Syndicate content

Chuyển động ngành

VNNIC đồng chủ tọa phiên tọa đàm về IPv6 tại ITU Telecom World 2013

(ICTPress) - Triển lãm và Hội nghị thượng đỉnh viễn thông thế giới năm 2013 (ITU Telecom World 2013) vừa được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.

Tham gia đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng dẫn đầu, nhận lời mời của ITU, VNNIC đã tham dự và cử đại diện đồng chủ tọa phiên tọa đàm về IPv6 (The Internet of Everything based on IPv6) diễn ra trong khuôn khổ nội dung Hội nghị.

Đây là lần đầu tiên VNNIC tham dự và làm đồng chủ tọa phiên tọa đàm tại Hội nghị viễn thông lớn nhất thế giới này. Tại Hội nghị, VNNIC đã báo cáo tham luận về tình hình triển khai IPv6 tại Việt Nam và chia sẻ thông tin, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm triển khai IPv6 với đại diện các nước trong liên minh viễn thông thế giới.

Sự hiện diện của VNNIC tại diễn đàn đã góp phần quảng bá sự phát triển Internet, công nghệ thông tin và viễn thông nói chung và việc thúc đẩy phát triển thế hệ địa chỉ IPv6 nói riêng tại Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và hội nhập xu thế phát triển toàn cầu về viễn thông và công nghệ thông tin.

Phiên thảo luận về triển khai IPv6 trên Thế giới

ITU Telecom World 2013 với chủ đề “Nắm lấy cơ hội thay đổi trong một thế giới số” diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trong cuộc cách mạng về lĩnh vực công nghệ thông tin. ITU Telecom World 2013 đã khẳng định việc chuyển đổi sang các dịch vụ trên nền tảng địa chỉ IP đặc biệt là thế hệ địa chỉ mới IPv6 và xu thế "The Internet of Everything" đã và đang làm thay đổi nền tảng căn bản của hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu.

ITU Telecom World là sự kiện được ITU tổ chức thường niên để kết nối cộng đồng từ các doanh nghiệp tư nhân đến các cơ quan nhà nước, cùng với sự góp mặt đông đảo của các chuyên gia đến từ các ngành công nghệ viễn thông, chính phủ, cơ quan quản lý của các quốc gia trên giới đến để thảo luận về những biến đổi trong lĩnh vực viễn thông và CNTT trên toàn thế giới.

HM

Khởi động Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 cho sinh viên Việt Nam

(ICTPress) - Hôm nay 28/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công ty Công nghệ Huawei Việt Nam và Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã tổ chức Lễ Phát động Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 cùng Chương trình giao lưu Sinh viên với Sáng tạo, tại Trường Đại học Duy Tân.

Sự kiện này được tổ chức trong khuôn khổ của Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 22 và Kỳ thi lập trình sinh viên Quốc tế ACM/ICPC Châu Á 2013, diễn ra từ ngày 26 - 29/11/2013 tại trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của 472 sinh viên và 118 các giáo viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước và 70 sinh viên, giáo viên đến từ 7 nước Châu Á.

Là hoạt động nằm trong Chương trình Quỹ Học bổng/ Giải thưởng cho sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực CNTT của Huawei và Bộ GD&ĐT, Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 hướng đến đối tượng là các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học, học viện, cao đẳng có đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực CNTT và các sinh viên yêu thích sáng tạo CNTT, với tổng giá trị Giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, trong đó có 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng.

Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 sẽ kéo dài trong 5 tháng và trải qua 2 vòng thi:

Vòng sơ khảo: Diễn ra từ ngày 28/11/2013 đến hết ngày 31/03/2014: các thí sinh sẽ đăng ký dự thi và tải ứng dụng, sản phẩm dự thi lên website của cuộc thi tại địa chỉ www.khuyenkhichsangtaoviet.com;

Vòng chung khảo: Diễn ra từ ngày 1/4/2014 đến ngày 30/4/2014: những sản phẩm, ứng dụng dự thi được Ban Tổ chức chọn ra từ vòng sơ khảo sẽ tiếp tục được tham dự ở vòng chung khảo. Các tác giả/nhóm tác giả có sản phẩm vào vòng chung khảo sẽ thuyết trình về sản phẩm, ứng dụng của mình trước Hội đồng Giám khảo chung khảo.

Sinh viên đạt giải cao trong Cuộc thi sẽ được lựa chọn để tham gia các chương trình đào tạo công nghệ nâng cao tại Huawei. Sinh viên đạt Giải thưởng của Cuộc thi, sau quá trình học tập và tốt nghiệp ra trường, sẽ được Huawei ưu tiên xem xét tạo cơ hội tốt nhất vào làm việc tại Huawei trên toàn cầu.

Ngoài ra, các tác giả đạt Giải thưởng trong Cuộc thi nếu có nhu cầu hợp tác, đầu tư để cùng phát triển và thương mại hóa các sản phẩm, ứng dụng di động trong tương lai sẽ được Huawei tạo điều kiện kết nối với các nhà khai thác viễn thông di động và các đối tác khác có nhu cầu hợp tác, đầu tư, phát triển sản phẩm.

Ông Trần Bá Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết: “Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 được tổ chức nhằm giúp các em sinh viên có một sân chơi bổ ích và tạo điều cho các em theo đuổi giấc mơ về CNTT. Tại đây các em sẽ có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo của mình để đưa ra các giải pháp hiệu quả, tạo nên những ứng dụng gần gũi, thân thiện hơn đối với người sử dụng. Cuộc thi cũng sẽ là một để các nhân tài tương lai trong lĩnh vực CNTT giao lưu, học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, sự sáng tạo và nhạy bén trong khoa học ứng dụng”.

“Huawei mong muốn thông qua cuộc thi này có thể truyền cảm hứng, khuyến khích tinh thần đổi mới và sáng tạo của thanh niên, sinh viên Việt Nam, vì họ là tương lai của ngành công nghiệp ICT Việt Nam”,“Cũng qua cuộc thi này, Huawei muốn khẳng định cam kết đầu tư, hợp tác, kinh doanh lâu dài tại thị trường Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ICT Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ICT, phát triển tài năng ICT Việt Nam”, ông Yuan Song, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam phát biểu.

Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, đơn vị chủ trì tổ chức Olympic Tin học Sinh viên cho biết việc phát động Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 dành cho sinh viên trong khuôn khổ hoạt động giao lưu sinh viên CNTT với Sáng tạo trong Olympic Tin học chắc chắn sẽ chuyển tải thông điệp sáng tạo đến với sinh viên cả nước, là cơ hội và điều kiện để các sinh viên CNTT xuất sắc nhất tham dự Olympic chuẩn bị sẵn sàng với Thế giới Sáng tạo Ứng dụng Di động”.    

Đại diện cho Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, thầy Trương Tiến Vũ, Trưởng Khoa CNTT cho biết “Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 là một sân chơi bổ ích, trí tuệ, đầy hứng khởi không chỉ dành cho các bạn sinh viên ngành CNTT mà còn dành cho tất cả các bạn sinh viên yêu thích, có khả năng sáng tạo trong lĩnh vực CNTT. Như chúng ta đã biết, truyền thông di động (mobility) là một trong những xu hướng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay trong lĩnh vực CNTT; đó cũng là chủ đề chính của cuộc thi này. Tôi tin tưởng rằng sẽ có rất nhiều các bạn sinh viên đến từ các trường ĐH/CĐ trên cả nước tham gia, cổ vũ cho cuộc thi; sẽ có  rất nhiều ý tưởng, sản phẩm ứng dụng độc đáo lọt vào vòng chung khảo. Và trên tất cả đó là bầu nhiệt huyết, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và sức sáng tạo trong sinh viên  Việt Nam sẽ được hâm nóng và lan tỏa”.

TQ

Facebook đã có tính năng lưu các đường link để đọc sau

(ICTPress) - Mark Zuckerberg đã mô tả mạng xã hội của mình như là một “tờ báo cá nhân” - và cho những người sử dụng không vào thường xuyên với một loạt bạn bè có cùng sở thích, không thể nói rằng các bài báo xuất hiện trong đăng tải tin của bạn làm tăng lượng đọc nhất trên thế giới, không chính xác nhưng là tờ báo kịp thời nhất.

Ảnh: Stephen Lam, Getty Images News

Nhưng Zuckerberg cũng cho biết có nhiều người đọc Facebook hơn trong một ngày. Thế còn những lúc bạn có thể lướt qua ứng dụng trong một phút rảnh rỗi? Tại sao lại không dành thời gian đọc một số đường link thú vị này?

Nếu bạn đã từng phải tìm kiếm từ các đăng tải về bài báo bạn đã thấy trước đó, thì nay Facebook đã có thể cho phép bằng tính năng “lưu để xem sau”. Đây không phải là lần đầu tiên Facebook thử nghiệm ý tưởng này, nhưng dường như hiện tại tiên tiến hơn và đạt tới sự phổ biến rộng rãi hơn.

Khái niệm này lần đầu xuất hiện trên một phiên bản ứng dụng Facebook cho iPhone và iPad vào năm 2012. Trong lần đó, bạn phải giữ ngón tay ở một câu chuyện để lưu lại vào một danh sách riêng. Hiện nay, theo blog MyTechSkool, người sử dụng có thể nhìn thấy một nút bấm với một biểu tượng đánh dấu mà bạn có thể nhấp vào.

Việc này giống như những gì các ứng dụng Instapaper, Pocket và Read It Later đã làm trong nhiều năm. Trình duyệt Apple, Safari, đã bổ sung một tính năng tương tự gọi là Reading List (Danh sách đọc) đã có trên iOS6 và trên máy để bàn với Mac OS X Mavericks.

Nhưng tính năng Facebook có khá khác biệt. Đầu tiên, bạn có thể lưu nhiều hơn không chỉ các bài báo - về mặt lý thuyết, bạn có thể lưu lại bất cứ thứ gì từ ảnh chụp nhanh của cháu bạn đến một thay đổi trạng thái quan hệ. Có thể gọi tính năng này là danh sách xã hội cần làm.

Thứ hai, Facebook cho phép bạn đọc sau trong Facebook - có nghĩa là Zuckerberg có thể giám sát và kiếm tiền nhiều hơn từ hành vi đọc của bạn. Những gì chúng chưa biết là: bạn có thể đọc những bài báo đó, các được link và các đoạn trích xã hội được lưu khi bạn ngoại tuyến.

HY

Theo AllThingsD

5 tên tuổi công nghệ nổi bật trong danh sách Fortune 2013

(ICTPress) - Tạp chí Fortune vừa công bố danh sách thường niên top 50 doanh nhân thế giới của năm 2013.  Lướt qua danh sách chúng ta thấy 5 đại gia của giới công nghệ đã khá quen thuộc.

5 đại gia này gồm CEO Google Larry Page (thứ 8), CEO Yahoo Marissa Mayer (thứ 10), CEO Facebook Mark Zuckerberg (thứ 12), CEO của Square là Jack Dorsey (thứ 14), CEO của Salesforce Marc Benioff (thứ 27), và Apple CEO Tim Cook (thứ 47) đều ở trong danh sách, nhưng không ai lọt vào top 5.

Thay vào đó Fortune cho biết 5 người dưới đây của giới công nghệ mới là xuất sắc nổi bật trong năm 2013:

Elon Munsk

Thứ 1.  Elon Musk: 1 doanh nhân 3-trong-1 cùng Space Exploration Technologies, (hay ngắn gọn là SpaceX); Tesla Motors; và SolarCity. Chưa kể đến thiết kế "hyperloop" để cung cấp trung chuyển tốc độ cao giữa San Francisco và Los Angeles. Elon Musk là người đứng đầu danh sách Fortune năm nay.

Thứ 2. Vua Internet Trung Quốc "Pony" Ma Huateng, đồng sáng lần nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Tencent. Giá trị bùng nổ của công ty này đã đưa Huateng trở thành một trong những đại gia công nghệ giàu có nhất ở Trung Quốc, có giá tới 10 tỷ USD và đang mở rộng.  Tencent cũng có cổ phần ở Snapchat

Thứ 3. Angela Ahrendts, người đã từ bỏ CEO hãng bán lẻ thời trang Burberry và làm thế giới sốc khi từ bỏ công việc để làm giám đốc kinh doanh bán lẻ của Apple, bắt đầu từ năm 2014. Nhiều người đã biết cô như là CEO Marc Benioff của Sales.com, cho biết cô có thể trở thành CEO kế tiếp của Apple.

Thứ 4. Reed Hastings, CEO của Netflix. Thay cho việc đeo bám một mô hình kinh doanh đang thoái trào với việc cho thuê các DVD bằng thư, Reed đã hỗ trợ phá hủy các DVD qua việc xem trực tuyến trên Internet. Nội dung ban đầu là Emmys chiến thắng (Ngôi nhà của những tấm thẻ) và lần đầu tiên Netflix có thêm nhiều các thuê bao trả tiền hơn so với HBO.

Thứ 5. Jeff Bezos. Bezos sẽ không ngại bị ai uy hiếp trong việc đáp ứng những mong đợi của những người khác. Bezos đã dành 2 thập kỷ từ bỏ lợi nhuận để theo đuổi các lĩnh vực mới mẻ. Hiện tại Bezos tập trung vào chuyển phát các tạp phẩm trong ngày. Trong khi đó Bezos đã mua tờ báo Washington Post và đang nỗ lực và duy trì ổn định việc kinh doanh báo đang nguy cơ.

HY

Kiểm toán Nhà nước và FPT hợp tác chiến lược CNTT-VT 2014 - 2020

(ICTPress) - Kiểm toán Nhà nước và Công ty Cổ phần FPT vừa ký kết "Hợp tác chiến lược về Công nghệ thông tin - Viễn thông giai đoạn 2014 - 2020". 

Tham dự buổi Lễ ký kết có ông Nguyễn Hữu Vạn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Phía FPT có sự hiện diện của ông Trương Gia Bình -  Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT, ông Bùi Quang Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT, ông Đỗ Cao Bảo - Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT.

Kiểm toán Nhà nước và FPT ký kết “Ghi nhớ Hợp tác chiến lược về CNTT-VT”

Theo Hợp tác chiến lược này, FPT sẽ hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước xây dựng và triển khai các chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán và quản lý, chỉ đạo điều hành nội bộ một cách hiệu quả, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: "Trong kế hoạch chiến lược của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, việc ứng dụng CNTT tiên tiến vào hoạt động kiểm toán được xem  là 1 trong 8 mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Lựa chọn FPT là đối tác chiến lược về CNTT - Viễn thông,  chúng tôi đánh giá cao năng lực của Tập đoàn, một đơn vị giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cho các cơ quan rất gần với Kiểm toán như khối Tài chính, Ngân hàng... Tôi tin rằng việc hợp tác giữa hai bên sẽ đáp ứng được những mục tiêu và sự kỳ vọng của Kiểm toán Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin toàn ngành, đáp ứng những đòi hỏi cao về tính chính xác, minh bạch, kịp thời và có hệ thống của một cơ quan kiểm toán tài chính công". 

FPT cam kết sẽ cung cấp những nguồn lực tốt nhất đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT - VT của Kiểm toán Nhà nước. Tập đoàn FPT sẽ giới thiệu và chuyển giao các công nghệ, thành tựu mới nhất trong lĩnh vực CNTT-VT về quản lý tài chính công trên thế giới. Đồng thời, FPT sẽ phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tổng thể cũng như vận hành hệ thống. 

"Với kinh nghiệm 25 năm, có mặt ở 14 quốc gia trên thế giới và trên 40 tỉnh thành Việt Nam, Tập đoàn FPT sẽ không phụ sự kỳ vọng của Kiểm toán Nhà nước. Chúng tôi sẽ tập trung những nguồn lực tốt nhất để có được sản phẩm hoàn thành đúng thời hạn, phù hợp với thông lệ của Kiểm toán Nhà nước đồng thời có tính quốc tế cao", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ.

Việc hợp tác với Tập đoàn FPT cũng thể hiện quyết tâm của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành và góp phần xây dựng Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công uy tín trong khu vực. 

QA

Những hình ảnh về Vietnam Telecomp 2013

(ICTPress) - Từ ngày 20 - 23/11/2013 tại TP. HCM, Triển lãm quốc tế về Viễn thông và CNTT lần thứ 15 - Vietnam Telecomp 2013 đã được tổ chức.

Đến dự Lễ khai mạc Triễn lãm có ông Trương Minh Tuấn, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng; lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông của các nước Lào, Campuchia; lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương; ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia.

Là sự kiện chuyên ngành VT-CNTT lớn nhất tại Việt Nam, Vietnam Telecomp 2013 có tham gia của gần 200 doanh nghiệp VT-CNTT trong nước và quốc tế như VNPT, Viettel, VPBank, Vietnam Post, VTC, Ericsson, Hytera, Redsun, FingerQ, khu triển lãm các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt, khu gian hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan...

Được tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ TT&TT, Vietnam Telecomp năm nay tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối giúp các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực VT-CNTT và điện tử, di động, bưu chính cũng như những người yêu thích chuyên ngành này tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi và trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ tiên tiến nhất.

Các hoạt động diễn ra trong sự kiện được bổ sung nhiều yếu tố mới hơn so với những lần tổ chức trước đây, hướng tới đối tượng khách hàng B2B và cả B2C, tạo thành những điểm nhấn đặc biệt của sự kiện, chẳng hạn như khu triển lãm xúc tiến thương mại cho sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VIBrand 2013) của Bộ TT&TT với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như VNPT, FPT Telecom, Vinacap, Hồng Cơ, SPT, VIOLET Corp, SACOM..., đây là cơ hội tốt để thương hiệu của các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam đến với người tiêu dùng trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo và ứng dụng cao của mình; đồng thời cũng là kênh cung cấp thông tin và định hướng nhận thức cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp CNTT Việt Nam, chất lượng của sản phẩm CNTT Việt Nam

Là một trong những nhà tổ chức của 14 kỳ triển lãm trước, năm nay VNPT đồng hành cùng Vietnam Telecomp 2013 với vai trò mới là Nhà tài trợ Kim Cương, danh vị tài trợ lớn nhất. Tại sự kiện, VNPT tham gia gian hàng diện tích 200m2 với sự tham gia của các đơn vị thành viên lớn như Mobifone, Vinaphone, VDC, VASC, VNPT-i…

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng và các khách mời cắt băng khai mạc Triển lãm
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đi thăm và nghe giới thiệu các thành tựu VT-CNTT
“Bộ sưu tập điện thoại di động xưa có số lượng nhiều nhất” được xác lập kỷ lục ngày 8/11/2013
Các tiện ích của truyền hình theo yêu cầu MyTV
Các đại biểu nghe giới thiệu về các thành tựu công nghệ VT-CNTT
Thể hiện thông điệp về một “Cuộc sống đích thực”, khu vực triển lãm của VNPT được thiết kế nổi bật với hệ thống nhận diện thương hiệu của VNPT, có không gian mở, hiện đại, thân thiện và gần gũi với khách hàng. Tại đây, VNPT đón khách tham quan đến với những các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú nhất của mình.
Gian hàng thành phố công nghệ của Viettel
Gian hàng thiết bị mạng của Singapore
Gian hàng Trung Quốc
Hội thảo bàn tròn về OTT

Chí Bằng

Việt Nam trở thành thành viên tổ chức hỗ trợ tên miền mã quốc gia thuộc ICANN

(ICTPress) - ICANN - một tổ chức phi lợi nhuận điều phối việc định danh địa chỉ và tên miền Internet trên phạm vi toàn cầu đang triển khai nhiều chính sách liên quan đến tên miền và địa chỉ IP, những vấn đề có tác động trực tiếp đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong cơ cấu tổ chức của ICANN, ccNSO là 1 trong 7 tổ chức trực thuộc thành lập năm 2003 với chức năng hỗ trợ cho ICANN xây dựng chính sách toàn cầu liên quan trực tiếp đến các vấn đề tên miền mã quốc gia, dựa trên ý kiến của các thành viên. Hiện tại, ccNSO có 144 thành viên là các đơn vị quản lý tên miền mã quốc gia.

Ngày 20/11/2013, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 143 của ccNSO. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - cơ quan quảnlý tên miền mã quốc gia .VN - được Bộ Thông tin và Truyền thông  ủy quyền thay mặt Việt Nam tham gia với tư cách thành viên của ccNSO. Việc chính thức tham gia vào ccNSO sẽ giúp Việt Nam tham gia vào quá trình nghiên cứu và xây dựng các chính sách của ICANN có liên quan đến tài nguyên Internet, đề xuất các ý kiến kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia.

Việc tham gia sâu hơn vào các hoạt động và tổ chức của ICANN nói chung là cần thiết đối với Việt Nam, đặc biệt khi ICANN đang triển khai nhiều chính sách quan trọng về tên miền cấp cao mới. Tham gia ccNSO là mục tiêu Việt Nam hướng tới, nhằm tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động điều hành chung mạng Internet toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế Việt Nam; tạo cơ hội và khả năng cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua các chính sách quản lý tên miền mã quốc gia.

HM

Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT tặng máy tính cho trẻ em nghèo tại Thái Nguyên

 (ICTPress) - Hôm nay 23/11 tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện Chương trình tình nguyện tặng máy tính cho trẻ em nghèo tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, Đoàn thanh niên Bộ TT&TT trao tặng đã trao tặng 10 bộ máy tính để bàn cho Đoàn Thanh niên các xã: Tân Hòa, Úc Kỳ, Bàn Đạt, Lương Phú, Hà Châu, Xuân Phương Điềm Thụy, Tân Đức, Tân Thành, Kha Sơn thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên để các cán bộ đoàn hướng dẫn các em học sinh nghèo tiếp cận và sử dụng Internet.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT Lã Hoàng Trung cho biết để góp phần mục tiêu đưa thông tin về cơ sở mà Bộ TT&TT đang triển khai, cụ thể để tạo điều kiện cho trẻ em nghèo có thể sử dụng máy tính truy cập Internet, các ứng dụng CNTT để nâng cao kiến thức, hiểu biết và phục vụ các nhu cầu giải trí lành mạnh, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ TT&TT, Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT thực hiện trao 10 bộ máy tính cho 10 xã nghèo, huyện Phú Bình để các cán bộ đoàn các xã hướng dẫn các em sử dụng máy tính và truy cập máy tính.

Trong chương trình tình nguyện này đoàn viên thanh niên Bộ TT&TT cũng đã hướng dẫn sử dụng máy tính và ứng dụng CNTT cho cán bộ đoàn các xã tại huyện Phú Bình và tặng quà cho các gia đình chính sách và trẻ em nghèo tại hai xã khó khăn là Kha Sơn và Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm, Đoàn thanh niên Bộ TT&TT trao quà cho các gia đình chính sách và các em học sinh nghèo tại xã Kha Sơn, Huyện Phú Bình
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm, Đoàn thanh niên Bộ TT&TT trao tặng 10 bộ máy tính cho 10 xã của Huyện Phú Bình
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai thăm Đài phát thanh Huyện Phú Bình

Phát biểu trong Chương trình tình nguyện, Bí thư Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết đất nước đang thực hiện duy trì phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế, đời sống cho bà còn là hết sức cần thiết. Trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thanh niên có vai trò là lực lượng xung kích bởi khả năng tiếp cận CNTT nhanh chóng. Với những phần quà tặng của Đoàn thanh niên Bộ TT&TT hôm nay cũng đóng góp vào việc tăng số người sử dụng Internet hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

Bí thư Huyện ủy Phú Bình, ông Đinh Hồng Thanh cho biết huyện Phú Bình là huyện miền núi, nằm ở Đông Nam của tỉnh Thái Nguyên, có đông đồng bào là dân tộc Tày - Nùng. Đời sống của nhân dân vất vả, 85% dân cư vẫn là nông dân. Thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/năm đứng thứ 7/9 huyện của tỉnh Thái Nguyên. Nhu cầu thông tin cấp thiết hơn cả ăn thức uống. Việc đẩy mạnh hướng dẫn sử dụng máy tính và ứng dụng CNTT cho các em học sinh là cần thiết.

Phó Bí Thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT Nguyễn Anh Tuấn tặng máy tính và tặng quà cho bà Hoàng Thị Trương, mẹ liệt sỹ và bà Vũ Thị Huế, vợ liệt sỹ và các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Tân Thành, Huyện Phú Bình

Với chương trình tình nguyện này, Đoàn Bộ TT&TT một lần nữa mong muốn chung tay đưa Internet và CNTT về vùng sâu vùng xa để thanh niên tiếp cận CNTT và thực hiện an sinh xã hội gửi tặng các gia đình chính sách, có công với đất nước để tri ân với các thế hệ đi trước và bồi dưỡng thế hệ đi sau, thiết thực với bà con vùng sâu vùng xa.

Vũ Nhung - Lan Phương

Việt Nam xếp hạng 72/81 quốc gia về Chỉ số Web

(ICTPress) - world wide web (WWW) - Mạng lưới thông tin toàn cầu, có lẽ là hơn cả bất kỳ sự sáng tạo con người nào khác, mang triển vọng và mang đợi mà nó có thể nâng cao khả năng của con người.

Tổ chức World Wide Web (WWWF) vừa công bố một báo cáo ngày 22/11 chi tiết về các nước đang sử dụng web như thế nào để nâng cao các quyền con người, Mashable đưa tin.

Đây là năm thứ 2 tổ chức này đưa ra báo cáo này với tên gọi Chỉ số Web (Web Index) tại một buổi lễ tại London, Anh. Theo báo cáo này Thụy Điển vẫn giữ vị trí số 1, tiếp theo là Na Uy, Vương Quốc Anh, Mỹ… Việt Nam xếp thứ 72/81 nước được xếp hạng.

Theo xếp hạng của WWWF, báo cáo này đánh giá web giúp con người không chỉ nhận thông tin mà còn có tiếng nói trong các quan điểm riêng, tham gia vào các sự kiện công chúng và có hành động để cải thiện cuộc sống như thế nào.

Báo cáo này xếp hạng các quốc gia trên 4 tiêu chí: sự phổ cập truy nhập Internet, sự tự do truy cập thông tin an toàn và riêng tư và thể hiện các ý kiến trực tuyến; số lượng và sự hiện hữu của các thông tin liên quan; và khả năng để sử dụng các công cụ web để thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Bảng xếp hạng đầy đủ như dưới đây:

Truy cập Internet toàn cầu đã tăng gấp đôi - tăng từ 16% lên 39% - kể từ Hội nghị thượng đỉnh về Xã hội thông tin năm 2003, theo Chỉ số Web. Báo cáo này cũng cho thấy mọi người trên toàn thế giới đang sử dụng truyền thông xã hội để tác động thay đổi chính trị, các công cụ đã đóng một vai trò tích cực trong việc thay đổi ở 80% các quốc gia được nghiên cứu trong báo cáo này.

Các chính phủ và các cơ quan thực thi luật cũng đang sử dụng Internet ngày càng tăng để giúp bảo vệ quyền thông qua việc giám sát và kiểm duyệt. Chỉ 5/81 nước đáp ứng những gì báo cáo này cho là các chuẩn cao nhất về sự riêng tư của giao tiếp điện tử”.

“Có một sự cần thiết khẩn cấp cho các nước để đánh giá các luật và thực tiễn hiện nay để giải quyết tốt hơn các thách thức của các công nghệ theo dõi số mới đầy quyền lực”, báo cáo cho biết.

Về kiểm duyệt, ngăn chặn có mục tiêu và lọc thông tin nhạy cảm đã được 30%/81 các quốc gia thực hiện. Các nghiên cứu cho thấy sự linh hoạt của các chính phủ trong sử dụng luật chống lại tội phạm mạng, những thông tin bang bổ, chủ nghĩa cực đoan hay việc nói xấu, báo cáo cho biết.

Một vấn đề lớn theo báo cáo này là 60% các quốc gia được điều tra thiếu sự tiếp cận “thậm chí các thông tin cơ bản nhất”, như các thông tin về y tế, giáo dục và nông nghiệp là không đạt chuẩn.

Các quyền của phụ nữ được web đáp ứng khá thấp ở hầu hết các nước được nghiên cứu, theo báo cáo. Thông tin về các chủ đề như sức khỏe giới tính và sinh sản, bạo lực gia đình, thừa kế và trả lương thấp vẫn khá ít trên web ở các quốc gia này.

Bảo cáo này đưa ra 4 khuyến nghị cho các chính phủ, các công ty và nhiều bên muốn sử dụng web để thúc đẩy nhân quyền: làm thay đổi làn sóng theo dõi và kiểm duyệt trực tuyến; đưa băng rộng đến với tất cả mọi người với giá hợp lý và khả dụng; đảm bảo tất cả phụ nữ, nam giới, các em gái và trai có thể tiếp cận các thông tin cơ bản, và giáo dục mọi người về các quyền và kỹ năng số.

Phiên bản đầu tiên của báo cáo của WWWF được xuất bản năm 2012. Người sáng lập Wikipedia Jimmy Wales và Tim Berners-Lee, được vinh danh là những người phát minh ra World Wide Web, cũng phát biểu trong buổi lễ ngày 22/11. Berners-Lee thành lập ra WWWF năm 2009.

Bạn có thể xem đầy đủ Chỉ số Web 2013 ở đây.

 HY

Người xem truyền hình số đã vượt người xem truyền hình analog

(ICTPress) - Nhân ngày Truyền hình thế giới (World Television Day) 21/11, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) hôm nay đã cho biết nghiên cứu của tổ chức này cho thấy thế giới đã chứng kiến một sự chuyển đổi lớn từ truyền hình analog sang số (digital), với hơn 55% hộ gia đình hiện nay có tivi thu tín hiệu số so với chỉ khoảng 30% vào năm 2008, theo số liệu mới của báo cáo thường niên “Đánh giá xã hội thông tin 2013 (Measuring the Information Society 2013).

ITU cho biết, tỷ lệ này là cân bằng vào năm 2012. Ở các nước phát triển tỷ lệ hộ gia đình có tivi thu tín hiệu số được dự báo là 81%. Nhưng ở các nước đang phát triển, tốc độ chuyển đổi cũng đang nhanh chóng. Ở các nước này số hộ gia đình có tivi thu tín hiệu số gần gấp 3 so trong 4 năm từ 2008 đến cuối năm 2012, đạt 42%.

Số thuê bao truyền hình trả tiền trên toàn thế giới đã tăng 32% trong khoảng 2008 - 2012, vượt qua truyền hình quảng bá trong năm 2011. Đã có tổng số 728 triệu thuê bao truyền hình trả tiền vào cuối năm 2012, có nghĩa là 53% hộ gia đình có truyền hình trả tiền.

Báo cáo mới này cho thấy các nền tảng truyền hình đa kênh truyền thống, như vệ tinh cáp và trực tiếp tới gia đình (DTH), đang gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nhà cung cấp dịch vụ IPTV và thậm chí các kênh truyền hình mặt đất (DTT).

Đồng thời, việc phát hình qua Internet đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt qua các nhà cung cấp nội dung âm thanh - hình ảnh OTT như YouTube, Netflix và dịch vụ PPLive của Trung Quốc, cũng như nhiều đài phát truyền thống hiện nay phát trực tuyến hoặc tải nội dung truyền hình và video.

Việc sụt giảm nhanh chóng các công nghệ truyền hình analog đối trọng với việc bùng nổ các công nghệ số. Thuê bao truyền hình cáp số đã hơn gấp đôi trong khoảng thời gian 2008 - 2012, cũng như số hộ gia đình thu DTT.

Công nghệ với sự tăng trưởng khá cao là IPTV, với tổng số thuê bao tăng gấp 4 lần trong 4 năm. Tuy nhiên, IPTV vẫn cho thấy một phần khiêm tốn trong tổng số hộ gia đình có tivi, chỉ chiếm 5% trong năm 2012.

“Các công nghệ mới đang tạo ra một loạt nền tảng mới cho chia sẻ nội dung, do vậy nhiều người có thể tiếp cận truyền hình qua hàng loạt thiết bị. Việc này rất quan trọng ở thế giới đang phát triển, nơi truyền hình tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục và chia sẻ kiến thức”, TS. Hamadoun I. Touré, Tổng thư ký ITU cho biết.

Trên toàn cầu, ITU cho biết có khoảng 1,4 tỷ hộ gia đình có ít nhất 1 chiếc tivi vào cuối năm 2012. Ở các nước đang phát triển, 72% hộ gia đình có 1 chiếc tivi, so với 98% hộ gia đình ở các nước phát triển. Châu Phi, gần 1/3 hộ gia đình có 1 chiếc tivi cuối năm 2012.

Truyền hình số tiếp tục phát triển trên nền tảng giá trị cao để cung cấp nhiều loại dịch vụ như lập chương trình giáo dục cho đào học tập từ xa. Với việc có thể tiếp cận với truyền hình trên nhiều thiết bị số hơn bao giờ, truyền hình là một thành phần quan trọng của sáng kiến Phát triển bền vững thông minh, cũng như chương trình hợp tác Phát triển nhờ di động, cả hai đang nỗ lực thúc đẩy ICT nâng cao cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới”, ông Brahima Sanou, Giám đốc Văn phòng Phát triển Viễn thông của ITU cho biết.

Báo cáo Đánh giá Xã hội thông tin của ITU được công bố hàng năm, là tổng quan toàn diện nhất của thế giới về các xu hướng ICT. Báo cáo này báo gồm Chỉ số Phát triển ICT (IDI) của ITU, một chỉ số toàn cầu duy nhất xếp hạng 157 quốc gia theo cấp độ tiếp cận, sử dụng và các kỹ năng ICT. IDI được chính phủ, các cơ quan Liên hợp quốc và ngành công nhận như là đánh giá chính xác nhất về tổng thể phát triển ICT quốc gia.

HY