Đà Nẵng trên đường đến thành phố môi trường

(ICTPress) - Với Kế hoạch số 5924/KH-UBND vừa ban hành trong tháng 7/2014, UNBD Thành phố Đà Nẵng đã chính thức triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Đây là dự án nhằm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện môi trường, đã được phê duyệt từ tháng 10/2008.

Đề án đưa ra tiêu chí đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước và không khí trên toàn TP. Đà Nẵng được đảm bảo, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố biển đầy thơ mộng này.

Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng bền vững là ý thức của chính người dân thành phố, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến du lịch, kinh doanh và sinh sống tại Đà Nẵng.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường được quốc tế công nhận. Giai đoạn vừa qua, Đà Nẵng tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường nước tại các khu dân cư, xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các cơ sở sản xuất và gia công, chế biến. Đồng thời xử lý thu gom triệt để rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại.

Trong thời gian đến, Đà Nẵng phấn đấu đạt trên 90% chất lượng nước thải sinh hoạt, chất thải rắn của các quận nội thành, nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý; trên 50% chất thải thu gom được tái chế; trên 50% người chết được mai táng bằng hỏa táng; trên 90% dân số nội thành và 70% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch. Ngoài ra, việc phát triển diện tích không gian xanh đô thị, kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo tồn đa dạng sinh học cũng được hết sức chú trọng đầu tư thực hiện.

Phấn đấu đến giai đoạn cuối (2016 - 2020) đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường, cụ thể là: 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng.

Cùng với mục tiêu trên, vấn đề môi trường đặt ra cho Đà Nẵng không chỉ là một phần trong quá trình phát triển mà còn đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Mặc dù chưa chính thức được công nhận, nhưng theo nhiều chuyên gia, người dân và du khách nhận xét, Đà Nẵng hiện được đánh giá là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. 

Vẻ đẹp của Đà Nẵng với cây cầu có sàn vọng cảnh và vòng quay khổng lồ của Công viên Á Châu với chiều cao 115 m đã lọt vào top 10 vòng quay cao nhất thế giới. (Ảnh: ngoisao.net)

Nhắc đến Đà Nẵng là người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt thời gian qua. “Năm không” đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Còn “Ba có” đó là có nhà ở; có việc làm và có lối sống văn minh đô thị. Sau 14 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được thật là mỹ mãn.

Một việc khác cũng chưa từng có tiền lệ đó là xây dựng bệnh viện ung thư và bệnh viện phụ nữ. Đối với bệnh viện ung thư thì ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đã có nhưng đó là tiền do ngân sách nhà nước xây dựng, còn ở Đà Nẵng là do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp, với hơn 500 giường bệnh.

Với người nghiện ma túy, khi phát hiện Đà Nẵng kiên quyết đưa đi tập trung cai nghiện mà không để ngoài xã hội nên đã tránh được nhiều tệ nạn, móc túi, cướp giật và đặc biệt là cướp của giết người. Không những thế, chính quyền Đà Nẵng còn treo thưởng cho những ai phát hiện ra người nghiện hút chích ngoài đường sẽ được thưởng tiền.

Một việc làm khá khó và vô cùng tế nhị đó là giáo dục trẻ em chậm tiến thì cách làm của Đà Nẵng cũng khá độc đáo đó là đưa các em tới thăm trại giáo dưỡng, thăm nhà giam phạm nhân lớn tuổi và cuối cùng là cho các em đi du lịch cáp treo tại Bà Nà. Các em chứng kiến cảnh phải tù túng vất vả trong tù khi phạm tội và cuộc sống tự do vui tươi ở ngoài, nhằm động viên các em hãy sống tốt để có thể hưởng thụ cuộc sống vui tươi ở ngoài đời. Việc giáo dục này đã phát huy rõ rệt và tỷ lệ trẻ em phạm tội ở Đà Nẵng hiện thấp nhất trong cả nước.

Về công nghệ hỗ trợ, Đà Nẵng cũng đã ký kết với IBM là đối tác quan trọng thực hiện tư vấn, xây dựng và phát triển kiến trúc và cơ sở hạ tầng CNTT nhằm hiện thực hóa tầm nhìn "thành phố thông minh". Các lĩnh vực tập trung hợp tác bao gồm các dự án về CNTT trong các lĩnh vực đang là thách thức lớn của các đô thị hiện nay, như giao thông, quản lý tài nguyên nước, an toàn thực phẩm, thông tin và truyền thông, y tế và công nghệ cao.

Với quyết tâm cao trong việc bảo vệ môi trường, Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã kiên quyết từ chối 2 dự án lớn về sản xuất thép và giấy, mặc dù về mặt kinh doanh thì đây là 2 dự án “béo bở”.

Hy vọng, với quyết tâm cao, việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố ngang tầm với các thành phố hiện đại Châu Á và thế giới sẽ trở thành hiện thực./.

Trịnh Quang

Tin nổi bật