“Một nửa sự thật”: cuốn sách nói rõ hơn về giả thuyết “enzyme diệu kỳ”

Chiều 22/2/2022 đã diễn đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến: “Một nửa sự thật”- Nhận định về nhân tố enzyme của BS Hiromi Shinya” do Thương hiệu Sách và Tri thức y học MedInsights kết hợp cùng Dự án Y học cộng đồng tổ chức.

Chương trình có sự tham gia chia sẻ của ThS quản trị chất lượng chuyên sâu về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành; TS. BS Trần Phạm Chí- Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện TW Huế và TS- BS Phạm Nguyên Quý- Bác sĩ chuyên khoa ung thư nội khoa Bệnh viện TW Kyoto Miniren, Nhật Bản. Ba diễn giả của hội thảo đồng thời cũng là tác giả cuốn sách “Một nửa sự thật” vừa ra mắt độc giả trong tuần qua.

Cuốn sách có thể gây ảnh hưởng đến độc giả

Mở đầu chương trình, ThS Vũ Thế Thành, là tác giả đóng góp nhiều nhất nội dung trong cuốn sách “Một nửa sự thật” cho biết tại sao ông lại có ý định “rủ” hai BS Trần Phạm Chí và Phạm Nguyên Quý viết ra cuốn sách, cũng như chia sẻ với độc giả thông điệp chính của “Một nửa sự thật”.

ThS. Vũ Thế Thành cho biết, ông biết đến cuốn sách “Nhân tố enzyme” nổi tiếng của BS Shinya từ lâu, và nhận thấy cuốn sách có nhiều tri thức khoa học không chính xác, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến độc giả. Tuy nhiên đến khi buộc phải cách ly vì dịch bệnh Covid, thấy thương người dân đã khổ lại còn khổ hơn vì những kiến thức chữa bệnh không có cơ sở, gây tốn tiền mà không mang lại nhiều hiệu quả được lan truyền tin tưởng trong cộng đồng, ông quyết định dành thời gian đọc kỹ 2 cuốn sách của BS Hiromi Shinya và “rủ” hai người bạn là TS- BS Trần Phạm Chí - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện TW Huế và TS- BS Phạm Nguyên Quý- Bác sĩ chuyên khoa ung thư nội khoa Bệnh viện TW Kyoto Miniren, Nhật Bản cùng viết cuốn sách.

Thông điệp chính mà các tác giả cuốn sách “Một nửa sự thật” muốn truyền tải đến độc giả là: họ không phản đối giả thuyết cũng như phương pháp ăn uống của BS Shinya. Tuy nhiên, để đề cao phương pháp của mình BS. Shinya đã đi hạ thấp một số loại thực phẩm khác với những dẫn chứng khoa học không xác đáng là điều không đúng.

Bên cạnh đó, việc BS. Shinya khẳng định phương pháp ăn uống của ông có thể chữa được nhiều bệnh tật, trong đó có những bệnh gai góc như ung thư, và khuyến khích độc giả tuân theo phương pháp ăn uống của mình để chữa bệnh là điều “không chấp nhận được”.

Bởi thực tế thực phẩm có vai trò cung cấp dinh dưỡng và có thể giúp phòng bệnh cho cơ thể (ở mức độ nào thì khoa học còn đang nghiên cứu); nhưng nói thực phẩm có tác dụng trị bệnh thì đó là thông tin không có cơ sở khoa học. Khi quá tin tưởng và thực hành theo phương pháp ăn uống (và ăn uống để chữa bệnh) của BS Shinya trong thời gian dài, độc giả nhẹ thì gặp một số rối loạn về sức khỏe; nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như đánh mất cơ hội chữa trị bệnh tốt nhất của bản thân hoặc người thân.

“BS Shinya đã dùng 50% cái đúng để biến 50% cái sai thành đúng, gây ra nhiều hoang mang, thậm chí ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của độc giả. Và trong “Một nửa sự thật” chúng tôi sẽ chỉ ra cho độc giả thấy rõ điều đó.” ThS Vũ Thế Thành cho biết.

Nói rõ hơn về giả thuyết “enzyme diệu kỳ”

Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn, các tác giả đã giải thích ngắn gọn về enzyme, cơ chế hoạt động của enzyme cũng như giả thuyết “enzyme diệu kỳ” của BS Shinya. Theo đó, các diễn giả đều thống nhất quan điểm: giả thuyết ăn uống theo phương pháp Shinya - giúp cơ thể tạo ra một loại enzyme gốc diệu kỳ, để khi cần cơ thể có thể chuyển biến thành loại enzyme nó cần – là giả thuyết hấp dẫn nhưng không có bằng chứng khoa học xác đáng, tin cậy. Đáng tiếc nó lại được BS Shinya thuyết phục độc giả bằng cách diễn đạt khéo léo trong cuốn sách của mình.

Tiếp mạch chia sẻ, ThS. Vũ Thế Thành đưa ra ví dụ cho các độc giả chưa có cơ hội đọc cuốn sách “Một nửa sự thật” về một số loại thực phẩm bị BS Hiromi hạ thấp như sữa bò, trà xanh, muối tinh, đường trắng, dầu ăn… Khoa học khẳng định chất béo trans (trans fat) có hại cho cơ thể. WHO ước tính mỗi năm có khoảng 500.000 người chết vì động mạch vành liên quan trans fat. BS Shinya cũng cảnh báo chất béo trans là có hại. Tuy nhiên, ông cho rằng đa số dầu ăn trên thị trường đều có chất béo trans, và khuyên mọi người nên dùng các thực phẩm thay thế đắt tiền khác. 

ThS. Thành cho biết: Điều này là hoàn toàn không đúng vì muốn tạo ra chất béo trans trong dầu ăn thì người ta phải bơm khí hydrogen vào dầu cùng chất xúc tác. Loại dầu này sau đó sẽ được chuyển thẳng đến các cơ sở chế biến thực phẩm để làm magarine, shortening, bánh cookie, snack… “Dầu tinh luyện trên thị trường có lượng chất béo trans không đáng kể. BS Shinya không hiểu quy trình sản xuất dầu tinh luyện nên nói bừa, làm hoang mang các bà nội trợ”.

Về quan điểm cho rằng phương pháp ăn uống Shinya có thể giúp chữa bệnh, BS. Trần Phạm Chí chia sẻ: Nhiều điều được BS Shinya chia sẻ là không có chứng cứ khoa học và không hợp lý. Ví dụ ông ấy cổ vũ người bệnh dùng chế độ ăn kích thích phát triển enzyme diệu kỳ để điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng. Thực tế, để điều trị hiệu quả căn bệnh này, chế độ ăn chỉ là phương pháp bổ trợ bên cạnh các thuốc điều trị chính thống, đứng đầu là nhóm thuốc kháng tiết. Hoặc chuyện BS Shinya khuyến khích người bệnh sử dụng nước café để thụt tháo mỗi ngày là vô cùng có hại. Vì nếu làm theo cách này, thì lâu dần có thể khiến các cơ hậu môn mất hẳn chức năng của mình, gây hại khôn lường cho cơ thể…

Với tư cách là một bác sĩ chuyên ngành ung thư, TS. BS. Phạm Nguyên Quý cho biết ông cũng “té ngửa” về các quan điểm của BS Hiromi Shinya trong việc coi các loại thuốc chống ung thư không khác gì thuốc độc giết người và khuyên người bệnh “tốt nhất là không dùng”. “Thực tế, BS Shinya không phải là bác sĩ chuyên khoa hóa trị nên không hiểu lợi ích của hóa trị trong nhiều tình huống thực tế. Ông cũng không được cập nhật những tiến bộ hóa trị so với 20 năm trước; đồng thời quá cực đoan về tác dụng phụ của hóa trị vì xem enzyme là yếu tố độc tôn và cho rằng mọi loại hóa trị đều phá hủy enzyme… Quan điểm này sẽ làm nhiều người bệnh tự động từ chối hóa trị sau mổ, trong khi nó có thể lại là phương thức giúp ngăn ngừa tái phát tốt nhất và cải thiện thời gian sống trong nhiều tình huống ung thư”.

Điều đáng nói nữa, bên cạnh nguy cơ có thể tạo ra ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe người đọc/người tuân theo phương pháp ăn uống Shinya, các quan điểm của bác sĩ Hiromi Shinya còn giúp nhiều cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) có cơ hội vin vào các quan điểm của ông để thổi phồng tác dụng của sản phẩm, khiến người bệnh quá tin vào những điều không có thật, không chỉ tiêu tốn nhiều tiền của vào việc mua và sử dụng những TPCN này, mà còn lơ là/đánh mất cơ hội chữa bệnh hiệu quả thực sự. Đây cũng là vấn đề được ba diễn giả, tác giả chia sẻ trong cuốn sách “Một nửa sự thật” cũng như tại buổi hội thảo.

Về vấn đề này, BS Phạm Nguyên Quý cho biết: Tại Nhật, đa phần bệnh nhân đều lựa chọn việc đến các cơ sở y tế để chữa trị chính thống; chỉ có những người bị bệnh nan y, hết cách thì mới tìm đến TPCN. Khách hàng mua TPCN tại Nhật đa số là người Trung Quốc và người VN. Tại VN có thể do hệ thống y tế quá tải, nên người dân thường tự mua TPCN để phòng bệnh, chữa trị; cá nhân tôi cho rằng việc này cần phải được tác động để thay đổi, vì việc dùng TPCN thường chỉ chữa trị  phần ngọn và khiến người bệnh vừa tốn tiền, vừa không được chữa trị hiệu quả.

Câu hỏi đặt ra là: có hay không sự phản biện của các bác sĩ, người làm khoa học ở Nhật với cuốn sách “Nhân tố enzyme”. Với câu hỏi này, BS Phạm Nguyên Quý chia sẻ: Rất nhiều các bác sĩ ở Nhật đều cho rằng nội dung cuốn sách “Nhân tố enzyme” là không đáng tin cậy (nếu không muốn nói là điên khùng). Nhưng đáng tiếc là nhiều người tin vào nó. Đáng tiếc hơn, bản tính người Nhật không thích ồn ào, nên ít người dành thời gian, công sức và năng lượng để viết phản biện nó.

Về phần mình, ThS Vũ Thế Thành cũng cho biết: phản biện là một công việc tốn nhiều công sức và năng lượng. Tuy nhiên càng ngày ông và hai tác giả càng không thể nhắm mắt làm ngơ trước những tác hại bất lợi của cuốn sách “Nhân tố enzyme” với sức khỏe của nhiều người dân Việt Nam, nên họ đã quyết định dành tâm sức để viết ra cuốn sách “Một nửa sự thật”, cũng như sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hội thảo để giới thiệu cuốn sách, trao đổi những kiến thức khoa học hữu ích thật sự cho người dân quan tâm.

Hội thảo “Một nửa sự thật”- Nhận định về nhân tố enzyme của BS Hiromi Shinya” sôi nổi với rất nhiều câu hỏi được độc giả gửi đến ngay từ khi đăng ký tham gia chương trình cũng như trong toàn bộ thời gian diễn ra chương trình.

ND

Tin nổi bật