Ngày ấy…nước Nga

Ngày ấy, những năm 1980, các rạp chiếu phim ở Hà Nội nổi đình nổi đám bởi bộ phim “Matxcơva - tình yêu của tôi”. Bộ phim nói về tình yêu của một cô gái Nhật bản với một chàng trai Matxcơva. Phim có những đoạn diễn xuất bằng mắt thể hiện nội tâm rất xuất sắc, nhưng cứ đến cảnh hai nhân vật sắp hôn nhau thì màn hình bỗng lằng nhằng chẳng hình gì ra hình gì. Hết lằng nhằng thì các nhân vật đã áo quần chỉnh tề ngồi ngay ngắn như trong một hội thảo khoa học hay nghiêm túc như đang họp chi bộ. Cái cách cắt bớt cảnh quay được quy là nhạy cảm đó càng làm tình yêu và đất nước Nga xa xôi trở nên hấp dẫn hơn, khiến người ta sôi sục sự tò mò đam mê.

Ngày ấy, cuối tháng 11 năm 1990, lần đầu tôi đặt chân đến Matxcơva. Sự háo hức của chuyến xuất ngoại đầu tiên khiến tôi không cảm thấy rét vào buổi sáng sớm ấy, khi tuyết trắng dày đặc trên con đường từ sân bay Seremechevo 2 về thành phố.

Ngày ấy, nơi tôi đến là Liên xô, cách gọi tắt của Liên bang xô viết. Khi đó việc đi lại giữa bất cứ nơi nào trong liên bang cũng không cần đến visa. Rồi những thăng trầm lịch sử sau đó đã khiến Liên xô chia tách thành 15 nước cộng hòa độc lập. Nước Nga là một trong số 15 đó và là nước lớn nhất, nên giờ đây ký ức về nước Nga là ký ức về Liên xô đối với hầu hết những người đã từng học tập và sinh sống ở đó.

Ngày ấy, Việt nam đã tiến hành đổi mới được mấy năm, đã hết cảnh xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm, mua chất đốt. Cảnh tượng xếp hàng đã lùi hẳn vào ký ức bởi ai nấy đều muốn quên đi những ngày vất vả tốn rất nhiều thời gian cho những thứ rất ít giá trị. Sang đến nước Nga, tôi gặp lại những hàng dài dằng dặc những người chờ mua mấy chiếc bánh mì rồi sang cửa hàng khác tiếp tục xếp hàng mua vài bao thuốc lá. Lĩnh lương: xếp hàng;  mua vé máy bay, tàu xe: xếp hàng; mua bất cứ thứ gì ở cửa hàng quốc doanh: xếp hàng…

Ngày ấy đến nước Nga, có rất nhiều điều để tôi học hỏi nhưng có một điều tôi chả muốn học tý nào - đó là xếp hàng. Mặc dù văn hóa xếp hàng của người Nga rất văn minh lịch sự, những hàng dài người đợi chờ trong kiên nhẫn, im lặng và trật tự, không chen lấn xô đẩy. Tuy vậy, dẫu không muốn thì tôi cũng vẫn phải xếp hàng bởi bánh mì chỉ bán trong cửa hàng quốc doanh, và ai có thể không ăn mà sống? Trong lúc xếp hàng tôi phát hiện ra điều thú vị là người Nga rất thích đọc sách. Họ đọc sách ngay cả lúc xếp hàng mua bánh mì. Cái cách bình thản đọc sách trên tàu điện ngầm cũng là nét văn hóa rất riêng của người Nga, dường như đó là công việc đặc biệt phù hợp để không lãng phí thời gian.

Các ga tàu điện ngầm ở Matxcơva là niềm đam mê của tôi bởi mỗi nhà ga là một công trình tráng lệ với thiết kế độc đáo riêng biệt. Nhiều nhà ga có kiến trúc như những cung điện ngầm dưới lòng đất với không gian hoành tráng, những phù điêu và họa tiết đẹp hoàn hảo đến từng milimet, những chùm đèn pha lê mạ vàng lộng lẫy tỏa ánh sáng rực rỡ đến những bức tường ốp đá hoa cương trang nhã, sàn và bậc thang bóng loáng...Các nhà ga tàu điện ngầm ở Matxcơva vẫn là niềm đam mê của tôi đến mãi sau này. Mỗi khi đi công tác hay du lịch bất cứ thành phố nào ở đất nước nào thì tôi đều cố thực hiện một chuyến du hành trên tàu điện ngầm của thành phố đó (điều này thường là không có trong chương trình công tác hay tour du lịch) để có thể so sánh chúng với các ga tàu điện ngầm Matxcơva. So sánh để rồi thấy chả có ga tàu điện ngầm ở nơi đâu đẹp như ga tàu điện ngầm Matxcơva.

Ga tàu điện ngầm ở Matxcơva

Nước Nga ngày ấy trong tôi là những chùm hoa Siren trắng tím tỏa hương thơm ngào ngạt bên ngoài cửa sổ ký túc xá mỗi dịp tháng 5, là những đêm trắng ở San Petecbua tháng 6. Món súp táo đồi Lê nin là sản phẩm của những chiều tháng 7 ham chơi quên xếp hàng mua rau. Tháng 8 và tháng 9 là khoảng thời gian đằm thắm nhất trong năm với sắc vàng rực rỡ đã gợi cảm hứng cho họa sĩ Levitan và cho bất cứ ai đến nước Nga.

Lá cây cứ rụng dần trong tháng 10. Sang đến tháng 11 thì chỉ còn trơ trụi các cành cây. Chỉ đến năm giờ chiều là bóng tối đã mon men lan tỏa. Khoảng thời gian này chúng tôi chỉ chăm chú đến trường rồi về nhà, bởi cuối tháng 10 và đầu tháng 11, tuyết chưa kịp rơi mà những thảm lá vàng quyến rũ của mùa thu thì đã biến mất. Nhưng đừng bỏ lỡ những cuộc dạo chơi thú vị khi tuyết đầu mùa vừa rơi xuống. Tôi luôn nhớ cái cảm giác trong trẻo đến kỳ lạ của  những bông tuyết đầu mùa và cảm ấy nó ấm khi cái rét tê rét tái của băng giá tháng 12 và tháng 1 chưa kịp ập đến.

Những tấm áo lông to sù sù là kiểu trang phục hợp lý nhất khi ra đường cho khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước cho đến tận tháng 3 năm sau. Thời tiết dần ấm lên vào cuối tháng 3 và sang tháng 4. Nhưng khi tuyết tan là lúc đường rất bẩn và trơn. Đừng vội vã từ bỏ cái áo lông, bởi nếu bị trượt ngã thì nó giúp ta đỡ đau hơn, đó thực sự là người bạn tốt trong những tháng ngày rét mướt khó khăn. Vị thần tháng 4 lấp ló xuất hiện trên những cành cây khẳng khiu khi những mầm cây xinh xắn như những chú bé con trước giờ tan trường chỉ chờ hiệu lệnh là túa ra mơn mởn. Rồi tháng 5 với những chùm hoa Siren mong chờ đang quay trở lại…

Nước Nga ngày ấy là nỗi nhớ trong tôi mỗi khi tìm nhà ga tàu điện ngầm ở những thành phố xa lạ để so sánh với ga ở Matxcơva. Nước Nga ngày ấy là bản nhạc “Chiều Matxcơva” trình diễn trên đường phố Hensinki với nỗi niềm xa xứ hoài nhớ cố hương cùng nét tài hoa bạc phận của một nhạc công Nga từng được đào tạo bài bản. Nước Nga ngày ấy là khi đứng ở vịnh Phần lan, tôi cứ dõi nhìn mãi về phía Đông, nơi cách đó mấy trăm km sóng biển là cố đô San Petecbua, nhìn cho đến khi nỗi nhớ chợt đọng thành giọt trong khóe mắt. Nhớ quá, nước Nga ơi!

Hiền Minh

Tin nổi bật