Trò chuyện về nghề viết qua tiểu thuyết “Dựa trên một câu chuyện có thật”

Trong buổi giới thiệu cuốn sách “Dựa trên một câu chuyện có thật” của nữ nhà văn Delphine de Vigan, trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu tại Việt Nam, nhà nghiên cứu, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn và nhà văn Hiền Trang đã chia sẻ những câu chuyện, quan điểm về công việc của người cầm bút. 

Hai diễn giả giao lưu cùng độc giả tại buổi ra mắt sách.

Sự kiện do Nhã Nam phối hợp cùng Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, nhân dịp Những ngày Văn học châu Âu tại Việt Nam.

Cuốn tiểu thuyết đã từng đoạt giải thưởng Renaudot năm 2015. Trong tiểu thuyết này, nữ nhà văn Delphine de Vigan đã hóa thân vào câu chuyện và tái hiện chính mình trong cuộc gặp gỡ kỳ lạ và bị chi phối với nhân vật L. Là một phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ, L. dần dần chiếm được thiện cảm của cô và bước chân vào cuộc sống của cô, thao túng, gây ảnh hưởng và thế luôn vị trí của nữ nhà văn.

Với tác giả Delphine de Vigan, việc viết nên cuốn sách còn thể hiện một cuộc chiến dai dẳng của bà chống lại nỗi sợ viết lách. Chia sẻ về điểm kỳ lạ này trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn Hiền Trang nhận xét: "Tác giả đã có những đoạn mô tả rất hay về việc mình đã chán viết như thế nào - một việc tưởng chừng không thể gặp ở các nhà văn".

Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn chia sẻ: “Tác giả đặt ra vấn đề sức mạnh và ý nghĩa quan trọng của công việc viết đối với nhà văn. Dù hư cấu hay là câu chuyện có thật, viết vẫn là việc quan trọng nhất đối với người cầm bút. Hiện nay những câu chuyện thực tế (thí dụ như các chương trình truyền hình thực tế) tràn ngập cuộc sống, thì công việc sáng tạo, hư cấu của các nhà văn dường như lép vế hơn”.

Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn nhận xét, khao khát viết là động lực rất lớn đối với tác giả, điều này dường như chính là trải nghiệm thành công của bà trong cuộc sống. Sự sợ hãi công việc viết có lẽ là một điều có thật đối với bà.

 

Nhà văn Hiền Trang cho biết, đối với mỗi nhà văn, câu hỏi lớn nhất vẫn luôn là “Tôi viết cho ai, tôi viết cái gì?’. Chị nhận xét, mặc dù nhiều nhà văn vẫn nói rằng, tôi thích thì viết, nhưng câu hỏi mỗi khi họ cầm bút đặt vào bản thảo vẫn là liệu mình viết cái này cho ai, người ta có thích không? Nếu chúng ta viết điều độc giả muốn, liệu có phải là sống cho người khác luôn không? Vậy viết là thể hiện một mặt bào đó của mình hay là cho độc giả đọc cái họ muốn?

Đồng tình với ý kiến này, nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn cũng cho biết, trong thực tế, chúng ta luôn luôn rơi vào mâu thuẫn muốn viết để thể hiện mình hay phải viết cho người khác đọc? Có những tác giả vì “chiều” độc giả mà đánh mất luôn bản sắc và sự sáng tạo của mình. Nhà văn Hiền Trang đưa ra thí dụ về nữ nhà văn J.K Rowling, sau khi bộ truyện “Harry Potter” thành công vang dội và đem lại cho bà cả danh tiếng lẫn tiền bạc, thì sau đó bà đã cho ra đời tiếp bộ “Fantastic Beast” để đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ. Mặc dù đó cũng là một bộ sách hay, nhưng người ta đã đánh giá sự sáng tạo của J.K Rowling đã giảm sút và không còn tự do bay bổng như trước nữa.

Một vấn đề mà hai diễn giả đề cập đến là phản ứng của độc giả đối với các sáng tạo của nhà văn. Nhà văn Hiền Trang cho biết, ở Việt Nam hiện nay, quan điểm tin vào những gì nhà văn viết ra là sự thật vẫn ăn sâu vào tư duy nhiều thế hệ bạn đọc. Đối với nhiều tác phẩm hư cấu, bạn đọc vẫn có xu hướng đi tìm một phần nào đó của hiện thực trong đó. Cũng có những nhà văn mà ranh giới giữa thực tế và sáng tác là rất nhỏ. Đây cũng là lý do khiến nhiều người đọc tin rằng các sáng tác của nhà văn có chứa sự thật và đi tìm sự thật đó. “Dựa trên một câu chuyện có thật” chính là một trong những tác phẩm mà ranh giới giữa sự thực và sáng tác rất mỏng manh, khi nữ tác giả đưa mình vào làm nhân vật chính.

Thế giới của viết lách là một thế giới phong phú và hấp dẫn đối với cả người đọc và người viết. Những câu chuyện về công việc thường ít được biết đến của các nhà văn được chia sẻ, hé lộ một phần qua “Dựa trên một câu chuyện có thật”, và qua chia sẻ của hai diễn giả. Thế giới ấy cũng là một thế giới truyền cảm hứng, khi nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn nói rằng: “Tôi thường hay nói với các bạn bè của mình rằng, viết là một hạnh phúc”. 

Nguồn: TUYẾT LOAN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/dong-chay/tro-chuyen-ve-nghe-viet-qua-tieu-thuyet-dua-tren-mot-cau-chuyen-co-that-696844/

Tin nổi bật