Phong vị tết Hà Nội xưa trong văn Vũ Bằng và Thạch Lam

Nhiều nét thanh lịch của Hà Nội hào hoa xưa có lẽ giờ đã là “vang bóng một thời”, nhưng văn chương thực như một món quà, đã lưu giữ lại được những điều đã dần tàn phai ấy.

Những ngày giáp tết, đọc văn chương Vũ Bằng, Thạch Lam, thật dễ để tìm thấy những hồn xưa dấu cũ, phong tình của tết Hà Nội một thuở.

Vũ Bằng: Viết về Tết lay động lòng người

Vũ Bằng “yêu tháng chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đã thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”.

Phải chăng vì thế, trong văn ông, Tết không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa, của tiết trời tuần hoàn theo lẽ tự nhiên của vũ trụ mà còn là một ký ức văn hóa luôn gắn với tâm thức con người mà ở đó văn hóa phong tục, tập quán ngày Tết là một trong những nét văn hóa để lại dấu ấn sâu đậm nhất.

Thương nhớ mười hai – tập tạp bút nổi tiếng của Vũ Bằng.

Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên tại sao trong sáng tác của Vũ Bằng lại có nhiều tác phẩm viết về Tết lay động lòng người đến thế. Có thể kể đến Mơ về những cái tết xa với những anh em văn nghệ tiền chiến, Chén trà đầu xuânNgoảnh lại trông xuânTranh gà tranh lợn với ngày tết Việt Nam… Cũng như mọi người dân nước Việt, những phong tục, tập quán ấy không chỉ ăn sâu vào tâm thức Vũ Bằng mà đã trở thành nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh, được thể hiện sinh động qua những trang viết của ông.

Không những thế, trong tác phẩm tùy bút nổi tiếng Thương nhớ mười hai, ngoài tháng mười hai được đặt tên Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết, Vũ Bằng còn dành riêng chương cuối Tết, hỡi cô mặc áo yếm xanh để hoài niệm và ca ngợi những giá trị văn hóa phong tục truyền thống rất đặc sắc trong ngày Tết của dân tộc, làm thổn thức lòng người.

Có thể nói, qua những sáng tác của mình, Vũ Bằng đã khắc họa thật sinh động chân dung văn hóa tinh thần ngày Tết của dân tộc, vừa truyền thống lại vừa hiện đại, vừa tự sự lại vừa trữ tình, vừa hiện thực lại vừa lãng mạn…

Và trong đó, những nét văn hóa phong tục ngày Tết là một phần không thể thiếu của chân dung văn hóa tinh thần ấy.

Thạch Lam: Tết thanh đạm và thân thương

Ai cũng biết đến Thạch Lam với những truyện ngắn giàu tính nhân văn, nhưng ông còn là một người nghệ sĩ thanh lịch và lãng tử của đất Hà thành.

Qua những truyện ngắn như Cô hàng xén, ta biết rằng Thạch Lam rất hay nói tới sự nhẫn nại, sự hy sinh. Thì ngay khi đi trên đường phố nhộn nhịp, ông cũng không quên điều đó.

“Các thiếu nữ trong ngày sắm Tết có rất nhiều vẻ đáng yêu. Đi đâu mà vội vàng thế? Về chậm sợ mẹ mắng hay sao? áo quần không kịp trang điểm, mái tóc không kịp vuốt ve, cho nên có một vẻ lơ đễnh, một vẻ xuềnh xoàng khả ái!

Giờ này là giờ các cô đảm đang, đi mua đi bán, đem cái vui vẻ cho em trai và mẹ già, các cô hết lòng lắm. Chen lấn vào đám đông, không sợ bị chèn ép xô đẩy. Đi guốc cao cho khỏi lấm gấu quần. Và nhất là tự nhiên và dung dị”.

Tác giả Nhà mẹ LêGió lạnh đầu mùa còn dành không ít dòng để nói về Tết của người nghèo:

“…ở ngoài bãi sông, Tết lại có một vẻ riêng đặc biệt. Trông đứa bé đội mũ bông, áo mới dài và rộng, đeo chiếc khánh mạ vàng, nhặt ngòi pháo đốt, thấy cả cái Tết ái ngại và nho nhỏ của cả một vùng”.

Không khí của tết, của mùa xuân, thanh đạm, tĩnh lặng, cứ thế đổ tràn lên từng trang viết của Thạch Lam. Ông nâng niu, bày biện mọi giản đơn một cách thật tao nhã.

Tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường của nhà văn Thạch Lam.

Một nét Tết Hà Nội, dưới con mắt Thạch Lam:

“Đêm 29 Tết, vào giờ trước giao thừa… có ai lên trước chợ Đồng Xuân, để nhìn những cái gì còn lại, những cái gì bị khinh bỉ từ chiều? Những cành đào xấu xí, ít hoa; những bát thuỷ tiên tơi tả, đã chuyền tay hết người này sang người khác mà không được ai mua, những chậu cây cúc và thược dược rã rời và lấm đất. Dưới mưa bụi, bùn đã vấy lên trên những cành đào, mai rải rác trên đường, bao nhiêu bàn chân dày xéo (…).

Để trang điểm cho những căn buồng tiều tuỵ, những căn nhà lá nghèo nàn ở các ngoại ô đối với nhiều người, tuy xấu xí tơi tả mặc dầu, những thứ ấy cũng vẫn là biểu hiện của ước mong, của trông đợi”.

Ở đây mọi tình cảm không ồn ào song lại rất thấm thía, càng hiểu cái nghèo túng chật vật của hoàn cảnh người ta cảm thấy nặng lòng với đất nước đã nuôi nấng mình lớn lên. Đó là cách nhìn, là tấm lòng của những trí thức chân chính.

Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam dành phần lớn số trang viết về nét văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, đặc biệt là các loại quà Hà Nội. Đây có thể nói là những trang viết đặc sắc nhất của ngòi bút Thạch Lam.

Ông cho rằng: “Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Bao nhiêu ý tốt, tình hay gửi vào trong một chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường”.

Ông khẳng định: “Quà… tức là người”. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngòi bút của ông miêu tả thật kỹ lưỡng cái cách mà người Hà Nội làm các loại quà và thưởng thức chúng ra sao.

Phong vị của tết xưa, cứ neo theo từng trang văn chương nhuần nhị ấy mà được lưu giữ, được sống dậy, như một món quà tết cho những độc giả hôm nay, đã đi rất xa những ngày tết xưa cũ ấy.

Theo Zing

Tin nổi bật