Các lễ hội đầu xuân từ Bắc vào Nam

Từ mùng 3 Tết, nhiều lễ hội đầu xuân diễn ra trên cả nước, thu hút hàng triệu người trẩy hội du xuân từ Bắc vào Nam.

Khách tham quan ở lễ hội chùa Hương. Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường

Ở miền Bắc, đó là hai lễ hội lớn tại Hà Nội: Gò Đống Đa (ngày mùng 5 Tết), tưởng nhớ chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.

Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) (từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch)

Tiếp đó, lễ hội tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) nhằm khuyến khích bà con ra đồng, từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng.

Khai ấn đền Trần trong 3 ngày ở Nam Định, thường từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Lễ hội Yên Tử từ ngày 10 tháng Giêng kéo dài hết tháng 3 âm lịch ở Quảng Ninh.

Ở miền Trung, đó là lễ hội Đền vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An). Lễ hội diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 Tết. Đây là lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế. Vua tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).

Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn (Bình Định) diễn ra từ mùng 4 đến 5 tháng Giêng, tưởng nhớ vua Quang Trung và các thủ lĩnh áo vải sinh ra và lớn lên tại đây.

Lễ hội vật Làng Sình (Huế) diễn ra vào ngày 9 đến 10 tháng Giêng.

Lễ hội không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.

Ở miền Nam, lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) diễn ra từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng, còn được gọi là lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu và là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam.

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng.

Lễ hội Đền Đức Thánh Trần (TP.HCM) diễn ra từ ngày 8 đến 10 tháng Giêng, nhằm tri ân công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Theo hanoitv.vn

Tin nổi bật