Hãy chăm sóc mẹ trước khi quá muộn

Đọc quyển sách này xong tôi thấy buồn kinh khủng. Xấu hổ ghê lắm! Lúc đọc, tôi thương người mẹ ấy nhiều, nhưng tôi không khóc. Tôi khóc khi nghĩ về mẹ tôi...

Tôi yêu mẹ tôi nhiều lắm! Chắc chắn là như vậy, và tôi cũng hay nói thế trong những bài tập làm văn của mình. Nhưng từ khi đọc xong câu chuyện “Hãy chăm sóc mẹ” của một tác giả người Hàn Quốc mà tôi chẳng bao giờ đọc nổi tên - Shin Kyung Sook, tôi mới nhận ra rằng, tôi chưa bao giờ thực sự quan tâm đến mẹ.

Tôi đã dự định sẽ đọc hết cuốn sách ấy từ vài tháng trước nhưng đến bây giờ mới xong. Có một thời gian, tôi quên bẵng nó đi và đến lúc đọc tiếp thì không nhớ mình đã đọc những gì, thế là lại đọc từ đầu!

Mất hai ngày để tôi đọc xong, nhưng lâu thế không phải vì tôi bị khó đọc, mà vì tôi suy nghĩ nhiều. Tôi nghĩ về hai người  mẹ: người mẹ trong quyển sách ấy và mẹ tôi.

Tên tác phẩm là “Hãy chăm sóc mẹ” – nghe thật đơn giản nhưng ý nghĩa của nó lại chẳng hề giản đơn. Nó giống như một lời nói nhẹ nhàng, tha thiết, chứa đựng sự nuối tiếc, ân hận của người con đã bỏ lỡ cơ hội để được chăm sóc mẹ của mình. Trong đầu tôi đã hiện lên nhiều câu hỏi ngay từ khi đọc dòng đầu tiên của tác phẩm: “Mẹ bị lạc đã một tuần”. Hóa ra, bà mẹ bị lạc khi tuột tay bố giữa sân ga đông người khi trên đường lên thăm những người con sống ở một thành phố rộng lớn, hiện đại và đông đúc. Cả nhà đăng một bản thông báo tìm người lạc với đầy đủ ngày tháng năm sinh, ngoại hình, quần áo, địa điểm lạc và cả số tiền hậu tạ nữa.

Trong mắt những người con, mẹ luôn “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống”. hay là “tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao…”, tấm ảnh đăng trên thông báo mà cả gia đình chật vật mãi mới tìm được cũng cho thấy người mẹ rất sang trọng. Vậy mà, người qua đường chỉ thấy “một bà già lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường ray đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn…”.

Tôi cảm thấy hổ thẹn cho những người con trong câu chuyện ấy. Họ quá ích kỷ và vô tâm, không nhận thấy những thay đổi của mẹ qua tháng năm, những nỗi đau mẹ phải chịu đựng từ căn bệnh nghiệt ngã. Từng câu văn trong truyện như chính sự trải lòng của tác giả, của bất kỳ người con nào trên đời đã không trân trọng những giây phút ở bên cha mẹ mình.

Người mẹ ấy đi lạc, với căn bệnh của mình, bà không thể nhớ rõ mọi thứ như bình thường. Thật khó khăn cho bà khi một mình lang thang trên thành phố - một nơi bà ít khi tới. Dù người mẹ ấy không nhớ gì nhưng bà vẫn nhớ từng bước trên cuộc đời của con mình, nơi ở đầu tiên của con - nơi mà chính những người con ấy đã lãng quên từ lâu. Mẹ đi lại cũng là “cơ hội” cho gia đình của bà tìm lại những kí ức nhạt nhòa về người mẹ - người vợ - người phụ nữ đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ lặng lẽ đứng ở một góc nhỏ trong cuộc đời mọi người. Người con trai cả tự sỉ vả mình vì không đến ga đón bố mẹ, người con gái bỗng nhớ ra mình vẫn còn đang lật vài trang sách ở hội chợ khi mẹ mất tích ở ga hỗn loạn; người chồng với những tội lỗi và niềm ân hận sẽ chẳng bao giờ bù đắp được.

Họ lục lọi trong sâu thẳm tâm hồn mình, mong tìm được một kỉ niệm  về người phụ nữ thân yêu nhất của mình.

Tôi thấy mẹ tôi giống người mẹ trong tác phẩm này lắm! Không phải vì mẹ tôi không biết đọc, mẹ tôi ngày trước học giỏi, có công việc tốt nhưng mẹ thôi việc để ở nhà chăm con. Nhưng hồi tôi bé, mỗi khi tôi hỏi sao mẹ không làm cả hai việc, mẹ chỉ bảo mẹ lười và sợ mệt. Mẹ tôi giống người mẹ ấy ở điểm khác.

Đầu tiên, mẹ luôn yêu mấy chị em tôi bằng tình yêu hoàn hảo, cao cả nhất. Mẹ nhắc nhở tôi từng chút một. Nhiều lúc tôi cũng làm mẹ bực lắm, vì tôi là con gái nhưng lười tắm, lười học, lười làm việc nhà. Mẹ tôi cũng không thích ở trong bếp nhưng luôn dành đến cả nửa ngày ở đó để nấu nướng cho cả nhà. Mẹ không thích chụp ảnh nhưng thích xem ảnh. Ảnh gia đình, ảnh tôi đi chơi… mẹ giữ hết.

Đọc quyển sách này xong tôi thấy buồn kinh khủng. Xấu hổ ghê lắm! Lúc đọc, tôi thương người mẹ ấy  nhiều, nhưng tôi không khóc. Tôi khóc khi nghĩ về mẹ tôi. Tôi thấy mình sao giống những người con trong câu chuyện thế. Sao mà mình vô tâm quá! Nhớ những lần tôi làm mẹ buồn, đau lòng biết bao; những lần tôi làm mẹ rơi nước mắt. Mà nước mắt có đâu vì hạnh phúc mà chỉ toàn nỗi buồn thôi.

Tôi nhận ra, suốt bao lâu nay, tôi không hề biết mẹ thích màu gì, thích loại hoa gì, thích ăn món gì… Trong khi đó, mẹ là người hiểu tôi nhất. Chưa bao giờ tôi nói “con yêu mẹ” mà chỉ hét lên “con ghét mẹ” mà thôi. Qua tác phẩm này, tôi nhận ra mình thật vô tâm, ích kỷ và nhạt nhẽo quá. Những hành động của tôi cho tôi thấy: tôi không yêu mẹ nhiều như suy nghĩ, tôi chưa từng quan tâm đến mẹ nhiều như đáng lẽ tôi phải quan tâm.

Trong cuộc đời mỗi người, luôn có một nơi gọi là “nhà”. Đó là nơi bố mẹ dang rộng vòng tay, chào đón ta trở về.

Nhưng nhiều khi những người con vô tình đi ngang qua mà chẳng bao giờ ngoái lại.

Bạn ơi, hãy chăm sóc mẹ!

 Nguyễn Hồng Anh

Lớp 9H1, THCS Trưng Vương-HN

Nguồn: Báo Phụ nữ Thủ đô

Tin nổi bật