"Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà": Quan điểm đã 'lỗi thời' theo góc nhìn của BLV Anh Ngọc

Mới đây, BLV thể thao Anh Ngọc đã có một bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân sâu sắc về quan điểm "phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà".

Nhà báo, BLV Anh Ngọc mở đầu đoạn tâm sự với một câu hỏi khá thú vị, tại sao phụ nữ lại phải đảm nhiệm quá nhiều vai trò "giỏi việc nước, đảm việc nhà", rồi cả "chủ động tránh thai".

(ảnh: Facebook Truong Anh Ngoc)

"Một cái poster thôi cũng đủ để thấy xã hội này giỏi hô khẩu hiệu vô cùng, mà hô xong thì thấy tức mình, như những dòng chữ này.

Khẩu hiệu tôn vinh phụ nữ, vừa bắt họ giỏi việc nước, lại đảm việc nhà, không quên bắt họ "chủ động tránh thai" để "tròn vai thiên chức". Ai làm cái poster này cho mình hỏi cái, tại sao phụ nữ phải "chủ động tránh thai", thế còn người đàn ông của họ đâu, là cục vàng, là ông trời hay sao mà cũng không chủ động làm việc đó? Tại sao không hề có một cái poster tương tự hô hào các ông cũng phải có ý thức làm việc đó, trong khi nhiều ông và cha mẹ các ông, họ hàng các ông coi phụ nữ không khác cái máy đẻ và phải đẻ cho kì được con trai? Tại sao cái quái gì cũng đổ lên đầu phụ nữ?"

Có lẽ vế đầu tiên không cần bàn cãi quá nhiều, khi mà khẩu hiệu này đã được sử dụng làm khuôn mẫu "răn dạy" những người phụ nữ từ thuở "bơ vơ mới về". Phải nói, trong thời kì toàn dân kháng chiến, đây là một trong những lời khen vinh dự nhất mà người phụ nữ được nhận. Gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con, chăm sóc gia đình chồng thay người chiến sĩ vắng mặt, lại vẫn đảm đương công việc đồng áng để có thể tiếp lương thực cho tiền tuyến - đây chính là vẻ đẹp của đức hy sinh, của vẻ đẹp "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” được đề cao trong quá khứ.

Vậy ở thời đại tân tiến này, có khi nào các cô, các chị, các mẹ tự hỏi: "Tại sao tôi lại phải giỏi việc nước đảm việc nhà? Trong lúc tôi giỏi việc nước, đảm việc nhà - thì ông chồng "quý hóa" của tôi ở đâu?" Say khướt bên bàn nhậu hay gác chân lên sofa xem bóng đá? Một lời khen vinh dự, đã trở thành một cái cương, để kìm hãm sự phát triển của những người phụ nữ có ý chí cầu tiến trong sự nghiệp, có tư tưởng tự do và bình đẳng. Bởi họ còn phải cân bằng việc nước việc nhà, còn chồng họ, như nhà báo Ánh Ngọc gọi là "những em chã", những lãn ông bàng quan với cái sự đời trong ngay chính gia đình nhỏ của mình. 

Vậy tại sao, đã muốn phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà", lại còn muốn họ chủ động tránh thai? Mang thai là thiên chức của phụ nữ, nhưng chưa từng có một nhà khoa học hay bác sĩ chuyên khoa sản nào dám tuyên bố tránh thai cũng vậy. Và có lẽ cũng chỉ có ở Việt Nam, cái tư tưởng "phụ nữ là cái máy đẻ" mới được ủng hộ nhiều đến vậy bởi những người đàn ông, thậm chí là cả những người phụ nữ đã làm mẹ chồng.  

Ảnh minh họa

"Nhớ có lần lái xe, nghe được phần tư vấn của bác sĩ đối với sức khoẻ của nam giới. Bác sĩ bảo, người vợ có TRÁCH NHIỆM đối với sức khoẻ sinh lý của chồng, phát hiện ra các bệnh và khuyên bảo chồng có lối sống lành mạnh. Vâng, đồng ý là các bà vợ có vai trò trong cuộc sống gia đình, thế các ông thì là em chã à, không làm bất cứ điều gì hay thể hiện trách nhiệm gì để tự thay đổi mình mà cứ sa đà rượu bia nhậu nhẹt, đến khi có vấn đề gì về sức khoẻ thì các bà lại phải "gánh team"? Thật vô lí."

Quan điểm của BLV có lẽ sẽ khiến các chị em giật mình ngẫm lại. Trong khi rất nhiều (không phải tất cả) đàn ông vẫn đang tự hủy hoại sức khỏe sinh lí của mình với rượu bia, thậm chí "bóc bánh trả tiền" rồi lây bệnh tình dục cho cả vợ, thì những người vợ vẫn được kì vọng phải chăm lo, "phát hiện và khuyên bảo" chồng có lối sống lành mạnh. Và thế là cuộc sống hôn nhân bắt đầu giống như một cuộc tra tấn vô thời hạn: người phụ nữ càng cố gắng bồi đắp gia đình bé nhỏ của mình, thì người đàn ông càng dễ dàng phá hủy nó bởi anh ta coi nhẹ cố gắng của vợ mình, cho rằng đó là nghĩa vụ của vợ và quyền hạn của bản thân.

Có lẽ các anh cần phải tỉnh ra thôi, cái thời cưới về là mua đứt đã qua rồi. Chị em phụ nữ sẽ không còn chịu đựng nếu bị chỉ trích "không biết đẻ con trai", hay "cây độc không trái, gái độc không con" nữa. Họ đã được thời đại khoa học cấp tiến này cung cấp cho những bằng chứng xác đáng cũng như được bảo hộ đầy đủ quyền lợi để phản bác bất cứ giọng điệu vô căn cứ, cậy phái mạnh nào. 

"Lại nhớ có thời, người ta nêu khẩu hiệu, "nhân dân và phụ nữ Thủ đô không đổ rác ra đường "(mình nhớ đại loại thế). Khẩu hiệu ngu ngốc ấy đủ để gây cười, khi đặt phụ nữ ra thành một thể loại riêng chuyên đổ rác bậy. Đúng là các bà hay đi đổ rác sau giờ ăn cơm thật, nhưng tỉ lệ các ông đổ rác bậy ở khu mình chẳng kém gì các bà. Tại sao cứ phải phân biệt phụ nữ như vậy, đối xử với họ như vậy, nhưng khi cần đến phụ nữ như một cách sở hữu họ, thì người ta lại hô hào các khẩu hiệu, người ta lại tôn vinh phụ nữ, đưa họ lên mây, tròng vào cổ họ đủ mọi thứ liên quan đến cái gọi là "thiên chức"? Chắc họ phải là siêu nhân mới làm được tất cả những việc này, còn đàn ông vẫn ngồi mâm trên và rung đùi sung sướng."

Khi mà người ta vẫn ca ngợi và tôn vinh sự hy sinh của phụ nữ bằng các khẩu hiệu, coi đó như là một đức tính cần phải có, thì có nghĩa là người ta mặc nhiên chấp nhận vị thế yếu hơn và sự thiệt thòi của họ. Điều đó cũng có nghĩa là số đông sẽ không hề vứt bỏ các định kiến lâu nay vẫn áp đặt lên người phụ nữ và cũng không làm gì để thay đổi điều này. Khi người ta còn sợ phụ nữ thông minh, có học và tìm mọi cách để dồn các cô gái mới ra đời vào cuộc sống hôn nhân kiểu Á Đông, sẽ chẳng có gì thay đổi."

Dĩ nhiên cái thời mà BLV nghĩ tới đã qua lâu rồi, bởi hiện tại các nhóm vì sự bình đẳng giới, các cơ quan báo chí sẽ không cho phép một sự kì thị giới hiển nhiên và rõ ràng như vậy xảy ra trước mắt. Nhưng cho tới thời điểm này, cái gì vẫn đang trói buộc người phụ nữ vào "cuộc hôn nhân Á Đông", vào trách nhiệm và "thiên chức"? Có lẽ người đàn ông của bạn chính là câu trả lời xác đáng nhất. Khi một người đàn ông có thể xác định tư tưởng bình đẳng với vợ mình, không ngại vào bếp cùng vợ nấu những bữa ăn, không ngại giúp vợ những công việc nhà "vớ vẩn" (như các ông thường nghĩ), hay khi nhận ra trách nhiệm san sẻ mọi nỗi lo với vợ; đó cũng là khi xã hội này ngừng coi việc đẻ con trai, hay tránh thai là "thiên chức" của người phụ nữ. 

"Các bà, các cô, các em thân mến, hãy hy sinh ít thôi, hãy sống cho bản thân mình nhiều hơn. Hãy mạnh mẽ, cứng rắn hơn và gia tăng khả năng tự do trong lựa chọn cuộc sống của mình, để làm chủ nó và hãy tìm đường ra thế giới, chứ đừng trao nó cho những người không xứng đáng..."

Kết lại những suy nghĩ của mình, BLV Trương Anh Ngọc có thể đã làm vô số đàn ông tức tối bởi lời khuyên nghe như một lời can gián người phụ nữ kết hôn và chăm sóc cho đàn ông; thậm chí là một lời kích động các chị các mẹ bỏ chồng. Cũng không phải tới bây giờ, người ta mới kêu gọi phụ nữ dám sống vì chính bản thân mình. Nhưng có lẽ khẩu hiệu này sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu, bởi người đàn ông quan trọng nhất đời các cô không muốn giúp các cô "sống vì chính mình". 

Nhân một ngày 20/10 đẹp trời, có lẽ các chị các mẹ nên bắt đầu quyết tâm "cải tổ" gia đình và đặc biệt là "cải cách" những người đàn ông.

BLV, nhà báo Anh Ngọc (tên đầy đủ là Trương Anh Ngọc, sinh ngày 19 tháng 1 năm 1976 tại Hà Nội, nguyên quán Hà Nam) là phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao, bình luận viên bóng đá, nhà văn. Anh Ngọc được biết nhiều khi là một trong những phóng viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt về bóng đá, nhất là bóng đá Ý. Ngoài ra, anh cũng nổi tiếng là một trong những bình luận viên được yêu thích qua nhiều giải đấu và là phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện thể thao lớn trong và ngoài nước. Kể từ năm 2010, anh là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất tới nay được tạp chí danh tiếng France Football mời tham gia bình chọn cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA.

Song song với công việc phóng viên, Anh Ngọc cũng đã cho ra mắt những cuốn ký sự viết về hành trình khám phá và tác nghiệp của mình. Ngoài những thành công gắn liền với chuyên môn của mình, Trương Anh Ngọc còn là một nhà phê bình sâu sắc và có tầm nhìn với rất nhiều bình luận về các vấn đề xã hội, bình đẳng nổi cộm. 

Theo Siz/ MASK online/depplus.vn

Tin nổi bật