Chuyển động ngành
Sản phẩm an ninh, an toàn mạng - 1 trong 6 sản phẩm chính thức của quốc gia
Submitted by nlphuong on Fri, 28/12/2012 - 12:00(ICTPress) - Sáng nay 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố “Danh mục sản phẩm quốc gia” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012.
Danh mục sản phẩm quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2012 nằm trong Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg có mục tiêu là hình thành phát triển các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước.
Để thực hiện Chương trình, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức xác định, lựa chọn các sản phẩm quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tại Quyết định 439/QĐ-TTg.
Danh mục các sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2012 gồm 9 nhóm sản phẩm (06 chính thức và 3 dự bị) là những sản phẩm được ưu tiên phát triển thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, y tế, quốc phòng, an ninh… Cụ thể như sau:
6 sản phẩm chính thức: Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; Sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng; Sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; Sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải; Sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam; Sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng.
3 sản phẩm dự bị: Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế bến từ cá da trơn; Sản phẩm nấm ăn và nhấm được dược liệu; Sản phẩm vi mạch điện tử.
Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết các sản phẩm quốc gia lựa chọn đợt này đều là những sản phẩm có hàm lượng cao về công nghệ, bảo đảm làm chủ được công nghệ cơ bản, cốt lõi để chế tạo được sản phẩm, làm tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm khác trong từng lĩnh vực góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
Ban chỉ đạo của Chương trình gồm 8 thành viên, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân làm Phó Trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo một số Bộ, ngành: KH&CN, Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Viện KH&CN Việt Nam.
Ban Chủ nhiệm của Chương trình gồm 8 thành viên, do TS. Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN làm chủ nhiệm và các thành viên khác là các nhà khoa học, quản lý thộc các Bộ, Ngành, lĩnh vực có liên quan.
Ngay trong năm 2013, Bộ KH&CN dự kiến tập trung giải quyết các công việc: Chuẩn bị hoàn thiện, thuyết minh dự án KH&CN, dự án đầu tư, thực hiện xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ; Thực hiện xét duyệt, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án KHCN và dự án đầu tư; Tiếp tục xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình; Tiếp tục thực hiện việc xem xét danh mục sản phẩm quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu có được tối thiểu 10 sản phẩm, Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết dự kiến năm 2013 sẽ bổ sung khoảng từ 3 - 5 sản phẩm ngoài các sản phẩm đã được phê duyệt.
Để hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 218/TTLT-BTC-BKHCN thể hiện tư tưởng đổi mới trong quản lý tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Chương trình.
Đặc biệt một số nội dung mới như hỗ trợ các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, mua bí quyết, thông tin công nghệ, mời chuyên gia ở nước ngoài hoàn thiện công nghệ trong sản xuất lô số không, hỗ trợ doanh nghiệp lập phòng thí nghiệm.
Theo Thông tư này các nguồn tài chính thực hiện Chương trình bao gồm: Ngân sách nhà nước (Kinh phí đầu tư phát triển, Kinh phí sự nghiệp KH&CN; Kinh phí sự nghiệp kinh tế, Vốn ODA, viện trợ của nước ngoài), Vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng Thương mại, Kinh phí từ các doanh nghiệp (Vốn tự có của doanh nghiệp, Vốn huy động khác), Kinh phí từ các quỹ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, các quỹ khác) và Kinh phí huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác.
Theo đại diện Văn phòng các Chương trình quốc gia về KH&CN cho biết một số điểm mới về Ngân sách chi sự nghiệp KH&CN hỗ trợ tối đa đến 50% so với 30% so với trước đây, phần còn lại được huy động từ các quỹ; Hỗ trợ tối đa đến 50% công lao động theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hỗ trợ nâng cấp các CSDL, phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất quốc gia; Hỗ trợ xúc tiến thương mại; Có khoản chi cho kiểm toán, tổ chức tư vấn độc lập.
Về giải ngân có điểm đặc biệt, các tổ chức mở tài khoản tại kho bạc, doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng TMCP. Kho bạc sẽ không kiểm soát chứng từ chi, kho bạc chỉ căn cứ chứng nhận khối lượng hoàn thành. Đơn vị chủ trì dự án có trách nhiệm kiểm soát chi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ, chứng từ… và đơn vị nhận sản phẩm quốc gia mà không giải ngân đúng sẽ bị cắt tạm ứng.
Theo Điều 19 của Thông tư nếu sản phẩm có hiệu quả lớn hơn mà mức chi không thỏa mãn các cơ quan chủ trì sản phẩm quốc gia có thể phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất để tăng chi. Ngoài ra, mỗi sản phẩm có đặc thù cũng có thể trình Thủ tướng, các Bộ để phê duyệt để tăng chi.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết "Lần đầu tiên Chương trình sẽ cho phép kết nối, thực hiện một cách đồng bộ các khâu từ nghiên cứu công nghệ mới, đến hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm. Điều này sẽ trực tiếp tạo gắn kết mật thiết giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà quản lý trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Chương trình cũng sẽ tạo ra sự thu hút, khai thác được nguồn lực lớn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, triển khai từ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế".
X. Tùng
Lương của CEO Apple năm 2012 giảm tới 99%
Submitted by nlphuong on Fri, 28/12/2012 - 00:05(ICTPress) - Tim Cook có thể điều hành công ty giá trị nhất trên thế giới, nhưng bạn sẽ không biết công ty giá trị này trả lương cho ông bao nhiêu trong năm nay.
CEO Tim Cook |
CEO của Apple chỉ được trả 4,17 triệu USD trong năm 2012, theo một hồ sơ chứng khoán mới của Apple. Đó là số lượng mà nhiều người mong muốn có được, nhưng giảm 99% so với 376 triệu USD mà Cook được trả năm ngoái.
Điều này có thể ngạc nhiên đôi chút khi xem xép vốn thị trường của Apple đã tăng hơn 480 tỷ USD trong năm nay dưới sự lãnh đạo của Cook, nhưng việc sụt giảm lương của Cook là do kỹ thuật hơn làm thứ gì khác liên quan đến hiệu suất.
Cook được trao một lượng lớn lựa chọn cổ phiếu tổng số hơn 376 triệu USD khi ông được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2011, phần lớn số này sẽ tăng trong những năm tới. Dẫu vậy, Ban Phúc lợi của Apple đã quyết định không cấp thêm cho Cook bất cứ lựa chọn cổ phiếu bổ sung nào trong năm nay, đó là lý do tại sao Cook được trả thấp hơn nhiều.
Đó là một sụt giảm mạnh, đặc biệt khi bạn xem xét nhiều lãnh đạo cao cấp khác của Apple, làm việc dưới quyền Cook gấp 10 lần ông trong năm nay nhờ có các lựa chọn cổ phiếu họ đã được cấp.
HY
Xu hướng CNTT nào trong năm 2013 doanh nghiệp CNTT nên chú ý
Submitted by nlphuong on Thu, 27/12/2012 - 06:30(ICTPress) - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ của Hitachi Data Systems, ông Hu Yoshida đã chia sẻ những dự đoán của mình về Top 10 xu hướng CNTT sẽ diễn ra trong năm 2013.
Ông Hu Yoshida, Giám đốc công nghệ của Hitachi Data Systems tại một hội thảo về CNTT tổ chức tại Hà Nội |
Là một nhà lãnh đạo tư tưởng nổi tiếng, Yoshida là tác giả của nhiều bài báo về các mảng lưu trữ, Kênh Quang - Fibre Channel, mạng SANs đa giao thức và những công nghệ ảo hóa lưu trữ. Ông đã là thành viên trong các ban tư vấn của nhiều công ty công nghệ và hiện thời là chủ tịch của Hội đồng tư vấn khoa học cho Viện lưu trữ dữ liệu của chính phủ Singapore.
Những dự đoán của ông xuyên suốt hàng loạt những chủ đề quan trọng, từ những mô hình tiêu dùng CNTT, cơ cấu chi phí tới những cải tiến trong công nghệ flash và các giải pháp hạ tầng hội tụ.
Trong năm 2013, dữ liệu lớn (big data) sẽ tiếp tục là mối quan tâm chính trong ngành CNTT. Chẳng hạn, khối lượng dữ liệu lên tới hàng exabytes sẽ được đề cập đến trong những cuộc thảo luận lập kế hoạch trong tương lai, và petabytes dữ liệu sẽ trở thành một thước đo mới cho những kho lưu trữ dữ liệu lớn. Sự tập trung cũng sẽ đổ dồn vào những dữ liệu thứ cấp được tạo ra nhằm phục vụ cho mục đích sao lưu và các bản sao. Tổng chi phí sở hữu (TCO) cho việc lưu trữ sẽ có sự thay đổi lớn khi những chi phí vận hành giảm xuống và chi phí vốn bắt đầu tăng dần.
Những xu hướng mới sẽ xuất hiện, mang tới thách thức cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong năm 2013. Các chuyên gia CNTT sẽ phải xử lý những thách thức này với ràng buộc về ngân sách và thời gian. Đồng thời, họ cũng sẽ phải trích xuất giá trị kinh doanh từ dữ liệu lớn nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp về đường lối, Hu Yoshida, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ Hitachi Data Systems, mới đây đã đưa ra những nhận định của ông về Top 10 xu hướng CNTT trong năm 2013:
Thay đổi lớn trong OPEX và CAPEX: Trong vòng 10 năm qua, tổng chi phí lưu trữ đã tăng lên không ngừng, khoảng 7% mỗi năm. Sự gia tăng này chủ yếu do chi phí vận hành (OPEX), trong khi đó chi phí về phần cứng (CAPEX) hầu như không đổi. Tuy nhiên, trong năm 2013, CAPEX sẽ có xu hướng tăng lên và trở thành phần chi phí lớn hơn trong Tổng chi phí sở hữu (TCO). Nguyên nhân dẫn tới vấn đề này là do sự tăng cường chức năng trong phần cứng và nhu cầu về dung lượng lưu trữ lớn hơn.
Những mô hình tiêu dùng mới: Thay vì mua sắm tất cả những thiết bị lưu trữ cho ngày hôm nay và phân bổ đều CAPEX trong vòng 4 đến 5 năm tới, các tổ chức sẽ mua thứ họ cần khi nhu cầu thực sự phát sinh. Để làm được điều này, các tổ chức cần phải tận dụng những công nghệ cũng như năng lực mới như phân bổ lưu trữ linh hoạt, ảo hóa và dịch chuyển dữ liệu liên tục. Những nhà cung cấp lưu trữ cũng có thể cung cấp các dịch vụ có quản lý (managed services) cho các tổ chức, nhằm giúp họ chuyển đổi từ CAPEX sang OPEX.
Quản lý sự bùng nổ tái tạo dữ liệu (data replication): Đồng bộ dữ liệu khiến cho khối lượng dữ liệu nhân lên, bùng nổ và những bản sao dữ liệu là nhân tố chính của việc tạo bản sao lưu dữ liệu. Lưu trữ theo đối tượng sẽ giúp giải quyết vấn đề này bằng cách giảm thiểu nhu cầu sao lưu và tạo bản sao những dữ liệu không thay đổi.
Sự phát triển của Bộ điều khiển Flash cho DN: Việc sử dụng những ổ đĩa cứng flash dạng rắn hiệu năng cao (SSDs) trong DN triển khai chậm do giá thành cao và độ bền hạn chế so với các ổ đĩa cứng thông thường. Tuy nhiên, trong năm 2013, bộ điều khiển flash (flash controllers) sẽ được ra mắt với bộ vi xử lý tiên tiến, được thiết kế dành riêng cho các hệ thống lưu trữ DN, tăng độ bền, hiệu năng cũng như năng lực cho các ổ đĩa lưu trữ flash.
Những yêu cầu mới cho các hệ thống lưu trữ Entry High-end: Sự tăng cường sử dụng những trình quản lý máy ảo (hypervisors) chẳng hạn như VMware và những ứng dụng như VDI đã làm thay đổi yêu cầu đối với các hệ thống lưu trữ tầm trung. Sự chênh lệch giữa kiến trúc lưu trữ cấp DN và kiến trúc lưu trữ tầm trung đang ngày càng thu hẹp lại khi những nhu cầu ngành đòi hỏi cần có hệ thống lưu trữ cấp DN cơ bản. Những hệ thống này có thể được mở rộng với khối lượng công việc tăng dần bằng cách thêm vào các bộ vi xử lý, các cổng, bộ nhớ cache nhưng vẫn đảm bảo mức giá cho hệ thống tầm trung.
Nhu cầu về các hệ thống tệp tin dựa trên đối tượng: Sự phát triển của dữ liệu phi cấu trúc sẽ đòi hỏi các hệ thống lưu trữ tệp tin lớn hơn và tính khả mở cao hơn. Các hệ thống lưu trữ tệp tin chuẩn sẽ cần phải được thay thế bởi những hệ thống lưu trữ tệp tin dựa trên đối tượng (object-based file system) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này. Việc quản lý dữ liệu của hệ thống tệp tin và metadata dưới dạng đối tượng cho phép khôi phục hệ thống tệp tin nhanh, tăng cường hiệu năng truy xuất tệp tin và mang tới khả năng tự động hóa phân lớp tệp tin.
Tăng tốc sử dụng các nền tảng lưu trữ nội dung và chia sẻ dữ liệu: Ảo hóa lưu trữ cho phép các ứng dụng được chia sẻ những tài nguyên lưu trữ; tuy nhiên, dữ liệu ứng dụng vẫn bó cứng trong các vùng lưu trữ riêng biệt (silos). Trong năm 2013, việc ứng dụng các nền tảng nội dung trong lưu trữ và chia sẻ dữ liệu sẽ phát triển mạnh khi người dùng tìm cách xây dựng tương quan những thông tin từ các ứng dụng khác nhau.
Bộ điều khiển hỗ trợ phần cứng sẽ đáp ứng khối lượng công việc ngày càng phức tạp: Bộ điều khiển lưu trữ sẽ được trang bị những bộ vi xử lý tiên tiến và phần cứng được trợ giúp bởi ASICs nhằm giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng phức tạp cũng như lưu lượng dữ liệu lưu thông lớn hơn.
Tạo ra một nền tảng an toàn cho việc sử dụng các thiết bị di động: Việc ứng dụng thiết bị di động giúp tăng cường hiệu suất làm việc cũng như thúc đẩy tính sáng tạo. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra cơn ác mộng cho các trung tâm dữ liệu DN. Trong năm 2013, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng của các nền tảng bảo mật cho việc chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu những mối đe dọa bảo mật từ các thiết bị di động và giúp tăng cường năng suất lao động của đội ngũ nhân sự di động.
Thêm nhiều giải pháp hội tụ tích hợp chặt chẽ hơn: Các giải pháp hạ tầng hội tụ được chứng nhận, cấu hình và kiểm định từ trước đang ngày càng được quan tâm. Trong năm 2013, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng ứng dụng những nền tảng điện toán hợp nhất, khi mà việc quản lý cũng như điều hành máy chủ, lưu trữ, các tài nguyên mạng sẽ được thực hiện thông qua một cửa sổ giao diện duy nhất.
Mạnh Vỹ
Cơ hội cho sinh viên CNTT làm việc tại Huawei toàn cầu
Submitted by nlphuong on Wed, 26/12/2012 - 19:45(ICTPress) - Nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực Công nghệ Thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hôm nay 26/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ thành lập Quỹ Học bổng/Giải thưởng cho sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực CNTT.
Chứng kiến Lễ ký kết có ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và ông Khổng Huyền Hựu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam.
Theo đó, Quỹ Học bổng/Giải thưởng cho sinh viên Việt Nam sẽ được dành cho các cá nhân hoặc nhóm sinh viên có sáng kiến, giải pháp hoặc ý tưởng sáng tạo về CNTT; các sinh viên CNTT có hoàn cảnh khó khăn và có thành tích học tập tốt; các sinh viên CNTT có thành tích học tập xuất sắc.
Quỹ Học bổng/Giải thưởng cho sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực CNTT sẽ được triển khai thực hiện liên tiếp trong 3 năm, từ năm 2012 đến hết năm 2014. Trước mắt, trong năm học 2012 - 2013, Quỹ sẽ dành học bổng/giải thưởng cho các cá nhân hoặc nhóm sinh viên có sáng kiến, giải pháp hoặc ý tưởng sáng tạo về CNTT-TT với trị giá là 50.000 USD.
Bên cạnh đó, mỗi năm Quỹ lựa chọn một số sinh viên ưu tú trong số các sinh viên đã được nhận học bổng/giải thưởng tham gia các chương trình đào tạo công nghệ nâng cao tại Trung Quốc.
Các sinh viên được cấp học bổng/giải thưởng của Huawei, sau quá trình học tập và tốt nghiệp ra trường sẽ được Huawei ưu tiên xem xét tạo cơ hội tốt nhất vào làm việc tại Huawei toàn cầu.
Lễ trao Học bổng/giải thưởng sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội bắt đầu từ năm 2013 và liên tiếp vào các năm sau đó nhằm tôn vinh và tiếp sức cho các bạn sinh viên trẻ thực hiện trọn vẹn những dự định trên con đường chinh phục công nghệ đỉnh cao.
Giai đoạn 1 của Quỹ học bổng/Giải thưởng này là ngay trong tháng 1/2013, Cuộc thi sáng tạo ứng dụng trong lĩnh vực băng thông rộng di động trên nền tảng hệ điều hành Android sẽ được giới thiệu tại một số trường đại học. Dự kiến bình chọn sản phẩm và lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong tháng 7 và 8 năm 2013.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam Zhao Wei Jun cho biết chủ đề giai đoạn 1 của chương trình Học bổng này là khích lệ những người trẻ tuổi thực hiện theo chương trình“ Đổi mới ứng dụng băng thông di động”, nghĩa là tinh thần sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin ICT, khuyến khích tự chủ doanh nghiệp, đồng thời cũng có thể làm phong phú thêm các ứng dụng điện thoại di động tại Việt Nam.
X.T
Giáng sinh đặc biệt VNPT dành cho các em tại Viện huyết học
Submitted by nlphuong on Tue, 25/12/2012 - 09:11(ICTPress) - Hòa chung không khí Giáng sinh ấm áp, an lành, chiều ngày 24/12/2012, tại Viện Huyết học Trung ương, Báo điện tử VnMedia - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Bộ Y tế và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình “VNPT - kết nối yêu thương” và trao Học bổng Khuyến học “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” cho học sinh, sinh viên đang điều trị tại Viện.
Tham dự chương trình có Lãnh đạo Đảng ủy, Đoàn Thanh niên Bộ Y tế; đồng chí Phan Hoài Nam - Ủy viên Ban chấp hàng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn VNPT, đại diện lãnh đạo VNPT và các đơn vị thành viên, đặc biệt là sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ: Tấn Minh, Ngọc Anh, Lương Nguyệt Anh, Hà Anh Vũ, Huy Quyết, Đông Hùng,…
Chương trình “VNPT - Kết nối yêu thương” đã được tổ chức với 4 phần chính:
Phần trao quà tặng đặc biệt nhân dịp Noel
Trước khi diễn ra chương trình trong Hội trường, Đoàn Thanh niên VNPT, Báo điện tử VnMedia và các nhà hảo tâm đã tổ chức trao hơn 200 suất quà tặng Noel ngay tại giường bệnh cho các bệnh nhân.
Đoàn viên Báo điện tử VnMedia trong vai Ông già Noel mang quà đến tận giường cho các cháu |
Gọi điện thoại miễn phí cho người thân
Ngay phía ngoài Hội trường tổ chức chương trình, Ban Tổ chức đã đặt 5 máy điện thoại của VNPT để các bệnh nhân tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương có thể gọi điện miễn phí cho người thân sử dụng các số điện thoại nội mạng VNPT.
Hạnh phúc được gọi điện thoại miễn phí cho mẹ |
Trao Học bổng Khuyến học “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt”
Trong chương trình này, VNPT đã quyết định trao 10 suất học bổng đặc biệt, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng dành cho 10 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn đang điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Đại diện Đoàn Thanh niên VNPT trao Học bổng cho các em học sinh, sinh viên đang điều trị tại Viện |
Giao lưu với nghệ sỹ
Các ca sỹ, nghệ sỹ: Tấn Minh, Ngọc Anh, Lương Nguyệt Anh, Hà Anh Vũ, Huy Quyết, Đông Hùng,… sau khi tham gia tặng quà cho các bệnh nhân tại giường bệnh đã biểu diễn và giao lưu cùng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Hội trường. Những lời ca, tiếng hát và sự chia sẻ của các nghệ sỹ đã thực sự mang lại một ngày Noel ấm áp và vui vẻ, xua tan những lo âu, mệt mỏi của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Ca sỹ Tấn Minh giao lưu văn nghệ với các em |
Trong năm 2012, Báo điện tử VnMedia đã đại diện VNPT thực hiện chương trình trao Học bổng “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” và quà từ thiện tại các bệnh viện tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Xanh pôn, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bưu Điện, Bệnh viện Mắt Trung ương, Viện Bỏng Quốc gia…. Đây cũng là dịp để VNPT nhìn lại những hoạt động đồng hành của VNPT với những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện trong suốt một năm qua.
Qua chương trình này, VNPT mong muốn sẽ tạo nên nhịp cầu kết nối những yêu thương, những tấm lòng hảo tâm để cùng chia sẻ những khó khăn, lo âu của những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các y bác sỹ trong những ngày cuối năm.
Minh Hiếu
Mừng hai tập đoàn VNPT và Viettel tăng trưởng khá trong năm 2012
Submitted by nlphuong on Mon, 24/12/2012 - 12:24(ICTPress) - Mừng 2 tập đoàn hàng đầu của ngành Thông tin Truyền thông là VNPT và Viettel tiếp tục tăng trưởng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng, biểu dương và đánh giá đây là một trong những thành tựu của Ngành trong năm qua cùng với thành tựu của phóng thành công vệ tinh VINASAT-2, hoàn thành khối lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trên diện rộng…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng các thành tựu công tác của ngành TT&TT trong năm 2012 |
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) Phạm Long Trận cho biết năm 2012 VNPT cho tới thời điểm hiện nay ước đạt doanh thu hơn 135.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2011, lợi nhuận khoảng 8.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.500 tỷ. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Viettel đạt doanh thu khoảng 140.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,5%, lợi nhuận đạt 27.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 11.400 tỷ đồng, đạt 24%.
Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của hai doanh nghiệp hàng đầu của ngành TT&TT trong năm 2012 trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn, những ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế chung của toàn cầu tác động đến tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.
Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 11/12/2012 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo đến hết năm nay sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể.
Diễn đàn này cũng cho biết đến ngày 30/11/2012, cả nước đã có 65.091 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 418.853 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể là 48.473 doanh nghiệp, trong đó 39.936 doanh nghiệp dừng hoạt động và 8.537 doanh nghiệp đã giải thể. Số doanh nghiệp giải thể tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
VP
Giải thưởng sách 2012 tôn vinh sách có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn
Submitted by nlphuong on Sun, 23/12/2012 - 14:25(ICTPress) - Sau 4 tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, 8 tiểu ban chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng sách Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch chấm giải năm 2012 và Lễ trao giải Sách 2012 đã được tổ chức sáng nay 23/12 tại Hà Nội.
Kết quả sách hay có tổng số 48 giải (5 giải Vàng, 14 giải Bạc, 16 giải Đồng, 13 giải Khuyến khích) và Sách đẹp có tổng số 46 giải (1 giải đặc biệt, 5 giải Vàng, 9 giải Bạc, 12 giải Đồng, 15 giải Khuyến khích, 4 giải Bìa Đẹp).
So với năm 2011, năm nay số giải Vàng tăng, số giải Bạc và giải Đồng giữ mức như năm 2011. Những cuốn sách đạt giải Vàng đều là những tác phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn.
Bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” của Hội đồng Chỉ đạo biên tập xuất bản PGS. TS. Tô Huy Rứa và nhóm tác giả TS. Nguyễn Thới Bưng, GS. TS. Huỳnh Nghi và nhóm tác giả, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia, đạt giải Vàng gồm 2 tập chính sử và được bổ sung, minh họa bằng hai tập sách “Biên niên lịch sử Nam Bộ kháng chiến” và “Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến” với trên 5000 trang khổ lớn đã phác họa một thời kỳ lịch sử hào hùng của Nam Bộ từ 1945 đến 1975.
Hội đồng chấm giải thưởng Sách 2012 cho biết đây là một công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc với một khối lượng tư liệu phong phú, đa dạng, có độ tin cậy, trong đó có nhiều tư liệu mới, tư liệu gốc, được các tác giải sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.
Cuốn “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, giải Vàng là một tác phẩm văn học thiếu nhi phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, giáo dục về biển đảo với chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tác giả Nguyễn Xuân Thủy là một nhà văn trẻ của quân đội đã có những năm tháng sống, công tác ngoài quần đảo Trường Sa, bằng tài năng và tình yêu biển đảo, yêu các em nhỏ của mình đã gói trọn dường như cả Trường Sa vào cuốn sách nhỏ làm quà tặng cho các em. Anh chỉ có ước muốn đơn giản khi đọc cuốn sách này và lớn lên các em được đặt chân đến vùng biển đẹp Trường Sa.
Các cuốn sách công cụ như “Từ điển Việt Anh” của Ban Biên soạn từ điển Gia Vũ, NXB Khoa học xã hội; “Từ điển giáo khoa sinh học”, của Trần Bá Hoành chủ biên và nhóm tác giả, NXB Giáo dục Việt Nam đạt giải Vàng và “Cẩm nang tra cứu nhanh thuốc”của nhóm tác giả Tào Duy Cần, ThS. Hoàng Trọng Quang, TS. Nguyễn Văn Yên, NXB Y học đạt giải Bạc đều là những tác phẩm được biên soạn công phu, có nhiều sáng tạo, cập nhật hiện đại và có giá trị thực tiễn cao.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng các giải sách Vàng cho các tác giả |
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng và Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn trao giải sách Bạc cho các tác giả |
Ngoài các cuốn sách đạt giải Vàng trên đây, các tác phẩm đạt giải Bạc cũng đều là những cuốn sách được biên soạn dịch thuật công phu, có giá trị lý luận và thực tiễn như các cuốn “Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Võ Nguyên Giáp - Hào khí Thăng Long”, “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”, Hành khúc giải phòng”. “Sinh học” (sách dịch)…
Các cuốn sách được đề cử giải Đồng, giải Khuyến khích cũng rất phong phú, đa dạng, nội dung đề cập các vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ và những vấn đề được nhiều người quan tâm như các cuốn “Phan Bội Châu ở Nhật Bản”, “Phát triển giáo dục hướng tới một xã hội học tập”, “Xử lý ô nhiễm môi trường bằng thực vật”, “Bộ sách Bách khoa thư dành cho bé”, “Một số vấn đề cần biết về biến đổi khí hậu”, “Sáng tạo trong thuật toán và lập trình”…
Sách đẹp dự thi của năm 2012 về cơ bản giữ được nhịp độ của những năm trước với 110 đầu sách của 32 NXB. Nguyên liệu giấy, mực in có chất lượng đồng đều, kỹ thuật ấn loạt tốt, công nghệ vào bìa, đóng xén gọn ghẽ, chính xác.
Giải đặc biệt đã thuộc về cuốn “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia, Công ty In Tiến Bộ, Trình bày họa sỵ Phùng Minh Trang
4 giải Vàng sách đẹp được xem là đã hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn của một cuốn sách đẹp. Từ việc trình bày bìa đến các trang nội dung. Sự kết hợp phần chữ với phần hình ảnh hoặc sử dụng các kiểu chữ tiêu đề các đề mục lớn nhỏ trên trang sách một cách hợp lý làm cho nghệ thuật trình bày sách được nâng lên rõ rệt. Đây là những tác phẩm mà ngay trên bìa sách đã gây được cảm tình cho độc giả. Màu sắc không quá ồn ào, bố cục hình nét đơn giản không rườm rà, chọn được kiểu chữ, cỡ chữ phù hợp với nội dung sách. Tất cả toát lên vẻ trang trọng, lịch lãm không rơi vào dễ dãi, tầm thường.
Đó là 4 cuốn: “Sinh học”, Campbell, NXB Giáo dục Việt Nam, Công ty CP in và dịch vụ Thừa Thiên Huế, trình bày họa sỹ Lưu Chí Đồng; “Điêu khắc TP. HCM 1975 - 2010”, nhiều tác giả, NXB Văn hóa Văn nghệ TP. HCM, Công ty In Trần Phú, trình bày họa sỹ Mai Quế Vũ; Bộ sách “Những nhân vật tên còn trẻ mãi” và “Những con vật bầu bạn tuổi thơ”, Nhiều tác giả, NXB Kim Đồng, Công ty TNHH In và dịch vụ Phú Thịnh, họa sỹ Nguyễn Ngọc Anh và “Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một một người, Trịnh Công Sơn, NXB Trẻ, Công ty TNHH MTV in Báo Nhân dân, họa sỹ Mai Quế Vũ.
Bộ sách “Những nhân vật tên còn trẻ mãi” và “Những con vật bầu bạn tuổi thơ” của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng được NXB Kim Đồng xuất bản vừa giành giải thưởng sách Hay và sách Đẹp 2012 được đầu tư biên soạn và in ấn công phu với phần tranh minh họa đậm chất dân gian của các họa sĩ nổi tiếng Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Mai Long, Bùi Hải Nam, Tạ Huy Long, Vũ Xuân Hoàn, Chu Linh Hoàng… |
Đặc biệt, Giải thưởng Sách năm nay đã xuất hiện những bộ sách, tủ sách nhiều tập của các NXB Kim Đồng, Giáo dục, Trẻ được trình bày công phu, đảm bảo thống nhất phong cách, chú ý đến các chi tiết trên gáy sách, mép sách, mép gấp, tờ lót… hợp lý.
Những tác phẩm được giải Bạc, và Đồng có điểm số thấp hơn ở những chi tiết cần phải cân nhắc tính toán khi đặt số trang, tít đầu trang hay một đường kẻ vì nó có thể rất dễ phá vỡ bố cục hoặc làm rối trang in.
Ngoài ra, Hội đồng chấm giải thưởng Sách đã trao giải bìa đẹp cho 4 đầu sách: Bộ sách “Mỗi nhà văn một tác phẩm” (6 cuốn), Nhiều tác giả, NXB Trẻ, Xí nghiệp In Nguyễn Minh Hoàng, họa sỹ Mai Quế Vũ; Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ nữ, Công ty CP In Công đoàn, họa sỹ Ngô Xuân Khôi; “Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ Phủ biên”, Nhiều tác giả, NXB Văn hóa Văn nghệ, Công ty In Khuyến học, họa sỹ Đỗ Duy Ngọc và “Chuyện đi học ở xử Kanguru”, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quỳnh Như, NXB Kim Đồng, Công ty in và dịch vụ Phú Thịnh, họa sỹ Diep Colour.
Đánh giá về chất lượng sách năm nay, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chấm Giải thưởng Sách năm nay, ông Nguyễn Kiểm cho biết tuy có nhiều khó khăn về kinh tế nhưng số lượng sách năm nay vẫn đạt chất lượng cao, có một bước tiến về đề tài, cập nhật tri thức tiến bộ của thế giới, cũng như quan tâm đến đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta.
"Trong tương lai gần, Hội Xuất bản sẽ nghiên cứu bổ sung quy chế giải thưởng sách điện tử, để cập nhật sự tiến bộ của Khoa học công nghệ", ông Kiểm cho biết thêm.
Danh sách chi tiết sách hay và sách đẹp Giải thưởng Sách Việt Nam 2012, bạn đọc có thể tải về tại đây.
Minh Anh
Các vấn đề “nóng” về Tần số VTĐ đã được “quản” thành công trong năm 2012
Submitted by nlphuong on Fri, 21/12/2012 - 13:31(ICTPress) - Là đơn vị dẫn đầu trong Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về tham mưu cho Bộ hoàn thành các văn bản, cơ chế chính sách quản lý tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Hợp tác quốc tế song phương và đa phương đặc biệt các hoạt động với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Asean, các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc; phối hợp chặt chẽ, thực chất với các Bộ Ngành, địa phương đặc biệt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và các Sở TT&TT trên cả nước và cải cách hành chính và ứng dụng CNTT với 18.938 giấy phép, chiếm 50% giấy phép được cấp điện tử là đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng sáng nay 21/12 về các công tác của Cục Tần số VTĐ, Bộ TT&TT trong năm 2012.
Hai trong số các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong năm 2012 đã được Cục Tần số VTĐ hoàn thành là: Quyết định số 16/2012-TTG quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ được Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 8/3/2012 và Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT được ký giữa hai Bộ TT&TT và Bộ Giao thông Vận tài ký ngày 24/2/2012 hướng dẫn quản lý, sử dụng tần số VTĐ thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ dẫn đường hàng không.
Đánh giá việc xây dựng các văn bản và Quyết định số 16/2012, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết các văn bản của Cục Tần số VTĐ xây dựng đã chuyển hướng sang cơ chế thị trường về quản lý tần số VTĐ góp phần quản lý hiệu quả tần số VTĐ, tài nguyên quý hiếm của quốc gia. Khối lượng văn bản được Cục Tần số VTĐ xây dựng trong năm qua là lớn nhưng tiến độ xây dựng và chất lượng văn bản tốt mà không phải đơn vị nào cũng thực hiện được.
Một trọng tâm công tác “nóng” năm qua của Cục Tần số VTĐ là xử lý thành công 55 vụ việc can nhiễu, trong đó có một số vụ điển hình: Xử lý can nhiễu có hại cho điều hành bay của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam do phát xạ giả của đài phát thanh, truyền thanh không dây không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật; Phát hiện và xử lý 03 đài phát thanh và đài truyền thanh không dây tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ; Xử lý nhiễu có hại cho Truyền hình số của AVG do bức xạ từ các mạng truyền hình cáp Hà Nội và TP. HCM; Xử lý nhiễu có hại cho các mạng di động do sử dụng các thiết bị trái phép tại Hà Nội; Xử lý nhiễu có hại cho mạng 3G Mobifone và phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý can nhiễu có hại hệ thống dẫn đường bay cho các máy bay quân sự, và Bộ Công An về xử lý nhiễu do thiết bị gây nhiễu mạng 2G, 3G…
Về xử lý can nhiễu, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan cho biết việc xử lý cũng nhờ có việc phải định vị đến tận nhà chỉ ra thiết bị gây can nhiễu. Việc này được Cục Tần số VTĐ xử lý nhanh và không đâu nhanh như ở Việt Nam và đòi hỏi khá tốn kém, nhiều công sức.
HM
Vietnam Post - Bức thư đang mở
Submitted by nlphuong on Thu, 20/12/2012 - 23:57(ICTPress) - Được thiết kế trên ý tưởng một lá thư đang mở là nói ngắn gọn về thương hiệu Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) được Tổng công ty Bưu điện chính thức ra mắt tối nay 20/12 tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo ngành Bưu điện, Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ và các cán bộ chủ chốt của Vietnam Post.
Việc ra mắt thương hiệu này được tổ chức ngay sau lễ bàn giao chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vietnam Post từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông sáng qua 19/12/2012.
Trên cơ sở nền tảng chiến lược và tầm nhìn thương hiệu, biểu trưng của Vietnam Post đã được xây dựng bao gồm phần biểu tượng hình ảnh và phần chữ Vietnam Post. Bức thư bên trái chính của biểu tượng là điểm khởi đầu, thể hiện nền móng cố định và vững chãi, là hình ảnh đại diện vừa mang tính truyền thống của lĩnh vực trên toàn cầu vừa có đặc thù cơ bản là di sản mang tính kề thừa qua nhiều năm tháng của ngành Bưu điện Việt Nam.
Hình ảnh lá thư đang mở kết hợp cùng tầm nhìn thương hiệu “Delivering more” thể hiện bằng 04 vạch ngang màu vàng được thiết kế hướng lên cao tại nên hình ảnh chữ “V” cách điệu vững chắc, tượng trưng cho phần viết tắt của Vietnam Post và chữ Việt Nam, đồng thời là hình ảnh ước lệ cho một cánh chim đang bay biểu trưng cho tính chất hoạt động đặc thù, sự năng động và không ngừng phát triển mở rộng của Bưu điện Việt Nam trong điều kiện mới.
Biểu trưng sử dụng 2 màu đặc trưng là vàng cam và xanh dương, màu vàng cam làm chủ đạo cho phần biểu tượng với hàm ý là sắc màu của sự ấm áp, thân thiện cũng như thể hiện sự tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết của đội ngũ nhân lực, là tinh thần năng động và một niềm tin phát triển bền vững chắp cánh cho thương hiệu Vietnam Post vươn tới những mục tiêu xa hơn trong chiến lược kinh doanh và phát triển tương lai.
Màu xanh dương trong phần biểu tượng chữ “Vietnam Post” thể hiện sự thanh bình với ý nghĩa biểu trưng cho tính kết nối, gắn bó với ý nghĩa: những sản phẩm dịch vụ của Vietnam Post luôn gắn kết mọi thông điệp, tình cảm và tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng, đối tác ở mọi điểm đến trên hành trình hoạt động của Vietnam Post đối với các giá trị cốt lõi cũng như các lĩnh vực hoạt động khác. Đây cũng chính là những màu sắc chủ đạo của hệ thống nhận diện thương hiệu của Vietnam Post.
Câu khẩu ngữ (slogan) “Gửi cả niềm tin” xuất phát từ tầm nhìn thương hiệu “Delivering more” là sự cam kết của Vietnam Post với đối tác cũng như cộng đồng đối với các sản phẩm dịch vụ của mình. Đến với Vietnam Post cộng đồng cũng như đối tác không chỉ gửi thông tin hay sản phẩm cụ thể mà có thể gửi gắm cả niềm tin. Vietnam Post không chỉ chuyển phát thông tin hay sản phẩm cụ thể mà còn gửi gắm nhiều hơn nữa và tạo lập nhiểu giá trị trên mỗi giao dịch liên kết. Vietnam Post quyết tâm mang đến cho cộng đồng cũng như đối tác những giá trị tốt hơn trong những sản phẩm, dịch vụ được cung cấp.
Kết hợp cùng với phần hình ảnh của biểu trưng, câu khẩu ngữ thể hiện là tôn chỉ, kim chỉ nam của Vietnam Post trong mọi hoạt động hướng đến cộng đồng và thể hiện trách nhiệm với xã hội là nhà cung ứng dịch vụ hạ tầng cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Vietnam Post mong muốn mang đến những giá trị thương hiệu thông qua những hình ảnh trẻ trung, hiện đại và tác phong năng động, “Dễ tiếp cận - An toàn - Truyền thống - Phát triển”. Vietnam Post cũng gửi gắm những yếu tố thể hiện tính cách thương hiệu Vietnam Post, “Nhân bản - Chuyên nghiệp - Thân thiện - Trách nhiệm” trong mỗi hoạt động phục vụ cộng đồng.
Phát biểu tại Lễ ra mắt thương hiệu, ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Vietnam Post cho biết: “Với định hướng chiến lược là doanh nghiệp dẫn đầu về cung ứng các dịch vụ bưu chính, tài chính bán lẻ, đồng thời đảm bảo phục vụ tốt nhất những lợi ích của cộng đồng, xã hội về các dịch vụ dịch vụ phổ cập thông qua một mạng lưới phục vụ rộng khắp cho phép cung ứng dịch vụ trực tiếp đến mọi nhà với sự gần gũi, thân thiện và tin cậy cao nhất”.
HM
Qualcomm thay “tướng” khu vực Đông Nam Á
Submitted by nlphuong on Thu, 20/12/2012 - 23:37(ICTPress) - Hôm nay ngày 20/12, Qualcomm Incorporated chính thức công bố việc bổ nhiệm ông Thiều Phương Nam vào vị trí Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, với chức danh Giám đốc Cấp cao phụ trách Phát triển Kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Ông Thiều Phương Nam - tân Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia |
Ông Nam đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ không dây. Trước khi gia nhập Qualcomm, ông Nam đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc khu vực của IBM trong 2 năm cuối cùng làm việc tại đây. Trước IBM, ông Nam đã có hơn 10 năm làm việc tại Intel với chức vụ cao nhất là Giám đốc Kinh doanh tại Việt Nam. Trong suốt thời gian làm việc tại Intel, ông đã góp phần đẩy mạnh thị trường Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Intel trên toàn cầu.
"Chúng tôi rất vui mừng với quyết định gia nhập vào đội ngũ Qualcomm của ông Nam” , ông John Stefanac, Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương phát biểu. "Việc bổ nhiệm ông Nam là hoàn toàn phù hợp với giai đoạn phát triển của thị trường viễn thông hiện nay”
Theo thống kê của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Việt Nam hiện đang là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á với hơn 16 triệu người sử dụng 3G. Hãng Qualcomm kỳ vọng những kinh nghiệm sâu rộng của ông Nam sẽ góp phần giúp Qualcomm thúc đẩy công nghệ 3G phát triển nhanh hơn nữa, tại các quốc gia Đông Nam Á, khu vực thị trường đầy tiềm năng và đang trên đà triển nhanh chóng.
Mạnh Vỹ