Tranh truyện của Jimmy Liao: Vẻ đẹp của nỗi cô đơn

(ICTPress) - Tác giả, họa sĩ người Đài Loan Jimmy Liao bắt đầu sáng tác từ năm 1998 và nhanh chóng nhận được sự công nhận của toàn thế giới. Các sáng tác truyện tranh của ông, tuy chỉ kể những câu chuyện cuộc sống vô cùng giản dị nhưng đã chạm tới được những tầng cảm xúc sâu thẳm nhất trong trái tim người đọc.

Bộ ba tác phẩm của Jimmy Liao được xuất bản tại Việt Nam gồm: Chàng rẽ trái, nàng rẽ phải (Turn left, turn right), Hòn đá xanh (The Blue Stone) và Âm thanh của sắc màu (The Sound of Colors) đã phác hoạ nên một thế giới đầy ắp âm thanh và sắc màu, vừa chân thực vừa kì ảo, và trên hết, truyền tới những độc giả từng cầm đọc cuốn sách trên tay một thứ cảm giác pha trộn giữa nỗi buồn và niềm vui, giữa những thất vọng chán chường và niềm hi vọng, để rồi buộc họ thốt lên: Ôi, nỗi cô đơn chưa bao giờ đẹp đến thế.

Bộ ba sách của họa sĩ Jimmy Liao đã ra mắt độc giả Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Lệ Chi

 Trong Chàng rẽ trái, nàng rẽ phải, chàng nhạc công và cô gái, tuy sống ngay gần nhau nhưng chẳng bao giờ nhận ra nhau bởi thói quen khi bước ra khỏi nhà luôn rẽ theo hai hướng đối ngược. Họ tình cờ gặp nhau trong công viên, cùng nhau chia sẻ một buổi chiều kì diệu ấm áp, rồi thất lạc nhau cả năm trời trước khi một lần nữa gặp lại… Con đường tình yêu của họ có gì đó vừa buồn cười, vừa đáng yêu, nhưng cũng đầy những nuối tiếc. Tại sao họ ở ngay cạnh nhau, hàng ngày nghe thấy âm thanh của nhau (cô gái nghe thấy tiếng đàn của anh nhạc công phòng bên cạnh), mong đợi nhau nhưng không bao giờ tìm ra nhau? Do sự trêu đùa của số phận khiến mảnh giấy ghi số điện thoại bị mưa ướt nhoè, hay do cả cô và anh, cũng như hàng nghìn hàng triệu cư dân trong thành phố mà họ đang sống, chưa sẵn sàng mở lòng để bước vào thế giới của nhau?

Trong câu chuyện tình của anh và cô, nỗi cô đơn giống như một thứ gia vị, một chất xúc tác khiến mọi điều về đối phương đều trở thành duy nhất, sâu đậm không mờ phai. Họ nhung nhớ nhau, ngay cả khi ở cạnh bên nhau, hay vô tình lướt qua nhau trên hè phố. Nỗi cô đơn tạo ra một không gian sầu muộn để họ tự do tưởng tượng, tự do buồn đau, tự do thương nhớ về người mình đã gặp trong buổi chiều định mệnh ấy. Sự chênh vênh hư ảo nửa có nửa không hoá ra lại là một thứ vẻ đẹp của tình yêu.

Câu chuyện thứ hai, Hòn đá xanh, lại là câu chuyện về nỗi cô đơn đã ám màu sắc của tuyệt vọng. Từ một hòn đá xanh nguyên vẹn đẹp đẽ giữa rừng, bỗng dưng một ngày kia hòn đá bị chia cắt, rồi tan vỡ, rồi lại chia cắt… Hòn đá chưa bao giờ thôi nhung nhớ về phần thân thể đã bị tách rời, và nỗi đau ấy đã huỷ hoại nó, biến nó từ một khối đã giữa rừng thành những hạt bụi vô tri. Trên hành trình ấy, hòn đá đã chứng kiến biết bao nỗi đau, biết bao nỗi cô đơn của những người đã từng đi qua nó – tuy không thể sẻ chia, nhưng đều được nó ghi nhận, đều thổi bùng lên nỗi nhớ nhung từ sâu thẳm trong tim, và cuối cùng, quay lại huỷ hoại nó.

Câu chuyện thứ ba, Âm thanh của sắc màu, là một cuộc hành trình đi về miền vô định trong sâu thẳm tâm hồn một cô gái mù. Trong thế giới mà ánh sáng đã vĩnh viễn không còn tồn tại, người đọc dễ lầm tưởng cô gái đã mất khả năng cảm nhận thế giới, nhưng không phải vậy. Cô gái dùng đôi tai để lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Âm thanh ấy chính là hình ảnh, là màu sắc của thế giới xung quanh cô, một thế giới đẹp đẽ bất khả xâm phạm, chỉ duy nhất cô mới có thể bước chân vào. Chính vì vậy mà thế giới ấy giống như một tinh cầu cô đơn, và cô là cô công chúa nhỏ ngày ngày dạo chơi trong vương quốc của mình.

Tuy ẩn giấu dưới nhiều lớp chất liệu khác nhau, nhưng nỗi cô đơn, và khát khao được sẻ chia, được thấu hiểu luôn là thông điệp chính mà bộ ba tác phẩm này hướng tới.Giữa một thành phố hàng vạn dân, giữa một cuộc sống nhộn nhịp và xô bồ, ở một góc nhỏ nào đó khẽ cất lên tiếng thở dài của một hòn đá xanh trong nỗi nhớ nhung nơi chốn cũ, ở một góc khác lại vang lên tiếng vĩ cầm của một anh nhạc công hoà lẫn với tiếng thở dài cô đơn của cô gái sống trong căn hộ sát tường… Từng mảnh, từng mảnh nhỏ trong cái thành phố ấy hiện lên trong chân dung từng sự vật, từng con người – những bức chân dung được hoạ nên từ vô vàn đường nét và màu sắc, nhưng đều thấm đẫm một thứ âm hưởng chung là nỗi buồn.

Một trang trong cuốn “Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải”

Giữa mê cung của cô đơn và khao khát được thấu hiểu, giữa những bức tranh được thực hiện một cách kì công ấy, người đọc cảm nhận được hi vọng. Anh và cô, vì thất vọng trước cuộc sống nhàm chán trong một thành phố vô cảm mà đã quyết định ra đi. Họ ra đi với hi vọng sẽ tìm được cảm hứng sống ở một thành phố khác. Hay như hòn đá xanh sau một hành trình dài nhiều đớn đau và đỗ vỡ, vẫn khôn nguôi hi vọng được một ngày kia quay trở về cánh rừng mà từ đấy nó bị lấy đi.

Hoặc như cô bé mù trong Âm thanh của sắc màu, tuy đôi mắt không nhìn thấy gì nữa, nhưng trong trái tim cô là một thế giới rực rỡ sắc màu. Cô đi hết ga tàu điện ngầm này sang ga tàu điện ngầm khác, không thôi tưởng tượng về thế giới diệu kì mà cô cảm nhận được qua đôi tai, để rồi luôn kết thúc mỗi chặng hành trình bằng câu hỏi, liệu có ai đó đang chờ cô. Cô đặt ra câu hỏi, tức là cô hi vọng ai đó sẽ mang đến cho cô câu trả lời. Một câu trả lời đủ sức xua tan đi màn đêm vật lý đang vây hãm lấy cô.

Cứ như vậy, người ta ươm mầm hi vọng từ trong những đớn đau, hi vọng vừa là một đích đến tưởng tượng, một liều thuốc chữa lành, vừa là sức mạnh để người ta không từ bỏ. Đó cũng chính là cách các nhân vật trong truyện của Jimmy Liao đã kiên trì sống những ngày tháng trong cuộc đời mình, dù đó có là những ngày nắng đẹp, hay những đêm mùa đông mưa phùn ẩm ướt.

Jimmy Liao từng lọt vào danh sách 55 nhân vật châu Á có sức sáng tạo nhất do tạp chí Studio Voice bình chọn

Chúng ta đôi lúc vẫn tạo ra cho mình những định kiến về thể loại như: truyện tranh hay tranh truyện chỉ để dành cho thiếu nhi, kể những câu chuyện nhẹ nhàng và luôn kết lại bằng một bài học đạo đức. Nhưng với Jimmy Liao, những ranh giới này hoàn toàn bị phá bỏ. Ông vẽ truyện tranh, hay tranh truyện mà trong đó nhân vật là những người trưởng thành cô đơn, ông kể lại những câu chuyện giản dị, đôi khi ngắn, đôi khi lại rất dài, đào sâu vào những rung cảm tinh tế nhất trong nội tâm nhân vật, để rồi khi kết lại, người đọc không cần phải rút ra một bài học đạo đức nghiêm trọng nào, họ chỉ cần nhớ họ có quyền sống, quyền yêu, quyền được sẻ chia và hạnh phúc.

Phan Hải Anh

Tin nổi bật