Singapore Xanh như thế nào?

(ICTPress) - Nhiều bạn đã từng đến với Singpore hay chưa từng thì cũng qua sách vở, truyền thông biết đến một đất nước Singapore nhỏ bé nhưng Xanh, Sạch.

Bạn đọc sẽ hiểu thêm về chiến lược Xanh, Sạch của Singpore qua cuốn sách Hồi ký Lý Quang Diệu. Cuốn sách có hẳn một chương “Singpore Xanh” với các giải pháp để thực hiện chiến lược.

Bắc buộc phải có môi trường Xanh, Sạch

Tại sao Xanh, Sạch là một chiến lược quốc gia của Singpore? Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong chương sách “Singapore xanh” đã đề cập: “Sau độc lập, tôi đã tìm kiếm một vài cách để chỉ ra sự khác biệt giữa chúng tôi với các nước thuộc Thế giới Thứ ba khác. Tôi đành chấp nhận chọn một Singapore xanh và sạch. Mục đích của chiến lược này là làm Singapore trở thành một ốc đảo trong Đông Nam Á, vì nếu chúng tôi, có những tiêu chuẩn của Thế giới Thứ nhất thì các thương gia và các khách du lịch sẽ chọn chúng tôi làm cơ sở cho việc kinh doanh của họ cũng như là một vùng du lịch”.

Cố Thủ tướng cũng chia sẻ: “Diện tích của Singapore bắt buộc chúng tôi phải làm việc, chơi, và sinh sống trong cùng một nơi chật hẹp, điều này bắt buộc chúng tôi nhất thiết phải bảo quản một môi trường sạch và dung hòa giữa những người giàu và người nghèo như nhau”.

Thực hiện nhiều giải pháp

Để thực hiện được chiến lược “Xanh - Sạch”, Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và chính phủ của mình đã thực hiện nhiều giải pháp. Đầu tiên Singapore được biến đổi thành một thành phố vườn nhiệt đới. Các quan chức cấp cao trong chính phủ, các ban lập pháp được kêu gọi tham gia vào phong trào “sạch và xanh”. Hàng triệu cây cối, cọ, và các cây bụi đã được trồng. Màu xanh đã làm tăng thêm tinh thần của mọi người dân và họ tự hào với các khu vực lân cận. Chính phủ cũng dạy người dân cách chăm sóc mà không phá hoại cây cối. Trẻ em trong trường được dạy trồng, chăm sóc cây, và trồng vườn. Trẻ em cũng sẽ mang thông báo về nhà cho cha mẹ.

Cố Thủ tướng cũng tìm cách giải quyết vấn đề về ồ nhiễm tiếng ồn mà trước đây Singapore phải chịu đựng từ những phương tiện giao thông, máy đóng cọc trong những khu xây dựng, các loa phóng thanh từ những khu giải trí ngoài trời, và vô tuyến truyền hình cũng như các máy phát thanh. Chậm rãi và có phương pháp, Singapore hạ tỉ lệ đêxiben (đơn vị đo cường độ âm thanh - tiếng ồn) xuống bằng cách bắt thi hành các luật mới.

Singapore hủy bỏ việc nuôi hơn 900.000 con heo trong 8.000 nông trại bởi vì heo làm ô nhiễm các con suối, đóng cửa rất nhiều các ao nuôi cá, chỉ để lại 14 ao cá trong các công viên nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp và một vài ao cá dành cho việc câu cá giải trí. Bây giờ, cá được nuôi ở ngoài khơi trong các lồng lưới nông ở eo biển Johor cũng như trong các lồng lưới sâu dưới biển gần các hòn đảo ở phía Nam. 

Singapore cũng thiết lập một tổ chức tái định cư để giải quyết các tranh cãi và mặc cả liên quan đến mỗi đợt tái định cư, cả những người bán hàng rong, nông dân, hoặc những người làm nghề thủ công.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cho mời các chuyên gia về cây trồng người Úc và một chuyên gia nghiên cứu đất miền New Zealand đã đến để nghiên cứu tình trạng đất đai ở Singapore. Đặc biệt, Singpore có những con người làm nên Singapore Xanh, Sạch như Wong Yew Kwan, người Malaysia, tốt nghiệp lâm nghiệp; Chua Sian Eng, một nhà nông học; Lee Ek Tien,  một kỹ sư dân sự, sau này là người đứng đầu tổ chức chống ô nhiễm, chịu trách nhiệm kế hoạch đắp đập tất cả các con sông, suối...

Hãy học hỏi Singapore

Nhà Ngoại giao Nguyễn Trung, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Cộng hòa Liên Bang Đức mới đây đã trao đổi với bạn đọc tại Hội sách lần thứ 4 nhân dịp cuốn sách ra mắt đã chia sẻ Singapore Xanh - Sạch theo nhiều nghĩa, Xanh – Sạch về môi trường và trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Ông cũng mong muốn Việt Nam hãy học hỏi Singapore, đó là làm thật tốt việc quy hoạch tự nhiên. Hãy bảo vệ môi trường trước tiên!.

Ông Vũ Trọng Đại, Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam, đơn vị phát hành bộ sách cho biết: “Quy hoạch đô thị là một phạm trù rất rộng. Nó không chỉ là xây bao nhiêu căn nhà, ở diện tích bao nhiêu, chỗ nào trồng cây, chỗ nào nên xây đường sá… Quy hoạch đô thị còn là tầm nhìn về những thay đổi kinh tế sau 10 năm, 30 năm: có kế hoạch thích nghi khi số dân tăng lên, giải quyết nhu cầu giao thông, nhu cầu nhà ở và sức ép bảo vệ môi trường ở giai đoạn đó. Đây thực sự là một thách thức với các quốc gia trong đó có Việt Nam”.

Minh Anh

Tin nổi bật