Báo Anh khen ngợi món cao lầu Hội An

Theo Guardian, cao lầu là món ngon chứa đựng được lịch sử của cả Hội An chỉ trong một tô mì.

Đến với đường phố Hội An, du khách có thể tìm thấy hàng quán trong những ngôi nhà gỗ xây kiểu Nhật Bản, các ngôi đền Trung Hoa hương khói nghi ngút hay các quán ăn thơm mùi đồ ăn mới nấu, mùi gia vị và rau thơm tươi xanh. 

Cao lầu là món ngon mà bất kể du khách nào tới Hội An cũng phải thử một lần. Ảnh: Linh Ngọc.

Theo Guardian, cao lầu là đặc sản của phố Hội, phản ánh sự ảnh hưởng của những làn sóng dân buôn, thương gia tới đây tìm kiếm vận may. Nguồn gốc cao lầu cũng là một chủ đề thường xuyên gây tranh cãi nhưng không ai phủ nhận những sợi mì vàng ươm mềm mại này có sự tương đồng với mì soba của Nhật Bản. Những lát thịt lợn tẩm hoa hồi, quế thơm được xào qua đặt trong tô cao lầu thì thêm phần hương vị ẩm thực Trung Hoa. Tuy vậy, khi ăn cao lầu cũng không thể thiếu các loại rau thơm, giá đỗ, và một chiếc bánh phồng tôm giòn rụm đậm chất Việt Nam.  

"Cao lầu là món ngon chứa đựng được cả lịch sử của phố Hội chỉ trong một tô mì, dù có nhiều nguyên liệu đem từ nước ngoài tới nhưng nét ẩm thực Việt vẫn luôn được thể hiện rõ nét", tờ báo Anh nhận xét. 

Người dân phố Hội vẫn truyền tai nhau rằng nước dùng để ngâm gạo thơm làm cao lầu phải là nước tro, nấu củi lấy từ Cù lao Chàm. Gạo ngâm được lọc kỹ, xay thành bột, mà nước xay gạo phải được lấy từ giếng Bá Lễ ở Hội An. Giếng Bá Lễ là giếng cổ tồn tại qua nhiều thế kỷ và nổi tiếng là nơi có nguồn nước trong lành nhất. Ngoài ra, cao lầu ngon phải là những sợi mì phải được nhào và cắt bằng tay.

Du khách đến Hội An hiện nay có thể tìm ăn cao lầu ở rất nhiều quán. Người thực sự yêu ẩm thực thì không nên bỏ qua các lớp dạy nấu ăn, để có cơ hội tự tay tập làm một tô cao lầu riêng cho mình.

Khung cảnh Hội An lên đèn bên bờ sông Hoài. Ảnh: Alamy.

Theo VnExpress

Tin nổi bật