Chữa lành thương tổn cùng “Khu vườn của Jenny”

Sự kết nối mang lại niềm hạnh phúc, nhưng đôi khi cũng đem đến sự thương tổn cho con người. Những thương tổn mờ nhạt rồi sẽ được thời gian làm hết đi; nhưng những tổn thương sâu sắc có thể như những sợi xích vô hình bám riết mãi con người, ngăn trở họ cảm nhận tình yêu và hạnh phúc.

Theo các chuyên gia về tâm lý, để có thể rũ bỏ được hoàn toàn những sợi xích ấy, người bị thương tổn không có cách nào khác cần phải biết đối diện với những tổn thương ấy, giãi bày nó với những người xứng đáng được lắng nghe, để được cảm thông, chia sẻ; đôi khi là phản ứng lại với nó theo cách thức tương hợp với các giá trị của bản thân; để cuối cùng là thoát ra được khỏi nó.

“Khu vườn của Jenny” là cuốn sách kể lại hành trình chữa lành tổn thương như thế của một cô gái nhỏ. Từng chịu những thương tổn sâu sắc như bị xâm hại từ khi còn nhỏ; bị khủng bố tinh thần trong môi trường làm việc nhiều “mưu mô chước quỷ”… nên đến khi trưởng thành, dù gặt hái được nhiều thành công đáng nhớ, cô gái nhỏ vẫn không thấy mình được hạnh phúc, an yên.

“Khi đã qua một chặng đường dài trong sự nghiệp… khi đã đạt được phần lớn các mục tiêu, được làm chủ cuộc sống của mình… tôi mới nhận ra những sợi xích vẫn còn đó, len lỏi trong tiềm thức, trói buộc những phần sâu thẳm nhất, khiến vương quốc tâm trí mà tôi tưởng mình được cai quản với quyền lực tối cao hóa ra chỉ là một nhà tù khổng lồ, giam tôi trong sự cô đơn mà ngay cả chính tôi đôi khi cũng không nhận ra”.”

Việc mở lòng với chú mèo già Galant thông thái biết nói cuối cùng đã giúp Jenny gỡ bỏ được các sợi xích vô hình vẫn cuốn lấy đôi chân cô, để cô có thể thanh thản bước về miền hạnh phúc. Hành trình đó cũng là dịp để Jenny nhìn lại và học hỏi nhiều bài học quý giá cho cuộc sốngnhư: cách chinh phục mục tiêu, nhận biết niềm hạnh phúc; sử dụng quyền tự quyết cá nhân…

Cô gái nhỏ đã viết “Tôi cũng sẽ chăm sóc lại khu vườn của chính mình để nó đẹp lại như ngày nào. Tôi đã bỏ bê nó quá lâu. Cây dại đã che mắt khiến tôi không còn nhìn thấy hạnh phúc hiện hữu. Cha mẹ tôi đã tạo ra và chăm sóc nó khi tôi còn nhỏ. Giờ đây trách nhiệm của tôi phải là người tiếp tục làm cho nó đẹp hơn. Không ai ngoài tôi có thể làm tốt được điều đó. Tôi thấy mình như được chữa lành.”

Chính vì vậy “Khu vườn của Jenny” là cuốn sách có thể giúp độc giả tìm hiểu, và học cách chữa lành những thương tổn của bản thân, như chính Jenny đã làm vậy. Quá khứ có thể là nỗi đau, là ký ức buồn bã, nhưng chính nó cũng là động lực và khát vọng để mỗi người hướng về tương lai tươi sáng.

Nhận xét về cuốn sách anh Nguyễn Quang Thạch- người khởi xướng chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam - viết:  Đọc “Khu vườn của Jenny”, tôi nhớ đến câu nói của nhà hoạt động môi trường người Mỹ Rachel Carson: "Không có giọt nước nào trong đại dương, thậm chí nằm dưới đáy vực thẳm mà không biết đến và đáp lại những xung lực huyền bí tạo nên thủy triều".

Đứa trẻ trong tôi và bạn còn nhạy cảm hơn cả những giọt nước giữa đại dương. Chúng ta tĩnh lặng hồi tưởng vô số khoảnh khắc đã gây cho chúng ta những tổn thương, cũng như những khoảnh khắc mang lại cho chúng ta niềm vui. Bạn sẽ tìm thấy bản thân ở một góc nào đó trong “Khu vườn của Jenny”.Ai cũng dung chứa trong mình những vết thương, những nỗi đau, nhưng cách mà Jenny làm dịu và ấp ủ chúng để mạnh mẽ bước vào tương lai đáng để chúng ta suy nghĩ. Và rồi sau đó, tôi tin chắc rằng bạn cũng sẽ như tôi, quyết tâm hành động, dù nhỏ, dù lớn, không chần chờ!

“Khu vườn của Jenny” là cuốn sách đầu tay của tác giả Trần Phương Hoa. Lấy cảm hứng từ trải nghiệm của bản thân cũng như quan sát cuộc sống của những người quanh mình, cô đã viết nên tác phẩm văn học giả tưởng này với mong muốn kết nối và chia sẻ cùng những tâm hồn bị tổn thương; đồng thời gom góp đồng cảm để xây dựng nên Quỹ hỗ trợ phụ nữ Jenny.

Tác giả Trần Phương Hoa đã đi qua 30 quốc gia, “tích trữ” được 3 bằng thạc sĩ. Hiện cô đang sống tại Hà Nội cùng chồng và hai con.

  VH

Tin nổi bật