Gò Nổi - Vùng địa linh nhân kiệt

(ICTPress) - Chúng tôi đến thăm vùng đất anh hùng Gò Nổi trong không khí tưng bừng của ngày chiến thắng lịch sử 30/4. Những con đường quê rợp bóng cờ đỏ như tô thắm lên vùng đất một thuở oai hùng đang xanh tươi một màu bất tận. Những gương mặt đôn hậu và nụ cười hiếu khách là lời chào của người dân Gò Nổi gởi đến du khách. Hai bên đường làng, mùi ngô khô thơm lựng hòa quyện trong hơi cay nồng của ớt. Dòng sông hiền hòa uốn lượn, vỗ về bên những đám dâu tằm sum sê xanh nghít.

Hai bên đường mùi ớt cay nồng

Gò Nổi được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt của đất Quảng Nam, gồm 3 xã cù lao Điện Trung, Điện Phong, Điện Quang thuộc huyện Điện Bàn. Trên một diện tích không rộng lớn nhưng dày đặc những tên người, tên đất in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa. Nói vùng địa linh nhân kiệt bởi nơi vùng đất cù lao nắng gió này đã sinh ra rất nhiều vị danh nhân, trong đó số người được đặt tên đường (mà tác giả biết) đã hơn con số 15. Lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng và lịch sử đấu tranh cách mạng Khu V cũng dành một phần không nhỏ để nói về Gò Nổi.

Cư dân Gò Nổi vốn đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIV do người Việt từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào khai cơ, lập nghiệp. Theo các cụ cao niên kể lại thì lúc đó, những người vâng lệnh triều đình trong quá trình Nam tiến đã vào nam bằng đường biển. Khi đến Cửa Đại (Hội An) họ nhận thấy đây là một cửa biển rộng lớn, nhìn về hướng tây là dòng sông Thu Bồn hiền hòa trải dài trên vùng đồng bằng phì nhiêu vào loại bậc nhất của miền Trung. Những cư dân này đã ngược chèo dòng Thu Bồn thì bắt gặp vùng Gò Nổi với tứ bề sông nước bao quanh một cù lao phù sa màu mỡ. Do vậy, họ quyết định dừng lại ở đây để khai cơ lập nghiệp. Từ đó, sinh sôi nảy nở ra những bậc hiền tài cho đất nước.

Gò Nổi là vùng được bao bọc bởi 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá; cũng là nơi bắt đầu của sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén nên bão lũ thường đe doạ, làm thiệt hại và gây nhiều khó khăn đến đời sống. Tuy nhiên, ở vùng đất có nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, trồng bông, dệt vải và nghề sản xuất đường bát nổi tiếng một thời này người dân vẫn có nghị lực phi thường để vượt qua hững hà khắc của thiên nhiên mà không ngừng vươn lên phát triển.

Di tích vụ thảm sát Lò Gạch Trừng Giang

Không có con số thống kê cụ thể nhưng điều có thể dễ thấy là hiền tài đất Quảng Nam qua bao đời thì Điện Bàn chiếm phần lớn, nhưng nhiều nhất vẫn là vùng Gò Nổi. Dường như nơi đâu cũng bắt gặp dấu xưa của những nhân kiệt đã làm rạng danh xứ Quảng, tô thắm non sông đất Việt. Có thể kể ra đây một vài tấm gương tiêu biểu:

Hoàng Diệu, vị phó bảng học rộng tài cao, vị Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành; Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sỹ; Chí sỹ Trần Cao Vân, với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân vang động trong cả nước; Danh thần triều Nguyễn - Lê Đình Đỉnh, nhà ngoại giao tài ba và là thân sinh của y sỹ, liệt sỹ Lê Đình Dương cùng bác sỹ, cư sỹ Lê Đình Thám; Lê Đình Dương (1884 - 1916) là đảng viên Việt Nam Quang phục hội. Ông bị thực dân Pháp bắt, lưu đày ở Khánh Hoà rồi Buôn Mê Thuột và mất tại đây.

Nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh. Ông là đại biểu lỗi lạc của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Viện Dân biểu Trung kỳ khoá III (1938-1939); Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công An) đầu tiên của Việt Nam; Nguyễn Thị Bình - nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992 - 2002); Nữ Anh hùng Trần Thị Lý - người con gái Việt Nam; Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân; Nguyễn Trọng Nghĩa - một Phan Đình Giót của miền Nam; Hay Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà phê bình văn học nổi tiếng Lê Đình Kỵ; Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Phê; các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng... suốt đời tận tụy vì sự nghiệp trồng người cũng được sinh ra từ Gò Nổi.

Phạm Thâm là người đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở Điện Quang vào những năm trước 1930. Tháng 8/1930, đồng chí là Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam. Tháng 10/1930 Đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà lao Hội An. Sau khi ra tù đồng chí đã mất vào năm 1932; Trần Công Chương là người học cao, hiểu rộng. Ông là người có tinh thần yêu nước, yêu dân, được nhân dân kính trọng. Ông bị giặc Pháp bắt. Ba năm liền ông giả câm, giả điếc để giặc không sao mua chuộc được mà đã xử bắn ông ở đất Bình Định; Phan Thành Tài là một trong những nhân vật quan trọng của phong trào cải cách Duy Tân vào những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời là một nhân vật trọng yếu trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Huế năm 1916.

Là chiến trường xưa, Gò Nổi còn ghi bao chiến công của quân và dân Quảng Nam thắng giặc xâm lăng; là hành lang và là chiếc nôi của cách mạng Khu V, nơi in bao dấu tích bi hùng của những vụ thảm sát: Kho Muối, Lò Gạch Trừng Giang mà giờ đây đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi” để nói lên mức độ ác liệt của chiến tranh và phẩm chất anh hùng của những người con quyết “một tấc không đi, một li không rời”…

Giờ đây, du khách từ khắp muôn phương đến với Gò Nổi để được ngắm nhìn dòng sông Thu Bồn đã đi vào huyền thoại, ngắm hoàng hôn trên những cánh đồng lúa xanh tươi rợp trắng cánh cò; được nhìn thấy những nàng thôn nữ xinh đẹp sau chiếc xa quay óng ánh tơ vàng... Và sẽ được nghe và chứng kiến những di tích lịch sử về những bậc vĩ nhân, anh hùng của dân tộc đã được sinh ra trên quê hương Gò Nổi... Tất cả sẽ làm nên câu chuyện kể sinh động với du khách phương xa rằng Gò Nổi có một thời linh thiêng, một thuở oai hùng như thế.

Đền thờ Hùng Vương trên đất Gò Nổi

Người dân Gò Nổi còn tự hào với công trình Đền thờ vua Hùng Vương, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức ngay trên chính quê hương mình. Đền thờ tọa lạc ở làng Trừng Giang (Điện Trung) trên khuôn viên gần 3.000m2, uy nghi, bề thế. Đền thờ là điểm hội tụ của những tấm lòng với triết lý văn hóa dân gian Việt Nam: nhà - làng - nước được thể hiện một cách rõ nét trong ý tưởng và cả trong không gian kiến trúc nơi đây. Đền thờ Quốc Tổ, Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiện là niềm tự hào của người dân Gò Nổi, nơi hội tụ sức mạnh và niềm tự hào của các dòng tộc trong vùng.

Trịnh Quang

Tin nổi bật