Chuyên gia ICT quốc tế bàn thảo sâu về chiến lược ICT cho châu Á - TBD và toàn cầu

Tham gia hai sự kiện này có khoảng 90 đại biểu đến từ 18 nước thành viên, 4 thành viên liên kết là Trung tâm mạng châu Á – TBD (APNIC), Hiệp hội Internet quốc tế (ISOC), Tổ chức di động thế giới (GSMA), các doanh nghiệp quốc tế, các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực gồm Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh Viễn thông châu Phi (ATU), Ủy ban Viễn thông Liên Mỹ (CITEL), Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ Internet quốc tế (ICANN)...

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm chào mừng các đoàn đại biểu tham dự cuộc họp

Tại phiên khai mạc cuộc họp ngày 30/1, thay mặt Bộ TTTT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đã vui mừng chào đón các nước thành viên, các đối tác tới Hà Nội tham dự cuộc họp và hy vọng cuộc họp thành công, đạt nhiều kết quả.

Là thành viên tích cực của APT, Thứ trưởng khẳng định Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên khác trong APT để thúc đẩy phát triển ICT trong khu vực châu Á - TBD. Trong kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam, Việt Nam đã tích cực ứng dụng ICT hiệu quả nhất để tạo ra các động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Theo Thứ trưởng, các nước thành viên APT đã có nhiều cơ hội học hỏi, chia sẻ các quan điểm, kinh nghiệm trong xây dựng và hiện thực hóa các kế hoạch ICT quốc gia. Khi các nước thành viên cùng hợp tác sẽ có nhiều đóng góp giá trị cho phát triển ICT toàn cầu. Theo đó, nhiều đề xuất và kết quả từ cuộc họp lần này sẽ đảm bảo cho sự thành công của Hội nghị toàn quyền ITU tới đây.

“Việt Nam cam kết cùng với các hoạt động hỗ trợ các chương trình của APT và ITU. Việt Nam cũng đã cử các cán bộ cao cấp có kiến thức và kinh nghiệm để tham gia làm việc với các vị trí khác nhau tại APT và ITU”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tổng thư ký APT Areewan Haorangsi phát biểu khai mạc cuộc họp

Cũng tại phiên khai mạc cuộc họp, bà Areewan Haorangsi, Tổng thư ký APT cho biết, phiên họp lần thứ 14 của Hội đồng toàn quyền APT (GA-14) được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan năm 2017 đã thông qua Kế hoạch chiến lược APT cho giai đoạn 2018 - 2020 như là một định hướng cho các hoạt động của APT trong giai đoạn 3 năm 2018 - 2020. APT đã xác định trụ cột “Đối tác” (Partnership) đóng vai trò rất quan trọng, theo đó, để hình thành một chương trình phát triển và thống nhất các quan điểm của khu vực về các vấn đề ICT.

Với mục tiêu này, APT sẽ tiếp tục mang đến các cơ hội cho các nước thành viên cùng tham gia xây dựng chương trình nghị sự và thống nhất tầm nhìn chung cho khu vực chuẩn bị cho Hội nghị toàn quyền, các cuộc họp của ITU. APT cũng mong muốn đạt được tầm nhìn chung của khu vực về các vấn đề mới phát sinh thông qua các nhóm chuẩn bị khác nhau của APT, trong đó có nhóm chuẩn bị của APT cho PP-18.

“Vai trò của các tổ chức khu vực có ý nghĩa quan trọng cho sự chuẩn bị các hội nghị ITU chủ chốt. APT đang nỗ lực đóng góp vào thành công của các Hội nghị ITU bằng cách đệ trình một số đề xuất chung”, Tổng thư ký Areewan Haorangsi APT nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên họp

Hội nghị toàn quyền (PP-18) của ITU sẽ được tổ chức tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) từ ngày 29 – 16/11/2018. Đây là hội nghị cấp cao nhất của ITU nhằm xây dựng chính sách và kế hoạch chiến lược của Liên minh giai đoạn tới; Đưa ra các định hướng liên quan đến vấn đề nhân lực trong ITU; bầu cử Ban Lãnh đạo ITU và một số vị trí của cơ quan điều hành giai đoạn tới (2019 - 2022).

Để chuẩn bị cho PP-18, APT có kế hoạch triển khai 04 cuộc họp (01 cuộc năm 2017 và 03 cuộc năm 2018) nhằm xây dựng các đề xuất chung của khu vực trình lên PP-18. Tại cuộc họp lần thứ nhất của APT chuẩn bị cho Hội nghị PP-18 tại Thái Lan tháng 6/2017 đã thống nhất về cơ cấu tổ chức của nhóm khu vực chuẩn bị cho PP-18 và bầu các vị trí chủ tịch/phó chủ tịch của nhóm chuẩn bị và các nhóm làm việc, trong đó đại diện của Malaysia là chủ tịch của nhóm chuẩn bị, đại diện của Việt Nam giữ vị trí phó chủ tịch nhóm làm việc số 1 (WG1).

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại Hà Nội

Cuộc họp lần 2 của APT chuẩn bị cho PP-18 (PP18-2) do Việt Nam đăng cai là bước tiếp theo để thảo luận các nội dung chính, các vấn đề quan tâm từ phía các nước thành viên để xây dựng đề xuất chung của khu vực châu Á - TBD. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm cơ quan quản lý về Viễn thông, CNTT và truyền thông của các nước là thành viên ITU trong khu vực châu Á – TBD, các tổ chức quốc tế, giới nghiên cứu, các hãng sản xuất và nhà khai thác trong khu vực, các đơn vị thuộc Bộ TTTT, các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Tại cuộc họp, Việt Nam đề cử ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TTTT Việt Nam, tiếp tục là thành viên của Hội đồng vô tuyến (RRB) của ITU. Ông Đoàn Quang Hoan đã làm việc tại RBB 4 năm và đã có nhiều đóng góp tích cực cho khu vực và ITU.

Thứ trưởng Phan Tâm tiếp Tổng thư ký Areewan Haorangsi

Trước cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm có buổi gặp gỡ bà Areewan Haorangsi Tổng thư ký APT cảm ơn sự hỗ trợ của APT dành cho các nước thành viên đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của APT đối với các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính sách, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu viên và các chương trình dự án trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ VT và CNTT.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng thể hiện mong muốn trong thời gian tới APT sẽ có những thay đổi tích cực về cơ cấu tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động qua đó thể hiện vai trò và tầm quan trọng của APT - như là Tổ chức Viễn thông hàng đầu của khu vực.

Nhân dịp này, ngày 29/1/2018, Bộ TTTT và APT cũng đã tổ chức Hội thảo đào tạo chuẩn bị của APT cho Hội nghị toàn quyền ITU.

 Lan Phương/ictvietnam.vn
Tin nổi bật