Holocaust 2018: "Cứu một người phúc đẳng hà sa"

(ICTPress) - Đây là thông điệp của ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của Holocaust 27/1/2018.

Ngày 27/1 hàng năm đã được Đại hội đồng Liên hợp Quốc chỉ định dành là ngày quốc tế thường niên để tưởng niệm các nạn nhân của Holocaust (sự tàn sát xấp xỉ 6 triệu người Do Thái trên khắp châu Âu trong thế chiến II bởi Đức Quốc xã và đồng minh).

Tưởng niệm Holocaust đã trở thành một sự kiện thường niên, có tính chất tiếp nối và lâu dài của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam. Năm nay, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán cộng hòa Séc tại Hà Nội và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội tổ chức lễ tưởng niệm Holocaust với thông điệp "Cứu một người phúc đẳng hà sa".

Tại buổi tưởng niệm, khách mời đã được thưởng thức bộ phim tài liệu đã đạt giải EMI với tựa đề "Nicolas Winton - Sức mạnh của lòng tốt". Bộ phim là lời kể của một người đàn ông- trước đó là 1 trong số 669 người được ngài Nicolas Winton cứu giúp trong thời kỳ Holocaust cũng như lý do ông giữ kín bí mật về câu chuyện này trong suốt nhiều năm qua.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar đã gửi tới bạn bè Việt Nam thông điệp: "Holocaust là một khoảng tối trong lịch sử nhân loại - khoảng thời gian người Do Thái bị hành hạ, sống lưu vong và hành quyết. Tuy nhiên, ngay cả trong khoảng khắc đen tối nhất đó vẫn lóe lên tia sáng của tình người và lòng trắc ẩn - chẳng hạn như ngài Nicolas Winton, những người sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy để cứu sống người khác và khẳng định đức tin mạnh mẽ vào lòng tốt của con người".

Tại sao chúng ta phải dạy và học về Holocaust?

Trong bài phát biểu đầy xúc động tưởng niệm những nạn nhân Holocaust tại trường Đại học KHXH&NV, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Vitezslay Grepl nhấn mạnh Holocaust là một bi kịch không thể diễn tả bằng lời, nó đã làm cho số phận của hàng triệu con người vô tội trở nên vô cùng bi đát và nghiệt ngã chỉ vì "tội ác" hoặc "sự bất hạnh của họ" đó là sinh ra là người Do Thái.

Theo đó, Đại sứ đặt câu hỏi tại sao chúng ta nhấn mạnh đến chủ đề mà dường như nó đã quá đỗi quá xa vời trong lịch sử và thậm chí quý vị có thể thấy nó không có liên quan gì đến thế kỷ 21. Và tại sao chúng ta phải dạy và học về Holocaust khi đã có rất nhiều ví dụ khác nói lên sự đau khổ của con người trong lịch sử loài người? Tại sao chúng ta phải dạy và học về Holocaust, trong khi các tội ác chống lại nhân loại mới đây là những chủ đề luôn hiện diện trong các bảng tin tức hàng ngày?

Đại sứ bày tỏ luôn tin tưởng rằng sự hiểu biết cặn kẽ và đầy đủ về một hình thức diệt chủng có tính hệ thống như Holocaust, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những loại diệt chủng, hành động tàn ác và vi phạm nhân quyền khác. Sự hiểu biết về Holocaust có thể hỗ trợ chúng ta hình thành ý thức phát giác các nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo về những yếu tố gây bạo lực lên con người và hành động diệt chủng.

Với sự  thấu hiểu và nhận thức rõ ràng như vậy, Đại sứ cho biết chúng ta có thể xây dựng các chính sách, chiến lược và chương trình nhằm chống lại những hành động tàn bạo này. Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể xác định được những mối nguy hiểm mới và kìm hãm những con quỷ hận thù và sự tàn ác, trước khi chúng cố gắng chế ngự chúng ta một lần nữa.

Đại sứ hy vọng rằng sau sự kiện ngày hôm nay, nhiều người có thể sẽ dần thay đổi tư duy từ một người luôn đứng ngoài cuộc sang một người có nhận thức tích cực. 

Minh Anh

Tin nổi bật