Trải nghiệm Thái Lan 2014: Biểu tình và Du lịch

Tham gia đoàn nhà báo đi thăm và làm việc tại Thái Lan những ngày đầu tháng 3 năm 2014, theo lời mời của Hội Nhà báo Thái Lan, tôi có dịp trải nghiệm và hiểu rõ hơn về đất nước và con người xứ Chùa Vàng, đất nước được mệnh danh là thiên đường du lịch của Đông  Nam Á.

Biểu tình ở Bangkok

Đến Thái Lan ngay sau khi phe biểu tình tuyên bố kết thúc chiến dịch “Bao vây Bangkok”,  biểu tình tạm lắng xuống. Chúng tôi băng qua những con phố có rào chắn  còn ngổn ngang những chiếc xe ô tô bị đập phá. Đó chính là những dấu tích còn sót lại của cuộc biểu tình lớn nhất của Thái Lan cả về quy mô, thời gian cũng như số lượng người tham gia, nhằm lật đổ Chính phủ của bà Yingluck. Không còn bóng dáng người biểu tình trên đường phố, tất cả các điểm biểu tình tập trung về Công viên Lumpini. Quảng trường Dân chủ, nơi cách đây chưa lâu còn tụ tập hàng ngàn người biểu tình, thì nay đã trở lại nhịp sống sôi động hàng ngày. Thi thoảng một số du khách dừng chân chụp ảnh lưu niệm. Máu nghề nghiệp, chúng  tôi  ngỏ ý nhờ phía bạn bố trí một chuyến đi thực tế tại địa điểm biểu tình và được chấp thuận.

Công viên Lumpini, nơi tập trung những người biểu tình chống Chính phủ.Ngay sau hôm xảy ra vụ nổ súng làm bị thương hai người, đoàn Biểu tình tại công viên Lumpini

Chúng tôi đi tàu điện ngầm đến  công viên Lumpini với sự giúp đỡ của hai đồng nghiệp Thái Lan, phóng viên  báo Bangkok Post. Ngay khi ra khỏi ga tàu điện ngầm, đập vào mắt chúng tôi là một khoảng không gian được quây rào với rất nhiều ki - ốt bán hàng. Hoà lẫn vào dòng người đi qua chốt kiểm tra an ninh,  chúng tôi như những du khách thoải mái đi lại và chụp ảnh trong khuôn viên nơi cuộc biểu tình đang diễn ra. Đan xen các quầy ki - ốt bán các vật dụng lưu niệm là các quầy đồ ăn miễn phí. Đa số là đồ ăn truyền thống từ miền Nam Thái Lan, quê hương của phần lớn người biểu tình. Lẫn vào những người biểu tình mang các biểu tượng chống  Chính phủ có cả những gia đình du khách nước ngoài. Mọi người đều vui vẻ thưởng thức các món ăn miễn phí và trò chuyện hoặc ngắm  các món đồ lưu niệm bày bán trong khuôn viên biểu tình.

Tại trung tâm  khuôn viên, một khán trường được dựng lên. Đây chính là nơi mà các diễn giả hằng ngày diễn thuyết chống chính phủ trước đám đông. Các cuộc diễn thuyết  được một số kênh truyền hình trực tiếp lên các màn hình khổ lớn đặt xung quanh khuôn viên để mọi người có thể theo dõi. Không  đeo băng xanh trên tay như quy ước của giới báo chí Thái Lan, chúng tôi như những du khách thản nhiên tác nghiệp với nụ cười luôn nở trên môi. Mọi việc dường như diễn ra trong hoà bình và trật tự. Các đồng nghiệp Thái Lan cho biết, bản thân người dân Thái Lan cũng không biết được cuộc biểu tình lần này sẽ chấm dứt khi nào. Không ít người đi biểu tình bắt đầu ngán ngẩm với biểu tình. Chúng tôi rời khỏi khu vực biểu tình để tránh sự nguy hiểm tiềm ẩn mỗi khi trời tối. Ra khỏi khuôn viên biểu tình, chúng tôi quay trở về với nhịp sống hối hả của Bangkok, với nạn kẹt xe và các con phố mua sắm nhộn nhịp.

Truyền hình trực tiếp bài diễn thuyết của ông Suthep tại khu vực biểu tình.

Du lịch đảo Krabi

Krabi là một tỉnh ở miền Nam của Thái Lan, có nhiều đảo đẹp nổi tiếng, là một địa danh du lịch  nhưng lại có ưu thế nông nghiệp với sản phẩm  cao su và dầu cọ. Trái ngược với nhịp sống hối hả, sự ồn ào ở Bangkok, khi tới Krabi  chúng tôi cảm nhận được ngay sự yên bình và lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Dọc hai bên đường từ sân bay vào thành phố là những ngôi nhà thấp tầng nhỏ nhắn xen lẫn với màu xanh của cây cối, tạo cho chúng tôi cảm giác gần gũi như ở những miền quê Việt Nam. Krabi có 60% dân số theo đạo Phật và 40% còn lại theo đạo Hồi. Dừng chân giữa đường để thưởng thức những món ăn  độc đáo của địa phương có vị khá cay và gần giống với đồ ăn Malaysia,  chúng tôi nhận được sự chào mừng nồng nhiệt từ những cô gái Hồi giáo trùm khăn đen.

Ông Prasit Osathanon, tỉnh trưởng Krabi  tiếp đón đoàn thân mật, giới thiệu với các nhà báo Việt Nam thế mạnh du lịch của Krabi. Krabi  phát triển du lịch trong những năm gần đây, doanh thu là số lượng du khách quốc tế đến Krabi xếp thứ 5 Thái Lan, sau Bangkok, Pattaya, Phuket, Chiangmai. Thế đứng 3 chân của Krabi là : Du lịch,  xuất khẩu cao su và dầu cọ,  gắn liền với việc bảo vệ môi trường  sinh thái.  Chính quyền Krabi hạn chế việc đánh bắt hải sản, nhằm bảo vệ môi trường . Thông thường, một năm ngư dân địa phương chỉ được phép đánh bắt hải sản trong vòng 3 tháng. Krabi có cảng nước nông và có những rặng san hô đẹp được chú trọng bảo tồn. Ngoài việc thu hút khách du lịch tới qua đường bộ và đường hàng không, hiện nay Krabi có 2 chuyến tàu biển mỗi tuần chở hàng nghìn khách du lịch tham quan đảo. Đường bay thẳng từ Singapore, Malaysia đến Krabi giúp cho du khách 2 quốc gia Đông Nam Á này  đến với Krabi ngày càng đông.

Krabi có nhiều hòn đảo đẹp nằm trong khuôn viên của công viên Quốc gia Ko Phi Phi.

Chúng tôi gặp và phỏng vấn ông Chuan Phukaoluan, một doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Krabi, người đã có nhiều cống hiến trong việc phát triển du lịch, kinh tế, giáo dục của tỉnh. Theo ông Chuan, Krabi chú trọng tập trung đào tạo thế hệ trẻ để chuẩn bị  cho việc phát triển bền vững sau này. Ngoài việc đóng góp nhiều công sức và tiền của trong việc gây dựng các quỹ học bổng dành cho trẻ em Krabi, ông Chuan còn huy động nguồn vốn đầu tư  phát triển du lịch, nông nghiệp và năng lượng địa phương gắn liền với bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái. Krabi hiện nay đứng số 1 Thái Lan về sản phẩm cao su, dầu cọ, Duy trì và phát triển những thế mạnh vốn có, Krabi tập trung đầu tư vào năng lượng sạch.  Krabi chủ trương mở rộng nhà máy năng lượng vận hành từ dầu tinh chế được sản xuất từ dầu cọ, bổ sung  nguồn năng lượng  cho sự phát triển của Krabi sau này.

Thăm các đảo nổi tiếng, chúng tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp của thiên nhiên Krabi và lòng hiếu khách của con người nơi đây. Đặt chân lên hòn đảo có bãi biển đẹp mang tên Phranang (Công chúa), chúng tôi bất ngờ khi bắt gặp một tập tục thờ cúng địa phương rất đặc biệt, gần giống với văn hoá phồn thực. Tương truyền, vị nữ thần Phranang mang lại sự bình an và may mắn cho những ngư dân địa phương. Để tỏ lòng biết ơn sau mỗi chuyến đi biển thành công, ngư dân sẽ hiến tế nữ thần bằng hương và những vòng hoa tươi, những “Lingams” (Linga trong văn hoá phồn thực). Ngư dân địa phương mong những món đồ hiến tế đặc biệt này sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng và sự duy trì nòi giống cho loài người.

Ngành du lịch Krabi tạo ra “Công viên Cua” - những con cua bằng đồng độc đáo, du khách có thể đến đây chụp ảnh kỷ niệm.

Khác với sự sôi động của Phuket hay Pattaya, du khách đến Krabi để tận hưởng  cảm giác yên bình và thư giãn, là nơi lý tưởng để du khách nghỉ ngơi, tránh xa sự hối hả của nhịp sống đô thị. Đồ ăn ở Krabi cũng rất phong phú và đa dạng. Du khách có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của miền Nam Thái Lan, đồ ăn phương Tây hoặc trải nghiệm các món ăn Malaysia. Khu Ao Nang là nơi nhộn nhịp nhất của Krabi về đêm. Dọc hai bên đường là các quán café, quán bar có chơi nhạc. Du khách cũng có thể dễ dàng tìm thấy các món đồ lưu niệm tinh xảo được bày bán trên đường phố cùng với những sản phẩm địa phương.

Rời Krabi trở về Bangkok, chúng tôi mang theo những kỷ niệm đẹp về đất nước và  và con người Thái Lan thân thiện và hiếu khách.

                                   Minh Nguyên

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật