Chuyện tiền lì xì năm mới ở châu Á

Hàng năm, cứ đến gần Tết Âm lịch, người dân nhiều nước châu Á lại tìm cách đổi tiền cũ lấy tiền mới để mừng tuổi nhau đầu năm.

Ở Maylasia, trong những năm vừa qua, người dân cảm thấy ngày càng khó khăn trong săn tìm những đồng tiền mới dịp Tết Âm lịch. Năm nay, tình hình khó khăn đến mức ngay cả những người được coi là “khách hàng ưu tiên” của  ngân hàng cũng không thể tìm được tiền mới cứng 100%.

Các tờ tiền mới cứng ngày càng khó tìm ở Malaysia dịp trước Tết Âm lịch

Nguyên nhân là vì ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) đã giảm lưu hành tiền giấy mới tại thời điểm trước Tết Âm lịch và trước lễ hội tế thần Hari Raya (lễ đánh dấu kết thúc tháng nhịn ăn Ramadan của người Hồi giáo). Theo BNM, nhiều khách hàng đã gửi ngay tiền mới mình nhận được trong Tết vào các ngân hàng. Các ngân hàng lại gửi tiền này cho BNM để xử lý, gây ra tình trạng dồn đống tiền mới tại BNM. Những đồng tiền này thậm chí chưa được lưu thông lần nào.

Ông Azman Mat Ali, Giám đốc bộ phận hoạt động và quản lý tiền tệ cho biết: “Khoảng 70% trong tổng số 750 triệu tờ tiền mới quay trở về ngân hàng khi khách hàng gửi tiền ngay sau Tết Âm lịch và lễ Hari Raya. Tình trạng này dẫn tới việc có quá nhiều tiền nhàn rỗi. Người dân phải nhận ra rằng văn hóa tặng tiền mới dẫn tới lãng phí cả nguồn tài nguyên và tài chính”.

Mỗi dịp Tết Âm lịch và Hari Raya, BNM phải in thêm 500 triệu tờ 1 RM và 5 RM mới đáp ứng đủ nhu cầu về tờ tiền mới cứng, sạch sẽ của người dân. Để in số tiền này, BNM tốn tới 80 tấn mực và cần 2 triệu kWh điện. Số điện này đủ cho 10.000 hộ gia đình dùng mỗi tháng với mỗi hộ dùng trung bình 200kWh. Đó là còn chưa kể đến lượng carbon thải ra trong quá trình in tiền, vận chuyển, bảo quản tiền.

Suốt 11 năm qua, BNM đã tái lưu hành tờ tiền 5 RM mới bằng polymer mà khách hàng gửi vào hệ thống ngân hàng ngay sau khi các ngày lễ tết kết thúc. BNM luôn phát đi thông điệp là: Lúc nào cũng có đủ tiền “chuẩn” được lưu hành. Tiền mới sẽ được cung cấp dựa trên nhu cầu thực sự.

Hồi tháng 7/2013, BNM đã phát động chiến dịch Go Green (Hành động xanh) để nâng cao ý thức của người Malaysia về tiền lì xì “chuẩn”, tức là tờ tiền mới và sạch để có thể mừng tuổi người khác. Theo chính phủ Malaysia, mặc dù cần công nhận nét đẹp của phong tục tặng phong bao lì xì nhưng cần phải quản lý tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ môi trường, tăng cường hiệu quả trong phân phối tiền mới.

Đây không phải là tình trạng riêng ở Malaysia. Từ lâu, một số nước châu Á như Singapore và Đài Loan hay Hong Kong (Trung Quốc) đều đối mặt với vấn đề này. Người Trung Quốc và người châu Á nói chung không thích dùng tiền cũ để lì xì vì nó nhăn nhúm và có nhiều vết bẩn. Họ cho rằng dùng tiền mới thì tốt hơn lúc đầu năm mới.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), mỗi dịp Tết Âm lịch, người dân lại đổ xô đi săn tiền mới khiến nhiều ngân hàng và cây ATM hết sạch tiền. Người Đài Loan thường thích tờ 100 $ NT vì nó có màu đỏ may mắn theo văn hóa của người Trung Quốc.

Tại Hong Kong, nhiều người xếp hàng tại các ngân hàng để chờ đổi tiền mới từ sáng sớm. Chính quyền Hong Kong từ lâu cũng kêu gọi người dân lì xì tiền đã qua sử dụng để tránh ảnh hưởng tới môi trường khi phải in tiền mới. Số tờ tiền đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới và được dùng làm tiền lì xì đã tăng dần hàng năm, từ 20% năm 2006 lên 45% trong mấy năm trở lại đây. Dù vậy, vẫn còn nhiều người quyết tâm đổi cho bằng được tiền mới trước Tết.

Về vấn đề trên, ngân hàng trung ương nhiều nước đều nhất trí rằng giải pháp lâu dài là hạn chế lưu hành tiền mới và nâng cao ý thức cho người dân.

Trong khi đó, tại Singapore dịp Tết Âm lịch năm nay, các ngân hàng đã tạo điều kiện cho người dân lấy tiền mới và tiền đã qua sử dụng nhưng vẫn mới một cách thuận tiện hơn. Từ đầu tháng 1/2015, khách hàng của ngân hàng DBS và POSB đã có thể rút tiền mới và gần mới qua 29 máy ATM đặc biệt. Các máy ATM này được đặt tại 10 câu lạc bộ cộng đồng, hoạt động từ 9 giờ sáng đến 22 giờ.

Tại mỗi máy đều có nhân viên ngân hàng đứng để phát phong bao lì xì đỏ cho khách hàng vừa rút tiền. Ngân hàng DBS và POSB cũng có hình thức sáng tạo trong dịp Tết Âm lịch với nhiều ứng dụng kỹ thuật số mới. DBS từ lâu đã có PayLah!, một ứng dụng ví di động cho phép khách hàng gửi và nhận tiền dễ dàng qua điện thoại di động. Vào dịp năm mới sắp đến, PayLah! có thêm tính năng mới là “eAng Bao” (Phong bao điện tử). Người dùng có thể gửi phong bao lì xì điện tử cho người thân làm việc ở nước ngoài hay ra nước ngoài đi du lịch dịp Tết.

Còn tại Hàn Quốc, Ngân hàng Hối đoái Hàn Quốc (KEB) đã tung ra 15.000 hộp quà tặng gồm một bộ các tờ tiền nước ngoài nhân dịp Tết Âm lịch. Các hộp quà tặng được bán từ ngày 4/2 với số lượng có hạn, chỉ có thể mua tại các chi nhánh của KEB. Hộp quà có các tờ ngoại tệ mới in gồm tờ 2 đô la Mỹ, tờ euro, tờ nhân dân tệ, tờ đôla Canada và tờ đôla Australia. Giá của hộp quà tùy thuộc vào tỷ giá hối đoái tại thời điểm mua. Hộp quà hứa hẹn sẽ là một món lì xì độc đáo của người Hàn Quốc dịp Tết Âm lịch này.

Nguồn: Dương Thùy (SCMP, the Star, Strait Times)/baophunuthudo.vn

Tin nổi bật