Bên cây Dã Hương nghìn tuổi

(ICTPress) - Trong một buổi sớm mai tinh khôi mùi thơm tỏa ra từ cây Dã Hương như quyện với lòng người, đất trời.

Nhân một chuyến công tác về Huyện Đoàn Lạng Giang, Bắc Giang, khối đoàn thanh niên cụm 1 Đoàn khối các cơ quan Trung ương đã được giới thiệu đi thăm cây cổ thụ Dã Hương ngàn năm tuổi tại xã Tiên Lục, Lạng Giang.

Theo các nhà khoa học, cây này được vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây dã hương lớn nhất nước). Cây Dã Hương Việt Nam này được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larousse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille, Pháp năm 1932 ghi rõ dòng chữ Cây dã Tiên Lục - cây dã hương thứ 2 thế giới, có vòng đời gần 1000 năm. Trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp vào loại cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam. Cây dã hương già nhất ở châu Phi được biết mới chết vì sâu, mối.

Năm 1989, Bộ Văn hóa đã xếp cây Dã Hương ở Bắc Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia gồm cây Dã hương, đền Tiên Lục, chùa Quang Phúc, đình Thuận Hòa. Theo những người làm công tác nghiên cứu vòng đo điểm to nhất của thân cây Dã Hương là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m. Lớp vỏ cây trung bình dày 15cm. Ước lượng gốc cây to đến 8 người ôm.

Tán cây dã hương xòe phủ kín mái đình Tiên Lục, tạo ra một cảnh quan đặc sắc cho một vùng quê giàu di tích văn hóa. Hoa dã hương thường nở vào cuối xuân đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa hoa dạ lan.

Cây Dã Hương được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai thoại. Người dân trong xã cho biết, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà dân ở đây có một sức khỏe tốt, các bệnh dịch truyền nhiễm ít có cơ hội lây lan.

Theo lời kể của bạn đoàn viên Nguyễn Thị Cúc, Huyện Đoàn Lạng Giang, có một linh nghiệm thú vị liên hệ giữa cây Dã Hương cổ thụ với các sự kiện lịch sử của đất nước. Rằng cây dã hương chẳng bao giờ gãy cành vì gió bão. Khi có một cành nào đó già khô rơi xuống nhường lại cho những cành mới vươn lên là đều có những sự kiện trọng đại diễn ra.  Cụ thể như năm 1945, cành dã hương đầu tiên mà người dân thấy khô rụng xuống  như cánh chim báo tin vui trước thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cuối năm 1974 cây dã hương rụng cành thứ hai - như thể muốn báo hiệu một mùa xuân đại thắng sắp đến.

Bạn Cúc còn cho biết thêm rễ của cây Dã Hương vươn rất xa. Có những gia đình làm nhà cách cây Dã Hương cả km khi đào đất vẫn thấy rễ của cây Dã Hương. Còn mùi thơm của cây Dã Hương theo gió lan tỏa cả vùng rộng lớn.

Riêng tôi ao ước không gian của cây Dã Hương nếu được thì cần được mở rộng, chỉnh trang hơn nữa, có nhiều ghế ngồi để trở thành một khuôn viên xứng tầm di tích văn hóa quốc gia và quốc tế để không chỉ thu hút mọi người đến trong chốc lát.

Sau khi đi một vòng xung quanh cây, tất cả chúng tôi người đều ngồi xuống bên gốc cây, trên tảng đá, ghế đá lặng yên trong khoảnh khắc để hít thật sâu mùi thơm tỏa ra nhè nhẹ. Trong một buổi sớm mai tinh khôi mùi thơm tỏa ra từ cây Dã Hương như quyện với lòng người, đất trời.

Chụp ảnh lưu niệm bên gốc cây Dã Hương

Bảo Ngọc

Tin nổi bật