Binh pháp Tôn Tử với tầm tư tưởng vượt thời gian

Binh pháp Tôn Tử không chỉ dừng ở khía cạnh quân sự đơn thuần, mà hầu như thời đại nào và lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng những tư tưởng mà binh pháp nêu ra.

Binh pháp Tôn Tử chắc chắn khó có thể trở thành sách gối đầu giường của một bộ phận đông đảo độc giả, càng không thích hợp với những người ưa thích mạo hiểm phiêu lưu hay những chuyện tình cảm ướt át. Cũng chưa bao giờ quyển binh thư này được liệt vào hàng best-seller, kể cả ở đất nước quê hương của nó. Nhưng sự thật là siêu phẩm binh thư này vẫn được lưu truyền suốt hơn 2.000 năm nay, và việc những chiến dịch lớn mang tầm quốc gia lẫn quốc tế xuyên suốt chiều dài lịch sử đều ít nhiều mang dáng dấp binh pháp Tôn Tử có thể coi như một sự bảo chứng hữu hiệu nhất cho tính đúng đắn và nhất là tính thời đại vượt thời gian của tác phẩm lẫn người chấp bút.

Tác giả của cuốn binh thư, Tôn Vũ, hay còn gọi là Tôn Tử, cũng là một nhà quân sự nổi tiếng, mà danh tiếng của ông đến nay vẫn được gắn với biệt danh “ông tổ của binh pháp”. Tôn Vũ sinh vào thời Xuân Thu, một thời đại hỗn loạn trong lịch sử Trung Quốc. Ông sống cùng thời với Khổng Tử (khoảng năm 500 trước công nguyên). Ông là người nước Tề, sau sang nước Ngô lập danh, dâng Binh pháp Tôn Tử cho vua Ngô là Hạp Lư. Nước Ngô nhờ có Tôn Vũ cùng quyển binh pháp huyền diệu, đánh đâu thắng đó, xưng bá một thời. Công thành danh toại, Tôn Vũ từ chức đại tướng bỏ đi, để lại cuốn Binh pháp Tôn Tử lưu danh muôn thuở.

Binh pháp Tôn Tử là gì? Nội dung như thế nào? Thực chất quyển binh pháp này không đồ sộ như người ta vẫn nghĩ. Toàn bộ Binh pháp Tôn Tử chỉ gồm 13 thiên (13 chương), mỗi chương đề cập đến một khía cạnh trong chiến tranh cổ đại, từ chuẩn bị nhân tài vật lực, hành quân đến tác chiến. Đặc biệt 2 chương cuối cùng, Tôn Tử dành riêng để phân tích 2 vấn đề mà tính xác đáng của nó vẫn rất đáng lưu ý trong chiến tranh hiện đại: 1 chương về Hỏa công (đánh giặc bằng sức mạnh của lửa) và 1 chương về Dụng gián (sử dụng gián điệp). Ông nhận thức được rằng trong các nguyên tố sơ khai, thì lửa có sức công phá mạnh nhất (các vũ khí hiện đại ngày nay đa phần đều được liệt vào dạng “hỏa khí” đó hay sao?), và trong các cách sử dụng người, thì gián điệp mang lại lợi ích lớn nhất. Chỉ riêng 2 chương này cũng đã chứng tỏ Tôn Tử có tầm nhìn vượt thời đại, và đấy cũng là lý do vì sao Binh pháp Tôn Tử được liệt vào hàng kinh điển.

Nếu chỉ tính bản gốc viết tay bằng chữ Trung Quốc, thì Binh pháp Tôn Tử không quá mười mấy trang giấy. Nội dung tuy ngắn nhưng ý nghĩa thì ảo diệu vô cùng. Câu đầu tiên, tác giả viết: Binh giả, quốc gia đại sự - nghĩa là chiến tranh là việc lớn của quốc gia. Câu nói này và chương đầu tiên trong binh pháp đã khái quát toàn bộ tư tưởng của Tôn Tử đối với chiến tranh. Mặc dù bản thân là bậc kì tài về bày binh bố trận, nhưng Tôn Tử không cổ xúy chiến tranh. Ông chủ trương đất nước vững mạnh, chính trị ổn định, nếu có bất hòa giữa các nước thì nên giải quyết bằng hòa bình ngoại giao trước, chiến tranh chỉ là bước sau cùng. Ngay cả trong chiến tranh, thì Binh pháp Tôn Tử cũng nêu cao tinh thần “người giỏi không phải là người đánh đâu thắng đấy, mà là người không cần đánh đối phương cũng phải quy hàng”.

Từ đó có thể thấy, quốc gia tự lực tự cường và hạn chế tối đa thiệt hại trong chiến tranh mới là mục đích chính mà Binh pháp Tôn Tử muốn nhắn nhủ đến các bậc quân vương hay những người đứng đầu đất nước. Tất nhiên, một quyển binh thư ra đời cách đây hơn 2.000 năm cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định mang tính thời đại, nhưng tin rằng những bậc trí giả một khi đã cầm trên tay cuốn sách chắc hẳn cũng biết cách vận dụng trí tuệ của người xưa như thế nào cho hợp lý nhất.

Trải qua một thời gian dài, nhưng tính đúng đắn của Binh pháp Tôn Tử không hề mất đi. Trái lại, nó còn được ứng dụng một cách cực kì đa dạng, mà bằng chứng lớn nhất là những thành công không chỉ trong các lĩnh vực chính trị, quân sự mà còn cả thương trường. Người xưa vẫn có câu: Thương trường như chiến trường, và có lẽ không gì hợp lý hơn là vận dụng một cách sáng tạo những triết lý quân sự để xử lý những tình huống giao thương. Binh pháp Tôn Tử không chỉ dừng ở khía cạnh quân sự đơn thuần, mà hầu như thời đại nào và lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng những tư tưởng mà binh pháp nêu ra.

Khác với nhiều quyển sách cổ đã thất truyền hoặc không còn mấy hữu dụng trong thời đại hiện nay, Binh pháp Tôn Tử vẫn giữ được những giá trị nguyên bản mà tác giả đã kì công nghiên cứu. Quyển sách này chắc chắn không dành cho những người tìm sách đọc để giải trí, mà pho tuyệt đại kì thư này ẩn chứa những triết lý rất đáng để suy ngẫm và tìm tòi. Đã được in ấn, tái bản, chú thích, minh họa bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới, có thể khẳng định rằng những nguyên tắc và lý lẽ trong Binh pháp Tôn Tử là rất đáng để học tập kể cả ở những thời đại về sau. Một độc giả chân chính có lẽ cũng nên tìm đọc Binh pháp Tôn Tử, để cảm nhận được những tinh hoa của cổ nhân cũng như sự vĩ đại của cuốn “đế vương chi thư” này.

 Tôn Hưng

(Lớp 12A, trường  THPT Thăng Long, Hà Nội)

Nguồn: Báo Phụ nữ Thủ đô

Tin nổi bật