Giá trị bất diệt từ Holocaust

(ICTPress) - Trong hai ngày 18 và 19/2 tại Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam cùng với Văn phòng Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã tổ chức sự kiện Ngày tưởng niệm về nạn diệt chủng (International Holocaust Remembrance Day) lần thứ 2 tại Việt Nam.

Hành trình thảm sát người Do Thái

Tưởng niệm Holocaust đã trở thành một sự kiện thường niên, năm nay, với chủ đề "Hành trình", TS. Joel Zisenwise - chuyên gia của Viện nghiên cứu Holocaust quốc tế (Yad Vashen, Jerusalem) đã trình bày nội dung “Hành trình tới cái chết - Người Do Thái bị trục xuất trong thảm sát Holocaust 1939 - 1945”.

TS. Joel Zisenwise thuyết trình nội dung Holocaust

Tháng 1/1933, ngay sau khi lên nắm quyền, Hitler lập tức tổ chức một chiến dịch chống lại người Đức gốc Do Thái.

Trong những tháng năm này, người Do Thái đã bị tấn công và làm nhục trên đường phố, bị cho nghỉ việc. Trẻ em người Do Thái bị cho nghỉ học khỏi các trường học của Đức. Công việc làm ăn kinh doanh của những người Do Thái bị tẩy chay. Cửa hàng, nhà xưởng và nhà ở của người Do Thái dần bị tịch thu. Các cuốn sách viết bởi tác giả người Do Thái bị lấy khỏi các thư viện và đốt trên phố ngay giữa đám đông.

Sự chống lại người Do Thái leo thang khi Đức Quốc xã thông qua Luật Nuremberg năm 1935 về định nghĩa về người Đức và về người Do Thái. Sau đó, sự chống lại người Do thái lan rộng cả châu Âu, khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra tất cả những người Do Thái ở châu Âu buộc phải thêu hình ngôi sao vàng lên quần áo của mình.

Năm 1941, Đức quốc xã bắt đầu thực hiện chính sách trục xuất và tàn sát người Do Thái. Người Do Thái ở các vùng châu Âu bị chiếm đóng bị bắt giữ và tập trung lại. Những người Do Thái sau đó bị đưa tới các trại tập trung ở phía Đông châu Âu. Cực điểm của sự dã man có thể tìm thấy ở các trại tử thần Auschwitz, Birkenau và Treblinka. Phần lớn những người Do Thái sau đó bị đưa tới các phòng hơi ngạt và bị giết chết. Chỉ sau một vài ngày, tất cả những gì còn lại từ các nạn nhân là quần áo và giày dép.

6 triệu người Do Thái bị tàn sát hàng loạt. Hai phần ba số dân Do Thái ở châu Âu bị phát xít Đức diệt vong. Hãy tưởng tượng con số 6 triệu con người với 6 triệu hy vọng và ước mơ! Họ là những linh hồn và đại diện cho ước nguyện của người dân Do Thái!.

Bà Pratibha Mehta, Giám đốc Chương trình Liên hiệp quốc tại Việt Nam trong buổi tưởng niệm được tổ chức ngày 18/2 đã xúc động cho biết năm nay chúng ta tập trung vào chủ đề Hành trình Holocaust - và tôi nhớ lại cuộc hành trình mới đây của riêng mình. Cuối tháng 11, tôi đi qua cổng trại tập trung khét tiếng "Arbeit Macht Frei" tại Auschwitz-Birkenau. Tôi không bao giờ quên chuyến thăm của mình.

“Tôi nhìn thấy những tàn tích khủng khiếp của bộ máy diệt chủng, cũng như những hình ảnh cảm động về cuộc sống của người Do Thái ở châu Âu trong những năm 1930 - từ đám cưới, bữa ăn gia đình, nghi lễ, cảnh sinh hoạt bình dị hàng ngày - tất cả đều bị dập tắt bởi cỗ máy giết người tàn độc nhất chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Tôi thấy các trại nơi người Do Thái, người Roma, Sinti, người đồng tính, người bất đồng chính kiến​​, tù nhân chiến tranh và người khuyết tật đã phải trải qua những ngày cuối cùng của đời mình trong điều kiện tàn bạo nhất”, bà Pratibha Mehta cho biết.

Không bao giờ bỏ cuộc

Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar trong Lễ tưởng niệm cho biết “Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc! Trong các khu nhà ổ chuột và các trại tập trung, người Do Thái đã lập ra trường học và giáo đường Do Thái. Họ tổ chức các ngày lễ và làm đám cưới. Họ sáng tác nhạc, hát múa ngay cả khi sự chết chóc đang lờ mờ xung quanh”.

Những người Do Thái còn sống sót phải cố gắng để gây dựng lại cuộc sống.

Bà Meirav Eilon Shahar đã kể một câu chuyện cảm động về Joachim Joseph mới chỉ 12 tuổi khi được đưa tới trại tập trung Bergen Belsen. Gần đến ngày sinh nhật thứ 13 của mình, Joachim đã bí mật chuẩn bị cho lễ trưởng thành (bar mitzvah) bằng cách mang trộm cuốn kinh Torah nhỏ bé vào trại. Vào ngày đó, Joachim hát rất to bài Kinh thánh. Kết thúc buổi lễ, cậu bé được mọi người trao cho cuốn Kinh Torah với hy vọng rằng cậu sẽ sống sót trong chiến tranh và nói cho thế giới biết rằng ngay trong khoảnh khắc khổ đau nhất của người Do Thái thì Do Thái giáo vẫn trường tồn.

Giờ đây, Joachim là một nhà vật lý nổi tiếng sống ở Israel. Câu chuyện về sự sống sót của ông đã chứng minh sự hấp dẫn khi cuốn Kinh Torah của Ông được Ilan Ramon, phi hành gia đầu tiên của Israel mang theo mình khi bay vào vũ trụ. Từ tàu con thoi Columbia, Ilan Ramon đã chia sẻ câu chuyện của Joachim và giải thích rằng cuốn Kinh thánh nói lên "Khả năng sống sót của người Do Thái, khả năng vượt qua những ngày đen tối để đạt được hy vọng và niềm tin vào tương lai", Bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ tiếp.

“Chúng tôi sống sót là nhờ có những con người đã đấu tranh để giữ gìn bản sắc và cho tương lai của người Do Thái. Chúng tôi sống sót là nhờ có những người đàn ông và đàn bà dũng cảm (gồm cả người theo đạo và không theo đạo Do Thái) đứng lên vì công lí và sẵn sàng xả thân cứu người khác, Đại sứ Eilon Shahar nhấn mạnh.

Không bao giờ quên Holocaust

Nhiều sinh viên Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và nhiều người quan tâm đã đặt ra câu hỏi cho TS. Joel Zisenwise là Holocaust đã 70 năm và được tổ chức thường niên, vậy tại sao vẫn phải học về sự kiện này? TS. Joel Zisenwise cho biết học và nhớ về Holocaust là trường hợp đặc biệt trong lịch sử khi mà sự hận thù và phân biệt chủng tộc đạt đến độ cao nhất trong lịch sử.

PGS. TS. Hoàng Khắc Nam, Khoa quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết chúng ta cần phải biết Holocaust không chỉ là thảm kịch của người Do Thái mà là thảm kịch của con người và chúng ta cần phải biết điều đó. Người Việt Nam cũng đã gặp một trường hợp diệt chủng tương tự thời hiện đại và việc này cần ghi nhớ và học tập để tránh những trường hợp tương tự. Hãy nhớ ngày này và đừng để nó tái diễn.

Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam Eilon Shahar cho biết có rất nhiều lý do để kỷ niệm ngày Holocaust tại Việt Nam. Thứ nhất, Đại sứ quán Israel muốn các bạn Việt Nam sẽ hiểu biết hơn về Israel, người dân Israel và Holocaust là một phần của lịch sử của dân tộc Do Thái và ảnh hưởng lớn đến Israel quá khứ và hiện tại với thông điệp không bao giờ cho phép thảm kịch này xảy ra một lần nữa. Thứ hai, Holocaust không chỉ là bi kịch của người Do Thái mà của toàn nhân loại. Những bài học mà chúng ta rút ra từ thảm kịch Holocaust có giá trị phổ quát. Tôi ước gì tôi có thể nói rằng từ Chiến tranh thế giới thứ 2 thế giới có vẻ như rút ra được bài học nhưng thực tế lại không phải vậy.

Trong khi đó, bà Pratibha Mehta cho biết Liên Hiệp Quốc được thành lập để ngăn chặn không cho bất kỳ hành động man rợ nào giống như thế xảy ra một lần nữa. Tuy nhiên, thảm kịch từ Campuchia đến Rwanda, Srebrenica cho thấy nọc độc của sự diệt chủng vẫn còn.

“Chúng ta phải luôn cảnh giác chống lại sự cố chấp, ý thức hệ cực đoan, những  mâu thuẫn cộng đồng và phân biệt đối xử đối với người thiểu số. Và chúng ta phải dạy dỗ con em chúng ta”, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.

Năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp Quốc đã chỉ định dành ngày 27/1 là ngày quốc tế thường niên để tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng Do Thái - Holocaust. Ngày này được chọn vì nó đánh dấu việc kỷ niệm sự giải phóng trại Auschwitz-Birkenau, trại giết người lớn nhất của quân Phát xít. Nghị quyết này của Liên hợp Quốc phản bác những chối bỏ về Holocaust và lên án sự phân biệt và bạo lực lấy cớ tôn giáo hay chủng tộc.

 Minh Anh

Tin nổi bật