Syndicate content

Chuyện dọc đường

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực

Tóm tắt: 

Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 4...

Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 4, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô "An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn".

Lễ hội dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 16 – 18/4 tại các khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nhà Bát Giác, đường Lê Thạch, đường Lê Lai, Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), gồm khu không gian chung, gian hàng du lịch và không gian ẩm thực.

Cụ thể, không gian chung sẽ có các tiểu cảnh về điểm đến du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm tạo không gian check-in cho du khách. Gian hàng riêng của các tỉnh, thành phố quảng bá du lịch và đặc sản địa phương. Khu vực du lịch giới thiệu các sản phẩm, điểm đến của Hà Nội và các tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay.

Khu không gian ẩm thực Hà Nội giới thiệu một số món ăn, đặc sản nổi bật của Thủ đô như phở Hà Nội, chả cá, bún thang, cà phê Hà Nội... Tại khu vực sân khấu chính ở Nhà Bát Giác sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn kỹ thuật chế biến món ăn, tổ chức trò chơi để thu hút du khách.

Theo kế hoạch, lễ hội lần này sẽ nhấn mạnh thông điệp “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, khuyến khích người dân Thủ đô khám phá các điểm đến hấp dẫn trong nội thành Hà Nội và tại các quận, huyện như Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh… Nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch cũng được tổ chức như chương trình giao thương (B2B), tổ chức đoàn khảo sát các điểm đến du lịch nổi bật của Hà Nội, giới thiệu sản phẩm du lịch tại sân khấu và các gian hàng./.

Nguồn: hanoitv.vn

http://hanoitv.vn/ha-noi-chuan-bi-le-hoi-kich-cau-du-lich-va-gioi-thieu-van-hoa-am-thuc-d161838.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Cuốn tài liệu "Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản"

Tóm tắt: 

Xuất bản lần đầu năm 1961, đây là một trong số những tài liệu hiếm hoi được viết từ những năm 1900 trở về trước và nay đã có mặt tại Việt Nam.

“Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản” (tên gốc: “日本民權發達史”) là tác phẩm của chính trị gia người Nhật Uehara Etsujirō. Xuất bản lần đầu năm 1961, đây là một trong số những tài liệu hiếm hoi được viết từ những năm 1900 trở về trước và nay đã có mặt tại Việt Nam.

Uehara Etsujirō (1877 - 1962) là một chính trị gia người Nhật Bản, tốt nghiệp Đại học Bang Washington năm 1907 và nhận bằng tiến sĩ Kinh tế chính trị năm 1910. Sau khi về nước ông trở thành giáo sư, giảng dạy tại Đại học Meiji, Đại học Rikkyo. Từ năm 1932 đến năm 1936 ông đảm nhận chức vụ Phó Nghị trưởng Chúng nghị viện. Năm 1946 ông gia nhập Nội các trong vai trò Quốc vụ Đại thần của Nội các Yoshida lần thứ nhất.

Trong tác phẩm "Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản", Etsujirō đã trình bày về nguồn gốc cũng như quá trình phát triển chính thể lập hiến Nhật Bản, với mong muốn đóng góp giúp cho nền hiến chính Nhật Bản phát triển, khiến quyền lợi và tự do của người dân Nhật thời bấy giờ cũng như sau này được mở rộng; xây dựng được một chế độ bình đẳng, mỗi cá nhân có thể phát huy được hết tài năng của mình.

Trước đó, hầu hết sử gia và nhà hiến pháp Nhật Bản đều chủ trương sự ra đời của chính thể lập hiến Nhật Bản (tức nền tảng của sự phát triển dân quyền) không phải xuất phát từ đòi hỏi của nhân dân, mà xuất phát từ chính phủ. Trong số quốc dân cũng không ít người đồng thuận với chủ trương ấy.

Theo Uehara Etsujirō, đó là tư duy sai lầm do không khảo xét kỹ càng sự thực lịch sử, cũng như không thấu hiểu rõ nhân tình thế thái. Chính thể lập hiến của Nhật Bản được ra đời không phải nhờ chính phủ, mà là từ một bộ phận quốc dân hay toàn thể quốc dân nỗ lực phấn đấu giành được.

Nguồn gốc chính thể lập hiến Nhật Bản và tư tưởng dân quyền là do quốc dân muốn giải thoát khỏi sự áp bức của các nước Âu Mỹ, giành lấy địa vị bình đẳng, bảo toàn độc lập, chứ không phải do một cá nhân hay một thiểu số người xây dựng lên được.

Quốc dân Nhật Bản do chịu sự áp bức của liệt cường, đã dốc hết sức bình sinh, tranh giành địa vị bình đẳng, bảo toàn độc lập, mở rộng quyền tự do hoạt động. Nhờ thế tư tưởng dân quyền tự nhiên được hoài thai trong nước, được lấy làm nền tảng xây dựng chính thể lập hiến.

Còn lý do khiến tư tưởng dân quyền được thúc đẩy và kiện toàn, là vì quốc dân muốn đả phá chế độ giai cấp đặc thù trong nước, muốn đòi thiết lập chế độ tứ dân bình đẳng.

Sự phát triển của chính thể lập hiến Nhật Bản, tuy vẫn còn chậm nhưng vẫn có những tiến triển qua từng năm là điều ai cũng nhận thấy. Chính thể lập hiến của Nhật Bản còn chưa phát triển kiện toàn, có thể là vì quốc dân chưa hiểu hết nguồn gốc cũng như diên cách xây dựng chính thể lập hiến ở Nhật Bản; có thể vì quốc dân không có sự hiểu biết một cách triệt để về chính thể lập hiến.

Uehara Etsujirō nhìn thấy điểm đó nên mới soạn ra sách này, những mong độc giả thấy được khái lược sự phát triển của nền hiến chính Nhật Bản.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Nữ nhiếp ảnh gia Nga ấn tượng với áo dài Việt Nam

Tóm tắt: 

"Áo dài là hiện thân của nữ tính, dịu dàng và sức mạnh của tính cách người phụ nữ Việt Nam và nó luôn gây ấn tượng mạnh đối với mỗi người dân Nga".

"Áo dài là hiện thân của nữ tính, dịu dàng và sức mạnh của tính cách người phụ nữ Việt Nam và nó luôn gây ấn tượng mạnh đối với mỗi người dân Nga".

Nữ nhiếp ảnh gia Nga Vera Mazhirina tại triển lãm cá nhân mang tên "Việt Nam - du lịch qua những tấm ảnh diễn ra tại Moskva tháng 7/2020. Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN

Đây là cảm nhận của Vera Mazhirina - nữ phóng viên chuyên trách Quốc hội Liên bang Nga, thành viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nga, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Moskva, khi theo dõi sự kiện Tuần lễ Áo dài Việt Nam 2021 qua tin tức báo chí.

Theo Vera, truyền thống và văn hóa của mỗi đất nước được thể hiện qua nhiều yếu tố. Một trong số đó là trang phục truyền thống lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Việt Nam, đó chính là áo dài, đẹp, nhẹ nhàng và tha thướt.

Nữ phóng viên Nga cho biết, sự kiện Tuần lễ Áo dài 2021 đang diễn ra tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những người bạn Nga từng gắn bó với Việt Nam, giúp họ có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tà áo dài Việt.

Vera chia sẻ ấn tượng sâu đậm về buổi trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh mang tên "Bí ẩn chim Phượng" ở Bảo tàng Tsaritsyno ở Moskva cuối năm 2019. Cũng từ cuộc trình diễn này, Vera bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về áo dài truyền thống Việt Nam.

Trình diễn áo dài Việt Nam tại bảo tàng Tsarytsino ở Moskva. Ảnh: Vera Mazhirinia/TTXVN

Theo Vera, tên gọi của bộ sưu tập là phép ẩn dụ thú vị. Ở phương Đông, phượng hoàng là hiện thân của vẻ đẹp nữ tính và dịu dàng, hộ mệnh cho hoàng hậu, trong khi rồng tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh, tượng trưng cho nhà vua.

Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Nga cho rằng trong tâm thức dân gian, rồng và phượng tượng trưng cho hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng sắt son, chung thủy. Lâu nay, những bức tranh mô tả đôi linh vật này được coi là món quà tốt để mừng đám cưới, và hình thêu phượng hoàng đã được đưa vào trang trí áo dài truyền thống của cô dâu Việt Nam.

"Tôi còn nhớ nhà thiết kế Minh Hạnh đã tạo ra ở Tsaritsyno một không khí lễ hội tuyệt vời. Thật bất ngờ khi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo của bộ sưu tập lại chính là lịch sử nước Nga vào thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Catherine II", Vera chia sẻ.

Trình diễn áo dài Việt Nam tại bảo tàng Tsarytsino ở Moskva. Ảnh: Vera Mazhirinia/TTXVN

Buổi trình diễn gồm 80 tấm áo dài từ lụa tự nhiên và tơ tằm - các loại vải thủ công được dệt ở miền Trung của Việt Nam. Một số được thiết kế riêng cho buổi biểu diễn đặc biệt ở Moskva và sau đó được tặng lại cho bảo tàng Tsarytsino.

Sau khi thưởng thức buổi trình diễn đầy ấn tượng này, Vera đã nảy ra ý định thực hiện một dự án ảnh về thời trang Việt Nam. Chị nói: "Đó sẽ là một dự án ảnh thể hiện vẻ đẹp và sự hài hòa của tính cách người phụ nữ Việt Nam thông qua tà áo dài truyền thống. Tôi vẫn đang theo đuổi dự án này".

Sinh năm 1985, Vera Mazhirina là phóng viên nhiếp ảnh chuyên trách của Quốc hội Nga, phụ trách các cuộc triển lãm và liên hoan ảnh nghệ thuật do Quốc hội Nga tổ chức. Chị từng tổ chức nhiều triển lãm ảnh nhân dịp năm trao đổi văn hóa Việt-Nga 2019, triển lãm ảnh cá nhân "Việt Nam - du lịch qua những tấm ảnh" vào tháng 7/2020 tại Moskva và một số sách ảnh, dự án ảnh khác về Việt Nam./.

Nguồn: Trần Hiếu/TTXVN

https://bnews.vn/nu-nhiep-anh-gia-nga-an-tuong-voi-ao-dai-viet-nam/188804.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Chuyến tàu lượn siêu tốc đưa socola Việt ghi dấu bản đồ thế giới

Tóm tắt: 

Hạn hán tạo nên vị chua gắt, trong khi mùa mưa lớn tạo nên hương vị trái cây hoặc nét trầm ấm thường thấy ở gia vị. Đó là cách mà sản phẩm socola này gây ấn tượng ngay từ lần đầu tiên nếm thử.

Hạn hán tạo nên vị chua gắt, trong khi mùa mưa lớn tạo nên hương vị trái cây hoặc nét trầm ấm thường thấy ở gia vị. Đó là cách mà sản phẩm socola này gây ấn tượng ngay từ lần đầu tiên nếm thử.

Cửa hàng socola Marou tại Hà Nội. Ảnh: Marou.

Nhắc đến socola, người ta thường nghĩ đến những thương hiệu đến từ các quốc gia tiên tiến ở xứ lạnh như Bỉ, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Đức... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, socola Marou của Việt Nam đang là cái tên nổi tiếng toàn cầu.

Socola Marou được nhắc đến trên nhiều tờ báo hàng đầu thế giới như The New York Times, Forbes... Những thanh socola đen thương hiệu Marou được bày bán rộng rãi và giành được cảm tình của người tiêu dùng, ngay cả tại những thị trường "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, thậm chí còn được bình chọn là loại socola ngon nhất thế giới.

Những thanh socola ngon nhất thế giới

Hạn hán tạo nên vị chua gắt, trong khi mùa mưa lớn tạo nên hương vị trái cây hoặc nét trầm ấm thường thấy ở gia vị. Ngoài ra, quá trình lên men hạt một cách "tự nhiên có kiểm soát" cũng mang lại những bất ngờ thú vị. Đó là cách mà socola Marou gây ấn tượng với bất kỳ thực khách nào ngay từ lần đầu tiên nếm thử.

Được sản xuất từ những hạt cacao trồng tại Việt Nam, socola Marou được chia ra làm 5 dòng sản phẩm dựa theo hương vị và địa điểm trồng loại cacao sản xuất ra socola ấy cùng tỷ lệ tinh khiết: Tiền Giang 70%, Đồng Nai 72%, Lâm Đồng 74%, Bà Rịa 76% và Bến Tre 78%. Tất cả đều là socola đen (nguyên chất) và không hề pha thêm phụ gia hay hương liệu khác.

"Mỗi hạt cacao trồng tại vùng miền khác nhau lại cho hương vị khác nhau", nhà sáng lập Marou Samuel Maruta chia sẻ.

5 loại hạt cacao tạo nên 5 loại socola đặc trưng của thương hiệu Marou. Ảnh: Marou

Theo Samuel Maruta, điều đặc biệt ở Việt Nam là đa dạng địa hình, khí hậu, bởi vậy những hạt ca cao trồng tại khu vực khác nhau sẽ cho ra những hương vị khác nhau và mang đặc trưng hương vị của loại ca cao trồng tại vùng đất đó, phản ánh hương vị của thổ nhưỡng địa phương, bao gồm cả đặc điểm địa hình và thời tiết.

Đây có lẽ là một trong những yếu tố chính giúp sản phẩm thuần Việt này được trang web chuyên về du lịch Tripadvisor.com bình chọn là "Loại socola ngon nhất Thế giới" (The best chocolate in the world). Trong khi đó, tạp chí National Times gọi Maison Marou (Quán cà phê và cũng là cửa hàng chính của Marou) là

"Quán cà phê của loại socola ngon nhất thế giới".

Đặc biệt, Tạp chí The New York Times danh giá của Mỹ đã ưu ái dành cho Marou một bài báo với tiêu đề: "Loại socola ngon nhất mà bạn chưa bao giờ được thử" (The best chocolate you've never tasted).
Trong đó, bài viết nhận định: “Socola của Marou có tính phức tạp và biến đổi đặc biệt, bởi vì không giống như hầu hết các nhà sản xuất socola, họ có thể tạo ra chúng từ các loại hạt mà họ lựa chọn tại nguồn cung. Điều này có nghĩa họ kiểm soát tất cả mọi thứ, từ nông trại cho đến thành phẩm”.

Socola Marou trên báo chí quốc tế. Ảnh: Marou

Năm 2013, socola Marou 70% đã giành huy chương Bạc, socola Marou 78% giành huy chương Đồng tại Lễ trao giải thường niên của Viện hàn lâm Socola Anh (British Academy of Chocolate).

Dù mới chỉ ra mắt từ năm 2011 nhưng thương hiệu Marou đã nhanh chóng làm chao đảo thị trường socola quốc tế, sánh ngang với những thương hiệu socola lâu đời như Lindt & Sprungli (Thụy Sĩ), Godiva (Mỹ), Ferrero Rocher (Italia), Thorntons (Anh), Puccini Bomboni (Hà Lan), Guylian (Bỉ), Hershey’s (Mỹ), Neuhaus (Bỉ), Richart (Pháp), Teuscher (Thụy Sĩ)...

Định vị thương hiệu cao cấp

Câu chuyện thành công của thương hiệu Marou là một cuộc hành trình hoàn toàn ngẫu nhiên, được tạo nên bởi chính sự tôn trọng tính nguyên bản.

Được biết, Marou là một trong những doanh nghiệp sản xuất socola “bean to bar” (nhà sản xuất thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt cacao đến khi xuất xưởng thanh socola) đầu tiên ở châu Á và là một trong số ít trên thế giới sản xuất socola nguyên chất ngay tại địa phương trồng cacao.

Công nghệ bean-to-bar của Marou. Ảnh: Marou

Công nghệ này vừa mới lại vừa không mới, bởi socola thì vẫn luôn được làm từ hạt cacao nhưng theo thời gian, để tiết kiệm chi phí, rất ít công ty socola còn sản xuất socola trực tiếp từ các hạt cacao. Họ thường mua lại socola làm sẵn từ các công ty gia công hoặc xuất khẩu, rồi nấu chảy ra, pha thêm hương liệu và chế biến thành sản phẩm socola của mình.

Marou xử lý hạt cacao với kỹ thuật rang lâu tại nhiệt độ không quá cao để có thể truyền đạt được hương vị thổ nhưỡng cũng như nỗ lực tạo ra sản phẩm thủ công đặc biệt này.

Kể đến Marou bên cạnh hương vị được xếp vào hàng "tuyệt phẩm" thì không thể không nhắc đến bao bì đầy tính nghệ thuật. Hai ông chủ của Marou là Samuel Maruta và Vincent Mourou rất quan tâm tới bao bì sản phẩm.

"Chúng tôi đầu tư rất nhiều trong khâu thiết kế, không chạy theo giá rẻ mà hướng tới những sản phẩm cao cấp. Chính cách làm trái khoáy này là điều khiến chúng tôi nổi bật", ông Maruta cho hay.

Lấy cảm hứng từ chính những gì bình dị nhất, đó là lá và hạt cacao - những sản phẩm tạo nên loại socola ấy, cùng với những họa tiết vân mây tượng trưng cho văn hóa dân gian cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam, Rice Creative đã thiết kế những hoạt tiết đơn giản mà độc đáo trên bao bì của socola Marou.

Để bao bì mang dấu ấn riêng, những nhà thiết kế đã sử dụng giấy in tay thủ công từ các nghệ nhân ở chợ Lớn còn các họa tiết được in lụa theo phương pháp truyền thống với màu vàng cổ sang trọng. Có tổng cộng năm mẫu bao bì cho năm dòng sản phẩm của Marou, với các màu vàng, đỏ, xanh da trời, xanh lá cây, tím than. Đây là những màu sắc của những hạt cacao.

Thiết kế bao bì ấn tượng của socola Marou. Ảnh: Marou

Chính thiết kế độc đáo và bao bì thủ công chất lượng cao đã mang lại cho Marou cảm giác sang trọng, yếu tố không nhỏ giúp thương hiệu này thành công trên trường quốc tế.

Ông Maruta cho biết: "Đơn hàng đầu tiên chúng tôi có được là từ La Grande Epicerie de Paris, một trong những cửa hàng thực phẩm uy tín nhất ở Pháp. Những mẫu thiết kế đã đóng góp một phần rất lớn. Họ đã liên hệ với chúng tôi ngay sau khi nhìn thấy các mẫu giấy gói".

"Bao bì của Marou rất nghệ thuật", Dmitry Minkov, ông chủ của Hello Chocolate!, một nhà cung cấp sôcôla chất lượng cao ở Singapore, đánh giá. "Mọi người thường chọn mua sôcôla làm quà tặng, đó là lý do vì sao họ lại chú ý đến bao bì. Chất lượng của sản phẩm cũng quan trọng, tuy nhiên, khách hàng thường để ý tới bao bì nhiều hơn vì nó trông đắt tiền nhưng giá lại phải chăng. Và Marou nổi tiếng vì loại bao bì này".

Điều ít biết về "cha đẻ" của Marou

Marou được sáng lập bởi Samuel Maruta - một người Pháp gốc Nhật và Vincent Mourou-Rochebois - một người đàn ông Pháp từng sống tại Pháp, Mỹ và Anh. Trong khi Samuel Maruta đã từng đến Việt Nam vào năm 1996, khi anh còn là sinh viên và sau đó cũng đã quay trở lại Việt Nam làm việc, thì mãi đến đầu năm 2011, Vincent Mourou mới đặt chân đến Việt Nam trong một chuyến du lịch Đông Nam Á, qua ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hai nhà sáng lập socola Marou. Ảnh: Marou

Thông thường, những nhà sáng lập của các thương hiệu socola lớn trên thế giới đều xuất phát từ những gia đình có truyền thống trong lĩnh vực socola hoặc đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm. Hãng socola Lindt & Sprungli được thành lập từ năm 1836 bởi gia đình Sprungli có truyền thống trong nghề sản xuất bánh kẹo ở Zurich. Thương hiệu Ferrero Rocher thì được sáng lập bởi một đầu bếp người

Ý nổi tiếng có tên là Michele Ferrero.

Tuy nhiên, cả Samuel Maruta lẫn Vincent Mourou đều chưa từng làm việc trong lĩnh vực nào liên quan đến socola và không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến trước năm 2011. Vincent Mourou khi ấy nung nấu ý định từ bỏ sự nghiệp quảng cáo đang trên đà đi lên ở San Francisco hoa lệ để tới Việt Nam "tìm lại bản thân", còn Samuel Maruta đang là một giám đốc ngân hàng.

Khi gặp nhau vào năm 2011, hai người đàn ông ngoại quốc này cùng bị ấn tượng bởi cách người nông dân trồng cacao ở đồng bằng sông Cửu Long, đã nảy ra ý tưởng theo đuổi một dự án kinh doanh mới.
Trên chuyến phà trở lại TP.HCM, họ quyết tâm gây dựng nên công ty tên là Marou, Faiseurs de Chocolat. Một chiếc máy xay sinh tố, lò nướng và vài hộp thiếc đựng bánh quy trong nhà bếp của Maruta là nơi họ khởi đầu thương hiệu socola Marou. Cái tên Marou được cấu thành từ hai người sáng lập, đó là "Ma" trong Maruta và "rou" trong Mourou.

Kể lại hành trình khởi nghiệp của Marou, anh Vincent Mourou thú vị chia sẻ: “Làm socola tại Việt Nam lên xuống thất thường như trên một chuyến tàu lượn siêu tốc”.

Ban đầu rất nhiều người nói hai nhà sáng lập bị điên. Họ cho rằng người Việt Nam thích dùng sữa, dùng trà chứ không thích thứ đắng đắng như chocolate. Tuy nhiên, Samuel Maruta và Vincent Mourou vẫn nhìn thấy tiềm năng và cơ hội lớn của ngành này vì Việt Nam sở hữu vùng trồng cacao rất lớn và họ thực sự muốn làm điều gì đó khác biệt.

Cửa hàng socola Marou tại TP.HCM. Ảnh: Marou

“Cách đây khoảng 10 năm, một làn sóng mới trong giới sản xuất socola đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của mọi người. Thay vì đi theo con đường “nhàm chán” là nấu chảy những khối socola công nghiệp để làm thành những viên kẹo lấp lánh đánh lừa thị giác, thì những nhà tiên phong mong muốn tìm lại giá trị cốt lõi vốn có của một thanh socola. Cách duy nhất để làm được điều đó là đi từ các nguồn nguyên liệu thô là hạt cacao và đường. Ngoài ra không có gì khác hơn…", anh Vincent Mourou nói.

Thị trường trong nước và quốc tế đã nhiệt tình đón nhận sự xuất hiện của socola Marou Việt Nam. Tính từ thời điểm năm 2011 khi Marou giới thiệu ra thị trường thanh socola đầu tiên tới nay, doanh thu của Marou tăng trưởng không ngừng. Chỉ sau năm đầu tiên ra mắt, Marou đã vươn mình trở thành startup triệu đô.

Nguồn cung cũng ngày càng được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu./.

Nguồn: Lê Phương (Tổng hợp)

https://bnews.vn/chuyen-tau-luon-sieu-toc-dua-socola-viet-ghi-dau-ban-do-the-gioi/188686.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Tiếp tục phát hành 3 cuốn sách thuộc bộ danh họa Larousse

Tóm tắt: 

3 cuốn tiếp theo trong Bộ danh họa Larousse của hai tác giả Johann Protais và Éloi Rousseau, tiếp nối thành công của 3 cuốn: “Paul Gauguin”, “Claude Monet” và “Vincent Van Gogh” đã ra mắt tại Việt Nam trước đó.

3 cuốn tiếp theo trong Bộ danh họa Larousse gồm: “Paul Cézanne” của tác giả Gérard Denizeau cùng “Johannes Vermeer” và “Hokusai” của hai tác giả Johann Protais và Éloi Rousseau, tiếp nối thành công của 3 cuốn: “Paul Gauguin”, “Claude Monet” và “Vincent Van Gogh” đã ra mắt tại Việt Nam trước đó.

Bộ sách nằm trong chuỗi tác phẩm giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của các danh họa nổi tiếng, được mua bản quyền từ Nhà xuất bản Larousse của Pháp - đơn vị có truyền thống 150 năm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản từ điển và bách khoa toàn thư với các tác phẩm đã trở thành tài liệu tham khảo phổ biến tại Pháp và trên thế giới.

Đây cũng là bộ sách quan trọng trong chuỗi tác phẩm về các tác giả và tác phẩm hội họa nổi tiếng, thuộc tủ sách nghệ thuật của Omega+.

Gérard Denizeau (25/10/1953) là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhà âm nhạc và cây viết người Pháp với một khối lượng đồ sộ các tác phẩm thuộc đủ thể loại: tiểu thuyết, thơ ca, báo chí, sách về mỹ thuật và âm nhạc.

Ông từng sản xuất rất nhiều chương trình cho kênh radio France Culture từ năm 1992 - 1993. Ông cũng chính là tác của của hai cuốn “Claude Monet” và “Vincent Van Gogh” trong Bộ danh họa Larousse đã được Omega+ phát hành trước đó.

Khắc họa chân dung họa sĩ thiên tài với một sức mạnh chân chính, một chất trữ tình Địa Trung Hải

Trong cuốn Paul Cézanne, Denizeau đã phân tích một lượng phong phú các kiệt tác, qua đó khắc họa chân dung người họa sĩ thiên tài với một sức mạnh chân chính, một chất trữ tình Địa Trung Hải, một kỷ luật nghiêm khắc, một sự thanh lịch kín đáo cùng một ý chí sáng tạo bậc thầy.

Tự gọi mình là “con người sơ khai của nghệ thuật mới”, Paul Cézanne đã gia nhập đội ngũ những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất, vượt ra ngoài khuôn khổ các lý thuyết của trường phái Ấn tượng.

Các nhà sử học nghệ thuật thậm chí còn coi ông là một trong những cha đẻ của nghệ thuật hiện đại. Loạt tranh tĩnh vật nổi tiếng của ông với táo và cam, những người đi tắm hoặc quang cảnh núi Sainte-Victoire... không chỉ ghi dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ XIX mà còn tiếp tục mê hoặc những du khách hiện đại đến các bảo tàng trên thế giới.

Johannes Vermeer và Hokusai đưa độc giả chu du tới những quốc gia khác trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật

Nếu “Paul Cezanne” mang độc giả vào hành trình khám phá lịch sử nghệ thuật thế kỷ XIX tại Pháp thì hai cuốn Johannes VermeerHokusai lại đưa độc giả chu du tới những quốc gia khác trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật.

Một trong hai tác giả của hai cuốn sách - Johann Protais (1979) tốt nghiệp Trường Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne chuyên ngành Lịch sử, Protais từng có thời gian làm việc tại Bảo tàng Louvre.

Hiện nay, khi đã là giảng viên dạy Lịch sử và có chứng chỉ chuyên môn về Lịch sử Nghệ thuật, Protais dạy học ở Paris và là tác giả, đồng tác giả của nhiều cuốn sách viết về các danh họa và lịch sử nghệ thuật. Trong khi đó, đồng tác giả - Éloi Rousseau (1978) từng học tại Trường Phổ thông Lourve, sau đó tốt nghiệp Đại học Paris-Sorbonne (ngành Lịch sử Hiện đại) và Đại học Paul Valéry với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Nghệ thuật, Rousseau hiện là giáo viên dạy lịch sử và là sử gia nghệ thuật với nhiều tác phẩm đã được xuất bản. Rousseau đã cộng tác với nhiều nhà xuất bản lớn, như Larousse, Palette và Silvana.

Trong cuốn Johannes Vermeer, không chỉ khắc họa chân dung và cuộc đời vị họa sĩ người Hà Lan, hai tác giả còn cho phép độc giả tiếp cận với nhiều danh họa tài năng khác của xứ sở hoa tuy-lip như Rembrandt, Gerard Dou, Jan Steen, Gerard Ter Borch...

Khi đặt những tác phẩm cạnh nhau, có thể thấy sự giống nhau và nét đặc sắc phân biệt giữa Vermeer và các danh họa trên. Hội họa Hà Lan giai đoạn đỉnh cao có rất nhiều họa sĩ thành danh và ghi dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật. Nổi bật trong thời kỳ Hoàng kim của hội họa Hà Lan là Vermeer. Ông đã để lại cho chúng ta những tác phẩm đặc sắc về thể loại, phong cách, kỹ thuật vẽ cũng như sự phúng dụ ẩn sau tác phẩm.

Với cuốn Hokusai, độc giả lại có dịp quay trở về châu Á với những tác phẩm tranh in khổ lớn vẽ chim, hoa, bức “Sóng lừng” hay loạt tranh “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ” của vị họa sĩ tài hoa người Nhật đã được giới thiệu đến Pháp, trở thành đại diện cho nghệ thuật Nhật Bản, và có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nghệ sĩ như Monet, Van Gogh và Gauguin.

Sinh ở Edo năm 1760, bậc thầy tranh in Nhật Bản Hokusai đã để lại một số lượng đồ sộ các tác phẩm hết sức đa dạng. Bên cạnh những bức tranh sinh hoạt thường ngày được thể hiện với khiếu hài hước, Hokusai cũng nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh hùng vĩ đẹp như mơ với độ chính xác tuyệt hảo.

Trong phần đầu của cuốn sách, Protais và Rousseau mang đến một cái nhìn mới về các tác phẩm của Hokusai bằng cách giải thích kỹ thuật và chìa khóa để hiểu từng bản in, minh họa cho các nội dung đó là một số lượng phong phú các tác phẩm dọc theo hành trình sang tạo của nghệ sĩ nổi tiếng nhất Nhật Bản này. Phần còn lại là 100 tác phẩm đẹp nhất của ông.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Clip quảng bá du lịch trên Youtube thu hút triệu lượt xem

Tóm tắt: 

Sau gần 2 tuần ra mắt (từ ngày 11/02/2021), clip quảng bá du lịch trên nền tảng số YouTube với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” đã vượt mốc 1 triệu lượt xem.

Sau gần 2 tuần ra mắt (từ ngày 11/02/2021), clip quảng bá du lịch trên nền tảng số YouTube với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” đã vượt mốc 1 triệu lượt xem.

Ảnh từ clip quảng bá “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực”. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Theo Tổng Cục Du lịch(Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch), Ra mắt đúng ngày 30 Tết Tân Sửu, đến nay sau gần 2 tuần ra mắt, clip “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” đã đạt trên 1 triệu lượt xem trên nền tảng YouTube và được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo. 

Đây là clip nằm trong chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube, do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) thực hiện với sự hỗ trợ, đồng hành của Tập đoàn Google và Vinpearl.
Trong 60 giây, clip quảng bá “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” đã đưa du khách hòa vào không gian thư thái, an nhiên với cảnh sắc hữu tình của những điểm đến nổi tiếng như Chùa Tam Chúc, Khu danh thắng Tràng An, Kinh thành Huế, Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà…
Clip cũng mang đến không khí đoàn viên ấm áp, rộn ràng với những nét đẹp văn hóa truyền thống như đi lễ đầu năm, xin chữ ông đồ, hình ảnh vườn hoa khổng lồ rực rỡ đang độ xuân sắc hay những chiếc ghe chở đầy sản vật trên sông nước miền Tây...
Trước đó, chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube được bắt đầu triển khai từ đầu năm 2021 với việc ra mắt clip có chủ đề “Việt Nam - Đất nước, con người” vào ngày 7/1. Chỉ sau 1 tháng, clip cũng đã thu hút trên 1 triệu lượt xem; kênh YouTube của Tổng cục Du lịch đã tăng thêm hơn 2,5 nghìn lượt theo dõi.

Giới thiệu du lịch với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực”. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng đã cho thấy sức hấp dẫn và lan tỏa của chương trình truyền thông trên YouTube với các clip độc đáo quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam. Phương thức này cũng phù hợp với định hướng của ngành du lịch đang tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số, qua đó duy trì sự gắn kết và cảm hứng của du khách trong bối cảnh hoạt động du lịch vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Chương trình có sự góp mặt của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ và lượng theo dõi lớn (subscriber) như Hoa hậu H'Hen Niê, Chan La Cà, Khoai Lang Thang, Helly Tống, Fly Around Vietnam, Flycam 4K, Minh Travel, Opps Banana…
Mỗi nhà sáng tạo nội dung YouTube  đóng vai trò như một “thuyết minh viên du lịch trực tuyến” khám phá vẻ đẹp văn hóa, ẩm thực, con người và thiên nhiên Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, các nhà sáng tạo nội dung chia sẻ những video này trên kênh YouTube cá nhân và kênh YouTube chính thức của Tổng cục Du lịch.

Các nhà sáng tạo nội dung đều có thể tham gia chiến dịch bằng việc gửi các video clip của mình về kênh YouTube chính thức của Tổng cục Du lịch qua địa chỉ email: titc@vietnamtourism.gov.vn, điện thoại (Zalo/Viber): 0906150276./.

Nguồn: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

https://bnews.vn/clip-quang-ba-du-lich-tren-youtube-thu-hut-trieu-luot-xem/188011.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Sử ký Tư Mã Thiên: Tác phẩm về lịch sử kinh điển của thế giới

Tóm tắt: 

Tư Mã Thiên là người đầu tiên đưa vào lịch sử Trung Quốc những thông tin với tính chất những bản khái quát đứng đắn và khoa học (Nam Việt, Đông Việt, Triều Tiên, Tây Di, Đại Uyển, Hung Nô).

“Sử Ký” (tên gốc: “史記”) là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử nổi tiếng nhất của thế giới được biên soạn bởi đại sử gia Tư Mã Thiên thời Tây Hán.

Đây là tác phẩm tổng hợp lịch sử đầu tiên ở Trung Quốc, ghi lại 3000 năm từ thời Hoàng Đế, đến thời nhà Hán giữa 4 năm đầu. Đây đồng thời là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Người Trung Hoa xem nó là tác phẩm lớn nhất về văn xuôi trong nền văn học cổ Trung Quốc, và là tác phẩm cổ điển ngang hàng với thơ của Đỗ Phủ.

Do đây là một tác phẩm khó với dung lương đồ sộ nên Omega+ chỉ lựa chọn dịch trọn vẹn những chương tiêu biểu nhất và lược bớt những đoạn ít quan trọng đối với văn học, với sự góp ý của dịch giả Phan Duy Tiếp.

Tác giả Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN) tên tự là Tử Trường. Ông sống thời thơ ấu ở Long Môn, cày ruộng, chăn cừu, làm bạn với những người nông dân bình thường, và học các sách sử cổ. Lên 10 tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu lên đường đi du lịch để xem tận mắt những nơi sau này ông sẽ phải viết sử. Đến năm 108 TCN, ông thay cha làm thái sử lệnh, rồi bị khép vào tội “coi thường nhà vua” và bị thiến. Sau ông làm đến chức trung thư lệnh và mất năm 60 tuổi.

Kho tài liệu vô giá

Trong công trình lịch sử đồ sộ - Sử Ký, Tư Mã Thiên đã mang đến một kho tài liệu vô giá, chính xác, với giá trị tổng hợp rất cao ghi lại các quy tắc, sự kiện chính trị, kinh tế và văn hóa của toàn bộ dân tộc Trung Hoa. Tác phẩm có tất cả 52 vạn chữ, 130 thiên, gồm 5 phần: Bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện.

Trong đó, mục đích của “Bản kỷ” là chép lại sự việc của những người, những nước có tác dụng chi phối cả thiên hạ. Ngay ở đây, trong cách sắp đặt của ông cũng có những điều đời sau không dám nghĩ đến. Qua đó, cung cấp cho người đọc, cái nhìn khái quát về từng thời đại, sau đó đi sâu vào từng sự kiện và từng nhân vật.

Tiếp đó, để có cái nhìn đối chiếu các sự kiện hoặc căn cứ vào niên đại, hoặc căn cứ vào sự tương quan đồng thời giữa các nước, Tư Mã Thiên lập ra 10 “biểu” về những công trình khoa học rất quý, ghi chép, năm, tháng, biến cố, giúp cho các nhà sử học hiểu được vị trí của từng sự kiện và sự tương quan của nó về thời gian cũng như về không gian với các sự kiện khác, đặc biệt ở trong một nước mênh mông lại chia cắt phân tán như Trung Quốc cổ.

Lịch sử một nước chủ yếu là lịch sử của những thiết chế của nó. Tư Mã Thiên nhận thấy điều đó nên viết tám “thư” dành cho tám mặt của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Trong đó, tác giả nêu rõ sự biến đổi, những cống hiến về lễ, nhạc, luật lệ, việc làm lịch, thiên văn,... qua các thời đại.

Điều làm chúng ta hết sức ngạc nhiên là ông có những hiểu biết chính xác về mọi mặt và ở đâu ông cũng có những nhận xét tổng quát rất thấu đáo. Thiên Phong thiện thư, nói về những mê tín, cúng tế, của vua chúa với một giọng châm biếm chua chát. Thiên Hà cừ thư nói về các con sông đào ở Trung Quốc. Thiên Bình chuẩn thư nói về kinh tế. Những thiên này viết chính xác đến nỗi người đời sau thường dựa vào đó để đính chính những sai sót trong các sách cổ, nói về những thiết chế xã hội.

Phần “thế gia” bao gồm 30 thiên, chủ yếu nói đến lịch sử các chư hầu, chẳng hạn các nước Tề, Lỗ, Triệu, Sở...; những người có địa vị lớn trong quý tộc như các thái hậu, những người được phong một nước như Chu Công, Thiệu Công, và những người có công lớn như Trương Lương, Trần Bình... Đáng chú ý nhất là tác giả xếp vào thế gia hai người thường dân không hề có một tấc đất phong. Đó là Khổng Tử, một người có địa vị đặc biệt trong lịch sử tư tưởng của Trung Quốc, và Trần Thiệp, anh chàng cố nông đã cầm đầu cuộc nông dân khởi nghĩa đầu tiên của lịch sử dân tộc Hán.

Ở phần cuối “liệt truyện”, có 70 thiên bao gồm những nhân vật khác nhau và những sự việc rất khác nhau. Với phần liệt truyện dành cho những nước ở ngoài địa bàn Trung Quốc, Tư Mã Thiên là người đầu tiên đưa vào lịch sử Trung Quốc những thông tin với tính chất những bản khái quát đứng đắn và khoa học (Nam Việt, Đông Việt, Triều Tiên, Tây Di, Đại Uyển, Hung Nô).

Đặc biệt, ông đã nhìn thấy vai trò to lớn của những con người bình thường, thường không có chức tước gì nhưng có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với cả dân tộc.

Tác phẩm đưa đến một cảm giác rất lạ

Đối với những người yêu văn học Trung Quốc, tác phẩm đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây có cái biến ảo của Nam Hoa Kinh, có cái rạch ròi của Hàn Phi Tử, có cái hoa lệ của Tả truyện, có cái nghiêm khắc của Xuân Thu. Nhưng còn một cái nữa mà văn học từ Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức bám chắc vào sự thực, không rời cuộc sống dù chỉ nửa bước. Có thể nói, “Sử Ký” chính là Tư Mã Thiên sống, và con người ấy sống với những tư tưởng lớn.

Dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam Phan Ngọc chia sẻ: “Có thể nói, Tư Mã Thiên là sử gia đầu tiên trên thế giới viết về lịch sử của một nước. Trước đấy, ở Trung Quốc chỉ có những người viết lịch sử một công quốc hay kể lại một vài biến cố quan trọng như Xuân Thu thượng thư. Những bộ sử như Lịch sử của Hêrôđôt (484 TCN‑425 TCN). Lịch sử chiến tranh ở Pélpôônne của Thuxiđit (460 TCN‑395 TCN) trong văn học Hy Lạp hay Chiến tranh ở Gôlơ của Xêđa trong văn học La Mã, chẳng qua chỉ kể lại một trận đánh hay một chiến dịch. Quyển Lịch sử La Mã của Titut Livut (59 TCN-17 SCN) sau Sử ký viết toàn bộ lịch sử một đô thị, nhưng đó chỉ là lịch sử một đô thị. Sử ký thì khác, nó là lịch sử của toàn bộ dân tộc Trung Hoa kéo dài trên 3000 năm từ Hoàng Đế đến Vũ Đế và bao gồm một địa bàn mênh mông.

Chính vì có ý thức rất rõ về tính chất thống nhất và tiếp tục của lịch sử, nhà văn hoá Phan Ngọc cho biết tác giả mới có hai phần khác nhau là biểu và bản kỷ, lại có phần thế gia nói những điểm chủ yếu trong lịch sử từng công quốc. Không những thế, ông cũng là người đầu tiên nói về những dân tộc mà người ta gọi là “mọi rợ” và ở đây tuyệt nhiên không có thái độ khinh miệt. Ông cũng là người đầu tiên viết một quyển thông sử bao gồm mọi mặt của xã hội. Ông chú ý đến tất cả, đọc tất cả, biết tất cả kiến thức của thời đại.”

 ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Liên hợp quốc phát động cuộc thi ảnh "Câu chuyện rác nhựa"

Tóm tắt: 

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã chính thức phát động Cuộc thi ảnh Câu chuyện rác nhựa, dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã chính thức phát động Cuộc thi ảnh Câu chuyện rác nhựa, dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa.

Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng, qua đó để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực của việc quản lý chất thải không đúng cách với sức khỏe con người và môi trường.

Đối tượng dự thi là những công dân tuổi từ 18 trở lên, hiện đang sinh sống tại Việt Nam, không phân biệt quốc tịch và có quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa ở Việt Nam.

Ban Tổ chức yêu cầu, các tác phẩm dự thi không hạn chế số lượng, cần được chụp từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/4/2021, ghi rõ địa điểm chụp hoặc kèm link Google map địa điểm chụp khi gửi tác phẩm.

Cuộc thi ưu tiên những bức ảnh được chụp tại các tỉnh Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ninh và thuộc một trong những chủ đề sau: Phản ánh tình trạng rác thải tràn lan, không được xử lý đúng cách, tình trạng rác nhựa đại dương, tác hại của rác thải nhựa tới môi trường, tới hệ sinh thái và con người ở Việt Nam, các giải pháp xử lý rác thải được áp dụng tại nước ta...

Thời gian nhận ảnh dự thi từ nay đến ngày 5/5/2021. Tác giả tham dự đăng ảnh trực tiếp trên website: cuocthianh.mediamaxvietnam.vn/ hoặc gửi tới email: nguyenduong.journalist@gmail.com.

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được thực hiện vào cuối tháng 6/2021./.

Nguồn: hanoitv.vn

http://hanoitv.vn/lien-hop-quoc-phat-dong-cuoc-thi-anh-cau-chuyen-rac-nhua-d160805.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Từ 'cha đẻ' máy tính đầu tiên đến 'ông chủ' bảo tàng công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên

Tóm tắt: 

Đó là TS Nguyễn Chí Công, người trực tiếp tham gia đề án chế tạo máy vi tính VT80 - chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam và hiện đang là ông chủ, kiêm luôn nhân viên thuyết trình của bảo tàng công nghệ thông tin Việt Nam tại tư gia của mình.

Đó là TS Nguyễn Chí Công, người trực tiếp tham gia đề án chế tạo máy vi tính VT80 - chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam và hiện đang là ông chủ, kiêm luôn nhân viên thuyết trình của bảo tàng công nghệ thông tin Việt Nam tại tư gia của mình.

TS Nguyễn Chí Công.

Chúng tôi không hẹn mà đến thăm bảo tàng của TS Nguyễn Chí Công trong những ngày đầu của năm 2021. Rất may mắn rằng khi đến đó lại cũng là lúc vị tiến sỹ này đang chuẩn bị đi khám sức khoẻ vì những ảnh hưởng của tuổi già.

"Trao đổi nhanh 20 phút thôi nhé, tôi còn có hẹn với bác sỹ lúc 10h sáng", TS Nguyễn Chí Công vừa nói với chúng tôi vừa kéo cửa bảo tàng xuống và mời chúng tôi vào tham quan.

Từ anh kỹ sư 27 tuổi tham gia chế tạo chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Ít ai biết rằng, năm 1975 chiếc máy vi tính đầu tiên của thế giới Altair 8800 Computer được sản xuất tại Mỹ thì chỉ sau đó 2 năm, vào năm 1977, Việt Nam chế tạo thành công chiếc máy vi tính VT80 không hề thua kém Altair là bao và trở thành nước thứ 3, chỉ sau 2 cường quốc là Mỹ và Pháp chế tạo thành công máy vi tính.

TS Nguyễn Chí Công là một trong các thành viên đã chế tạo nên chiếc máy VT80.

TS Nguyễn Chí Công chính là một trong các thành viên của nhóm cán bộ kỹ thuật của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam)  đã chế tạo nên chiếc máy VT80 huyền thoại đó.

Ở tuổi 27, TS Nguyễn Chí Công lúc đó đã cùng các cộng sự chế tạo ra chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam.

Nhớ lại thời ký đó, TS Công cho biết quá trình thực hiện chế tạo chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam gặp phải khó khăn lớn nhất chính là nhận thức. Lúc ấy, người ta nghe những chưa hiểu, cũng chẳng mấy ai hình dung được hết.

Chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A, vì vậy có tên là VT80. Sản phẩm VT80 được xây dựng theo kỹ thuật quấn dây điện nối các chân cắm chip, gồm bìa CPU, nhiều bìa RAM/ROM và I/O cùng các thứ lỉnh kỉnh từ bảng điều khiển đến vỏ máy, nguồn điện.

Chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam ra đời với vài chương trình cơ bản tối thiểu song lại không có phần mềm ứng dụng. Lúc đó ở Mỹ cũng mới chủ yếu dùng máy vi tính để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ứng dụng chưa rộng rãi.

Tuy nhiên, mọi công việc đang diễn ra thuận lợi thì đất nước lại lâm vào cảnh chiến tranh, kèm theo đó là nhiều lý do về cơ chế mà theo TS Công thì "chỉ người trong cuộc mới hiểu" đã khiến cho việc sản xuất không thành hiện thực.

Đến ông chủ bảo tàng công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên

Theo lời kể của ông Công, học trung học ở Hà Nội xong, ông được cử sang Tiệp Khắc du học rồi gắn bó với ngành công nghệ thông đến bây giờ. Ngay từ thời về nước làm việc, ông đã có thói quen lưu giữ những kỷ vật, tài liệu liên quan đến công việc. Ý tưởng về việc mở bảo tàng về công nghệ thông tin cũng từ đó mà nảy sinh.

"Từ những năm 70, những năm mà trên thế giới họ đưa tất cả các bộ phận xử lý của máy tính và bộ nhớ vào những con chip bé xíu. Để làm được những việc này, đòi hỏi phải có những phòng nghiên cứu khổng lồ, những nhà khoa học rất giỏi với chi phí cực kỳ tốn kém để chế tạo ra những chiếc máy tính", TS Công kể lại.

Cũng theo ông Công, lúc đó, máy tính dường như trở thành “lâu đài” của giới quý tộc và người thường không có cơ hội tiếp cận. Đó cũng là lý do lúc đó trí tuệ nhân loại không đến được đa số mà chỉ có thiểu số tiếp cận.

"Vào những năm 70, khi những chiếc chip máy tính ra đời, trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, lúc đó tôi nghĩ rằng những sự phát triển này cần được lưu lại. Kể từ đó, tôi bắt đầu lưu giữ dần những hiện vật, kèm theo nhiều người ủng hộ mình và tham gia đóng góp", TS Nguyễn Chí Công nói.

Quá trình thành lập được bảo tàng cũng gặp vô vàn khó khăn, TS Công cho biết sau khi có ý tưởng, ông đã đi thăm rất nhiều bảo tàng lớn nhỏ, cả bảo tàng tư nhân và bảo tàng các ngành nghề.

"Đi tới đâu mình cũng hỏi và rồi mới thấy rằng để mở được bảo tàng vướng rất nhiều thủ tục. Lúc trở về, tôi nghĩ rằng hay mình hiến tặng hết các hiện vật này cho nhà nước, nhưng rồi sau đó vợ tôi động viên rồi quyết định mở bảo tàng tư nhân", TS Nguyễn Chí Công nói.

Nhận được sự ủng hộ của vợ, ông Công quyết định sẽ sử dụng căn phòng khách của gia đình rồi thiết kế thành một phòng riêng, lắp tủ kính, tạo không gian trưng bày các hiện vật.

“Khi thực hiện bảo tàng, tôi muốn tạo ra một cái nhìn toàn diện. Bảo tàng sẽ là nơi giới thiệu cả các mốc sự kiện lịch sử, con người, chính sách, vật tư linh kiện, sách vở... liên quan đến quá trình phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Tiếc là có nhiều hiện vật qua thời gian và những biến động của lịch sử đến nay đã không còn nữa”, TS Công nói.

Ở giai đoạn 1, bảo tàng trưng bày khoảng 300 hiện vật, sách vở và sơ đồ khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghệ thông tin thế giới và Việt Nam đến năm 2000.

Trong thời gian tới, TS Công cho biết bảo tàng sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với những hiện vật từ năm 2000 trở đi, đồng thời tiến hành số hóa các tư liệu, thiết bị được trưng bày để những trải nghiệm tại bảo tàng ngày một sống động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Chí Công cũng ý định sẽ mô hình hóa 3D toàn diện tất cả hiện vật trong bảo tàng để để giúp mọi người có thể tham quan bảo tàng trên mạng mà không cần phải đến tận nơi.

Bảo tàng không bán vé, khách có nhu cầu tham quan thì liên hệ trước và TS Nguyễn Chí Công sẽ lên lịch đón tiếp tại địa chỉ số 89, ngõ 41 Đông Tác, Đống Đa, Hà Nội.

Nguồn: Ngọc Lưu (vietnamfinance.vn)

https://vietnamfinance.vn/tu-cha-de-may-tinh-dau-tien-den-ong-chu-bao-tang-cong-nghe-thong-tin-tu-nhan-dau-tien-20180504224247979.htm

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Việt Nam giành Huy chương vàng ảnh quốc tế tại Ấn Độ

Tóm tắt: 

Tác giả Vũ Mạnh Cường của Việt Nam với tác phẩm "Vân núi 5" đã được trao Huy chương vàng FIP chủ đề "Du lịch" trong Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow lần thứ tư năm 2021 do Worlds of Shadow tổ chức.

Tác giả Vũ Mạnh Cường của Việt Nam với tác phẩm "Vân núi 5" đã được trao Huy chương vàng FIP chủ đề "Du lịch" trong Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow lần thứ tư năm 2021 do Worlds of Shadow tổ chức.

Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow lần thứ tư năm 2021 do Worlds of Shadow tổ chức và được sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Ấn Độ (FIP) và Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP).

Cuộc thi gồm bốn chủ đề: "Tự do màu", "Tự do đơn sắc", "Thiên nhiên", "Du lịch" đã thu hút đông đảo các nghệ sĩ nhiếp ảnh khắp thế giới như Anh, Pháp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Trung Quốc,... và nước chủ nhà Ấn Độ gửi tác phẩm dự thi. Mỗi nội dung Ban tổ chức sẽ trao giải vàng của FIAP và FIP và nhiều giải thưởng khác.

Tác giả Vũ Mạnh Cường của Việt Nam với tác phẩm "Vân núi 5" đã được trao Huy chương vàng FIP chủ đề "Du lịch".

Cùng ở chủ đề Du lịch, Giải thưởng lớn nhất (FIAP gold) thuộc về tác phẩm: Mưa ở Venice của tác giả người Anh Siviter Peter.

Tác giả Nguyễn Hữu Dũng với tác phẩm "Bến đò mùa Covid" cũng nhận Bằng danh dự ở chủ đề "Du lịch".

Ngoài ra, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh của Việt Nam như Đỗ Hiếu Liêm, Đỗ Trọng Hoài Ân, Nguyễn Hữu Dũng, Tô Hoàng Vũ, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Xuân Tuyến, Phí Thị Thu Hà, Nguyễn Trang Kim Cương, Nguyễn Phục Anh…  có tác phẩm được chọn tham gia triển lãm vào ngày 24 và 25-4 tới.

Nguồn: Minh Giang/nhandan.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/viet-nam-gianh-huy-chuong-vang-anh-quoc-te-tai-an-do-635905/ 
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường