Người cao tuổi có thể tạo 'thị trường bạch kim'

(ICTPress) - "Khi người cao tuổi đảm bảo được thu nhập hay có tiết kiệm, thậm chí có thể tạo được 'thị trường bạch kim'.

Đó là khẳng định của bà Ritsu Nacken - phó Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Hà Nội, ngày 7/12.

Tại Hội thảo "Giải pháp Sáng tạo Thúc đẩy Hòa nhập dành cho Người Khuyết tật và Người Cao tuổi", do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp cùng Cục Bảo trợ Xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, và UNFPA tổ chức ngày 7/12, bà Ritsu Nacken cho biết: "Người cao tuổi là người có ích chứ không phải là gánh nặng hay tốn kém cho xã hội. Chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi quá muộn bằng cách quy hoạch và xây dựng hệ thống bảo vệ, chăm sóc thích hợp cũng như cung cấp các hỗ trợ kịp thời, phát triển kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi. Khi người cao tuổi đảm bảo được thu nhập hay có tiết kiệm, thậm chí có thể tạo được' thị trường bạch kim', giống như chúng ta thấy ở một số nước có dân số siêu già”.

Theo thống kê, người cao tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người khuyết tật và thường là đa khuyết tật nguyên nhân chính là do sự giảm thiểu các chức năng hoạt động của con người và một số bệnh của người cao tuổi. Già hóa dân số là một trong những xu hướng có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21, có tác động mạnh mẽ đến rất nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế và xã hội của các quốc gia, trong đó có cả các nước với dân số trẻ như Việt Nam.

Xu hướng già hóa dân số đã bắt đầu xảy ra tại Israel từ 2009. Việt Nam là một trường hợp khá đặc biệt vì hiện nay đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, đồng thời tốc độ già hóa dân số rất nhanh (10% dân số là người cao tuổi). Bởi vậy, việc đặc biệt quan tâm đến đối tượng người cao tuổi là rất cần thiết.

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: “Mục đích của Hội thảo là nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Israel trong việc giải quyết nhu cầu của người khuyết tật thông qua các mô hình xã hội và công nghệ tiên tiến và để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện Công ước Quốc tế về các Quyền của Người khuyết tật (CRPD)”.

Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Đây là kết quả thực hiện quyền của người khuyết tật trong những năm qua.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết: Việt Nam có một hệ thống chính sách, pháp luật toàn diện đối với người khuyết tật và người cao tuổi, đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, người cao tuổi. Chính sách pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi đã tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật, người cao tuổi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Tại Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi được bảo đảm ngày càng tốt hơn thông qua việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án về người cao tuổi qua những năm. Luật Người cao tuổi đã được các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và cán bộ trực tiếp thực hiện chính sách tại các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Đồng thời có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Việc thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ trực tiếp thực hiện chính sách, tạo được sự đồng tình ủng hộ cao trong nhân dân và người cao tuổi. Các quy định của Luật  Người cao tuổi nhìn chung đã đi vào cuộc sống và có tác động tích cực trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

Ông Ahiya Kamara là một người khiếm thị khiếm thính thuyết trình tại Hội thảo.

Đặc biệt, ông Ahiya Kamara - Chủ nhiệm Ủy ban về các quyền bình đẳng của Người khuyết tật Israel đã có bài thuyết trình với chủ đề Hòa nhập: Thúc đẩy quyền bình đẳng của người khuyết tật tại nước Israel. Ông Kamara cũng là một người khiếm thị và khiếm thính. Trong nhiều năm vừa qua, ông đã có những đóng góp không ngừng nghỉ trong quá trình đấu tranh vì quyền lợi của người khuyết tật Israel.

 BJ

Tin nổi bật