Nhà báo Phan Quang và câu chuyện văn hóa từ những cuộc hành trình

(ICTPress) - Giản dị mà sâu sắc, thâm trầm nhưng cũng đầy phóng khoáng đó là điều mà người đọc cảm nhận được khi đọc những trang Văn học du kí của tác giả Phan Quang. Không chỉ là những ghi chép đơn thuần sau mỗi chuyến đi, ẩn đằng sau những trang viết ấy là những câu chuyện thú vị về văn hóa.

Độc giả biết đến Phan Quang với tư cách một nhà báo, một nhà ngoại giao kì cựu. Yêu cầu của công việc tạo điều kiện cho ông đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới. Mỗi vùng đất lại cho ông  một trải nghiệm riêng. Nó thấm đẫm văn hóa bản địa, hòa quyện nhuần nhuyễn cùng lịch sử phát triển của cả vùng đất trong những biến của lịch sử. Bằng trải nghiệm của một du khách “sành sỏi” cùng với vốn hiểu biết sâu rộng, uyên bác Phan Quang đã cho ra đời một bộ sách du kí gồm ba cuốn: Bên mộ vua Tần, Thơ thẩn Paris Chia tay trên sông với phong cách rất riêng.

Điểm đến đầu tiên mà tác giả lựa chọn để giới thiệu cho bạn đọc chính là đất nước láng giềng Trung Quốc với cuốn “nhật kí hành trình” là Bên mộ vua Tần. Giống nhiều du khách khác, điểm dừng chân đầu tiên mà Phan Quang chọn chính là Vạn lý Trường Thành - công trình kiến trúc vĩ đại, biểu tượng cho hơn 8000 năm dựng nước của người Trung Hoa. Nó còn ẩn chứa mong muốn xây dựng một đế chế vững mạnh muôn đời mà Tần Thủy Hoàng -  người đã có công nối những đoạn thành rời rạc của sáu nước thành bức tường dài vạn lý, hằng ấp ủ.

Sau khi đến thăm Vạn lý Trường Thành, tác giả tiếp tục đưa người đọc đến với thành phố Hàng Châu xinh đẹp. Người Trung Quốc có câu: “Trời có thiên đàng, đất có Tô - Hàng”, cùng với Tô Châu, Hàng Châu xứng đáng là mảnh đất sánh ngang thiên đàng. Trong khi cả đất nước Trung Quốc đang trên đà phát triển như vũ bão, thành phố xinh đẹp này vẫn giữ được nét đẹp cổ kính đầy duyên dáng của nó.

Trái ngược với Hàng Châu “e lệ” trong nét cổ kính ngót ngét ngàn năm tuổi, Thượng Hải thể hiện sự tươi trẻ, đầy năng động của mình bằng việc hòa mình vào sự phát triển như vũ bão của thời cuộc. Thành phố này đã “lột xác” hoàn toàn, những dấu ấn của thời phong kiến chỉ còn trong hoài niệm của những người dân nơi đây. Phan Quang đã dành một tình cảm đặc biệt cho Thượng Hải, ông kể về những ngày tháng khó khăn khi thành phố này bị “chia năm xẻ bảy” khi trở thành khu tô giới cho liên quân các nước. Sau  ngày tháng gian khổ ấy, Thượng Hải đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những thành phố phát triển bậc nhất Trung Quốc.

Rời Trung Quốc, Phan Quang đưa bạn đọc tới Pháp bằng cuốn Thơ thẩn Paris. Tác giả dẫn chúng ta thong thả dạo quanh phố phường, đi hết những đại lộ lớn đến những con ngõ nhỏ để cảm nhận Paris một cách thật nhẹ nhàng. Tản bộ mỏi chân chúng ta có thể đến một “Quán nghệ sĩ” trứ danh ở Paris để nhâm nhi vài ly rượu và kể cho nhau nghe những câu chuyện văn hóa thú vị. Closerie des Lilas hay được biết đến với cái tên Trại hoa Tử đinh hương là quán nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Paris. Nơi đây đã ghi dấu rất nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, những người đã làm nên “tượng đài” văn học và văn hóa Pháp từ cuối thế kỉ 19. Chỉ ở Pháp với xây dựng được những “quán nghệ sĩ” lâu đời như thế. Bởi tâm hồn phóng khoáng của những con người nơi đây đâu có cho phép họ trói mình, trói sự sáng tạo trong những khu cao ốc văn phòng tù túng.

Bằng giọng văn bình thản nhưng tràn đầy cảm hứng lãng mạn, Phan Quang kể chuyện về nước Pháp với cảm hứng lãng mạn và tràn đầy say mê.

Nếu coi ba cuốn sách du kí cuả nhà báo Phan Quang là “những tour du lịch” qua trang sách thì Chia tay trên sông sẽ là một “chuyến du lịch vòng quanh thế giới”. Tác giả không chỉ đưa bạn đọc đến một đất nước duy nhất, chúng ta sẽ theo chân Phan Quang đặt chân đến cả năm châu lục. Đến Nga để ngắm vẻ đẹp say đắm lòng người của “mùa thu vàng” mà họa sĩ nổi tiếng Levitan tạo nên một kiệt tác để đời. Đến Ai Cập thăm tượng nhân sư huyền bí, để tìm câu trả lời cho sức mạnh   diệu của công trình kiến trúc nổi tiếng này. Hay cùng nhau đặt chân đến một nước châu Phi xa lạ, mà cảm thấy như được về nhà khi nhìn thấy mảnh vườn mang đầy cây trái của Việt Nam mà một Việt kiều xa xứ đã trồng nơi đất khách.

Bộ sách du kí ba tập của Phan Quang đưa ta đến rất nhiều vùng đất khác nhau. Mỗi địa danh lại mang trong mình một câu chuyện văn hóa mang bản sắc riêng. Tác giả “mượn cớ” những chuyến đi để kể những câu chuyện văn hóa mà mình tâm đắc. Là một người đọc nhiều, đi nhiều, am hiểu văn hóa một cách sâu sắc và tường tận, Phan Quang đã khai quật từng lớp “trầm tích” văn hóa cổ xưa để người đọc thấy được vẻ đẹp cuả thiên nhiên - đất nước - con người những nơi ông đã từng đặt chân đến, đồng thời cho bạn đọc thấy được biến chuyển khôn lường cuả thời cuộc. Trong những trang viết của ông, chất văn học, chất báo chí, chất văn hóa - lịch sử như hòa quyện, thấm đẫm vào nhau, chúng không bài trừ, lấn át lẫn nhau mà bổ sung cho nhau một cách thật tinh tế.

Phan Quang sinh năm 1928 tại Quảng Trị, ông bắt đầu viết báo từ năm 17 tuổi bằng việc đưa tin chiến trường. Là lớp nhà báo đầu tiên trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, gần 70 năm cầm bút, thời gian và những thử thách, biến động của lịch sử đã tôi rèn ngòi bút của Phan Quang đến độ lão luyện.

Không chỉ là một nhà báo, ông còn là một người quản lí báo chí. Phan Quang đã từng giữ chứcVụ trưởng Vụ Báo chí  Ban Tuyên huấn TW, Thứ trưởng bộ Thông Tin, giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa VII, IX, X. Ở bất cứ cương vị nào ông cũng đều làm việc với tất cả lòng say mê cống hiến và sự tận tụy hiếm có. Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn miệt mài với công việc, vẫn viết sách, biên soạn và dịch nhiều tài liệu quý về văn hóa từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.                                    

Quỳnh Anh

Tin nổi bật