 2022 giới thiệu các món ăn nổi tiếng, đặc trưng của ba miền.
Năm 2020, bộ tem "Ẩm thực Việt Nam" gồm 04 mẫu phát hành ngày 10/10/2020 giới thiệu các món ăn đặc trưng của miền Bắc là: phở gà, nem cuốn, bún chả và bún thang.
Năm 2021, bộ tem "Ẩm thực Việt Nam" gồm 04 mẫu giới thiệu các món ăn dân dã đặc trưng của miền Trung là: bún bò Huế, mì Quảng, bún cá Đà Nẵng, miến lươn Nghệ An.
Năm 2022, bộ tem "Ẩm thực Việt Nam (Bộ 3)" gồm 04 mẫu giới thiệu các món ăn dân dã đặc trưng văn hóa ẩm thực Nam Bộ và một số món ăn hiện đại (miền Nam) gần gũi với giới trẻ. Hội đồng tem bưu chính quốc gia đã thống nhất giới thiệu văn hóa ẩm thực Nam bộ, gồm một số loại bánh và các món ăn mặn: gồm bánh mỳ, cơm tấm sườn bì, bánh xèo, bánh khọt.
Cơm tấm và bánh khọt đã được xác lập kỷ lục châu Á năm 2012. Trong khi đó, bánh mỳ Việt Nam giờ đây đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và để lại dấu ấn trong nền ẩm thực thế giới. Ngày 24/03/2011, từ "bánh mỳ" đã được thêm vào từ điển Oxford, nằm trong top những loại sandwich tuyệt vời nhất thế giới. Tạp chí National Geographic còn từng ca ngợi bánh mỳ Việt Nam là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất...
Trong khi đó, năm 2016, tại Đại hội Ẩm thực thế giới lần thứ 3 được tổ chức tại Metro Manila, Philippine, bánh xèo lọt top 8 món ăn đường phố được yêu thích nhất.
Bộ tem "Kiến trúc nhà thờ", gồm 04 mẫu tem và 01 blốc, dự kiến phát hành ngày 01/11/2022. Dự kiến 05 công trình kiến trúc nhà thờ tiêu biểu, đại diện cho 3 miền sẽ được giới thiệu gồm: nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (Ninh Bình), nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng, nhà thờ Chính tòa Kon Tum, nhà thờ Mặc Bắc (Trà Vinh), nhà thờ Chính tòa Hà Nội.
Kết thúc phiên họp của Hội đồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tem bưu chính quốc gia đã lưu ý việc thiết kế các mẫu tem cần mang tính biểu tượng, ấn tượng bởi con tem nhỏ bé cần thể hiện được những nét đặc trưng. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cần nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hoá việc thiết kế, sáng tạo các bộ tem để mang nhiều phong cách thiết kế, phong phú và lưu ý vấn đề bản quyền./.
Nguồn: ictvietnam.vn
Sứ mệnh khác biệt của chuyển đổi số
Submitted by nlphuong on Fri, 15/10/2021 - 20:22Sau 3 ngày làm việc từ 12 - 14/10/2021, Hội nghị Thế giới số ITU (ITU Digital World) 2021 do Việt Nam đăng cai tổ chức đã bế mạc tối 14/10.
Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hội nghị đã đổi tên từ ITU Telecom World thành ITU Digital World. Đó là quyết định đúng đắn. Sự tích hợp của công nghệ viễn thông, CNTT và công nghệ số, như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT và AI, đã tạo ra một cuộc cách mạng với tên gọi chuyển đổi số (CĐS).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: CĐS là một thay đổi cơ bản. CĐS không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà là chuyển đổi tư duy |
Trong 3 ngày làm việc của Hội nghị, các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo của ngành viễn thông, CNTT và kỹ thuật số từ khắp nơi trên thế giới đã chia sẻ quan điểm, chính sách và sáng kiến về CĐS. Hội nghị đã có 2380 đại biểu đến từ 159 quốc gia, 2 Lãnh đạo Chính phủ, 32 bộ trưởng, 8 thứ trưởng đã tham gia các cuộc họp trực tuyến. 90 diễn giả từ các tổ chức và tập đoàn công nghệ nổi tiếng đã chia sẻ ý tưởng. Chỉ trong 3 ngày, 160.000 người đã đến thăm triển lãm số.
Theo Bộ trưởng, trực tuyến đã làm cho chúng ta gần gũi hơn, như trong cùng một phòng. Thế giới trực tuyến là nhỏ. Các nước phát triển và đang phát triển đang phải đối mặt với những thách thức tương tự về đại dịch và kỹ thuật số. "Trong Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng, chúng ta đã thảo luận về các yếu tố chính để CĐS: Cơ sở hạ tầng băng thông rộng, cắt giảm chi phí và vai trò của chính phủ".
Cũng theo Bộ trưởng, chính sách của một quốc gia có thể rất hữu ích cho những quốc gia khác. Thành công hay thất bại của một quốc gia có thể có giá trị đối với những quốc gia khác. Trong quá trình này, ITU có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ các phương pháp hay nhất, thúc đẩy đầu tư và dẫn đầu các sáng kiến toàn cầu.
Bộ trưởng cho biết: "các Bộ ICT đều có chung một mục tiêu và một sứ mệnh: giúp mọi người kết nối vào năm 2030. Với gần 50% dân số thế giới vẫn chưa kết nối, đây gần như là sứ mệnh bất khả thi. Tuy nhiên, chúng ta có thể thành hiện thực nếu chúng ta đồng hành cùng nhau, nếu các chính phủ đồng hành cùng lĩnh vực CNTT-TT".
"CĐS là một thay đổi cơ bản. CĐS không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà là chuyển đổi tư duy", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đối với một công ty, thành công của CĐS phụ thuộc chủ yếu vào CEO, chứ không phải CIO. Đối với một quốc gia, thành công của CĐS phụ thuộc chủ yếu vào Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải Bộ trưởng CNTT-TT. Và đây là sự khác biệt rất quan trọng giữa ứng dụng CNTT và CĐS".
Những gì chúng tôi đã thảo luận, những gì chúng tôi đã chia sẻ, sẽ hữu ích cho tất cả các thành viên ITU để đẩy nhanh quá trình CĐS.
Trên nền tảng trực tuyến của chúng tôi, triển lãm ảo và video clip về các cuộc thảo luận của chúng tôi hiện có sẵn cho tất cả mọi người. Chúng tôi hoan nghênh tất cả các đồng nghiệp từ các thành viên ITU đến thăm các gian hàng ảo và khám phá các phiên họp của Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng.
Thúc đẩy kết nối số để không ai bị bỏ lại phía sau
Tham dự Hội nghị - Triển lãm năm nay tại đầu cầu Việt Nam, ông Houlin Zhao, Tổng thư ký ITU bày tỏ: "Đây là một sự kiện khó quên! Không chỉ vì sự kiện này diễn ra trong năm kỷ niệm 50 năm thành lập ITU Telecom World, mà quan trọng hơn, nó được tổ chức trong một cuộc khủng hoảng thế giới chưa từng có do COVID-19 gây ra! Thế giới đã phải chịu đựng hơn 18 tháng và chúng ta vẫn đang bị COVID-19. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ đáng kể của nước chủ nhà và sự hỗ trợ của các nước thành viên ITU, ITU Digital World 2021 đã được tổ chức tại Hà Nội trong tuần này! Tôi cảm ơn tất cả các bạn!".
Tổng thư ký ITU Houlin Zhao: Việt Nam được đánh giá cao, tiên phong quá trình CĐS trong khu vực và là hình mẫu tuyệt vời cho các quốc gia trên thế giới. |
Tổng thư ký ITU đặc biệt muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT và các đồng nghiệp đã làm cho sự kiện này trở nên đáng nhớ. Việc tổ chức thật hoàn hảo, và Lễ khai mạc thật tuyệt vời. Việt Nam được đánh giá cao, tiên phong quá trình CĐS trong khu vực và là hình mẫu tuyệt vời cho các quốc gia trên thế giới.
Hội nghị lần này, theo Tổng thư ký ITU, đã chứng kiến các Bộ trưởng, cơ quan quản lý và CEO tham gia vào các cuộc trao đổi có ý nghĩa. Chúng ta đã được nghe trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về CĐS trên hết là một tư duy và đây là điều gây được tiếng vang sâu sắc đối với tôi.
"Kết nối những thứ chưa được kết nối và đảm bảo rằng các công nghệ số mới được đáp ứng một cách công bằng và bình đẳng, theo đó, đòi hỏi một chiến lược mới, nhưng cũng cần một tư duy mới. Các Bộ trưởng, các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra tầm nhìn và ý tưởng về việc quản lý CĐS, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường đầu tư và áp dụng các phương pháp tiếp cận "toàn bộ chính phủ" và lấy con người làm trung tâm" để phát triển CNTT-TT", Tổng thư ký ITU nhấn mạnh.
Theo đánh giá của người đứng đầu cơ quan chuyên ngành ICT của Liên hợp quốc, rất nhiều chủ đề đã được bàn thảo - từ kỹ năng số đến nội dung, chia sẻ cơ sở hạ tầng, chính sách phổ tần và 5G. "Về điểm cuối cùng này, tôi tin rằng thập kỷ này sẽ là thập kỷ của 5G và rất vui khi biết rằng một số Bộ trưởng coi công nghệ này là một thành phần quan trọng của các chiến lược số quốc gia".
Tổng thư ký ITU cho biết: "Tôi có thể sắp rời Hà Nội, nhưng ITU Digital World 2021 vẫn tiếp tục. Tôi hy vọng tinh thần hợp tác đa phương mà chúng ta đã thấy cả tuần sẽ tiếp tục được duy trì khi các chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác cần hợp tác với nhau hơn bao giờ hết".
"Đây không phải là một lời tạm biệt; hẹn gặp lại bạn sớm. Chúng tôi muốn thấy bạn tiếp tục công việc tốt đẹp đã bắt đầu ở đây để xây dựng thế giới số của ngày mai - một thế giới mà mọi người, ở mọi nơi đều có thể hưởng lợi từ CNTT-TT", Tổng thư ký ITU nói.
Hình ảnh các đại biểu tham dự trực tuyến |
Cần sự phối hợp đồng bộ để thúc đẩy CĐS
Cũng trong phiên toạ đàm về nội dung số hóa cuộc sống thường nhật: các dịch vụ chính phủ và nội dung số thúc đẩy CĐS ngay trước phiên bế mạc, ông Lê Đăng Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã trao đổi với các đại biểu về vai trò tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế xã hội toàn cầu và sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới là chưa từng có.
Với mong muốn phục vụ để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và hưởng lợi từ CĐS một cách dễ dàng và giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi người, Tổng giám đốc Viettel cho biết đơn vị này đã phối hợp đồng bộ và hiệu quả với các cơ quan chính phủ trong việc đưa các dịch vụ của chính phủ và cung cấp thông tin chính thống đến người dân, từ đó đẩy nhanh quá trình CĐS của xã hội Việt Nam.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị |
Cụ thể, Viettel đã triển khai hàng loạt hành động. Thứ nhất, Viettel hỗ trợ chính phủ cung cấp hiệu quả các dịch vụ công trực (DVCTT) tuyến cho người dân Việt Nam. Trong thời kỳ đại dịch (từ tháng 12/2019 đến tháng 8/2021), hơn 3.000 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến, với 72 triệu hồ sơ DVCTT được xử lý và phục vụ cho 930.000 người dân và 70.000 doanh nghiệp. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến do Viettel phát triển đã xử lý tới 7 triệu hồ sơ điện tử trong nửa đầu năm 2021.
Thứ hai, hỗ trợ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa một cách kịp thời. Hệ thống Telehealth của Viettel được phát triển và triển khai tới tất cả (705) trung tâm y tế tuyến huyện trong cả nước, đã giúp người dân từ bất kỳ cơ sở nào trong số này được tiếp cận với các chuyên môn và hỗ trợ tốt nhất có thể ngay lập tức.
Thứ ba, hỗ trợ ngành giáo dục tổ chức học trực tuyến dành riêng cho học sinh các cấp.
Tiếp theo, "Viettel đã có thể sử dụng các dịch vụ số một cách dễ dàng, không bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì", Tổng giám đốc Viettel cho biết.
Cũng theo Tổng giám đốc Viettel, hành động nêu trên chỉ là bốn trong số rất nhiều hành động mà Viettel đã thực hiện để hỗ trợ CĐS trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Những thành công nêu trên chỉ là bước khởi đầu. Những khó khăn và thách thức trong tương lai sẽ thử thách nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để tìm ra giải pháp tối ưu./.
Nguồn: ictvietnam.vn
Bộ TT&TT tổ chức hội nghị và triển lãm Thế giới số 2021 trực tuyến từ 12/10
Submitted by nlphuong on Sat, 09/10/2021 - 14:15Từ ngày 12/10 - 12/11/2021, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT Việt Nam đã thống nhất với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tiếp tục tổ chức ITU Digital World 2021 trực tuyến trên nền tảng số do Việt Nam nghiên cứu và xây dựng.
Hội nghị và triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) là sự kiện toàn cầu thường ITU, nơi các doanh nghiệp (DN) viễn thông và CNTT trên thế giới giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất. Diễn đàn Bộ trưởng, các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện sẽ tập trung thảo luận các xu thế phát triển, chính sách quản lý, giải pháp công nghệ để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.
Tiền thân là Triển lãm Viễn thông thế giới (ITU Telecom World), sự kiện này chính thức được đổi tên thành Triển lãm số thế giới (ITU Digital World) từ năm 2020 theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. Năm nay, nền tảng triển lãm trực tuyến đã được các DN Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, với nhiều tính năng mới.
Tương tự như một triển lãm thực tế, hội nghị và triển lãm Thế giới số 2021 sẽ bao gồm các hoạt động sau:
Triển lãm trực tuyến: Bao gồm các gian hàng trực tuyến 2D và 3D, trưng bày sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số của doanh nghiệp, các gian hàng quốc gia. Các gian hàng sẽ được duy trì trong một tháng từ ngày 12/10 đến 12/11/2021. Triển lãm trực tuyến là cơ hội cho DN Việt Nam quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác từ 193 nước thành viên của ITU.
Diễn đàn trực tuyến:
Diễn đàn trực tuyến bao gồm loạt các hội nghị, hội thảo chuyên đề (từ tháng 9 đến tháng 11) và Hội nghị Bộ trưởng (12 - 14/10) hướng tới chủ đề chung "Cùng nhau xây dựng thế giới số", theo 3 trụ cột: Hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số (CĐS); Đầu tư và tạo điều kiện CĐS thông qua chính sách; Các tác nhân chính cho CĐS.
Hội nghị chuyên đề trong tháng 9 thảo luận về "Hạ tầng cần thiết để CĐS": Diễn đàn sẽ tập trung vào mạng thế hệ tiếp theo, thay đổi không gian cho CĐS, quản lý tăng trưởng và quản lý tần số, 5G - nhiên liệu cho CĐS.
Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 12-14/10/2021 với sự tham gia của các Bộ trưởng trên khắp thế giới với các chủ đề: Cắt giảm chi phí mạng truy nhập nhằm tăng tốc chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng: Vai trò của chính phủ trong chuyển đổi số; Số hóa cuộc sống thường nhật: Các dịch vụ công và nội dung định hướng CĐS.
Các khách mời bấm nút chính thức khai mạc hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020. |
Hội nghị chuyên đề trong tháng 11 sẽ tập trung thảo luận "Các tác nhân cho chuyển đổi số": Kỹ năng số - công nghệ giáo dục, an ninh mạng và quyền riêng tư, ICT xanh, AI, hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ sự kiện, các DN vừa và nhỏ còn có cơ hội tham gia giải thưởng ITU SME Virtual Awards: hiện thực hóa mục tiêu "Nền tảng hỗ trợ DN cất cánh" và tập trung vào 5 lĩnh vực: Kết nối, thành phố thông minh, y tế điện tử, tài chính số và đào tạo công nghệ. ITU sẽ tổ chức lễ trao giải cho các DN vừa và nhỏ trên phạm vi toàn cầu vào tháng 12/2021. Thông tin đăng ký giải thưởng có trên trang web của ITU với thời hạn nộp trước ngày 03/9/2021. Các DN đăng ký trực tuyến tại địa chỉ: https://digital-world.itu.int/itu-digital-world-2021-sme-virtual-awards/.
Năm 2020, Hội nghị Bộ trưởng và triển lãm trực tuyến Thế giới số lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến theo sáng kiến của Việt Nam, đã có sự tham gia của đại biểu từ 149 nước trên thế giới. Thành công của sự kiện đã góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và khẳng định năng lực công nghệ của DN Việt Nam./.
Nguồn: ictvietnam.vn
Ưu đãi tri ân khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát quốc tế
Submitted by nlphuong on Sat, 09/10/2021 - 14:12Nhân kỷ niệm ngày ngày Bưu chính Thế giới 09/10/2021, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) triển khai chương trình khuyến mại tri ân khách hàng đã tin tưởng, lựa chọn sử dụng dịch vụ chuyển phát quốc tế trong suốt thời gian qua.
Chương trình khuyến mại áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng dịch vụ ePacket, Prime Tracked, Bưu phẩm quốc tế, Bưu kiện quốc tế truyền thống và Chuyển phát nhanh EMS quốc tế (không bao gồm các khách hàng sử dụng dịch vụ Vận chuyển hàng nặng quốc tế) từ ngày 09/10/2021 đến hết ngày 31/10/2021.
Theo đó, khi gửi hàng hóa bằng dịch vụ Bưu kiện Quốc tế có cước phí tối thiểu 3.000.000 đồng và bằng dịch vụ chuyển phát nhanh EMS Quốc tế có cước phí tối thiểu 5.000.000 đồng, khách hàng sẽ được tặng 300.000 đồng. Với đơn hàng sử dụng dịch vụ Bưu phẩm bảo đảm Quốc tế, ePacket, Prime Tracked có cước phí từ 500.000 đồng, khách hàng sẽ được tặng 50.000 đồng. Các phần quà tặng này sẽ được giảm trừ trực tiếp vào cước phí gửi hàng.
Bên cạnh ưu đãi về mặt cước phí, BĐVN cũng tặng kèm 01 phiếu CN01 cho khách hàng sử dụng dịch vụ Bưu kiện Quốc tế, Bưu phẩm bảo đảm Quốc tế, ePacket và Prime Tracked đạt giá trị tối thiểu như trên tại 05 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai.
Phiếu CN01 hay còn gọi là Phiếu trả lời quốc tế là loại ấn phẩm bưu chính có giá trị như tem cước phí. Khách hàng sử dụng phiếu này để giảm trừ cước phải trả khi sử dụng dịch vụ Bưu phẩm, Bưu kiện quốc tế cho các lần gửi hàng tiếp theo. Mỗi phiếu trị giá 27.000 đồng. Thời hạn sử dụng của phiếu kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như các dịch vụ chuyển phát quốc tế của BĐVN, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 54 54 81 hoặc đến bưu cục gần nhất.
PV
Khuyến khích thế hệ trẻ tích cực thảo luận và ra quyết định về chính sách Internet
Submitted by nlphuong on Thu, 07/10/2021 - 14:39Tối ngày 6/10/2021 vừa qua, đai diện Hội đồng thanh niên dự án Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet (Youth Internet Governance Forum) đã có buổi livestream trò chuyện cùng Host – Ca sĩ Bùi Minh Quân về chủ đề “Áp lực số hoá – Thích nghi với bình thường mới”.
Sự kiện kéo dài 1,5 giờ và thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Cùng với đó là giới thiệu sự kiện Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet Việt Nam được tổ chức vào 6-7/11/2021 sắp tới.
Talkshow “Áp lực số hoá - Thích nghi với bình thường mới” |
“Áp lực số hoá” đặt lên trên vai những người trẻ
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong hai năm vừa qua diễn biến vô cùng phức tạp, chúng ta phải dần quen với cụm từ “bình thường mới” với những quy định về giãn cách xã hội, khuyến cáo thực hành 5K do Bộ Y Tế, là khi việc gặp mặt và trao đổi trực tiếp lại khó hơn bảo giờ hết. Chính vì điều kiện như vậy, những giao tiếp trực tuyến dần thay thế và đưa ra yêu cầu về thích ứng với chuyển đổi số trong công việc và học tập dành cho giới trẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chính việc phải đối mặt với áp lực “cần thay đổi” này đã tạo nên những “áp lực số hoá” đặt lên trên vai những người trẻ. Gen Z cần thay đổi mình, ứng dụng CNTT hàng ngày để trở thành một công dân số thực thụ trên môi trường trực tuyến.
Trong talkshow, nhóm bạn trẻ YIGF Việt Nam đã chia sẻ về những áp lực số hoá từ những câu chuyện đời thường rất quen thuộc như việc tắt/mở mic như thế nào, tham gia các ứng dụng học trực tuyến ra sao hay việc ứng dụng các nền tảng trao đổi công việc như thế nào để hiệu quả hơn nữa.
Nhưng không chỉ là câu chuyện cá nhân, các bạn trẻ cũng chia sẻ về những khoảng cách số giữa các thế hệ, việc đôi khi các thầy cô giáo lại không thông thạo công cụ bằng học sinh, hay trường hợp dở khóc dở cười bạn sinh viên học ngành CNTT lại được cả xóm gọi sửa máy tính và cài Win.
“Làm việc trực tuyến không có gì gây khó khăn cho em, nhưng việc những người làm cùng không thông thạo các công cụ mới là điều khiến em thấy khó làm việc” – Nguyễn Ngọc Hiếu, thành viên Ban truyền thông Hội đồng thanh niên YIGF chia sẻ.
Ba bạn trẻ Minh Anh, Emma và Ngọc Hiếu đại diện Hội đồng thanh niên YIGF chia sẻ suy nghĩ và góc nhìn Gen Z về áp lực số hoá |
Xây dựng không gian mạng an toàn
Trong buổi livestream, Đại diện Hội đồng thanh niên YIGF cũng chia sẻ về việc các bạn đã chuyển đổi số thành công trong các chiến dịch truyền thông của mình. Thực hiện sứ mệnh xây dựng một không gian mạng văn minh và an toàn, nhóm các bạn trẻ dành rất nhiều thời gian và tâm huyết chuẩn bị chuỗi bài đăng truyền thông về kỹ năng công dân số cho các bạn thanh, thiếu niên, sử dụng kênh fanapge Chống Hack (Trang hiện có 194.000 lượt theo dõi).
Để các thông điệp về an toàn số và ứng xử văn minh trên mạng tiếp cận tới nhiều bạn trẻ, nhóm YIGF Việt Nam đã thực hiện các chiến dịch truyền thông. Dưới sự tài trợ của Quỹ SecDev Foundation và hướng dẫn, tư vấn chiến lược của Trung tâm CNTT - Truyền thông Vietnet, cuối năm 2020, các bạn trẻ khởi động chiến dịch có tên “Click Clever” và đã xây dựng một game mobile (ứng dụng trò chơi trên điện thoại di động) với nội dung về an toàn số.
Ứng dụng này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ và nhận được 1,000 lượt tải về và chơi thử sau 2 tháng. Để lan toả chiến dịch, nhóm các bạn trẻ còn xây dựng một điệu nhảy về an toàn số và tạo thành thử thách trên kênh mạng xã hội TikTok.
Không dừng lại ở đó, tới năm 2021, Hội đồng thanh niên YIGF chạy chiến dịch “Đề Kháng trên mạng xã hội” bằng cách tổ chức cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông đa phương tiện về chủ đề bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Chiến dịch đã nhận được 100 bài dự thi hợp lệ và hơn 2 triệu lượt tương tác trên kênh Facebook. Bí kíp thành công của nhóm là dựa vào việc thay đổi hướng tiếp cận, không chỉ sử dụng những kênh hình ảnh, video như truyền thống mà thử thách mình với những yêu cầu sản phẩm số yêu cầu tính sáng tạo cao.
Chiến dịch Đề Kháng trên mạng xã hội |
Trong buổi livestream, Hội đồng thanh niên YIGF cũng chia sẻ về kế hoạch tổ chức Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet Việt Nam 2021 vào tháng 11 tới, dự kiến quy mô hơn 100 đại biểu thanh niên và chuyên gia tham gia trình bày và thảo luận, không giới hạn số người tham gia.Người tham gia sẽ mua vé tham dự sự kiện bằng cách ủng hộ trực tiếp tới Quỹ Sóng và Máy tính cho em do Thủ tướng Chính phủ kêu gọi.
Giới thiệu về Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet, Ngô Minh Anh - Trưởng Ban Điều Hành YIGF Việt Nam chia sẻ: “Đây là một sáng kiến của một tổ chức có tên NetMission được lần đầu tiên tổ chức vào năm 2010 , song song với Diễn đàn Quản trị Internet Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APrIGF). Diễn đàn nhằm mục đích nâng cao nhận thức của giới trẻ về quản trị Internet và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia tích cực hơn vào quá trình thảo luận và ra quyết định về chính sách Internet.
YIGF lấy cảm hứng từ Diễn đàn quản trị Internet (IGF) - một diễn đàn đa bên tham gia đối thoại chính sách về các vấn đề quản trị Internet. Bởi vậy, hướng tiếp cận của YIGF cũng giống như IGF – tiếp cận nhiều bên liên quan. Những đại biểu thanh niên tham gia diễn đàn sẽ được phân công vai trò đại diện cho các nhóm khác nhau: chính phủ, khu vực tư nhân và tổ chức phi chính phủ, nói lên ý kiến của họ về vấn đề quản trị Internet dưới những góc nhìn khác nhau.”
Năm 2019, Dự án Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet được khởi động tại Việt Nam bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) dưới sự tài trợ của Quỹ SecDev Foundation. Dự án hướng tới xây dựng một nhóm thanh niên nòng cốt hoạt động tích cực và chủ động nhằm xây dựng một không gian mạng văn minh và an toàn. Chính vì vậy, dự án án đã tuyển chọn các bạn trẻ có chung niềm quan tâm tới các hoạt động xã hội và chủ đề Internet và thành lập Hội đồng thanh niên YIGF.
Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet Việt Nam 2019 – Sự kiện bên lề của Vietnam Internet Forum |
Sau hai năm chuẩn bị, Hội đồng thanh niên YIGF đã tới gần hơn với giấc mơ của mình, tổ chức thành công một sân chơi dành cho các bạn trẻ có thể nói lên tiếng nói của mình về các chủ đề liên quan tới Internet, hướng tới xây dựng một không gian mạng an toàn với những ứng xử văn minh của thế hệ công dân số mới.
HM
Phát hành bộ tem kỷ niệm 50 năm Cuộc thi viết thư quốc tế UPU
Submitted by nlphuong on Wed, 06/10/2021 - 16:46Kỷ niệm 50 năm Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, Bộ TT&TT phát hành bộ tem "Kỷ niệm 50 năm cuộc thi viết thư quốc tế UPU (1971-2021)" gồm 01 mẫu tem. Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 09/10/2021 đến ngày 30/6/2023.
Bộ tem có khuôn khổ 37x37mm, có giá mặt 4.000 đồng, do họa sĩ Phạm Quang Diệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thiết kế với gam màu chủ đạo là màu xanh của UPU, số 50 biểu thị cho 50 năm hành trình Cuộc thi viết thư quốc tế UPU được cách điệu gắn liền với logo UPU và hình ảnh quả địa cầu có 5 màu tượng trưng cho 5 châu luôn gắn kết tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi. Nền tem là hình ảnh những phong bì thư, trích đoạn nội dung lá thư với bàn tay đang nắn nón từng nét chữ.
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU hay viết thư quốc tế được Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) phối hợp với UNESCO khởi xướng vào năm 1971 và phối hợp với một số tổ chức chuyên môn khác của Liên Hợp Quốc (tùy theo chủ đề hằng năm) phát động dành cho các em thiếu nhi trên toàn thế giới, giờ đây cuộc thi đã trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc của các em học sinh trên toàn cầu.
Ngay từ cuộc thi đầu tiên diễn ra vào năm 1971, cuộc thi viết thư quốc tế UPU đã thu hút đông đảo tuổi trẻ học đường tham gia, trở thành một hoạt động mang tính xã hội cao, lành mạnh, thiết thực và là hình thức giáo dục công dân rất hiệu quả đối với thiếu nhi. Năm 1987, Việt Nam tham gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Quá trình hơn 30 năm tham gia đã đạt được nhiều thành tích cao: 02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 06 giải Ba và 05 giải Khuyến khích.
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 năm 2021 có chủ đề: "Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19" (Tiếng Anh: Write a letter to a family member about your experience of the COVID-19 pandemic), bức thư gửi cho em bé gái được sinh ra trong tâm dịch của em Đào Anh Thư, học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội đã xuất sắc giành giải Ba, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50.
Trước đó, Bộ TT&TT đã phát hành một số bộ tem đánh dấu các sự kiện của UPU và Liên minh Bưu chính châu Á - Thái Bình Dương (APPU).
Bộ tem kỷ niệm 120 năm UPU mã số 689, ngày phát hành: 01/8/1994, gồm 02 mẫu và 01 blốc. |
Bộ tem "Kỷ niệm 50 năm Liên minh Bưu chính châu Á - Thái Bình Dương (APPU) (01/4/1962 - 01/4/2012)" mã số 1017, phát hành ngày 01/4/2012, gồm 01 mẫu. |
Nguồn: ictvietnam.vn