Syndicate content

Chuyện dọc đường

Bộ sưu tập camera, TV hiếm có ở Việt Nam

Phòng trưng bày thiết bị truyền hình xưa có trên 100 máy móc sản xuất chương trình truyền hình từ thập niên 90.

Chủ nhân của phòng trưng bày là chị Huỳnh Thị Hồng Sen và anh Phan Thiện. Vợ chồng chị Sen đều làm trong lĩnh vực truyền hình nên có sở thích sưu tầm những thiết bị phục vụ ngành nghề của mình. Riêng chị Sen từng làm đạo diễn phát hình, nên những máy móc này gắn liền với công việc hàng ngày của chị.

Bộ sưu tập có các loại camera, tivi, đầu video, mixer, đầu thu chuyên dụng từ những thập niên 90. Ảnh: Huỳnh Nhi.

“Các đầu quay camera này có từ thời mình sử dụng băng VHS, Betacam rồi thậm chí là DV. Bây giờ người ta chuyển qua dùng Full HD hoặc 4K, những chiếc máy này đã lỗi thời, không còn giá trị sử dụng nữa”, chị Sen nói.

Chị Sen sưu tập khoảng 100 thiết bị trong 5 năm qua. Các thiết bị này được bạn bè cho tặng, hoặc mua thanh lý từ các đài truyền hình quen biết. Chị muốn lưu giữ lại để làm kỷ niệm và cũng để trưng bày cho du khách tới tìm hiểu một phần công việc của người làm truyền hình.

“Ngày xưa muốn làm một cái tin hay phóng sự đòi hỏi nhiều công đoạn và rất vất vả. Ví dụ khi mình quay tin bài ở xa, không có cách nào khác để gửi hình về đài ngoài việc phải chạy xe về và dùng đầu máy chuyên dụng đổ băng, dựng hình cho kịp giờ phát sóng. Bây giờ mình dùng thẻ nhớ, chép hình rất nhanh, chỗ nào có Internet mình đều gửi hình về được, không cần chạy tới chạy lui”, chị Sen kể về những ngày bắt đầu làm quen với truyền hình.

Nguyễn Huỳnh Tuấn Kiệt (TP Cần Thơ) thích thú khi được mẹ dẫn đến tham quan phòng trưng bày. Em nói: “Con rất thích xem phim, ở đây có những cái máy quay giống như trên phim con được thấy nên con rất vui”.

Ngoài góc trưng bày thiết bị truyền hình, nơi này còn tái hiện một số hình ảnh quen thuộc với khán giả, điển hình là bức tường lớn với hình ảnh về màn hình test-card, được coi là biểu tượng cho truyền hình vào thập niên 90. Hiện nay, thời lượng phát sóng trên các đài truyền hình dường như phủ kín nội dung nên hình ảnh này dần lùi vào dĩ vãng, chỉ còn vào cuối ngày khi hết chương trình.

Background đậm chất truyền hình cho khách tạo dáng. Ảnh: Huỳnh Nhi.

Phòng trưng bày thiết bị truyền hình xưa được đặt trong khuôn viên cà phê, phim trường Căn nhà màu tím trên đường Chí Sinh, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Giá vé vào cửa 60.000 đồng/ lượt, gồm một đồ uống.

Nguồn: Huỳnh Nhi/vnexpress.net

https://vnexpress.net/bo-suu-tap-camera-tv-hiem-co-o-viet-nam-4133984.html

Duy trì thói quen du lịch trong dịch Covid-19

Dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng các tín đồ du lịch vẫn có thể hâm nóng đam mê xê dịch bằng một vài lựa chọn dưới đây:

Dã ngoại cùng người thân

Một chuyến dã ngoại đến nơi thiên nhiên hoang sơ cùng người thân, bạn bè có thể giúp bạn thỏa mãn đam mê dịch chuyển mà vẫn bảo đảm an toàn. Hãy tự tay chuẩn bị đồ ăn với những món đơn giản, thậm chí mang theo bếp nướng BBQ để có những giây phút quây quần bên gia đình, bạn bè. Không cần phải đi quá xa, bạn chỉ cần đến một vùng quê hay khu vực có bãi cỏ rộng, vườn cây xanh mát là đã có chuyến dã ngoại thoải mái, vui vẻ.

Tham gia tour du lịch ảo

Chỉ với một chiếc máy tính hay thiết bị chuyên dụng, bạn có thể du lịch khắp thế giới thông qua các nền tảng ứng dụng như: Công nghệ ảnh 360 độ Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) hay Công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality). Những công nghệ này giúp bạn trải nghiệm, khám phá các địa danh nổi tiếng như thể bạn đang có mặt tại nơi ấy.

Lập blog du lịch

Từng đặt chân đến nhiều vùng đất, bạn tích lũy được hiểu biết về văn hóa và phong cảnh ở những nơi đó. Đấy chính là “vốn liếng” để bạn tự lập một blog du lịch riêng cho mình – nơi lưu giữ kỷ niệm và chia sẻ những cảm xúc, kinh nghiệm trong các chuyến đi với bạn bè. Những thông tin này sẽ giúp người đi sau biết phải chuẩn bị những gì, tránh rủi ro không đáng có.

Sắp xếp lại ảnh

Ở mỗi chuyến đi, bạn thường chụp nhiều ảnh; việc xóa bớt ảnh không cần thiết giúp bạn có thêm chỗ trống để lưu ảnh mới. Hãy sao lưu lại ảnh trên các thiết bị và sắp xếp một cách khoa học để có thể dễ dàng tìm thấy khi cần. Việc sắp xếp ảnh còn là dịp để bạn nhớ lại những chuyến đi với bao điều thú vị.

Nguồn: Mỹ Hạnh/hanoimoi.com.vn

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/975023/duy-tri-thoi-quen-du-lich-trong-dich-covid-19

Tạp chí Mỹ công bố những địa điểm ngoạn mục nhất thế giới, Việt Nam góp mặt 1 địa danh

Danh thắng này ở Việt Nam gây choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ hoàn toàn tự nhiên.
Hành tinh của chúng ta chứa đựng những vẻ đẹp có thể khiến tất cả không thể tin nổi. Từ những địa điểm khảo cổ cổ xưa đến kỳ quan tự nhiên như hẻm núi và vách đá, gần như mọi nơi trên thế giới đều có
những điểm đặc biệt. Hy Lạp là quê hương của những bãi biển cát hồng bình dị, ruộng muối Salar de Uyuni ở Bolivia thì mang đến khung cảnh ảo ảnh quang học tuyệt đẹp và mặt nước trong xanh của hồ Moraine ở Canada chứng minh chẳng còn gì hoàn hảo hơn thế.

Tạp chí Insider của Mỹ đã liệt kê những điểm đến ngoạn mục nhất thế giới, trong đó bất ngờ có 1 bức ảnh đến từ Việt Nam.

Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng UNESCO chính là điểm đến được nhắc tới trong bài viết của tạp chí này. Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO với khung cảnh tuyệt đẹp của thác nước, hồ và các loài thực vật đa dạng.

Đến đây, các bạn có thể tham quan nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế như hang Pác Bó, suối Lê Nin, thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít… Ngoài ra còn nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cùng hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác.

Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh tuyệt đẹp đến từ những đất nước khác cũng được Insider ca ngợi.

Vườn quốc gia Los Glaciares (Aghentina)

Công viên quốc gia Los Glaciares được đặt tên cho các sông băng bao phủ gần một nửa. Các sông băng nổi bật phản chiếu lên Hồ Argentino, tạo ra một hình ảnh đẹp như gương.

Rạn san hô Great Barrier (Úc)

Rạn san hô Great Barrier được cho là một trong những hệ sinh thái dưới nước nổi tiếng nhất thế giới. Nơi đây có phong cảnh đa dạng, là ngôi nhà của khoảng 1.500 loài cá và 400 loại động vật thân mềm.

Ruộng muối Salar de Uyuni (Bolivia)

Salar de Uyuni là ruộng muối lớn nhất thế giới - theo National Geographic. Mặt đất phủ đầy muối thường tạo ra những hiệu ứng giống như gương.

Hồ Moraine ở Alberta (Canada)

Làn nước trong xanh và cảnh quan đầy núi của hồ Moraine ở Công viên quốc gia Banff không gì khác ngoài 2 từ “ngoạn mục”.

Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến tận thế kỷ 17 sau Công nguyên, và đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của Trung Quốc - đại diện cho văn hóa và nền văn minh cổ đại của đất nước này.

Lâu đài Neuschwanstein (Đức)

Cung điện ngoạn mục này là một trong 7 kỳ quan thế giới, và nó cũng được cho là đã truyền cảm hứng cho Lâu đài trong truyện cổ tích Người đẹp ngủ trong rừng của Disney - theo Travel Leisure.

 

Theo H.M/phunuvietnam.vn

https://phunuvietnam.vn/tap-chi-my-cong-bo-nhung-dia-diem-ngoan-muc-nhat-the-gioi-viet-nam-gop-mat-1-dia-danh-51202023716504345.htm

'Nhật ký thời chiến' - Di sản quý các Anh hùng để lại cho thế hệ sau

Những dòng nhật ký trong trẻo, đầy ước vọng về một cuộc sống thanh bình. Những lời thề quyết tâm thắng quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương xen lẫn tự hào… những trang viết riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở của thời đại ấy lần đầu tiên đứng chung trong một bộ sách có tên "Nhật ký thời chiến Việt Nam". 

Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” của nhiều tác giả. Ảnh: NVCC

Những trang viết đầy máu lửa chiến trường

Chắc hẳn nhiều bạn đọc trong và ngoài nước vẫn chưa quên câu chuyện về cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" của Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Hai cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng.  

Tuy nhiên, với một đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh như Việt Nam không chỉ có 2 tác phẩm ấy, còn có hàng ngàn cuốn nhật ký khác cũng đầy máu lửa chiến trường, được viết bởi những người lính trên khắp các mặt trận. Mỗi cuốn nhật ký sẽ là những câu chuyện đời, những câu chuyện về cuộc chiến tranh, về tuổi trẻ…  

Lần đầu tiên, những dòng nhật ký ấy được tập hợp, tuyển chọn để đưa vào in trong một bộ sách có tên "Nhật ký thời chiến Việt Nam". Cùng với 2 cuốn nhật ký lừng danh "Mãi mãi tuổi 20" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm",  bộ sách còn giới thiệu những cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác như: "Gửi lại mai sau" của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sỹ Công an nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn). Hay những trang viết của các văn nghệ sỹ nổi tiếng như "Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý; "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong; Nhật ký "Vượt Trường Sơn" của Phạm Quang Nghị; "Những ngày trong vòng vây" của Trần Mai Hạnh; bộ ba "Nhật ký Bê trọc" của Phạm Việt Long và "Nhật ký đi B" của Triệu Bôn…

Bên cạnh đó, trong bộ sách này, bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký "Trở về trong giấc mơ" của Trần Minh Tiến – chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô văn công xung kích xứ Hà Đông xưa; hoặc nhật ký "Tài hoa ra trận" đầy chất văn chương lãng mạn của chàng họa sỹ Hoàng Thượng Lân (bạn cùng lứa của 2 họa sỹ nổi tiếng là họa sỹ Thành Chương và họa sỹ Lê Trí Dũng)…

Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam cũng tập hợp hầu hết đại diện các quân binh chủng: "Mãi mãi tuổi 20" đại diện cho thế hệ lính sinh viên nhập ngũ 6/9/71 tại chiến trường Quảng Trị; nhật ký "Gửi lại mai sau" của Nguyễn Hải Trường – đại diện cho thế hệ những chiến sỹ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên; nhật ký "Trời xanh không biên giới" của Đặng Sỹ Ngọc là của lực lượng Pháo Cao xạ ở chiến trường Khu 4 cũ; nhật ký "Bão lửa cầu vồng" của Nguyễn Văn Thân là của lực lượng Pháo binh mặt đất; còn "Nhật ký Hoàng Công Sơn" đại diện cho binh chủng Đặc công; nhật ký "Tây tiến viễn chinh" đại diện cho thế hệ các chiến sỹ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thập niên 80…

Khi đọc "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong, nhật ký "Những ngày trong vòng vây" của Trần Mai Hạnh, "Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý, "Nhật ký Bê trọc" của Phạm Việt Long, hay "Nhật ký đi B" của Triệu Bôn…, bạn đọc sẽ thấy các tác giả giống nhau ở một điểm: Họ đều là những phóng viên chiến trường, nhật ký đều được viết trong nửa cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 tại chiến trường miền Nam. Mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi. Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn như nóng hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.

Còn nhật ký "Tây tiến viễn chinh" của Trần Duy Chiến, được viết đầu thập niên 80 tại chiến trường Campuchia, bạn đọc sẽ thấy tác giả viết rất nhiều về những "thói hư tật xấu" trong sinh hoạt của người Tiểu đội trưởng và những đồng đội trong đơn vị. Điều bi tráng là sau chiến tranh, hầu hết các nhân vật nhiều "thói hư tật xấu" đó và kể cả tác giả đều hy sinh…

Theo nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, Chủ biên bộ sách, dù sự xuất hiện của các tác giả có khác nhau về tuổi tác, trình độ văn hóa và những trang ghi chép khác nhau về chiến trường, về thời gian… nhưng các trang nhật ký trong bộ sách này đều giống nhau ở một điểm chung: Đó là những tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước.

Trong bộ sách này, bạn đọc sẽ gặp những dòng nhật ký như những lời thơ ngân vang, trong trẻo, đầy thiết tha ước vọng về một cuộc sống thanh bình; những lời dặn dò như những lời di chúc, những lời thề quyết tâm thắng quân xâm lược, những lời hứa bảo toàn danh dự của những người con yêu quý của Tổ quốc trong cảnh đất nước có chiến tranh, những niềm thương yêu cháy bỏng, những nỗi nhớ thương da diết, khắc khoải, những bồn chồn lo âu, mong đợi… Bạn đọc cũng sẽ được biết những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương xen lẫn tự hào trong những trang viết riêng tư, nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở của thời đại.

Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày từng tháng của các văn nghệ sỹ, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống và cái chết cận kề bên nhau và hầu như không có ranh giới. Họ thật sự là những người con của Tổ quốc, của dân tộc trong những ngày đạn bom, máu lửa, với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, đất nước và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cảnh.

Di sản tư liệu cho mai sau

Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, Chủ biên bộ sách chia sẻ, là một nhà văn, đồng thời cũng là một người lính đã từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, ông hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hy sinh, mất mát. Nghề làm báo đã giúp ông đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện, nhân chứng và sưu tầm tư liệu... công việc viết văn đã giúp ông "ngộ" ra một điều: Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến những thông tin, tư liệu cực kỳ quý báu. Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn...  

Và ý tưởng làm một bộ sách tư liệu về chiến tranh qua những trang nhật ký được viết trong thời chiến đã hình thành như thế. Tháng 12/2004, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách "Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam" được Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" phát động với sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo công chúng. Các tác phẩm: "Mãi mãi tuổi hai mươi", "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Sống để yêu thương và dâng hiến", "Gửi lại mai sau", "Tài hoa ra trận", "Nhật ký Vũ Xuân", "Trở về trong giấc mơ", "Tây tiến viễn chinh"... chính là kết quả của cuộc phát động này. 

Sau 16 năm kể từ khi phát động (2004 - 2020), năm 2020, bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" và Câu lạc bộ "Trái tim người lính" tổ chức thực hiện đã được xuất bản. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, với hơn 30 tác phẩm của hơn 30 tác giả.

"Điều đặc biệt là 2/3 trong số các tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) được thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển lại, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình gửi đến với hy vọng: Sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ liệt sỹ, hoặc thông tin mất tích của người thân..." - Nhà văn Đặng Vương Hưng ngậm ngùi chia sẻ.

Đánh giá về bộ sách, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi) khẳng định, không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề, tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ, sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Bộ sách mang một giá trị lớn lao ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn, làm lên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước".  

Trung tướng Tiến sỹ khoa học quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân  Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Chủ tịch Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" cho rằng, bộ sách là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" như một tượng đài Di sản phi vật thể được các Anh hùng - Liệt sỹ, các cựu chiến binh để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau…

Chính vì vậy, việc tập hợp được những cuốn nhật ký đó lại, biên soạn và in ấn thành một bộ sách đó là một việc làm vất vả, khó khăn, nhưng đầy ý nghĩa mà Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", nhóm tác giả và gia đình, thân nhân của các thương binh, liệt sỹ, các cựu chiến binh… đã làm. Những trang nhật ký thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt ấy sẽ là những di sản quý giá mà lớp lớp thế hệ sau cần gìn giữ, trân quý.

Nguồn: Phương Lan (TTXVN)

https://baotintuc.vn/van-hoa/nhat-ky-thoi-chiendi-san-quy-cacanh-hung-de-lai-cho-the-he-sau-20200725093237342.htm

Bill Gates nói về cuốn sách Biến động

Nói về cuốn sách “Biến Động - các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào”, Bill Gates cho biết: “Tôi mê mệt mọi thứ Jared Diamond viết ra, và cuốn sách này không là ngoại lệ. Ông ấy chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua biến cố và chúng ta có thể lựa chọn đi theo nó”.

Câu chuyện các quốc gia đã đối mặt với những biến cố lớn

“Biến Động - các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào” (tên tiếng Anh: “Upheaval: Turning Points for Nations in Crisis”) là tác phẩm mới nhất của tác giả nổi tiếng Jared Diamond, vừa được phát hành trên thế giới năm 2019 và nay ra mắt tại Việt Nam.

Jared Diamond (10/9/1937) là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm: Súng, Vi trùng và Thép; Sụp đổ; Thế giới cho đến ngày hôm qua; Loài tinh tinh thứ 3;... Tuy theo học và có bằng tiến sĩ về sinh lý học, nhưng kiến thức của ông bao trùm hầu như mọi ngành, từ kiến trúc, ngôn ngữ, khảo cổ, đến động vật học, y học.

Ông cũng không phải là một học giả “tháp ngà” khi từng chu du khắp châu lục, thậm chí sống nhiều năm ở những nơi “tận cùng thế giới” (như đảo New Guinea, đảo Phục Sinh). Ông cũng được xếp vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.

Trong tác phẩm mới nhất vừa ra mắt - Biến Động, Jared Diamond kể cho chúng ta câu chuyện các quốc gia đã đối mặt với những biến cố lớn trong quá khứ và vượt qua để hồi phục thành công như thế nào.

Cuốn sách này là một nghiên cứu so sánh, trần thuật, khảo sát những biến cố và thay đổi có chọn lọc vận hành trên nhiều thập niên ở 7 quốc gia tiên tiến mà ông từng lui tới nhiều lần cũng như sống ở 6 nước trong nhiều thời kỳ dài, từ cách đây 70 năm. Năm quốc gia là những nước công nghiệp hóa giàu có, một nước tương đối giàu có và chỉ một nước là quốc gia kém phát triển. Không có nước nào ở châu Phi, hai ở châu Âu, hai ở châu Á, ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ mỗi nơi có một nước, và Úc. Những quốc gia này là Phần Lan, Nhật Bản, Chile, Indonesia, Đức, Úc và Mỹ.

Trước tiên, chương đầu (chương 1) ông xem xét bàn về khoảng một tá nhân tố tác động đến khả năng xử lý thành công một biến cố cá nhân. Từ những yếu tố đó tìm tòi những nhân tố tương đương tác động đến các hệ quả của biến cố quốc gia.

Sau đó là ba cặp chương (chương 2 đến chương 7), mỗi cặp chương nói về một loại biến cố quốc gia khác nhau. Cặp đầu tiên đề cập các biến cố ở hai quốc gia (Phần Lan và Nhật Bản) bùng phát thành một biến động bất ngờ, từ cú sốc do các quốc gia khác gây ra. Cặp thứ hai cũng đề cập các biến cố bùng phát bất ngờ, nhưng do những bùng nổ nội tại (ở Chile và Indonesia). Cặp cuối mô tả những biến cố không bùng phát đột ngột, thay vào đó chúng dần lộ diện (ở Đức và Úc), đặc biệt do những áp lực gây ra từ Thế chiến II.

Cặp đầu tiên: Biến cố ở Phần Lan bùng phát từ cuộc xung đột của Liên Xô với Phần Lan ngày 30/11/1939. Từ hệ quả của Cuộc chiến Mùa đông, Phần Lan bị tất cả đồng minh tiềm năng bỏ rơi và phải gánh chịu mất mát lớn lao, tuy vậy lại thành công khi giữ được nền độc lập. Còn Nhật Bản, vốn dĩ theo đuổi chính sách cô lập lâu dài (bế quan tỏa cảng) với thế giới bên ngoài, chính sách này chấm dứt ngày 8/7/1853 khi một đội tàu chiến Mỹ tiến vào Vịnh Tokyo đòi ký một hiệp ước và quyền lợi cho tàu bè và thủy thủ Mỹ.

Kết quả cuối cùng là sự đoạn tuyệt với hệ thống chính quyền trước đó của nước Nhật, theo đó là một chương trình cải cách có ý thức nhằm tạo ra thay đổi rộng lớn và mạnh mẽ, cùng một chương trình gìn giữ những bản sắc truyền thống đã giúp nước Nhật ngày nay trở thành một quốc gia công nghiệp hóa giàu mạnh nổi trội nhất.

Cặp thứ hai: Chile, biến cố là những bùng phát nội bộ nổ ra từ sự thất bại của một thỏa hiệp giữa những công dân trong nước. Sau nhiều năm bế tắc về mặt chính trị, năm 1973, chính phủ dân chủ được bầu lên ở Chile do Tổng thống Allende lãnh đạo bị lật đổ bởi một vụ đảo chính đẫm máu của quân đội do tướng Pinochet chủ xướng, lên nắm quyền lực độc tài trong suốt gần 17 năm.

Ngày nay, Chile lại một lần nữa trở thành một đất nước dân chủ ngoại lệ ở Nam Mỹ, nhưng được thay đổi có chọn lọc, kết hợp một số mô hình của Allende và Pinochet. Indonesia cũng là sự thất bại của thỏa hiệp chính trị trong nhân dân gây ra bùng phát nội bộ thành một vụ đảo chính xảy ra vào năm 1965.

Hậu quả của vụ này trái ngược với cuộc đảo chính ở Chile: cuộc phản đảo chính dẫn đến việc thảm sát phe nhóm được cho là ủng hộ vụ đảo chính. Indonesia đứng ở vị thế ngược hẳn so với những nước được đề cập trong cuốn sách này: đây là đất nước nghèo đói, ít công nghiệp hóa và Tây phương hóa nhất; đồng thời lại có căn tính quốc gia non trẻ nhất, chỉ mới gắn kết trong thời gian 40 năm tác giả làm việc ở đó.

Cặp thứ ba: Nước Đức hậu Thế chiến II đối mặt đồng thời với những vấn đề di sản của thời kỳ Phát xít, với những bất đồng về tổ chức trật tự xã hội và tổn thương về việc phân chia thể chế chính trị giữa Tây Đức và Đông Đức. Tác giả đã đối chiếu những đặc trưng nổi bật về xử lý biến cố ở nước Đức thời hậu chiến bao gồm những xung đột bạo lực khác thường giữa các thế hệ, những ràng buộc mạnh mẽ về địa chính trị, và tiến trình hòa giải với các nước từng là nạn nhân của những hành động tàn bạo thời chiến của nước Đức.

Nước Úc lại phải đối mặt với một biến cố về căn tính, do căn tính da trắng và căn tính Anh ngày càng mâu thuẫn với vị trí địa lý của Úc, các nhu cầu về chính sách đối ngoại, chiến lược quốc phòng, kinh tế và cấu tạo dân số. Ngày nay, thương mại và chính trị Úc đều hướng đến châu Á, đường phố và khuôn viên đại học đầy người châu Á, và những cử tri Úc chỉ bị thua sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm không công nhận Nữ hoàng Anh là người đứng đầu quốc gia Úc.

Tuy nhiên, cũng như ở Nhật Bản thời Minh Trị và Phần Lan, những thay đổi đó đều có chọn lọc: Úc vẫn theo thể chế dân chủ nghị viện, ngôn ngữ quốc gia vẫn là tiếng Anh, và đa số người Úc vẫn có tổ tiên là người Anh.

Bốn chương cuối mô tả những biến cố trong hiện tại và tương lai mà những kết quả vẫn còn là một ẩn số. Bắt đầu phần này với nước Nhật (chương 8); Nước Nhật ngày nay đang đối mặt với nhiều vấn đề cơ bản, một số đã được người dân và chính quyền Nhật nhận biết rộng rãi, nhưng số khác thì người Nhật chưa nhận thấy hoặc thậm chí còn phủ nhận. Tiếp sau đó liên quan đến Mỹ (chương 9 và chương 10), ông xác định ra bốn biến cố đang ngày càng gia tăng có khả năng xói mòn nền dân chủ và sức mạnh Mỹ chỉ trong thập niên tới, như từng xảy ra ở Chile.

Và cuối cùng là phạm vi toàn thế giới (chương 11); tác giả tập trung vào 4 vấn đề mà dường như có khuynh hướng đã diễn ra, mà nếu chúng tiếp diễn sẽ hủy hoại mức sống trên toàn cầu trong vòng vài thập niên tới.

Cuốn sách kết lại với phần lời bạt sau khi xem xét những nghiên cứu về 7 quốc gia và cả thế giới dưới 12 yếu tố mà ông đưa ra. Và đặt ra câu hỏi xem liệu những quốc gia có cần đến biến cố để tái sinh đất nước thông qua những cơ hội lớn lao? Liệu các nhà lãnh đạo có những quyết định làm thay đổi lịch sử hay không?

Đề xuất các bài học thực tiễn

Tác giả cuốn sách cũng đề xuất phương hướng cho những nghiên cứu trong tương lai, và đưa ra các kiểu bài học mang tính thực tiễn từ việc khảo sát lịch sử, với quan niệm rằng: “Nếu người dân, hoặc ngay cả những nhà lãnh đạo của họ, chọn hồi nhớ về các biến cố trong quá khứ, họ sẽ hiểu được quá khứ có thể giúp chúng ta xử lý các biến cố ở hiện tại cũng như trong tương lai.”

Kết hợp những kiến thức tuyệt vời về lịch sử, địa lý, kinh tế, nhân chủng học và cả tâm lý, Biến Động của Jared Diamond là một cuốn sách mang tính sử thi, cấp tiến và đột phá. Dù ở cấp độ cá nhân hay quốc gia, thậm chí toàn cầu, chúng ta đều có thể học được cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất với các biến cố từ những nghiên cứu trong cuốn sách này.

Nói về cuốn sách, Bill Gates cho biết: “Tôi mê mệt mọi thứ Jared Diamond viết ra, và cuốn sách này không là ngoại lệ. Ông ấy chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua biến cố và chúng ta có thể lựa chọn đi theo nó”.

Trong khi đó, Michael Shermer - người sáng lập The Skeptics Society và tổng biên tập của tạp chí Skeptic, tác giả Heavens on Earth chia sẻ: “Jared Diamond là một trong các nhà tư tưởng sâu sắc nhất, một trong số cây bút uy tín nhất thời đại của chúng ta - nếu không muốn nói là mọi thời đại. Biến động là minh chứng cho khả năng tiên đoán của ông ấy thông qua việc phân tích những biến cố lịch sử tại mỗi quốc gia vào thời điểm cả thế giới bất ổn.

Đây cũng là tác phẩm mang đậm tính cá nhân của Diamond với việc ông chia sẻ về chính những biến cố bản thân đã trải qua, có nét tương đồng với các quốc gia đã và đang gặp biến động, từ đó rút ra bài học về việc quản trị trong cơn khủng hoảng cho thế giới ngày nay và tương lai. Chưa một nhà khoa học nào thắng giải Nobel Văn học, và Jared Diamond xứng đáng là người đầu tiên.”

ND

Festival Huế 2020 mở cửa miễn phí cho người dân và du khách

Festival Huế 2020 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế luôn luôn mới” sẽ được mở cửa miễn phí cho người dân và du khách.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó ban tổ chức Festival 2020 cho biết, điểm khác biệt của Festival Huế 2020 so với mọi năm đó sẽ là một festival hoàn toàn mở cửa miễn phí. Ban tổ chức sẽ đưa hết sân khấu biểu diễn ở Đại Nội ra các sân khấu ngoài trời để người dân và du khách thưởng thức.

Fesival Huế 2020 là lễ hội mở miễn phí cho người dân và du khách.

Đêm 31/8, chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được tổ chức ở công viên Trịnh Công Sơn. Đây là chương trình hoành tráng, đầu tư lớn hứa hẹn sẽ là điểm nhấn của lễ hội. Cũng trong đêm này tại sân khấu Ngọ Môn có chương trình bolero của nhóm Quang Lê, Phi Nhung, Ngọc Sơn, Cẩm Ly.

Đêm bế mạc Festival Huế 2020 dự kiến được truyền hình trực tiếp. Ban tổ chức Festival đang làm việc với các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể.

“Việc tổ chức Festival năm nay sẽ tuân thủ các quy định về an toàn. “Nếu dịch xuất hiện trong cộng đồng thì chắc chắn việc tập trung đông người là không thể xảy ra. Trong trường hợp có nguy cơ dịch bùng phát thì chương trình Festival 2020 buộc phải hủy”, ông Đạt nói về những lo ngại do dịch Covid-19.

Festival Huế là sự kiện lớn nhất sau dịch cho đến cuối năm ở Việt Nam. Trước đó, nhiều lễ hội lớn ở các địa phương đã phải hủy do tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch Covid-19.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Festival Huế 2020 được dời từ tháng 4 sang cuối tháng 8, thức tế đó đã buộc ban tổ chức phải thay đổi chương trình khi hầu hết các đoàn nghệ thuật quốc tế không thể tham dự. Trong số các đoàn quốc tế đã đăng kí tham dự lễ hội, chỉ có Pháp và Tây Ban Nha có khả năng góp mặt.

Nguồn: Nguyễn Hiền/giadinhvietnam.com

https://giadinhvietnam.com/festival-hue-2020-mo-cua-mien-phi-cho-nguoi-dan-va-du-khach-d159282.html

Vườn quốc gia Việt Nam trên báo Mỹ

Phóng viên Stephen Nash của tờ New York Times tìm hiểu vẻ đẹp của các loài voọc, gấu, rùa tại vườn quốc gia Cúc Phương và Tam Đảo.

Trong chuyến đi dài ngày đến Việt Nam, Stephen Nash có cơ hội ngắm nhìn phong cảnh rừng nhiệt đới ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S. Anh thực hiện bài viết “Vietnam’s Empty Forests” (Những khu rừng trống ở Việt Nam) đăng tải kèm những bức ảnh của nhiếp ảnh gia David Rama Terrazas Morales. Theo bài viết, ở Việt Nam có hàng trăm loài thực vật, động vật mới được phát hiện trong ba thập kỷ qua. Trong ảnh là phong cảnh rừng quốc gia Cúc Phương nhìn Hang Múa, Tam Cốc, Ninh Bình. Đứng ở đây tác giả còn nhìn thấy hàng trăm con vạc và cò.

Các khu rừng Việt Nam che chở hàng chục loài linh trưởng - vượn, khỉ và voọc. Nhiều loài có bộ lông sặc sỡ, tương phản, mang đặc trưng của linh trưởng vùng nhiệt đới. Trong ảnh là một con voọc chân nâu ở Cúc Phương với bộ lông đen và khuôn mặt sinh động như thổ dân sau khi khóa trang.

Một gia đình voọc vui đùa tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở vườn quốc gia Cúc Phương. Loài voọc đang được các chuyên gia chăm sóc, bảo vệ vì chúng có nguy cơ tuyệt chủng do săn bắt trái phép.

Vườn quốc gia Cúc Phương còn có khu bảo tồn và chăm sóc các loài rùa quý. Trong ảnh là một con rùa tai đỏ đang được các chuyên gia chăm sóc.

Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, nằm ở phía nam của Hà Nội. Thành lập năm 1962, rừng Cúc Phương được bảo tồn nguyên vẹn, có nhiều loại động, thực vật quý hiếm. "Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết cách bảo tồn và quản lý nó tốt, nó sẽ rất có giá trị", Stephen Nash viết.

Cách Cúc Phương không xa là chùa Bích Động, Tam Cốc, nơi sinh sống của rất nhiều loài chim. Vào mùa hè, những đàn cò, vạc sẽ kéo về đây làm tổ.

Trong thời gian ở Việt Nam, Stephen Nash còn đến thăm vườn quốc gia Tam Đảo. Đường vào rừng khá khó đi song khung cảnh hoang sơ, yên tĩnh, quanh năm mây mù bao phủ sẽ hấp dẫn những người yêu thích khám phá.

hu bảo tồn gấu do Quỹ Động vật châu Á quản lý nằm trong thung lũng Tam Đảo. Ở đây có nhiều loài gấu được nuôi dưỡng và chăm sóc. Cũng có những con gấu mất chân, tay được giải cứu từ các trang trại kinh doanh mật gấu trái phép. Nếu không được cứu, chúng sẽ bị nuôi nhốt, lấy mật định kỳ cho đến chết. Trong ảnh là Murphy là một con gấu chó đực có đôi mắt buồn bã.

Nguồn: Nha Trang (Theo New York Times)/vnexpress.net

Ảnh: David Rama Terrazas Morales

https://vnexpress.net/vuon-quoc-gia-viet-nam-tren-bao-my-4126659.html

Life & English: Online courses are rising

In today’s world, an University or College degree is often the key to success. More people are enrolling in online degree programs instead of attending traditional colleges and universities, and you can find these programs with an online search. Thanks to today’s technology, online courses have become incredibly common. You can take an online course at a wide range of colleges, universities, and even vocational schools. Students can enroll in online courses in combination with traditional on-campus classes or as part of an online-only program.

To join online courses, you’ll just need a computer and internet access. These courses are incredibly flexible. As long as you can get online, you can study from anywhere. You can learn in your local library, favorite coffee shop, or right at home. And when you take online college courses, you’ll essentially join a virtual classroom. You’ll have access to online discussion boards where you can communicate with your classmates, see posted assignments, and can join in on lectures and group sessions via video chat.

Online degree programs vary in length. Each college or university determines how many credits or courses students need to complete in order to earn their degrees. The length of an online degree program also depends on which type of degree you’re earning. You can earn an associate’s, bachelor’s, or graduate degree online, and each will take anywhere from a few months to a number of years, depending on your education history, the program you choose, and the school.

One of the biggest benefits of choosing an online degree program is the cost. As the cost of tuition at traditional colleges and universities rises every year, it’s becoming increasingly expensive to attend a school and earn a degree. But online degree programs aren’t seeing this same problem. Because students don’t need to live on campus, use campus resources, or face expenses like commuting costs or even on-campus fees, the overall cost of an online degree can be cheaper. Online degree programs allow you to save money, help you save hundreds to thousands of dollars on your commute, room and board, textbooks, and other common college expenses.

Online courses are rising. They are expected to continue increasing in popularity.

QM

Báo Mỹ giới thiệu cảnh đẹp và con người Quảng Bình

Patrick Scott, phóng viên tờ The New York Times đã có dịp tới Phong Nha, Quảng Bình, và chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ trong thời gian ở Việt Nam.

Sau hành trình khám phá thiên nhiên và con người ở Quảng Bình, Patrick Scott đánh giá vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những điểm đến du lịch mạo hiểm hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, anh ấn tượng với động Thiên Đường bởi lối đi bộ dài và những khối đá vôi tự nhiên tuyệt đẹp.

Patrick Scott đã nhiều lần tới Phong Nha để du lịch. Nằm ở vùng đất hẹp nhất Việt Nam, khu vực này sở hữu cảnh quan quyến rũ, nguyên sơ với hệ thống suối, sông ngoằn ngoèo bao quanh những đỉnh núi đá vôi. Tới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách có thể tham gia trải nghiệm bơi dưới đáy thác hoặc đi bộ trong rừng rậm.

Những ngày lưu lại Quảng Bình, phóng viên The New York Times dành nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Dù du lịch phát triển, khác với Sa Pa, vịnh Hạ Long, nơi đây dường như không xuất hiện tình trạng đô thị hóa.

Để tới thị trấn Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình, Patrick Scott chia sẻ 3 cách, đáp chuyến bay từ thành phố biển Đồng Hới (Quảng Bình), đi xe buýt từ Huế, Hội An (Quảng Nam) hoặc mua vé tàu từ Đà Nẵng... Du khách có thể dạo bộ, đi xe đạp hoặc thuê xe máy để bắt đầu hành trình cảm nhận cuộc sống bình yên và thưởng thức các món ăn địa phương.

Người dân đã chuyển đổi trang trại chăn nuôi thành địa điểm vui chơi cho du khách với các hoạt động trải nghiệm thú vị. Patrick Scott đã tới tham quan trang trại vịt. Nơi đây thu hút nhiều du khách nước ngoài ghé thăm để cho ăn và chụp ảnh cùng đàn vịt trắng. Ngoài ra, cưỡi trâu cũng là hoạt động yêu thích của khách quốc tế khi tới Quảng Bình.

Đối với các chuyến tham quan hang động, Patrick Scott đã tới động Phong Nha bằng thuyền với giá khoảng 8 USD, dạo chơi ở hang Thiên đường với giá khoảng 11 USD và bơi tại Hang Tối. Anh cũng đặt các chuyến du ngoạn leo núi và cắm trại nhiều ngày tại các hang động. Gà nướng với sốt tiêu là món ăn anh ấn tượng nhất ở đây.

Nếu muốn nghỉ dưỡng, du khách có thể lựa chọn lưu trú tại khách sạn sang trọng với những căn phòng rộng rãi, có bể bơi, điểm ngắm hoàng hôn và dịch vụ chèo thuyền kayak... Patrick Scott giới thiệu thời gian lý tưởng cho việc khám phá Phong Nha là từ tháng 3-8. Giữa tháng 9 đến giữa tháng 11, nơi đây thường diễn ra lũ lụt.

Theo Bích Phương (Nguồn: The New York Times) 

https://zingnews.vn/bao-my-gioi-thieu-canh-dep-va-con-nguoi-quang-binh-post1103906.html

Bảo tàng Dân tộc học ưu đãi hè

Bảo tàng miễn phí vé vào cửa cho khách tham quan trong khung giờ từ 11h30 đến 13h30 vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần trong hai tháng.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đưa ra nhiều ưu đãi với các hoạt động đa dạng, nhằm tạo sân chơi vui vẻ, gắn kết các thành viên trong gia đình. Cụ thể, chương trình Hai giờ vàng miễn phí vé vào cửa với tất cả khách tham quan trong 2 tháng (1/7 - 1/9/2020) từ 11h30 đến 13h30 vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. Du khách đến đây được tìm hiểu văn hóa Việt Nam và thế giới tại các không gian trưng bày trong nhà và ngoài trời, khám phá các kiến trúc dân gian độc đáo. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội chơi trò chơi dân gian miễn phí trong không gian rợp cây xanh của Vườn kiến trúc vào các ngày cuối tuần từ 1 - 31/7/2020.

Từ ngày 15/7/2020 đến hết năm nay, vào cuối tuần, nơi đây tổ chức hoạt động Ngày của gia đình. Du khách sẽ khám phá văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á, tham gia tour tìm hiểu về nông cụ của một số dân tộc. Với chi phí 150.000/ người/ ca, du khách được trải nghiệm công việc trong ngày mùa của nhà nông như phơi thóc, quạt thóc, giã gạo, sàng, sẩy; học cách pha nước truyền thống theo kinh nghiệm dân gian; chơi thi gánh lúa qua cầu, làm đồ chơi bằng lá...

Trong dịp nghỉ hè từ ngày 15/7 đến 15/8/2020, bảo tàng tổ chức chương trình Vui hè: Kỳ nghỉ khó quên vào cuối tuần cho trẻ em với chi phí 300.000/ người/ ngày. Các em được làm việc độc lập, làm việc nhóm với chủ đề làm người nông dân, nội trợ để học các kinh nghiệm dân gian, thể hiện khả năng qua đóng vai làm hướng dẫn viên, hoạt náo viên, nghệ nhân dân gian... Ngoài ra còn được học về kỹ năng sinh tồn qua kiến thức dùng thuốc nam trong vườn để chữa bệnh hay cách dùng các nguyên liệu làm nhà của các dân tộc. Một số kỹ năng ứng phó với dịch bệnh như Covid-19 cũng sẽ được chia sẻ qua hoạt động tập thể, trò chơi team building.

"Bảo tàng mong muốn trở thành điểm tham quan hấp dẫn, mong các gia đình, học sinh có thể hình thành thói quen đến tham quan trong dịp hè và cuối tuần. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác giữa Bảo tàng, nhà trường và các công ty du lịch để tạo ra các tour tham quan chất lượng cho học sinh và du khách", chị An Thu Trà, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Công chúng, chia sẻ.

Bảo tàng có chính sách ưu đãi với những nhóm đăng kí trước ít nhất 5 ngày. Với các công ty du lịch, trường học, tổ chức có số lượng khách lớn sẽ được giảm giá và và thiết kế chương trình riêng theo yêu cầu.

Bảo tàng nằm trong khuôn viên rộng gần 4,5 ha, được chia làm ba khu trưng bày chính: Tòa nhà Trống Đồng, Tòa nhà Cánh diều và Vườn kiến trúc. Nơi đây trưng bày các hiện vật về 54 dân tộc Việt Nam, các văn hóa ngoài Việt Nam và 10 ngôi nhà dân gian nguyên mẫu của các dân tộc Việt.

Giờ mở cửa: 8h30 - 17h30 (tất cả các ngày trừ thứ hai hàng tuần và Tết Nguyên Đán). Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội. Giá vé: 40.000 đồng/ người.

Nguồn: Ngân Dương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/bao-tang-dan-toc-hoc-uu-dai-he-4123885.html