Sống, ăn và đi lại thông minh trong 7 ngày

(ICTPress) - 7 ngày có thể tạo nên một sự thay đổi về lối sống, ăn và đi lại của mỗi con người để bảo vệ môi trường hay bảo vệ mỗi chúng ta.

Ngày 10/4/2018, tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển, Liên hợp quốc và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) phát động chiến dịch #7 ngày Thách thức tại Tòa nhà Xanh chung Liên hợp Quốc.

Chiến dịch 7 Ngày thách thức nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục Tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG) của Liên hợp quốc và hưởng ứng Ngày Trái đất 22/4/2018 với chủ đề “Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa”. 

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg công bố Chiến dịch

Chiến dịch kêu gọi mọi người sống, ăn và đi lại thông minh trong 7 ngày. Thách thức bắt đầu từ 10/4 hoặc 17/4, 24/4 và được thực hiện trong 1 tuần nhằm khuyến khích mọi người chọn lối sống thông minh.

Phát biểu tại Lễ công bố, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg nhấn mạnh: “Mục đích của thách thức này là nhằm nâng cao nhận thức về lựa chọn sống và tác động của những lựa chọn này đối với môi trường. Lối sống thông minh và bền vững bắt đầu từ chính bạn và tôi! Đơn giản như không dùng sản phẩm nhựa nếu chúng ta có thể dùng các sản phẩm khác. Hãy chung tay xây dựng các giải pháp và tạo nên sự thay đổi, lựa chọn một sự thay đổi thiết thực đối với cuộc sống hàng ngày của bạn ngay hôm nay”.

Đại sứ Pereric Hogberg cũng cho biết báo chí đóng một vai trò tích cực cho chiến dịch. Tại Thụy Điển, môi trường được đề cập và thảo luận nhiều trên truyền thông, theo đó, người dân có thể nắm bắt thông tin để hành động cũng như đóng góp ý kiến để lựa chọn cách sống Xanh.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững không những đòi hỏi cam kết cấp cao của các chính phủ mà cần có nỗ lực mạnh mẽ của tập thể gắn với hành động của 7 tỷ người trên hành tinh này. “Mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi nỗ lực rất lớn nhưng nếu chúng ta có thể ăn, đi lại và sống một cách bền vững, chúng ta có thể tạo sự thay đổi, góp phần thực hiện các Mục tiêu”, Điều phối viên Malhotra nhấn mạnh.

Ông Malhotra dưa ra một số ví dụ mỗi cá nhân có thể thực hiện tham gia chiến dịch như chúng ta có thể đi chung xe, sử dụng các phương tiện đi lại công cộng khi di chuyển, họp trực tuyến thay vì đi máy bay...

Ca sĩ Mỹ Linh - Đại sứ của Chiến dịch chia sẻ về sống, ăn và đi lại thông minh

Ca sĩ Mỹ Linh, Đại sứ của Chiến dịch chia sẻ cách đây 10 năm chị sáng chiều phải “vật lộn”, “hít” bao nhiêu khói bụi xe máy, trên đường để đưa đón con đi học. Về nhà đã quá mệt rồi chuẩn bị cơm nước xong thì “ngất” vì mệt ngày này qua ngày khác. Rồi một ngày chị nhận thấy quan trọng nhất là thời gian và tiêu tốn thời gian sao cho hiệu quả. Gia đình chị đã quyết định dọn ra ngoại thành sống, sắp xếp thời gian, thay đổi thói quen để thực hiện sống Xanh. Giờ đây, gia đình chị tự trồng rau ăn, ủ phân xanh, cải tạo đất, sử dụng điện bằng năng lượng mặt trời.

“Bản thân mỗi chúng ta hãy thay đổi thói quen, suy nghĩ, hành động thì sẽ nhận được kết quả không ngờ, hạnh phúc sẽ đến và chúng ta sống những ngày hạnh phúc trên trái đất”, ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ.

Theo báo cáo “Ngăn chặn Xu hướng: chiến lược vì một đại dương không có chất thải nhựa vào lục địa” do Ocean Conservancy và Trung tâm Kinh doanh và Môi trường McKinsey, số lượng rác thải nhựa không qua xử lý đổ vào đại dương ở mức khủng hoảng. Với xu hướng như hiện nay, tổng lượng rác thải nhựa vào đại dương sẽ tăng gần gấp đôi lên đến 250 triệu tấn hệ mét vào năm 2025 - nếu không tiến hành các bước cần thiết quản lý rác thải, tỷ lệ rác thải nhựa vào đại dương sẽ là một tấn rác thải nhựa trên ba tấn cá vào năm 2025.

Đáng báo động là theo Báo cáo, hơn nửa số rác thải nhựa vào đại dương đến từ 5 nước, trong đó có Trung Quốc, Phillipine, Thái Lan và Việt Nam. Nếu năm nước này giảm lượng rác thải nhựa 65% thì lược rác thải nhựa trên toàn cầu sẽ giảm 45%. Điều này có thể thực hiện bằng các biện pháp như đóng các điểm xả thải trong hệ thống thu gom, tăng tỷ lệ rác thải thu gom, sử dụng công nghệ xử lý rác thải và phân lại rác thải nhựa bằng phương pháp thủ công.

Những sản phẩm may mặc được nhuộm màu từ cây cỏ tự nhiên

Chiến dịch mong muốn những người đồng hành cùng chiến dịch chia sẻ những hình ảnh, thông điệp của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Zalo… để lan tỏa hoạt động ý nghĩa này trong cộng đồng và kết nối với SDG. Hashtag chính thức của chiến dịch là #7_Ngày_Thách_Thhức hoặc #7DayChallengeVN.

Là Sáng kiến của Thụy Điển, 7 Ngày Thách thức đã được thực hiện thành công ở Kenya, Brazil, Ấn Độ, Indonesia và nhhiều nước sẽ tham gia thực hiện.

 Minh Anh

Tin nổi bật