Facebook giúp người bị bạo lực, xâm hại tình dục lên tiếng

(ICTPress) - Israel đã có một trang riêng trên Facebook để khuyến khích những người phụ nữ cất lên tiếng nói tố cáo những hành vi bạo lực, người xâm hại tình dục.

Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar cùng nhiều đại biểu từ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Quỹ dân số Liên Hiệp quốc UNFPA và Ngôi nhà Bình  Yên, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và các khách mời tại tòa đàm “Hãy lên tiếng” đã chia sẻ những thông tin, cách thức để chống lại những hành vi bạo lực, xâm hại tình dục được Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tổ chức chiều ngày 10/3 tại Hà Nội.

Đại sứ Meirav Eilon Shahar cho biết cách đây một năm rưỡi, Israel đã ra mắt một trang riêng trên Facebook, khuyến khích những người phụ nữ cất lên tiếng nói tố cáo những hành vi bạo lực, người xâm hại tình dục.

Theo Đại sứ Shahar, trên Facebook những người bị xâm hại không cần phải bỏ tiền để thuê luật sư mà vẫn có thể tố cáo những người xâm phạm. Facebook giúp những người bị xâm hại lên tiếng tố cáo. Trong một khoảng thời gian rất ngắn đã có rất nhiều những câu chuyện được chia sẻ. Những người bị xâm hại có thể cho biết tên mình hoặc không nhưng khi nhiều người cùng lên tiếng, tiếng nói sẽ được cộng hưởng để họ những người bị bạo lực, tấn công tình dục biết họ không chỉ có một mình. Họ có thêm sức mạnh để đấu tranh.

Không chỉ Facebook, Đại sứ Shahar cho biết ngày 8/3/2016 vừa qua tại Israel đã có tờ Tạp chí tổ chức sự kiện truyền thông và đã có 22 người phụ nữ dũng cảm đã đứng lên tố cáo những kẻ tấn công tình dục. Công chúng có thể thấy được họ.

Đại sứ Shahar cho biết xã hội đã làm được nhiều điều nhưng nhiều người phụ nữ vẫn không có quyền nói lên tiếng nói, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ, hiện vẫn còn xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. “Mặc dù nhiều tổ chức, ủng hộ, chính bản thân phụ nữ phải nhận thức được quyền của người phụ nữ, phải cố gắng hơn nữa và “hãy lên tiếng”, Đại sứ kêu gọi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN cho biết “việc không dám chia sẻ, không tìm được đồng cảm, chia sẻ, cuộc sống của người phụ nữ sẽ tồi tệ hơn”.

Việt Nam đã có một tấm gương “hãy lên tiếng”, được phong là anh hùng châu Á là chị Nguyễn Thị Huệ đã công khai bị nhiễm HIV để những người bị HIV không bị kỳ thị, Chủ tịch Hội LHPNVN chia sẻ.

“Hãy lên tiếng” cũng là thông điệp chính của bộ phim “Hoa Hậu Thế Giới Dũng Cảm” (Brave Miss World) được Đại sứ quán Israel trình chiếu. Bộ phim kể về Hoa hậu Israel năm 1998 Linor Abargil, người đã bị bắt cóc, hành hung và cưỡng hiếp thô bạo tại Milan, Italia khi cô mới 18 tuổi. Sáu tuần sau sự kiện khủng khiếp này, Linor đã đại diện cho Israel dành vương miện Hoa hậu Thế giới năm 1998. Sau đó, cô đã bản lĩnh kể về câu chuyện của mình cũng như khích lệ những nạn nhân khác lên tiếng và đứng lên chống lại bạo lực tình dục. Hiện tại, Linor Abargil, "HOA HẬU THẾ GIỚI DŨNG CẢM" vẫn không ngừng nỗ lực để đẩy lùi những cơn ác mộng bạo lực.

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam chia sẻ: "Israel luôn nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề bạo lực phụ nữ và xâm hại tình dục, bởi vậy chúng tôi lựa chọn chiếu phim “Hoa Hậu Thế Giới Dũng Cảm” nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, nhằm khuyến khích phụ nữ và cả nam giới từng bị lạm dụng có thể lên tiếng một cách không sợ hãi hay ngại ngần. Chúng tôi tin rằng, việc nâng cao nhận thức về vấn đề này là rất cần thiết, bởi đây là vấn đề còn tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới".

Đã lần thứ hai xem bộ phim này, bà Phan Thu Hiền, chuyên gia về giới của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA bày tỏ bà vẫn rất xúc động khi xem lại. Theo chuyên gia Phan Thu Hiền, yếu tố để hoa hậu thế giới người Israel Linor Abargil dũng cảm đứng lên tố cáo là hoa hậu có một người mẹ tuyệt vời và một người bạn ủng hộ để theo đuổi công lý. Trong bộ phim, điều đầu tiên khi người mẹ của hoa hậu Linor Abargil nghe con nói về vấn đề của mình, người mẹ đã nói rằng “Con không có lỗi, lỗi của người gây ra lỗi cho con”.

Chuyên gia Phan Thu Hiền đã đặt ra câu hỏi có bao nhiêu cha mẹ Việt Nam có thể nói điều này với con hay trách con mình khi bất cứ việc gì xảy ra. Hay trong văn hóa Việt Nam cho dù vấn đề gì xảy ra bao giờ người phụ nữ cũng bị đổ lỗi, bị cho là hư hỏng… Tất cả những điều này khiến nạn nhân yên lặng.

Minh Anh

Tin nổi bật